17:09 17/05/2023 GMT+7
Tọa đàm góp ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Để góp phần vào công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, ngày 16/5/2023, tại Trụ sở Trung ương Hội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, hội viên của Hội góp ý kiến vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Toàn cảnh buổi tọa đàm


Chủ trì tọa đàm, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Tham dự có các đồng chí đại diện các ban chuyên môn, văn phòng, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và các đồng chí đại diện chi hội luật gia các bộ, ngành trực thuộc Trung ương Hội như: Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Nhà nước và pháp luật, Đại học Ngoại thương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cục bản quyền tác giả…

 

Chủ trì buổi tọa đàm: Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và đồng chí Trần Đức Long, Phó Chủ tịch HLGVN (đứng)

 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Công Phàn cho biết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới. Vừa qua tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư và Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án luật này. Đồng chí cho biết, đây là một luật khó, có liên quan đến nhiều đạo luật như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Trong quá trình thi hành thời gian vừa qua cho thấy, một số quy định của Luật chưa đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đã có nhiều sai sót, vi phạm, thậm chí có tội phạm từ lĩnh vực này. Việc sửa đổi Luật lần này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.

 

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký phát biểu khai mạc


Đồng chí Trần Công Phàn nhấn mạnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm góp ý kiến vào nhiều dự án luật với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Đặc biệt, là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, điều này càng thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam đối với công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật, phản biện xã hội. Vì vậy, đồng chí mong muốn tại tọa đàm này, các chuyên gia, nhà khoa học, hội viên của Hội sẽ tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tọa đàm đã nghe tham luận của 06 chuyên gia và nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề cụ thể như: 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế; năng lực của nhà thầu; các hình thức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, đấu thầu qua mạng; việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; yêu cầu đối với thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định… Nhiều ý kiến góp ý liên quan đến kỹ thuật lập pháp của dự thảo luật. Những ý kiến đóng góp của đại biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng, xuất phát từ thực tiễn, được đa số đại biểu tham dự tọa đàm đồng tình.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, đồng chí Trần Công Phàn tán thành và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và hội viên của Hội góp phần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu, tiếp thu./.

Huyền Trang

 

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:

 

 

 

 

 

 


Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD