13:12 16/07/2024 GMT+7
TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT HỘI LUẬT GIA TỈNH NGHỆ AN ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG NGHỀ NGHIỆP ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG
Là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của giới luật gia thì hoạt động “nghề nghiệp” là nét đặc trưng nổi bật của Hội Luật gia Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động “chính trị, xã hội” với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp chung thì hoạt động “nghề nghiệp” của Hội Luật gia có sự gắn bó với dân mà cầu nối là các Luật gia. Những năm gần đây các Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia trong toàn quốc đã có nhiều hoạt động tích cực, năng động, đóng góp tích cực vào hoạt động chung của Hội

 

 

Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia là đơn vị bổ trợ tư pháp được thành lập theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP. Trung tâm có chức năng nhiệm vụ: Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hoạt động tư vấn mang tính chất xã hội không nhằm mục đích lợi nhuận, thực hiện các hoạt động: Tư vấn pháp luật, cử Luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn giải đáp pháp luật, tư vấn soạn thảo các loại hợp đồng; thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em, các đối tượng chính sách, hộ người nghèo … (Điều 7 – Nghị định 77/2008/NĐ-CP).

Trung tâm tư vấn pháp luật HLG tỉnh Nghệ An sớm được thành lập ngay sau khi Đại hội nhiệm kỳ VII. Trung tâm hình thành với nhân sự ban đầu chỉ là 2 Tư vấn viên pháp luật, kế toán và lực lượng cộng tác viên gồm các Luật gia ở cơ sở (Luật sư, Luật gia các Chi hội). Lãnh đạo Trung tâm do 01 đồng chí Phó Chủ tịch Hội kiêm Giám đốc; kế toán Hội (kiêm kế toán Trung tâm). Trung tâm tư vấn pháp luật là đơn vị cấp II trực thuộc Hội Luật gia tỉnh.

So với cả nước thì Nghệ An là đơn vị thành lập và tổ chức hoạt động Trung tâm Tư vấn pháp luật muộn. Ngay sau khi thành lập, lãnh đạo Trung Tâm đã trực tiếp hoặc liên hệ các đơn vị (HLG Hà Nội; Hải Phòng; Hải Dương; Quảng Nam…) để học hỏi kinh nghiệm và triển khai hoạt động tại Nghệ An. Tuy thành lập sau nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, đến nay Trung tâm có 04 Tư vấn viên pháp luật và đội ngũ cộng tác viên khá đông đảo. Sau gần 6 năm hoạt động Trung tâm Tư vấn pháp luật HLG tỉnh Nghệ An đã đứng vào tốp các Trung tâm hoạt động tích cực trong toàn quốc với các kết quả đạt được năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể là hoạt động truyền thông gắn với tư vấn pháp luật. Nếu như trước đây hoạt động tuyên truyền chỉ thuần túy Báo cáo viên giảng bài, công dân lắng nghe là xong thì nay hoạt động này được đổi mới: Vừa truyền thông vừa tư vấn. Truyền thông xong thì dành quỹ thời gian để tư vấn và trợ giúp pháp lý; đồng thời, tiến hành việc hỏi – đáp làm cho buổi truyền thông trở lên sôi nổi thu hút sự quan tâm người dân. Qua đó nhiều vướng mắc của người dân được tháo gỡ tại chỗ là bài học kinh nghiệm cho những người khác. Tổ chức truyền thông theo mô hình mới này tuy phải đầu tư khá nhiều thời gian công sức của Luật gia, Luật sư là Tư vấn viên pháp luật nhưng hiệu quả đem lại thì tuyệt vời. Với cách làm này Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Nghệ An đã tổ chức được nhiều cuộc truyền thông, tư vấn cho dân về nhiều đạo luật, nhiều lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần giải quyết vướng mắc và làm “yên dân” ở cơ sở.

- Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Nghệ An coi trọng công tác truyền thông về lao động, việc làm cho các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó ưu tiên người nhiễm HIV và phụ nữ. Năm 2021 trong điều kiện dịch Covid hoành hành nhưng các Tư vấn viên, Cộng tác viên pháp luật vẫn ngày đêm tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật cho nhân dân và đối tượng ưu tiên nêu trên. Với quy định ngặt nghèo phòng chống dịch Covid, hoạt động truyền thông phải tách thành nhóm nhỏ (25-20 người) và chọn thời điểm thích hợp (với người lao động nghèo thì tổ chức vào ban đêm 19 - 22 giờ). Hoạt động “tụ tập” đông người phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở. Điểm thuận lợi là chính quyền xã, phường rất ủng hộ nên đã bố trí giờ giấc, hội trường khá chu đáo, nhiều đơn vị tổ chức ban đêm nhưng người dân đến dự đông đủ. Có hôm lên lịch với xã, phường xong thì xã có người bị nhiễm Covid thế là đoàn lại phải về. Các đơn vị trong thành phố phối hợp tốt là phường Lê Lợi, Trung Đô, Quán Bàu,… Đặc biệt tại phường Lê Lợi (thành phố Vinh), Trung tâm còn phối hợp tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2021). Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và các Đoàn thể tham gia đủ; số người dân cũng tham gia kín Hội trường. Qua chất vấn của người dân và tư vấn của Luật gia, nhiều vướng mắc pháp lý được tháo gỡ ngay từ cơ sở. Cũng hôm đó, sau hỏi đáp về việc chậm trả chế độ hỗ trợ Covid, đồng chí Bí thư Đảng ủy phường tiếp thu và chỉ đạo “2 ngày hôm sau sẽ trả chế độ liên quan cho người dân”; các vướng mắc đất đai nêu ra cũng được tháo gỡ, nhiều người dân vui mừng phấn khởi.

Các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý về đất đai cũng được triển khai thực hiện. Đối tượng ưu tiên là phụ nữ, người nghèo, người yếu thế, cận nghèo, các đối tượng chính sách… Bởi đất đai là lĩnh vực phức tạp nên các cuộc truyền thông này được người dân quan tâm đặc biệt. Bên cạnh các đối tượng trong diện tham gia thì nhiều người dân khác cũng đến dự chật kín. Các chất vấn, hỏi đáp nhiều, có những tình huống cùng với trả lời của Luật gia là chỉ đạo từ chính quyền cơ sở trong tháo gỡ vướng mắc, nhiều câu hỏi khá hóc búa các Luật gia phải hội ý thống nhất chọn phương án giải quyết để hướng dẫn công dân; có tình huống Đoàn phối hợp với lãnh đạo chính quyền giải quyết khiến người dân rất hài lòng. Tính đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 29 cuộc với 3.025 người tham dự; 1016 người được tư vấn và trợ giúp pháp lý tại chỗ.

Về hoạt động tư vấn pháp luật cho người sắp mãn hạn tù và người đã chấp hành xong án phạt tù được tiến hành tại trạm gia, các trại tạm giam. Việc truyền thông và tư vấn cho đối tượng này rất thiết thực, giúp cho phạm nhân sau khi mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng với hiểu biết pháp luật được cập nhật hơn, giúp quá trình tái hòa nhập đạt hiệu quả. Đã tổ chức được 8 cuộc với 720 người tham gia, trả lời bằng phiếu tư vấn cho 450 người.

Một lĩnh vực khá mới là chuyển đổi số được Trung tâm rất quan tâm. Đến nay Trung tâm đã số hóa các hoạt động thụ lý sổ sách tư vấn, số hóa hoạt động xây dựng hồ sơ tư vấn… Vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới vừa phúc đáp nhiệm vụ một cách thuận lợi. Hoạt động truyền thông được lãnh đạo Trung tâm phối hợp với đơn vị trực thuộc của Hội Luật gia Việt Nam (Trung tâm y tế Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS) để triển khai dự án “Chuyển đổi số trong truyền thông pháp luật, hỗ trợ pháp lý về y tế, giáo dục, việc làm, thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công cho người lao động phi chính thức, đặc biệt là người nhiễm HIV và người có nguy cơ lây nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em là người thân của họ “được nâng cao nhận thức, tự thực hiện quyền của mình trên địa bàn huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An”. Với các hoạt động như vậy, từ năm 2020 đến 2024, Trung tâm đã phối hợp với HLG Việt Nam và được các đơn vị liên quan tài trợ, hỗ trợ và Trung tâm cũng tích cực tự góp đối ứng để triển khai hoạt động.

Cùng với những hoạt động nêu trên, hoạt động dịch vụ tư vấn pháp luật ngày càng mở rộng, từ việc đề nghị bổ nhiệm thêm Tư vấn viên pháp luật đến bồi dưỡng kỹ năng Tư vấn viên pháp luật về mọi mặt nhằm mở rộng hoạt động tư vấn. Từ chỗ HLG tỉnh với ấn tượng mờ nhạt đến nay công dân tìm đến Trung tâm để tư vấn nhiều hơn, đề nghị Luật sư của Trung tâm tham gia Tố tụng bào chữa nhiều vụ việc. Từ khi kiện toàn đến nay, Tư vấn viên pháp luật đã có thu dịch vụ là 51 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 24, có thu thù lao và tiết kiệm kinh phí bào chữa tố tụng miễn phí cho 2 vụ án; Tư vấn pháp luật thường niên cho 2 doanh nghiệp. Khi mới thành lập Trung tâm không có kinh phí hoạt động, Tư vấn viên ít, điều kiện sinh hoạt khó khăn, đến nay Trung tâm đã tự trả lương cho Tư vấn viên, mua sắm trang thiết bị, máy tính để duy trì các hoạt động.

Việc thành lập và tổ chức hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật là điểm mới, bước đột phá tích cực của HLG tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần vào sự lớn mạnh của HLG tỉnh và đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị “đưa pháp luật vào cuộc sống”. Để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, Trung tâm đang tích cực đầu tư vào hoạt động nghiên cứu xây dựng Đề án để tăng cường Truyền thông, tư vấn pháp luật. Mặt khác đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để triển khai tư vấn miễn phí cho công dân; đồng thời, tăng cường phát huy lực lượng cộng tác viên pháp luật.

Từ thực tiễn hoạt động TTTVPL chúng tôi đề nghị HLG Việt Nam cần có sự chỉ đạo tổng thể, thường xuyên tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm chung, biểu dương các đơn vị làm tốt, chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn; bảo đảm tất cả các HLG trong toàn quốc đều có TTTVPL và tổ chức hoạt động có hiệu quả (Hiện còn 01 tỉnh chưa có TTTV PL; Nhiều Trung tâm được thành lập nhưng không hoạt động…) vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn.

TTTVPL HLG các cấp là lực lượng hoạt động thường xuyên, gắn bó với nhân dân. Thiết nghĩ HLG Việt Nam cần đẩy mạnh vào hoạt động “nghề nghiệp” này để các TTTVPL với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trở thành lực lượng quan trọng là cầu nối với nhân dân.

Hoàng Thị Liên

 

                   

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD