18:00 27/07/2016 GMT+7
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu lại làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021
Trong hai ngày làm việc 26 và 27 tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình nhân sự để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

 

ảnh: zing.vn

 

Ngày 26/7, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 bước vào ngày làm việc thứ năm. Đầu giờ làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ. Báo cáo nêu rõ: Ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. 

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, đã báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ và cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở 63 Đoàn cho thấy, về cơ bản đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập mới, đổi tên một số bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cơ cấu, tổ chức của Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hợp với xu thế chung của thế giới và thực tiễn ở nước ta, đã phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy các cơ quan nhà nước.

Do đó, Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất trình Quốc hội cho giữ ổn định cơ cấu, tổ chức của Chính phủ như hai nhiệm kỳ qua, đúng theo tinh thần chỉ đạo và Kết luận số 64 - KL/TW ngày 28 tháng 5 năm 2013, của Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2015, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và văn bản của Văn phòng Trung ương Đảng về thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về cơ cấu, tổ chức bộ máy của nhà nước và giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tên của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được sử dụng trong thời gian dài, kể cả trong nước và quốc tế mà không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ, để tiết kiệm, tránh lãng phí, không phát sinh vướng mắc trong hoạt động và đề nghị Quốc hội cho giữ tên các bộ, cơ quan ngang bộ như hiện nay.

Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Với 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Theo Nghị quyết, cơ cấu, tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 vẫn giữ nguyên cơ cấu cũ, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội đã nghe đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

 

ảnh: Zing.vn

 

Sau đó, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Với 476 đại biểu tán thành, (đạt 96,36% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XIV đã thông qua danh sách nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ là đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Với 485 đại biểu tán thành, (đạt 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc được bầu lại làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Quốc hội cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử, với 482 đại biểu tán thành, (đạt 97,57% tổng số đại biểu Quốc hội).

Sau khi thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ, Lễ tuyên thệ được tiến hành trang trọng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Phát biểu nhậm chức, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Với cương vị là người đứng đầu Cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, tôi sẽ cùng tập thể Chính phủ kế thừa và phát huy những thành tựu của 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn”.

Trong ngày làm việc thứ sáu, ngày 27/7, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ và trình bày diễn văn nhậm chức. Lễ tuyên thệ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Tiếp theo, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Trong phiên họp buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2017. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe:

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

- Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Tiếp theo, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Quốc hội thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

Ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Thủ tướng cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, cụ thể:

1. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

2. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

3. Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

4. Ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

5. Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

6. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

7. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

8. Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

9. Ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

10. Ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

11. Ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

12. Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

13. Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

14. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

15. Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

16. Ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

17. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

18. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

19. Ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

20. Ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV;

21. Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, giữ chức vụ Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV./.

P.V. Tổng hợp

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD