15:21 07/08/2014 GMT+7
Thông báo số 237/TB-VPCP ngày 19/6/2014 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Số: 237/TB-VPCP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2014

 

 

THÔNG BÁO

Kết luận của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị,

Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc

với Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam

 

Ngày 30 tháng 5 năm 2014, tại Trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Tham dự làm việc có lãnh đạo các cơ quan Trung ương: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ; Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ.

Sau khi nghe lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

1. Về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014 - 2019

Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014 – 2019 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của giới luật gia cả nước, đánh dấu bước phát triển của Hội Luật gia Việt Nam 5 năm qua và xác định phương hướng hoạt động trong 5 năm tới. Thực tiễn cho thấy với những đóp góp tích cực vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, vai trò và uy tín của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được nâng lên.

Đánh giá cao Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai công tác chuẩn bị Đại hội đúng kế hoạch, đúng quy định đã hướng dẫn tổ chức Đại hội luật gia các cấp, bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền và chuẩn bị điều kiện cho Đại hội. Để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2014 – 2019, đề nghị Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

- Khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội. Trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo các văn kiện Đại hội và Đề án nhân sự của Đại hội để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng. Các báo cáo tổng kết, kiểm điểm công tác của Hội cần đánh giá toàn diện các mặt hoạt động, xác định các nội dung trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực, có tính thời sự như việc thi hành Hiến pháp 2013, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

- Xây dựng Điều lệ của Hội trên cơ sở thống nhất về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội. Đề án nhân sự cần được thảo luận, thống nhất trong Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội nhằm tạo được sự thống nhất hành động và phát huy tốt năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ Hội.

- Tiếp tục chỉ đạo các tỉnh/thành phố tổ chức Đại hội các cấp hội đúng kế hoạch để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII vào tháng 9/2014.

- Phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác chuẩn bị Đại hội trong tháng 6 năm 2014.

2. Về tổng kết công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI (2009 - 2014)

Đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ XI (2009 - 2014); đặc biệt là việc tham gia xây dựng các thể chế, chính sách, pháp luật quan trọng như: Sửa đổi Hiến pháp 1992; soạn thảo và trình Quốc hội ban hành Luật Trọng tài thương mại; tiếp tục chủ trì xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân; tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để chuẩn bị tốt cho việc thảo luận tại Đại hội, việc đánh giá công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ (2009 - 2014) cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

- Tổng kết toàn diện những kết quả đạt được về phát huy thế mạnh của Hội Luật gia Việt Nam trong việc huy động đội ngũ hội viên tham gia ý kiến, phản biện xây dựng thể chế; giám sát thực hiện chính sách, pháp luât, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Hội Luật gia Việt Nam cần nghiêm túc chỉ ra những tồn tại trong tổ chức hoạt động và phối hợp công tác với các bộ, ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới, theo hướng gắn với yêu cầu của thực tiễn và đa dạng hóa các loại hình hoạt động Hội trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của các hội viên, tránh hình thức, phô trương. Báo cáo tổng kết cần phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém, đề ra phương hướng khắc phục trong nhiệm kỳ XII để Đại hội thảo luận.

- Tăng cường chỉ đạo các cấp hội tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người dân như: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại, hòa giải cơ sở, thông tin tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát, phản biện chính sách và đối ngoại nhân dân.

- Mở rộng việc phát triển mạng lưới hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội trong phạm vi cả nước, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên theo yêu cầu phát triển của Hội Luật gia Việt Nam.

- Về công tác đối ngoại nhân dân, cần phát huy những thành tích đạt được như chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực như: Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN (ALA), đặc biệt là việc IADL công bố bản Tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, các cấp hội cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; phối hợp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ các phương án đấu tranh về pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên Biển Đông. Đồng ý về nguyên tắc, cho phép Hội Luật gia Việt Nam tổ chức các hội thảo quốc tế về các vấn đề pháp lý ở Biển Đông.

3. Về các kiến nghị của Hội Luật gia Việt Nam

- Hội Luật gia Việt Nam là Hội có tính chất đặc thù, Hội Luật gia Việt Nam cần phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động từ trung ương đến cơ sở, chủ động tạo thêm nguồn kinh phí để hoạt động, không quá phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

- Việc công nhận Hội đặc thù đối với các cấp Hội Luật gia và áp dụng thống nhất Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Luật gia Việt Nam thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam (Thông báo số 270/TB-VPCP ngày 26 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đồng ý với việc Hội Luật gia Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ theo hướng tăng cường “đặt hàng” từ phía các cơ quan nhà nước đối với Hội Luật gia.

- Bộ Tài chính xem xét, bổ sung kinh phí cho Hội Luật gia Việt Nam tổ chức 02 cuộc hội thảo quốc tế về các vấn đề pháp lý ở Biển Đông; xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho Hội Luật gia ở địa phương.

- Bộ Nội vụ nghiên cứu ý kiến của Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội theo hướng phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện hoạt động cho các hội và tăng cường quản lý nhà nước đối với hội.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan và Hội Luật gia Việt Nam  biết, thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

PHÓ CHỦ NHIỆM

 

(Đã ký)

 

Kiều Đình Thụ

 

 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD