16:13 12/11/2018 GMT+7
Trung Tâm pháp luật cộng đồng – Mô hình xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chị thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, cũng đã chỉ rõ: “Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban bí thư Trung ương Đảng khoá X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, đáp ứng đầy đủ hơn cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật... Huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể xã hội và cá nhân, từng bước thực hiện xã hội hoá công tác này”.

         Quan điểm của Đảng về vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thể chế hóa thành các chế định pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc xã hội hóa hoạt động này. Điều 3 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định: “ Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt….Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Điều 4 Luật PBGDPL quy định: Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL; huy động các nguồn lực xã hội đồng góp cho công tác PBGDPL. Đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL. Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định chính sách của Nhà nước về xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm thu hút các tổ chức xã hội,huy động các nguồn lực vào công tác này. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và là nguyên tắc luật định trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

          Thực tiễn khẳng định xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam không phải là một vấn đề ngẫu hứng, chủ quan, mà là một vấn đề mang tính tất yếu khách quan của đời sống xã hội. Điều này xuất phát từ bản chất nhân văn, nhân đạo mang tính xã hội rộng lớn của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trước yêu cầu  ngày càng cao về tính công khai, minh bạch của chính quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự mở rộng dân chủ, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội cùng với Nhà nước thực hiện các dịch vụ công nói chung trong xu hướng toàn cầu hóa, chủ động hội nhập quốc tế, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang được triển khai mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Quá trình  xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật  nhằm  thu hút, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia cùng với Nhà nước bằng nhiều phương thức và mô hình phong phú, linh hoạt thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. 

Trong những năm qua Hội Luật gia Việt Nam, cũng như nhiều tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác đã tham gia tích cực, có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ cho hội viên, thành viên của tổ chức mình , mà còn góp phần đẩy mạnh xã hội hóa công tác này, đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật của nhân dân.

         Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là từ khi triển khai Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội luật gia Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của địa phương, nhiều mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng đã được hình thành với các tên gọi khác nhau như: “ Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” (Hà Nội), “Trung tâm pháp luật cộng đồng”( Lai Châu, Lào Cai, Long an…), “ Tổ pháp luật cộng đồng”, “Tổ trợ giúp pháp lý” hoặc “Trung tâm pháp luật cộng đồng” ( Hồ Chí Minh), “ Cà phê giao lưu pháp luật” ( Ninh Thuận)…   Mặc dù mô hình này ở mỗi địa phương có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động  khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu thu hút mọi nguồn lực xã hội thực hiện hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, hoạt động hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý góp phần đáp ứng như cầu tìm hiểu và nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Nhiều mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng của Hội Luật gia địa phương hoạt động có hiệu quả, cụ thể như: 

1.  Hội Luật gia Thành phố Hà Nội

Năm 2014 Hội Luật gia thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình: “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở”. Đây là các chi nhánh ở cơ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Hà Nội  thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở.

- Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở là tổ chức tự quản có từ 5 đến 7 người, gồm các thành viên sau: (1) Chi hội luật gia ở xã, phường, thị trấn làm nòng cốt có từ 3 đến 5 luật gia tham gia Tổ và làm Tổ trưởng; (2) Mời đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ xã, phường, thị trấn làm thành viên.

Sau khi thống nhất với các Chi hội luật gia xã, phường, thị trấn, Hội Luật gia các Quận, Huyện, thị xã lập danh sách các thành viên trong tổ gửi về thành Hội. Chủ tịch Hội Luật gia thành phố ra Quyết định thành lập “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở ”. Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật  Hội Luật gia Thành phố Hà Nội công nhận và cấp thẻ cộng tác viên tư vấn pháp luật.

- Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của cấp trên chủ động tổ chức, thực hiện các hoạt động đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở cộng đồng dân cư.

 Đến hết năm 2017, Hội Luật gia Hà Nội đã thành lập được 30 tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở (nơi có Chi hội luật gia xã, phường, thị trấn) với 127 thành viên. Năm 2018 dự kiến phát triển thêm 10 tổ mới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí và các nguồn lực hỗ trợ khác, Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở  đã trực tiếp triển khai nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý  ở cộng đồng dân cư (thôn, khu dân cư, tổ dân phố) giúp cho người dân hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Thực tiễn hoạt động cho thấy, Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ với thành phần chủ yếu là các luật gia sinh hoạt tại Chi Hội Luật gia cơ sở có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo qui định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động linh hoạt phù hợp với diều kiện ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về thời gian và nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp lý. Đồng thời, thu hút được đông đảo hội viên luật gia tham gia vào hoạt động hội, phát huy được tiềm lực chất xám và kinh nghiệm hoạt động của luật gia ở cơ sở, nâng cao vị trí, vai trò của Hội Luật gia trong thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

         2.   Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh

         Trong quá trình triển khai Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016 và từ năm 2017 đến nay, Hội Luật gia các cấp của TP Hồ Chí Minh đã xây dựng thí điểm một số mô hình :

  1. Tổ pháp luật cộng đồng hoặc Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng  

Tại nhiều quận, huyện hình thành Tổ pháp luật cộng đồng ( Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh…)  và có nơi thành lập Tổ tư vấn pháp luật ( Quận 1). Những tổ chức này do Hội Luật gia quận, huyện ra quyết định thành lập hoặc do Ủy ban nhân dân phường ra quyết định thành lập theo đề nghị của Hội luật gia quận.

Thành viên của Tổ pháp luật cộng đồng hoặc Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng là thành viên của các tổ chức như Ủy ban MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… và cán bộ tư pháp, mà nòng cốt là hội viên Chi hội luật gia xã phường, thị trấn. Các Tổ chức này có nhiệm vụ tham gia hoạt động tuyên truyền , phổ biến pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý theo quy định cho nhân dân tại địa bàn .

Tại huyện Bình Chánh , Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định thành lậpTổ trợ giúp pháp lý để tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý liên quan đến việc giải quyết thủ tục hồ sơ, thủ tục hành chính cho các đối tượng theo Luật trợ giúp pháp lý và các đối tượng khác. Tổ chức này được đặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của UBND huyện và UBND một số xã trên địa bàn huyện.

b.  Trung tâm pháp luật cộng đồng

-  Trung tâm pháp luật cộng đồng được thành lập tại Hội Luật gia quận,huyện (nơi chưa có Trung tâm Tư vấn pháp luật) hoặc tại các Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp. Trên cơ sở nguồn nhân lực của Trung tâm tư vấn pháp luật và cán bộ, hội viên các cấp Hội để hình thành đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên, cộng tác viên của Trung tâm; Đồng thời, Trung tâm cũng đã huy động thêm nguồn nhân lực từ các tổ chức hành nghề luật sư … tham gia các hoạt động của Trung tâm .

 Về tổ chức, Trung tâm có Ban Chủ nhiệm (hoặc Ban Giám đốc) để chỉ đạo, điều hành và xây dựng Quy chế hoạt động. Địa điểm hoạt động của Trung tâm được kết hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia, có nơi Trung tâm chủ động phối hợp với Nhà Văn hóa quận, huyện, Khu dân cư hoặc Trung tâm học tập cộng đồng để hoạt động.

- Trung tâm pháp luật cộng đồng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí. Để làm tốt nhiệm vụ này, Trung tâm chủ động phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố để tổ chức và triển khai các hoạt động về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn.

c. Những kết quả đạt được

Một số mô hình xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý được xây dựng trong giai đoạn thí điểm, chưa có cơ sở pháp lý  nhưng đã phát huy hiệu quả trong việc huy động nguồn nhân lực của các cấp Hội tham gia thực hiện đề án xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở địa phương. Các Tổ pháp luật cộng đồng đã chủ động  thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, chủ các nhà trọ nơi có đông công nhân thuê trọ trên địa bàn cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý như: Hỗ trợ địa điểm tổ chức, kinh phí tổ chức như nước uống, khẩu hiệu tuyên truyền, in tài liệu pháp luật, quà tặng cho đối tượng không hưởng lương, khen thưởng hội thi tìm hiểu pháp luật…cho đoàn viên, hội viên, công nhân, người dân tham dự các buổi phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý.Một số phường thực hiện có hiệu quả với số tiền tài trợ ước khoảng gần 80.000.000 đ (quận Bình Tân).

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm pháp luật cộng đồng và Hội Luật gia các cấp đã tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 42.229 trường hợp.

3. Hội Luật gia tỉnh Long An

Để triển khai mạnh mẽ, thường xuyên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia Long An đã thành lập các tổ chức trực thuộc Hội Luật gia  như: Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các huyện Tân Thạnh, Cần Đước và Tp.Tân An. Đồng thời trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016”  theo Quyết định 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các ngành chức năng cấp huyện, thị, thành phố đã tiến hành khảo sát về địa bàn dân cư, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ …Trên cơ sở đó đã thành lập 33 Trung tâm pháp luật cộng đồng tại cấp xã chịu sự quản lý, điều hành của UBND cấp xã, Hội Luật gia cùng cấp làm nòng cốt.

Về tổ chức, mỗi Trung tâm bố trí  Ban chủ nhiệm từ 07 đến 11 người. Tất cả thành viên trong Ban chủ nhiệm được phân công điều hành hoạt động của Trung tâm theo cơ chế kiêm nhiệm do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã làm chủ nhiệm, các thành viên như cán bộ Tư pháp, Chủ tịch MTTQ, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Phụ nữ… trong đó, phát huy cao độ vai trò tham mưu, nồng cốt trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trở giúp pháp lý của Chi hội Luật gia cơ sở ở những nơi được thành lập. Trung tâm này thu hút các cộng tác viên tham gia các hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau.

Sau khi được thành lập, các Trung tâm pháp luật cộng đồng đã chủ động xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý trên địa bàn. Từ năm 2014 đến tháng 6/2016 các Trung tâm đã tổ chức được 1576 hội nghị, cuộc họp phổ biến, giới thiệu các văn bản luật mới, Luật sửa đổi bổ sung theo yêu cầu với hơn 78.965 lượt người dự, tổ chức sinh hoạt pháp luật kết hợp với tư vấn pháp luật tại 94 Câu lạc bộ pháp luật được 145 cuộc với hơn 7645 lượt người dự .

Song song với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các Trung tâm đã tích cực thực hiện công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các đối tượng công dân có yêu cầu. Kết quả đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn cho 1.224 lượt người. Ngoài ra Ban chủ nhiệm các Trung tâm còn cử thành viên tham dự hơn 196 cuộc hòa giải tại địa phương, trong đó tỉ lệ hòa giải thành đạt hơn 75 % .

Bên cạnh các hoạt động nói trên, từ năm 2014 đến năm 2016 Trung tâm TVPL còn cử tư vấn viên phối hợp với các địa phương tổ chức tư vấn cho các đối tượng phạm nhân sắp mãn hạn tù tại các phân trại của trại giam Thạnh hòa thuộc Bộ Công an theo kế hoạch liên tịch giữa hai bên được 12 cuộc, với hơn 720 lượt phạm nhân tham dự được Ban lãnh đạo, giám thị trại giam đánh giá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, theo số liệu tập hợp chưa đầy đủ, các Trung tâm pháp luật cộng đồng đã tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được hơn 252 lượt người, trong đó có 198 đối tượng chính sách được TGPL.

Từ thực tiễn ở Long An cho thấy, mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng này không làm tăng thêm biên chế của cấp xã, mỗi Trung tâm có Ban chủ nhiệm gồm từ 7-11 người, do Chủ tịch hoặc  Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đã được chú trọng và tăng cường. Hiệu quả thực hiện hoạt động phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý của các Trung tâm nàyđược nâng cao so với thời gian trước, hình thành cơ  chế phối hợp liên thông, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa Hội Luật gia cấp tỉnh, cấp huyện và các Trung tâm pháp luật cộng đồng.

 4. Hội luật gia Ninh Thuận

 Từ kinh nghiệm đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả thiết thực của mô hình “cà phê tư vấn pháp luật” (Hội luật gia Đồng Nai); “cà phê tri thức pháp luật” (Hội luật gia TPHồ Chí Minh), Hội luật gia Ninh Thuận xây dựng đề án “mô hình cà phê giao lưu pháp luật” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của mô hình  “Cà phê giao lưu pháp luật” là hình thành điểm cà phê – địa điểm giúp cho các hội viên cập nhật thông tin pháp luật của trung ương và địa phương, những văn bản pháp luật mới ban hành, tìm hiểu, giải đáp pháp luật nhằm phục vụ cho mọi đối tượng có nhu cầu để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý  cho những đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn cách ứng xử theo quy định pháp luật nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp; trao đổi, thông tin về pháp luật. Đồng thời, tại điểm cà phê giao lưu pháp luật, hội viên Hội Luật gia trực tiếp trao đổi, mạn đàm, thảo luận  về phương pháp, kỹ năng để nâng cao hiệu quả hoạt động; giúp cho tổ chức cơ sở Hội có điều kiện linh hoạt hơn để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội.

Từ tháng 6/2016 sau khi lập thủ tục trình và được sự chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh, mô hình điểm “cà phê giao lưu pháp luật” được triển khai.

Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh được giao nhiệm vụ phối hợp với các Hội luật gia huyện tổ chức  triển khai và theo dõi hoạt động của  điểm  “Cà phê giao lưu pháp luật” .

Điểm cà phê đầu tiên được chọn là cơ sở cà phê Suối Nguồn (số 283A, đường Ngô Gia Tự, Phường Tấn Tài, TP.Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận). Các Chi hội Luật gia cơ sở thuộc Hội Luật gia tỉnh; các Huyện, Thành Hội (trừ Ninh Sơn và Bác Ái) được phân công luân phiên trực từ 08 giờ đến 10 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần để thực hiện các hoạt động mô hình điểm cà phê giao lưu pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, trước khi có mô hình “cà phê giao lưu pháp luật”, bình quân mỗi năm Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh tiếp nhận, giải quyết khoảng từ 30 - 40 vụ việc. Sau một năm triển khai mô hình “cà phê giao lưu pháp luật”, số vụ việc tiếp nhận, giải quyết tại điểm “cà phê giao lưu pháp luật” tăng gấp hai lần. Nhiều vụ việc trong các lĩnh vực từ hôn nhân gia đình; khế ước về cho vay, trả nợ; tranh chấp đất đai, thừa kế đến xử phạt vi phạm hành chính và tố tụng hình sự…đều đã được trao đổi thông tin. Những vụ việc cần thiết phải có văn bản trả lời hoặc tác động giải quyết đã được Trung tâm và Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh giải quyết theo quy định pháp luật.

Điểm “cà phê giao lưu pháp luật” đã tạo không gian gần gũi, chân tình trong quá trình thông tin về vụ việc cũng như quá trình  tuyên truyền, giải đáp,cung cấp những quy định của pháp luật để vận dụng ứng xử cho những người đến điểm cà phê sinh hoạt. Người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật thấy dễ tiếp xúc hơn; người thực hiện việc hướng dẫn cũng có thời gian để tìm hiểu sâu kỹ hơn về những nguyên nhân kinh tế, văn hóa, xã hội; những mối quan hệ nhân thân để từ đó định hướng vụ việc theo hướng “đạt lý thấu tình” trọn vẹn hơn…Nhiều vụ việc đã được người có nhu cầu cung cấp, thông tin và bày tỏ không chỉ là vấn đề đơn thuần pháp lý của vụ việc mà còn nhiều mối quan hệ về kinh tế, văn hóa, xã hội (trong đó vấn đề liên quan đến tư cách, đạo đức, phẩm chất của cán bộ khi thi hành công vụ là nội dung rất đáng ghi nhận để góp phần tham gia xây dựng cán bộ,công chức, viên chức trong sạch, liêm khiết, trách nhiệm…)

Trên cơ sở  kết quả hoạt động ban đầu, Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh đã đề nghị UBND cấp xã thông báo, giới thiệu và cung cấp số điện thoại liên lạc của“cà phê giao lưu pháp luật” . Mô hình này đã được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, tinh thần “ba thiện” đã được Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh phát động; đó là “thiện tâm để nâng tầm công việc, thiện nghệ để chuyên sâu phần nghề, thiện chí để tận tụy với phần nghiệp”. Đồng thời, tăng cường các biện pháp đề cao trách nhiệm của hội viên; các Chi hội Luật gia được phân công trực tiếp tại điểm cà phê giao lưu pháp luật…

Những kết quả bước đầu của mô hình “cà phê giao lưu pháp luật” từng bước góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức; hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; thiết thực xây dựng xã hội học tập, củng cố, kiện toàn hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Điều có ý nghĩa quan trọng đối với nội bộ Hội là thông qua hoạt động điểm “cà phê giao lưu pháp luật” để tiếp tục thường xuyên duy trì làm phong phú những hoạt động của các cấp Hội ở cơ sở…Từ kết quả mô hình này, hiện nay Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia tỉnh đã được ngân sách hỗ trợ 10 triệu đồng /năm…Điểm “cà phê giao lưu pháp luật dần trở thành  địa chỉ tin cậy và quen thuộc ở địa phương.

5. Đánh giá chung

Trong quá trình triển khai Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia các cấp đã phối hợp với các tổ chức xã hội khác nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng. Mặc dù tên gọi khác nhau nhưng  đây là một tổ chức chuyên trách mang tính xã hội, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với sự tham gia của các tổ chức xã hội, trong đó Hội Luật gia giữ vai trò nòng cốt.

Trung tâm này làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, huy động được nguồn nhân lực của các cấp Hội, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia công tác PBGDPL và TGPL, phục vụ người dân tốt hơn.

 Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm là những người có trình độ pháp luật và hiểu biết chuyên sâu lĩnh vực chuyên môn; đã kinh qua thực tiễn, có bề dầy kinh nghiệm hoạt động pháp luật và có uy tín, nhiều người đã là những lãnh đạo, chuyên môn ở các cơ quan pháp luật. Mặt khác, họ là những Luật gia, Luật sư, những người hoạt động thực tiễn đang sống và làm việc tại cơ sở, hiểu phong tục tập quán nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng miền núi, đồng bào dân tộc ít người, nắm được nhu cầu của người dân và tâm huyết trong hoạt động của Trung tâm, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý của Đảng và Nhà nước.

 Tuy nhiên, Trung tâm pháp luật cộng đồng là mô hình mới đang trong quá trình thí điểm, chưa có cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức và hoạt động cũng chưa thống nhất, chưa có cơ chế hoạt động cụ thể, chưa có tư cách pháp nhân, vì thế chưa nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền. Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội khác như Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Luật sư, Liên minh hợp tác xã, các đoàn thể và sự đóng góp của tổ chức và cá nhân khác cho hoạt động của Trung tâm còn hạn chế.

Để hình thành cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của Trung tâm pháp luật cộng đồng, cần sớm xây dựng Đề án trình Chính phủ xem xét, phê duyệt và quyết định về mô hình này ở cơ sở, trong đó xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức và các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực cho hoạt động của Trung tâm./.

Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD