14:31 05/06/2017 GMT+7
Quốc hội thảo luận về Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Sáng ngày 01/6/2017, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tiếp đó, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

 

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)


Đây là dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhiều ĐBQH đã tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung cơ bản như: Về người được trợ giúp pháp lý (Điều 7); Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; Về Chi nhánh của trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 15)... Trong đó, quy định về người được trợ giúp pháp lý (TGPL) tại Điều 7 nhận được nhiều ý kiến. Một số ý kiến đề nghị quy định thống nhất diện đối tượng đang được hưởng TGPL như quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một số ý kiến đề nghị mở rộng diện người được hưởng TGPL đối với một số đối tượng cụ thể. Nhiều ĐBQH cho rằng, quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL trong trường hợp này là không phù hợp.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ


Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH đơn vị thành phố Cần Thơ cho rằng: Một trong những hạn chế, bất cập để lý giải cho việc cần thiết phải sửa đổi luật TGPL là "diện người được TGPL còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau". Vì vậy, dự thảo lần này đã liệt kê đầy đủ những người được TGPL theo đúng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bổ sung thêm những đối tượng khác mà thực tiễn quá trình thực hiện công tác TGPL cho thấy họ thực sự khó khăn và không có điều kiện tiếp cận dịch vụ TGPL.

Tuy nhiên, quy định tại khoản 4, Điều 7 dự thảo luật TGPL (sửa đổi) dường như vẫn bó hẹp diện những người được TGPL. Cụ thể: Một số đối tượng đã và đang được hưởng TGPL theo quy định của pháp luật hiện hành (người khuyết tật, cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con đẻ của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người nhiễm HIV/AIDS; nạn nhân bị mua bán) thì nay theo Điều 7 của dự thảo luật lại cần phải có thêm điều kiện "có khó khăn về tài chính" mới thuộc diện được TGPL. Việc quy định như vậy không nhất quán với một số luật hiện hành như: Luật Người khuyết tật năm 2010, luật Phòng chống mua bán người năm 2011 và luật Trẻ em năm 2016. Theo quy định tại các luật này, các nhóm đối tượng kể trên đều được TGPL mà không cần bất kỳ điều kiện nào. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Quyền đề nghị cần rà soát lại khoản 4, Điều 7 theo hướng những đối tượng được luật hiện hành quy định được TGPL thì nên giữ nguyên, không nên quy định thêm điều kiện "có khó khăn về tài chính".

"Đối tượng là cha, mẹ, vợ, con liệt sĩ - người có công với cách mạng, nếu phải khó khăn về kinh tế mới được TGPL sẽ cảm thấy rất chạnh lòng”. ĐBQH Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Về hợp đồng thực hiện TGPL (Điều 15), ĐBQH Nguyễn Văn Quyền cũng đề nghị cân nhắc bỏ quy định tại khoản 2 có nội dung: "Sở Tư pháp lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức trong trường hợp trung tâm TGPL Nhà nước không bảo đảm được nhu cầu TGPL tại địa phương".

Lý do được Đại biểu Nguyễn Văn Quyền đưa ra là: Nếu quy định như khoản 2, Điều 15, các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật sẽ rất khó có cơ hội ký hợp đồng TGPL để được hỗ trợ kinh phí Nhà nước. Vì sở Tư pháp sẽ luôn lấy lý do là trung tâm TGPL Nhà nước đã bảo đảm được nhu cầu của người dân để giữ việc và kinh phí cho trung tâm TGPL Nhà nước thuộc Sở. Việc cho phép các tổ chức khác ngoài Nhà nước tham gia TGPL không chỉ xuất phát từ lý do để thực hiện TGPL khi các trung tâm TGPL Nhà nước không bảo đảm được nhu cầu của dân, mà còn xuất phát từ quan điểm là tạo thêm các kênh TGPL khác nhau để người dân có thể lựa chọn. Đặc biệt là khi công dân có các khiếu kiện liên quan đến chính sở Tư pháp mà họ thấy ngại không muốn đến yêu cầu TGPL tại một trung tâm thuộc Sở. Như vậy, trong trường hợp này, kể cả khi trung tâm TGPL Nhà nước có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của người dân thì họ cũng vẫn cần và muốn được TGPL ở một tổ chức khác ngoài Nhà nước mà họ tin rằng sẽ đảm bảo tính khách quan

Hơn nữa, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền cho rằng, cụm từ "trong trường hợp trung tâm TGPL Nhà nước không đảm bảo được nhu cầu TGPL" là rất chung chung, không rõ ràng thế nào và khi nào thì được coi là không bảo đảm được nhu cầu. Điều này dẫn đến việc các sở Tư pháp sẽ căn cứ vào cảm tính để quyết định có ký hợp đồng với các tổ chức khác hay không và mỗi địa phương sẽ làm một kiểu theo cách hiểu của riêng mình.

 

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum


Đại biểu Tô Văn Tám (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đồng tình khi dự thảo bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng ở Điều 7, đó là người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội và nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình còn khó khăn về tài chính được TGPL. “Tuy nhiên, việc bổ sung người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo vào đối tượng được TGPL nhưng lại không TGPL cho người thuộc hộ nghèo là bị hại trong vụ án hình sự là chưa đầy đủ. Người bị buộc tội là người có hành vi phạm tội được TGPL trong trường hợp này thể hiện sự quan tâm, tính nhân đạo của Nhà nước. Nhưng người bị hại trong trường hợp này không được TGPL, phải chăng chúng ta bỏ qua đối tượng yếu thế khi bị xâm hại bởi hành vi phạm tội, khi họ cần TGPL. Đề nghị nên xem xét bổ sung người thuộc hộ cận nghèo là bị hại trong vụ án hình sự vào đối tượng TGPL”.

 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa


Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) băn khoăn, nếu quy định như Điều 7 thì diện người được TGPL sẽ bị thu hẹp hơn so với các luật chuyên ngành. Hơn nữa, “người khuyết tật; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của luật Phòng, chống mua bán người; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính” mới được TGPL là khó khả thi. Do đó, Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị giữ nguyên các trường hợp như pháp luật hiện hành./.

 

Tổng hợp: Văn Tạ.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD