10:10 01/06/2023 GMT+7
Trao đổi về tình tiết "có tính chất côn đồ" quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự
Tội phạm Cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án được đưa ra xét xử hàng năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhiều vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự xã hội. Thực tiễn áp dụng pháp luật về tội Cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác cho thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, định khung, trong đó có tình tiết "có tính chất côn đồ" quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Tôi xin đưa ra vụ việc cụ thể có quan điểm đánh giá khác nhau được về tình tiết "có tính chất côn đồ" như sau:

 

*Nội dung vụ án:

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 24/01/2022, anh Trương Văn C, sinh năm 1990, trú tại thôn Thuận B, xã PN, huyện LN, tỉnh B và anh Hoàng Văn S, sinh năm 1994 đến nhà anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1970, ở cùng thôn chơi. Khi đến nơi thì thấy Hoàng Văn S, sinh năm 1982 và anh Hoàng Văn Đ, sinh năm 1986 ở cùng thôn đang đánh bạc bằng hình thức đánh bài ba cây được thua bằng tiền, còn anh L đang ngồi xem. Thấy vậy anh C và anh S cùng ngồi xuống tham gia đánh bạc. Khoảng 19 giờ cùng ngày giữa anh C và S xảy ra cãi nhau liên quan đến đánh bạc, sau đó mọi người  không đánh bạc nữa. Anh Đ đi về nhà trước còn C và S đi về nhà sau, khi đi về cách nhà anh L khoảng 100 mét thì anh C nói với S là “có đánh nhau không”, thấy vậy S dùng tay không đánh vào mặt anh C khiến anh C ngã ra đường, S tiếp tục dùng chân đạp 02 (hai) cái vào mạn sườn bên trái của anh C làm anh C bị ngất. Ngày 26/01/2022 anh C đi điều trị. Ngày 07/2/2022 anh C làm đơn gửi Công an xã PN đề nghị xử lý S về hành vi cố ý gây thương tích.

Tại Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện đa khoa tỉnh B xác định: “CT-Scanner: gãy cung bên xương sườn 3,4,5 bên trái. Gãy cung tiếp gò má phải”.

Tại bản kết luận giám định của Trung tâm pháp y bệnh viên đa khoa tỉnh B kết luận thương tích kết luận tổng tỷ lệ thương tích của anh Trương Văn C là 20% (Hai mươi phần trăm).

Ngày 11/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện LN ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 37 về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Ngày 02/6/2022, anh Trương Văn C có đơn xin rút yêu cầu khởi tố vụ án. Ngày 11/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện LN ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự với vụ án “Cố ý gây thương tích” nêu trên.

* Quan điểm về đường lối giải quyết vụ án:

Có quan điểm  cho rằng việc Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án là không đúng vì hành vi gây thương tích của S cho anh C 20% có “tính chất côn đồ” nên phải khởi tố S theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự nên mặc dù anh C có đơn xin rút yêu cầu khởi tố nhưng Cơ quan điều tra không được căn cứ khoản 2 Điều 155, khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Có quan điểm cho rằng hành vi gây thương tích của S cho anh C không có “tính chất côn đồ” nên Cơ quan điều căn cứ khoản 2 Điều 155, khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án là đúng quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của tôi,  trường hợp này Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án là không đúng vì: Khi ra về, S đã đợi anh C trên đường. Khi gặp nhau (theo lời trình bày của S là anh C nói với S “thích đánh nhau không”), do bực tức S đã dùng tay đấm vào mặt anh C, anh C ngã xuống đường, S tiếp tục dùng chân đá hai cái vào sườn trái làm anh C bị gãy cung bên xương sườn 3,4,5 bên trái, gãy cung tiếp gò má phải, bị thương tích 20%. Như vậy, chỉ vì mâu thuẫn trong quá trình đánh bạc trước đó, S đã đợi để đánh anh C. Khi đấm vào mặt, anh C bị ngã, S tiếp tục đá hai cái vào sườn trái, hậu quả thương tích của anh C chứng tỏ S đã tác động lực rất mạnh lên cơ thể anh C. Hành vi này thể hiện tính côn đồ, coi thường sức khỏe, coi thường pháp luật nên vụ án phải được khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung “có tính chất công đồ”. Việc Cơ quan điều tra xác định hành vi gây thương tích của Hoàng Văn S thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự và căn cứ khoản 2 Điều 155, khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự để đình chỉ điều tra vụ án hình sự là không đúng quy định của pháp luật.

Xuất phát từ vụ án cụ thể nêu trên ở địa phương, qua nghiên cứu các văn bản pháp luật hướng dẫn, giải thích thế nào là tình tiết "có tính chất côn đồ"  và thực tiễn công tác, thấy rằng:

 Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, TAND tối cao đã giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ” là: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.

Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm. Trong đó yếu tố được đánh giá là có tính chất “côn đồ” là chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.

Vì chưa có quy định cụ thể để “định lượng” được mức độ của hành vi được coi là “có tính chất côn đồ” nên khi giải quyết các vụ án về tội Cố ý gây thương tích, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất với nhau trong việc nhận định, đánh giá và áp dụng tình tiết này. Điều đó đòi hỏi phải rất thận trọng trong quá trình xem xét áp dụng để đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu kiện kéo dài hoặc dẫn đến oan, sai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Theo tôi, khi xác định trường hợp cố ý gây thương tích "có tính chất côn đồ" cần phải có quan điểm xem xét trên các yếu tố: Nguyên nhân, điều kiện dẫn đến sự việc phạm tội; diễn biến, cường độ tấn công của người thực hiện hành vi; địa điểm, không gian tội phạm được thực hiện; động cơ, mục đích, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội; tương quan lực lượng; nhân thân người phạm tội, có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào? mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người có hành vi cố ý gây thương tích,... Cụ thể là:

 Về nguyên nhân vụ việc: Đây là vấn đề cần xem xét trước tiên trong mối liên quan với các tình tiết khác của vụ việc. Khi xem xét nguyên nhân cần xác định có mối liên quan trực tiếp giữa nguyên nhân và người có hành vi cố ý gây thương tích hay không? Ai là người làm phát sinh nguyên nhân? Nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ… . Ví dụ, chỉ vì những nguyên nhân đơn giản, nhỏ nhặt, vô cớ hoặc vì những duyên cớ vô lý, không phù hợp với quy tắc xử sự thông thường mà người phạm tội đã thực hiện hành vi cố ý gây thương tích như chỉ vì cái nhìn, câu nói bâng quơ, vì tham gia giao thông chưa đúng quy tắc chưa kịp nhường đường, rẽ không xin đường… nhưng chưa gây bất kỳ hậu quả gì mà người phạm tội ngay lập tức chửi bới, đe dọa và gây thương tích cho người khác. Nhiều trường hợp thực hiện hành vi cố ý gây thương tích không phải xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến chính mình… .

Về diễn biến sự việc, cường độ tấn công: Diễn biến sự việc thể hiện “có tính chất côn đồ” thường diễn ra nhanh và gần như ngay lập tức. Người phạm tội tấn công bị hại ngay khi vừa tiếp cận, ngay khi nhìn thấy hoặc nghe được ai đó phản ánh thiếu chính xác về bị hại; tấn công trong thời gian ngắn, tấn công liên tục, bất chấp lời trình bày của bị hại hoặc đã có người khuyên can nhưng vẫn tấn công nạn nhân, thậm chí bị hại đã xin (khuất phục) nhưng người phạm tội vẫn tấn công tiếp, tấn công nạn nhân đến cùng và trong những trường hợp này hành vi tấn công không tương xứng, không phù hợp với nguyên nhân của sự việc.

Động cơ, mục đích: Động cơ và mục đích thực hiện tội phạm trong trường hợp có tính chất côn đồ nhiều khi cũng không rõ ràng. Như đã phân tích ở trên, nhiều vụ việc sau khi gây thương tích xong, người thực hiện hành vi cũng không lý giải được mình đã gây thương tích cho người khác vì động cơ, mục đích gì mà lúc đó chỉ nghĩ đơn giản là thể hiện cái ‘tôi” của mình để dọa nạt, uy hiếp người khác, bắt người khác phải khuất phục mình.

 Tương quan lực lượng, công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội: Tương quan lực lượng trong trường hợp có tính chất côn đồ thường thể hiện ở số lượng người của hai phía, công cụ hiện có, khả năng chống trả của bị hại… mà ngay từ đầu ai cũng có thể đánh giá được có sự chênh lệch đáng kể; người bị hại khó có khả năng dùng vũ lực nhưng người phạm tội đã chủ động sử dụng vũ lực để tấn công, thậm chí với phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm.

Địa điểm, không gian xảy ra sự việc: Đây cũng là yếu tố quan trọng để xem xét, đánh giá hành vi có tính chất côn đồ hay không như: Công khai đánh người tại nơi công cộng, có nhiều người qua lại; tại trụ sở cơ quan, đơn vị; tại thời điểm đang có nhiều người nhìn thấy, tại địa điểm chính là nhà của bị hại, người bị hại không có lối thoát… .

 Nhân thân người phạm tội; có ý thức thách thức pháp luật không và ở mức độ như thế nào? mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người có hành vi cố ý gây thương tích…: Là yếu tố để đánh giá tính chất hành vi, đó là: Tiền án, tiền sự; ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương trước khi sự việc xảy ra; thái độ đối với thương tích của bị hại. Ngoài ra, hành động lời nói của bị hại là một trong những nguyên nhân dẫn đến đối tượng có hành vi tấn công nạn nhân, do đó phải xem xét đến: Lời nói, hành động của bị hại, những hành động, lời nói của bị hại có đến mức bị tấn công hay không? Lời nói, hành động của bị hại có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc hay không? Bị hại có lỗi hay không.

Trong  các yếu tố kể trên thì yếu tố quan trọng, chủ yếu để xác định hành vi "có tính chất côn đồ" hay không là yếu tố là nguyên nhân dẫn đến sự việc và diễn biến hành vi đã xảy ra. Các yếu tố khác như địa điểm, nhân thân, thái độ … là yếu tố để hỗ trợ cho việc đánh giá, xem xét đối với hành vi đã xảy ra.

Thực tiễn cho thấy, hầu hết  các vụ án hình sự về tội " Cố ý gây thương tích", các cơ quan tiến hành tố tụng rất hay phải cân nhắc xem xét có áp dụng tình tiết "có tính chất côn đồ" hay không. Tuy nhiên, Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 đã có cách đây quá lâu, kể từ khi Bộ luật hình sự chưa được ban hành; Án lệ số 17/2018/AL hướng dẫn tình tiết chưa điển hình, hơn nữa lại là về tình tiết "có tính chất côn đồ" trong tội "Giết người" có đồng phạm nên chưa có tính phổ quát. Thiết nghĩ, để tháo gỡ vướng mắc, liên ngành tố tụng cấp Trung ương cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết "có tính chất côn đồ" quy định tại điểm i khoản1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Trên đây là một số nội dung trao đổi với nhận định cá nhân qua công tác thực tiễn của Luật gia Lưu Thị Lệ Phương, Chi hội luật gia VKSND tỉnh Bắc Giang xin chia sẻ cùng bạn đọc.

 

  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT Thực hiện chương trình công tác năm 2024 và Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11. Ngày 01/11/2024, Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Hội Luật gia huyện Tân Yên và UBND xã Việt Lập tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật An ninh mạng và các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 cho hơn 100 đại biểu là Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ; các tổ chức chính trị-xã hội xã Việt Lập; Đại diện Chỉ huy Công an xã, công an viên; Chỉ huy Trưởng BCH Quân sự, Văn phòng-Thống kê, Địa chính-Xây dựng, Tư pháp-Hộ tịch, Đội TTĐT xã; các Tuyên truyền viên pháp luật xã; Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, thành viên tổ hòa giải và Nhân dân trên địa bàn xã.
  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG TỔ CHỨC TỌA ĐÀM VỀ CÁC GIẢI PHÁP ĐƯA LUẬT ĐẤT ĐAI VÀO THỰC TIỄNNgày 31/10/2024 Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề: “ Các giải pháp đưa Luật Đất đai năm 2024 vào thực tiễn”.
  • Đại hội Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029 Ngày 28/10/2024, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự, chỉ đạo Đại hội có đồng chí Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT Thực hiện chương trình công tác năm và Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong 2 ngày 21, 22/10/2024, Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng Hội Luật gia huyện Yên Thế và UBND 4 xã Tam Tiến, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Hưu huyện Yên Thế tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền về các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 và Luật Lâm nghiệp năm 2017 cho gần 400 đại biểu là Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, các đoàn thể, thành viên tổ hòa giải và Nhân dân của 4 xã.
Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD