15:52 24/06/2015 GMT+7
Quốc hội thảo luận dự án Luật Trưng cầu ý dân: Lắng nghe “cái lý” của ý dân
QĐND - Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam vừa xây dựng xong dự án Luật Trưng cầu ý dân để kịp trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ chín. Thảo luận về dự án luật này trong phiên họp chiều 23-6, các đại biểu đều nhất trí cao và cho rằng việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, thể hiện đúng chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, thực hiện và củng cố nền dân chủ XHCN. Theo đó, những vấn đề quan trọng của đất nước có thể sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân, “cái lý” của ý dân sẽ được lắng nghe, trân trọng và tiếp thu…

Bước tiến mới trong hành lang pháp lý

Khi phát biểu ý kiến, các đại biểu đều nhấn mạnh, lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu ý kiến nhân dân, việc nhân dân có thể thực hiện quyền dân chủ gián tiếp và cả trực tiếp lâu nay vẫn được thực hiện, tuy hình thức có khác. Thực hiện nhân dân làm chủ, tin dân, gần dân cũng là quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng. Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân là sự kế thừa những giá trị dân chủ đã và đang được thực hiện tại nước ta, đồng thời tạo ra bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện quyền lực của nhân dân. 

Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) phát biểu, chiều 23-6.

Đánh giá trưng cầu ý dân là hình thức quan trọng trong việc thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân, là hình thức biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nhắc lại, ở nước ta, chế định trưng cầu ý dân đã được quy định từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Đến Hiến pháp năm 2013, vấn đề này tiếp tục được nhắc lại. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân dân trực tiếp thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, góp phần bảo đảm sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Điều này còn góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống trọng dân, tin dân, dựa vào dân và lấy dân làm gốc của Đảng và Nhà nước ta.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc xây dựng và trình Quốc hội dự án Luật Trưng cầu ý dân hoàn toàn phù hợp với tư tưởng xây dựng xã hội dân chủ theo quan niệm của Đảng và Nhà nước ta. Lâu nay, Việt Nam vẫn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế dân chủ ở cơ quan. Việc lấy ý kiến của người dân hay của cán bộ, công chức nhằm bảo đảm tiến hành các công việc của chính quyền phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu quan điểm, việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân đã góp phần thiết thực vào việc phản ánh, phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống tốt đẹp, tạo khuôn khổ pháp lý để người dân tham gia chủ động, tích cực, đầy đủ vào các quyết định, công việc của Nhà nước và xã hội, phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nói, với 9 chương, 56 điều, dự thảo luật đã quy định khá toàn diện về trưng cầu ý dân đúng theo yêu cầu của Nghị quyết số 48-NQ/TW năm 2005 của Trung ương, thể hiện đầy đủ nội dung trong Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, dự thảo luật thể hiện rất rõ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tôn trọng dân, gần dân, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân.

Niềm tin sức mạnh đại đoàn kết

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, Ban soạn thảo cần nhấn mạnh thêm quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là trọng dân, tin dân. Đại biểu giải thích, trọng dân, tin dân là quan điểm mà Đảng ta luôn nhắc tới trong cương lĩnh, đường lối của Đảng, trong các nghị quyết của Đảng và trong pháp luật của Nhà nước. Nhận thức được sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách thực chất là yêu cầu của Đảng để tránh dân chủ hình thức hoặc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn xảy ra ở nơi này, nơi khác, tuy không phổ biến nhưng vẫn có. Việc Quốc hội bàn về dự án Luật Trưng cầu ý dân là thể hiện niềm tin rất sâu sắc với nhân dân. “Tin dân ở đây là tin vào trí tuệ của nhân dân, bởi vì khi chúng ta đặt vấn đề trưng cầu ý dân có nghĩa là ý của dân là quyết định”, đại biểu nhấn mạnh.

 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu, chiều 23-6.

 Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) khẳng định thống nhất với Điều 10 dự thảo luật về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân. Theo đó, kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày được công bố. “Không cần phải có nghị quyết của Quốc hội để công nhận kết quả trưng cầu ý dân nữa, vì nó thêm một thủ tục chỉ mang tính hình thức, không cần thiết”, đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) bày tỏ tin tưởng, Luật Trưng cầu ý dân ra đời sẽ tạo sức mạnh đồng thuận của ý chí đại đoàn kết toàn dân, trách nhiệm toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đại biểu cũng mong muốn cần đề cao cảnh giác, bởi “những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về quyền tự do, dân chủ mà các thế lực thù địch đang ra sức tận dụng, lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước nhằm gây mâu thuẫn nội bộ, làm chuyển hóa, tan rã từ bên trong không chỉ còn là những dự báo, cảnh báo”. Vì vậy, đại biểu đề nghị: “Trong quá trình tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo luật, một mặt phải bảo đảm tối đa quyền tự do dân chủ trực tiếp của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, khi Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Mặt khác, phải cân nhắc, xem xét, tính toán các điều kiện để bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, tránh bị lợi dụng, cài đặt những ý đồ xấu xa làm rối loạn tình hình, mất quyền kiểm soát ở quy mô lớn. Khi đó, người dân trở thành bình phong cho các ý đồ chính trị”.

Cảnh giác và dự kiến được những nảy sinh trong tương lai cũng là yêu cầu được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lưu ý trong bài phát biểu của mình: “Quy định như thế nào cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, dự kiến được nảy sinh trong tương lai là hết sức quan trọng… Khi có luật, có thể phát sinh những đề xuất về trưng cầu dân ý là điều có thể dự báo trước”.

“Cần rà soát, giảm bớt những quy định thủ tục không cần thiết để việc trưng cầu ý dân gọn, nhẹ nhàng, không gây áp lực cho người dân cũng như những người được phân công làm nhiệm vụ trưng cầu ý dân”, lời của đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long).

 Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD