11:09 13/10/2021 GMT+7
Thanh Hóa: 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam
Thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam và hướng dẫn của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa. Ngày 24/01/2002, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 244/QĐ-UB của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

 

Ảnh hoạt động Hội

 

Trong quá trình hoạt động, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW cũng như các văn bản khác của Đảng và Nhà nước về công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác của Hội Luật gia tỉnh, cho ý kiến về việc tổ chức các đại hội nhiệm kỳ, giới thiệu nhân sự Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh và nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam các khóa. Lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác của Hội Luật gia Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, tạo điều kiện để các cấp Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt công tác chuyên môn, nghề nghiệp theo Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam; chỉ đạo việc tổ chức đại hội Hội Luật gia tỉnh các nhiệm kỳ và việc thành lập, hoạt động của Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố và các Chi hội Luật gia trực thuộc.  

Từ khi thành lập, thực hiện Chỉ thị 56-CT/TW của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức các hoạt động Hội, đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và Hội Luật gia Việt Nam, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo vệ công lý và công bằng xã hội, quyền tự do, dân chủ của nhân dân; xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam.

 

Ảnh hoạt động Hội

 

1. Công tác xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức, cán bộ, phát triển hội viên và xây dựng cơ sở vật chất

Sau khi được thành lập, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ra mắt và tổ chức các đại hội nhiệm kỳ (4 kỳ đại hội) theo quy định, ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động các khóa, duy trì chế độ sinh hoạt thường kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực và Văn phòng Tỉnh Hội theo quy định.

Thường trực Tỉnh Hội tích cực phối hợp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức hội ở các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị. Đã có 21 Hội Luật gia cấp huyện và 12 Chi hội Luật gia trực thuộc ở các cơ quan cấp tỉnh được thành lập.

Ban Thường vụ Tỉnh Hội thường xuyên chỉ đạo các tổ chức hội trực thuộc cụ thể hóa Điều lệ Hội, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù, đặc điểm của địa phương và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ quản (đối với các Chi hội Luật gia trực thuộc), thành lập các Chi hội Luật gia trực thuộc và Chi hội  Luật gia cơ sở (toàn tỉnh hiện nay có 78 Chi hội Luật gia trực thuộc Hội Luật gia huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 15 Chi hội Luật gia cơ sở ở cấp xã)

Thường trực Tỉnh Hội đã phối hợp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị lựa chọn, giới thiệu, xây dựng đội ngũ lãnh đạo hội (nhất là hội cấp huyện) nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm, có khả năng quy tụ hội viên và tổ chức các hoạt động hội; củng cố, kiện toàn, bổ sung ủy viên ban chấp hành và lãnh đạo hội ở các đơn vị có biến động, thay đổi nhân sự. Đã có 13 Hội Luật gia cấp huyện có lãnh đạo (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) chuyên trách. Các hội còn lại là lãnh đạo kiêm nhiệm. Đội ngũ cán bộ hội dần dần được tăng thêm số lượng và nâng cao chất lượng, thực hiện bố trí cán bộ kết hợp nhiều độ tuổi, gồm cán bộ cao tuổi, có uy tín và kinh nghiệm công tác và cán bộ trẻ, nhiệt huyết, năng động, được đào tạo cơ bản, kết hợp giữa cán bộ chuyên trách công tác hội và cán bộ kiêm nhiệm.

Công tác vận động, phát triển hội viên được quan tâm thực hiện, chú trọng cả số lượng và chất lượng. Hội đã tập hợp được ngày càng nhiều luật gia có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đã và đang làm công tác pháp luật trong tỉnh, đảm bảo điều kiện theo quy định gia nhập tổ chức hội. Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa hiện nay có tổng số 2.120 hội viên đang sinh hoạt.

Song song với việc xây dựng, phát triển tổ chức và hội viên, Hội còn chú trọng công tác xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và quản lý tài sản, tài chính của các tổ chức hội. Cơ quan Tỉnh Hội được UBND tỉnh bố trí nơi làm việc, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương tiện đi lại. Ở cấp huyện, các địa phương có lãnh đạo chuyên trách đều được bố trí phòng làm việc, được hỗ trợ mua sắm, trang bị phương tiện làm việc cần thiết (bàn ghế, tủ, máy tính…).

Kinh phí hoạt động Hội được HĐND và UBND các cấp quan tâm hỗ trợ. Tỉnh Hội và Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, các cấp hội còn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên như: Thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, tổ chức đại hội, mua sắm trang thiết bị làm việc… Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, một số tổ chức hội còn huy động các nguồn lực khác để phục vụ hoạt động hội như thu hội phí của hội viên, huy động sự giúp đỡ, đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài hội… Việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản, tài chính của các cấp hội được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định của Nhà nước, Điều lệ Hội và quy chế của các tổ chức hội. 

2. Công tác chính trị, tư tưởng

Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác của Hội Luật gia đến tất cả các tổ chức Hội và hội viên trong tỉnh, làm cho mỗi hội viên tự hào với truyền thống vẻ vang và những đóng góp quan trọng cho đất nước của Hội Luật gia Việt Nam; ý thức được vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của Hội cũng như của mỗi luật gia để từ đó không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, chính trị, học tập và nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực chuyên môn, kỹ năng công tác hội, phấn đấu mỗi luật gia là một tấm gương tiêu biểu, hội tụ đầy đủ phẩm chất người cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật: Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì nước, vì dân, vì công lý.

3. Công tác tham gia xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật

Hội đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên đóng góp vào dự thảo các văn bản pháp luật như: dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (2 lần), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)..., tổng hợp các ý kiến đóng góp, báo cáo các cơ quan chức năng.

Thường trực Tỉnh Hội đóng góp ý kiến vào 230 dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tỉnh; tham dự các hội nghị, hội thảo, đóng góp ý kiến xây dựng Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo; tham dự các hội nghị phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, đề án, dự án do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh và các cơ quan chức năng tổ chức.

Các tổ chức hội và hội viên Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố, các Chi hội Luật gia trực thuộc tham gia đóng góp ý kiến vào 3.680 dự thảo văn bản pháp luật của Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp.

 

Hội Luật gia tỉnh được nhận nhiều phần thưởng cao quý của HLG Việt Nam

 

4. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Là thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa và các tổ chức Hội trực thuộc tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật, đưa pháp luật đến với nhân dân. Hội xác định mỗi hội viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, mỗi tổ chức Hội là một đơn vị tuyền truyền, phổ biến pháp luật.

Hằng năm, Hội đều ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức và tham gia tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là các văn bản pháp luật quan trọng, liên quan tới nhiều đối tượng trong xã hội cho hội viên và các tầng lớp cán bộ, Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đặc san Khoa học Thanh Hóa, các bản tin chuyên ngành, website của cơ quan, đơn vị, trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 cũng được tổ chức hàng năm.

Từ năm 2018, Hội đã xây dựng và đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử tổng hợp (Website) Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa để thông tin các hoạt động của Tỉnh Hội, các tổ chức Hội trong tỉnh và tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, giải đáp, hướng dẫn thi hành pháp luật cho Nhân dân.

Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì tổ chức và tham gia phối hợp tổ chức 35 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật cho 8.380 lượt người tại các địa phương trong tỉnh.

Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ, hội viên Hội Luật gia ở các địa phương tổ chức và tham gia phối hợp tổ chức 4.250 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác; tuyên truyền về các kỳ đại hội Đảng toàn quốc, đại hội đảng bộ các cấp, về các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tuyên truyền phục vụ các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh và địa phương cho 637.500 lượt người và kết hợp, lồng ghép với các hội nghị, hoạt động khác để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn thi hành pháp luật; tham gia phát hành hàng chục nghìn tờ gấp, tài liệu tuyên truyền pháp luật.

Các Chi hội Luật gia trực thuộc tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị và tham gia tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật thông qua việc thực hiện chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin, website của đơn vị và tạp chí chuyên ngành. 

5. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý   

Trung tâm Tư vấn pháp luật Tỉnh Hội được thành lập năm 2015 phục vụ nhu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và cung cấp các dịch vụ pháp lý của tổ chức và Nhân dân. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý 2.360 vụ việc, trong đó chủ yếu là tư vấn, trợ giúp miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo; tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi cho đương sự tại phiên tòa 82 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 130 vụ việc.

Song song với tư vấn pháp luật tại văn phòng, Hội đã đẩy mạnh việc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động tại các địa phương trong tỉnh, trong đó nổi bật là phối hợp các trại giam đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức 12 cuộc tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho 2.233 phạm nhân được đặc xá, giảm án tha tù trước thời hạn, sắp chấp hành xong án phạt tù, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng và tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các trại giam; phối hợp chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức phổ biến, tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân mới chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương. Ngoài ra, Hội còn tổ chức hoạt động phổ biến, tư vấn pháp luật về đất đai tại cơ sở trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai” của Hội Luật gia Việt Nam. 

Từ năm 2015, Hội đã ký kết Quy chế phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật với Báo Thanh Hóa, trong đó đã xây dựng và thực hiện 48 chuyên mục Dân hỏi - Luật gia trả lời, thực hiện các chuyên mục Trả lời bạn đọc, Ý kiến - Dư luận và một số nội dung khác; tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp cho độc giả Báo Thanh Hóa. Ngoài ra, Hội còn thực hiện 23 chương trình tư vấn, giải đáp pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Các Chi hội Luật gia trực thuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý 25.360 vụ việc thông qua việc thực hiện công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tư vấn, giải đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của cơ quan, đơn vị.

Tại các địa phương, Hội Luật gia các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý 8.560 vụ việc; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua công tác chuyên môn 32.240 vụ việc; phối hợp đài truyền thanh ký kết và thực hiện các chương trình tuyên truyền, tư vấn, giải đáp pháp luật, trong đó chuyên mục Bạn hỏi - Luật gia trả lời được thực hiện định kỳ trên đài. Một số Hội Luật gia cấp huyện thành lập trung tâm tư vấn pháp luật, phục vụ nhu cầu tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và cung cấp các dịch vụ pháp lý của các tổ chức và Nhân dân tại địa phương.

6. Công tác tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính; tuyển chọn các chức danh tư pháp; phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm,

Các cấp Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa, các luật gia ở các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật tích cực tham gia các hoạt động cải cách hành chính, cải cách tư pháp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Là thành viên các hội đồng tuyển chọn các chức danh tư pháp của tỉnh (từ năm 2015 về trước), Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm công tác tuyển chọn các chức danh tư pháp, trong đó đã đề nghị bổ nhiệm 208 thẩm phán, 185 kiểm sát viên và 32 chấp hành viên thi hành án dân sự, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh đảm bảo các điều kiện về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Hội cũng cử người có đủ điều kiện để HĐND các cấp bầu làm hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thanh Hóa.

7. Công tác tư vấn giải quyết khiếu nại, tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước, hòa giải ở cơ sở, phòng, chống tệ nạn xã hội

Các hoạt động tư vấn giải quyết khiếu nại, tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế nhà nước, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân, phòng, chống tệ nạn xã hội chủ yếu do hội viên Hội Luật gia cấp huyện thực hiện. Các luật gia là cán bộ tư pháp, thanh tra ... phối hợp các ngành, đoàn thể chỉ đạo các tổ hòa giải, thanh tra Nhân dân tư vấn giải quyết khiếu nại 7.560 vụ việc, hòa giải thành 25.320 vụ việc, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân, góp phần giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng, ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

8. Tham gia giám sát thực hiện pháp luật; tư vấn, phản biện và giám định xã hội;

Là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, các cấp Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tham gia tích cực, có trách nhiệm các hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật; tư vấn, phản biện, giám định xã hội; phản biện, đóng góp ý kiến vào các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp do các cơ quan này tổ chức.

Hội đã tham gia ký kết Chương trình phối giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Đoàn Luật sư tỉnh trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2015 - 2020; tham gia tích cực, có hiệu quả các đoàn giám sát liên ngành việc chấp hành pháp luật tại các địa phương trong tỉnh.

9. Thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

Theo phân công của Chủ tịch UBND tỉnh, Hội đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý các giai đoạn 2014 – 2016 và 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với việc chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2017 – 2021 ở cấp tỉnh, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Luật gia các huyện, thành phố tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2017 – 2021 tại các địa phương. Việc triển khai tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của việc Đảng và Nhà nước giao Hội Luật gia các cấp làm nòng cốt, chủ trì thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý./.

                                                                           Hà Sĩ Thắng

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD