09:24 30/03/2015 GMT+7
Những tập thể Luật gia đã âm thầm, tận tụy cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp chung của Hội Luật gia Việt Nam (Kì I)
( Pháp Lý). Những ngày này, Luật gia trên khắp mọi miền đất nước đang hân hoan đón nhận một sự kiện chính trị quan trọng: Kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) & Đại hội điển hình tiên tiến lần hai . Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại và hết sức ý nghĩa này, từ TW HLGVN đến các Tỉnh, thành Hội, các Chi hội Luật gia trực thuộc… đều rất bận rộn, các hoạt động hướng tới Lễ kỉ niệm & Đại hội thi đua, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa thể thao văn nghệ đã được các đơn vị chuẩn bị từ giữa năm 2014.

Với Nhóm Phóng viên chúng tôi được giao nhiệm vụ thường xuyên viết bài đưa tin về các sự kiện lớn của HLGVN cũng rất  phấn khởi và tự hào. Nhiều năm nay, trước mỗi sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của HLGVN, Ban biên tập Tạp chí Pháp Lý thường giao nhiệm vụ cho Ban Phóng viên làm số Tạp chí đặc biệt để tuyên truyền. Do đó, chúng tôi đã hiểu khá sâu sắc  về các hoạt động, các thành tích vẻ vang của HLGVN hơn 6 thập kỉ qua, cũng như những đóng góp to lớn của HLGVN cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. 

Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thấy sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến, không viết về họ- những tập thể, tuy số lượng người không nhiều, nhưng họ đang phải đảm đương khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, giúp việc trực tiếp cho Ban chấp hành, Ban Thường vụ TW Hội, họ đã âm thầm cống hiến một cách tận tụy, đóng góp vào sự nghiệp chung vì dân,  vì công lý của HLGVN. Trong phạm vi bài viết kì này chúng tôi xin giới thiệu về 3 tập thể trong số những tập thể Luật gia như thế…

 

Ban Đối ngoại và hợp tác Quốc tế

 

Lãnh đạo và cán bộ Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế chụp ảnh lưu niệm với nguyên Phó  Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đến thăm và làm việc tại trụ sở của HLGVN 

 

Trong những năm qua, với sự tham mưu của Ban Đối ngoại và hợp tác Quốc tế, các hoạt động quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu và chiều rộng, đạt được những kết quả quan trọng, đưa lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Hội lên một bước phát triển mới, nâng cao vị thế của Hội trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào những kết quả to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước .

Mặc dù, Ban Đối ngoại và hợp tác Quốc tế mới chính thức được thành lập nhưng những thế hệ làm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế ở Hội đã có từ rất lâu và đã đóng góp không nhỏ vào những thành tích đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam trong nhiều năm qua. Với đặc điểm là một Ban còn trẻ, gồm hai phòng và 8 cán bộ, trong đó Trưởng ban do bà Lê Thị Kim Thanh, hiện là Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm.

Kể từ khi Ban được thành lập, ý thức được nhiệm vụ đối ngoại tuy nặng nề nhưng với sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ nên trong thời gian qua, tập thể cán bộ của Ban đã nỗ lực không ngừng và tạo nên nhiều dấu ấn rõ nét trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội thể hiện qua hàng loạt những sự kiện chính trị quan trọng trong và ngoài nước của Hội.

Có thể nói, trong những năm qua, hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng tự hào, trong đó, có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ trong Ban đối ngoại và Hợp tác Quốc tế.

Từ năm 2009 đến năm 2012, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch ALA với nhiều đóng góp quan trọng nhằm nâng cao vị thế của ALA cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ALA với Ban thư ký ASEAN, thúc đẩy và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các nước ASEAN, tiến tới thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015. Đồng thời, triển khai có hiệu quả hàng loạt các dự án hợp tác với UNDP (2012 – 2015) , Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (2013), Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (2010-2011), Uỷ ban nhân quyền Australia (2011-2013), Trung tâm nhân quyền Na Uy (2009-2011), Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (2010-2012), Viện KAS và Quỹ Rosa Luxemburg của Cộng hoà Liên bang Đức (2009-2012), Hội Luật sư Canada (2011)…

Đây là những thành tích đối ngoại hợp tác đáng tự hào của Hội trong nhiều năm qua trong đó có sự đóng góp một phần công sức của những người làm công tác đối ngoại đã ngày đêm âm thầm góp sức để cùng với TW Hội tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào.

Năm 2014, Ban đối ngoại và Hợp tác Quốc tế đã tham mưu và giúp lãnh đạo Hội làm tốt vai trò là thành viên tích cực của IADL khi tham gia Đại hội Hội Luật gia dân chủ quốc tế lần thứ 18 tại Bỉ. Tháng 4 năm 2014, Trung ương Hội đã tổ chức đoàn đại biểu gồm 12 người đi Bỉ tham dự Đại hội đồng IADL lần thứ 18  do Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Đoàn đã tham dự đầy đủ 10 chủ đề chính của đại hội, có báo cáo khoa học về chủ đề “Tư pháp dân chủ nhân dân, độc lập xét xử và sự bảo vệ luật sư” và chủ đề “Làm luật sư để bảo vệ và thúc đẩy quyền công dân” thu hút được sự quan tâm của cộng đồng luật gia quốc tế.  Đoàn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác, đã tham dự tích cực vào các hoạt động của Đại hội 18, thể hiện và phát huy vai trò, uy tín của Hội Luật gia Việt Nam, được bạn bè quốc tế tôn trọng và đánh giá cao.

Ngoài ra, cũng trong thời gian này, một hoạt động khác cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các chuyên gia quốc tế khi Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn và vấn đề thực hiện nghĩa vụ của quốc gia, kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Đáng chú ý trong những hoạt động quốc tế thời gian gần đây có đóng góp tích cực nhất của Ban đối ngoại và Hợp tác Quốc tế chính là tham mưu cho Ban thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về vấn đề đấu tranh pháp lý ở Biển đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam đã hai lần ra tuyên bố yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đồng thời, Hội cũng đã kịp thời thông báo và đề nghị Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) ra tuyên bố về vấn đề này.

Ngày 26/7/2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của giới học giả trong lĩnh vực luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng. Hội thảo cũng cho thấy giới học giả pháp lý quốc tế nói riêng và dư luận quốc tế nói chung đã và đang ủng hộ Việt Nam vì đường lối đúng đắn trong quá trình đấu tranh với những hành vi vi phạm của Trung Quốc.

Tiếp đó, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện ngoại giao Việt Nam và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển đông lần thứ VI tại Đà Nẵng với chủ đề "Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực". Hội thảo này nằm trong chuỗi Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông do Hội Luật gia Việt Nam và Học viện Ngoại giao chủ trì từ năm 2009, là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm các học giả và nhà tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Nhiều học giả đã nêu đề xuất nhằm giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý tranh chấp và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Có thể nhận thấy, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt huyết và khát khao cống hiến, Ban đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trên trường quốc tế. Với những thành tích đã đạt được Ban đối ngoại và Hợp tác Quốc tế đã vinh dự 3 năm liền (từ 2012 - 2014) được Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội; Năm 2014 được Hội tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiên tiến xuất sắc”.

Chia sẻ với Phóng viên Pháp Lý về những định hướng trong thời gian tới, bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam kiêm Trưởng Ban cho biết, Trong thời gian tới, Ban sẽ nỗ lực trong công tác tham mưu cho Ban Lãnh đạo Hội trong các hoạt động như: Phát huy mạnh mẽ hơn vai trò thành viên của IADL để tranh thủ sự ủng hộ của giới luật gia thế giới cho các vấn đề pháp lý quốc tế của Việt Nam. Trước mắt, tham mưu cho lãnh đạo Hội tham gia tích cực vào Hội nghị luật gia Châu Á Thái Bình dương sẽ tổ chức vào tháng 6/2015 ở Nepal, tại đó, Hội Luật gia Việt Nam sẽ có bài phát biểu về quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề an ninh hàng hải tại Biển Đông. Tiếp tục  đóng góp tích cực cho các hoạt động của ALA để nâng cao vai trò của ALA trong quá trình hình thành Cộng đồng chung ASEAN, đặc biệt, trong năm 2015 sẽ tập trung đóng góp ý kiến để ALA có thể hình thành cơ chế hợp tác với ASLOM trong việc hài hóa hệ thống pháp luật thương mại trong các nước ASEAN. Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động thiết thực để thực hiện hiệu quả Thoả thuận hợp tác song phương đã ký kết với hiệp hội nghề luật của các quốc gia, đồng thời xúc tiến việc mở rộng quan hệ hợp tác với tổ chức nghề luật của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong năm 2015 dự kiến sẽ tham mưu để lãnh đạo Hội ký thỏa thuận hợp tác song phương với Hiệp hội luật sư bang California - Hoa Kỳ và Liên đoàn luật sư Nhật Bản. Tích cực thể hiện tiếng nói của giới luật gia Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp pháp lý quốc tế, cũng như tích cực tham gia các diễn đàn luật quốc tế về các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam. Triển khai hiệu quả các dự án, hoạt động đang hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế để tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức này nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội trong các lĩnh vực công tác: phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia xây dựng pháp luật nhằm tạo cơ hội tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác này. Đồng thời tích cực tiếp cận các đối tác quốc tế mới có mục tiêu hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội để tìm cơ hội và xúc tiến hợp tác. 

 

Văn phòng Trung ương Hội

Một số cán bộ Văn phòng tại Lễ khai trương trụ sở mới của HLGVN

 

Là những người trực tiếp giúp việc cho Lãnh đạo Hội, trong những năm vừa qua, tại các sự kiện chính trị pháp lý quan trọng của HLGVN, Văn phòng đã góp một phần không nhỏ tạo nên sự thành công của các sự kiện. Ở bất cứ công việc nào, các cán bộ, chuyên viên của Văn phòng khi được cử tham gia đều tận tâm làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được lãnh đạo đánh giá cao. 

Theo ông Trần Đức Long- Chánh văn phòng cho biết: Trước thềm tổ chức bất kì một sự kiện lớn nào của HLGVN, công tác chuẩn bị được chuẩn bị khá kĩ lưỡng từng khâu, VP phải tổ chức những buổi tập huấn về công tác phục vụ, dự trù trước những sự việc phát sinh để tránh xảy ra sai sót trong quá trình diễn ra sự kiện. Ông Long chia sẻ, cán bộ nhân viên VP xác định và luôn tâm niệm tận tụy phục vụ và “coi đại biểu như người thân”.

Trong công tác tham mưu, tổng hợp, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Văn phòng đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường trực Trung ương Hội xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và ban hành các văn bản đúng thời gian quy định.

Văn thư, lưu trữ là một bộ phận không thể thiếu ở bất kì cơ quan nào. Riêng với Văn phòng Trung ương Hội, công tác văn thư, lưu trữ càng quan trọng hơn khi hàng ngày phải tiếp nhận rất nhiều công văn đến và đi mà nếu không có sự cẩn thận, khoa học, việc nhầm lẫn, thiếu sót rất có thể sẽ xảy ra. Mỗi năm, Văn phòng đã tiếp nhận và xử lý tổng số hàng ngàn văn bản của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị. Tất cả đều được sắp xếp một cách khoa học và hợp lý nên rất thuận tiện cho việc lưu trữ và tra cứu văn bản, tài liệu.

Một trong những công tác mà Văn phòng đã và đang làm tốt đó là đưa website của Hội Luật gia Việt Nam đi vào hoạt động. Các tin tức, sự kiện nổi bật được biên tập và đăng tin kịp thời góp phần làm phong phú hơn trang thông tin, số lượng người truy cập cũng ngày một tăng.

Tâm sự với chúng tôi ông Trần Đức Long – Chánh Văn phòng thẳng thắn cho biết, nguồn nhân lực của Văn phòng tuy đã được kiện toàn và phát triển với đội ngũ cán bộ trẻ, tuy nhiên vẫn còn  hạn chế nhất định. Nhân viên văn phòng đảm nhiệm nhiều công việc từ công tác hậu cần cho các sự kiện lớn, các hội thảo, hội nghị của Hội; công tác tham mưu, tổng hợp; công tác hành chính, văn thư lưu trữ;… Thêm vào đó, nguồn kinh phí của Hội còn hạn chế, kinh phí bảo đảm ít khiến Văn phòng đôi lúc cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình, lại đồng tâm đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau nên trong mọi công tác, Văn phòng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nói về các cán bộ của mình, ông Long cho biết Văn phòng có hơn 60% quân số là đảng viên với trình độ cử nhân trở lên. Trong nhiều năm qua, Chi bộ Văn phòng luôn là Chi bộ trong sạch, vững mạnh, là lá cờ đầu trong công tác thi đua của Đảng ủy, được Đảng ủy khối tặng Bằng khen.  Bản thân Chánh Văn phòng cũng là một người còn rất trẻ nên việc tiếp cận nhân viên của mình là khá dễ dàng. Hiểu được tâm lý của cán bộ, nhân viên, lãnh đạo Văn phòng luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của anh em. Theo ông Long, đây là một tập thể đoàn kết, có sự đồng lòng từ Lãnh đạo đến nhân viên nên các nhân viên Văn phòng luôn hăng say trong công việc, khắc phục khó khăn, đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Đặc biệt, Văn phòng TW Hội luôn quan tâm công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng việc sắp xếp thời gian cho 100% cán bộ, đảng viên thuộc văn phòng học tập, triển khai  thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Đảng ủy cơ quan TW Hội, tổ chức nghe nói chuyện thời sự biển đảo và an ninh quốc phòng.

Trước những sự kiện lớn, Văn phòng luôn chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, hậu cần, đối nội, đối ngoại… để tổ chức tốt sự kiện. Chẳng hạn, lễ kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội chuẩn bị diễn ra,  các cán bộ văn phòng đã và đang được tất bật chuẩn bị thận trọng, tỉ mỉ và chu đáo. Do điều kiện riêng của Hội, các cán bộ văn phòng luôn nhắc mình làm sao để tổ chức sự kiện tiết kiệm nhất, nhanh nhất, cẩn trọng nhất và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của HLG.

Được biết, với những nỗ lực, tận tụy hết mình của đội ngũ CB, NV Văn phòng TW Hội nhiều năm liền được công nhận là tập thể lao động xuất sắc và được tặng "Cờ thi đua Hội Luật gia Việt Nam". Năm nay, Văn phòng tiếp tục đề nghị được tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến xuất sắc”, “Bằng khen của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam” và “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

 

Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật

 

 Hội thảo do HLGVN tổ chức về xã hội hóa công tác phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý (thuộc Đề án 1133 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Công tác tham gia nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của HLGVN. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua, Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật đã không ngừng phấn đấu, đề ra những biện pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ban thường xuyên tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương Hội mà trực tiếp là Ban Thường vụ và Ban Thường trực Trung ương hội trong việc tham gia nghiên cứu khoa học; xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể hơn, trong một vài năm trở lại đây, Ban đã tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi bổ sung hàng trăm Dự án Luật, Pháp lệnh và văn bản chính sách PL ; thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm; tham gia trực tiếp vào Tổ Biên tập nhiều dự án luật do các cơ quan khác soạn thảo; thường trực của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật của TW HLG; thường trực của Đề án 1133 của Thủ tướng; tham gia Ban thư ký của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW, Ban chỉ đạo chương trình 409 của Chính phủ; thường trực giúp việc Lãnh đạo Hội tham gia Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ; giúp việc cho Hội trong việc tham gia làm thành viên của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật; pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp; tham mưu cho việc chỉ đạo công tác của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, viện nghiên cứu, trường đào tạo…

Theo ông Nguyễn Văn Huệ (Trưởng Ban), từ sau khi TW Hội chuyển trụ sở về nơi mới khang trang hơn, các điều kiện về cơ sở vật chất giúp Ban thuận lợi hơn trong việc tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với Ban là lực lượng còn mỏng. Với quân số chưa đến 10 người nhưng lại đảm nhiệm một khối lượng công việc tương đối lớn … Để khắc phục hạn chế này, Ban kêu gọi sự hỗ trợ cộng tác từ các chuyên gia pháp luật không chỉ ở TW Hội, HLG địa phương mà còn ở các cơ quan trong khối nội chính.

Kể chuyện công tác của mình, ông Huệ chia sẻ: Tuy mới được Lãnh đạo Hội giao nhiệm vụ Trưởng ban, nhưng thời gian trước đây tôi đã được tham gia các đoàn đi thực tế ở nhiều địa phương nên tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm và nắm bắt được nhiều điều ở thực tế cuộc sống, điều này giúp tôi nhiều trong việc tham gia ý kiến góp ý cho các văn bản chính sách pháp luật. Ông Huệ tâm sự, với tôi thời gian ở bên gia đình có lẽ không nhiều bằng những chuyến đi, thời gian luôn thiếu đối với những cán bộ trong Ban, thường xuyên phải làm đêm để hoàn thành công việc được giao. Vất vả có, gian nan có, nhưng với chúng tôi trên gương mặt ai cũng ngập tràn nụ cười. Không vui làm sao được khi đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được sự đón nhận, quan tâm và lắng nghe, và đặc biệt những trải nghiệm từ cuộc sống giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong công tác.

Nói về kỉ niệm khi làm việc, ông Huệ chia sẻ: Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế tại Hạ Long (Quảng Ninh), có mời các chuyên gia từ Mỹ, Nga, Trung Quốc sang để thảo luận riêng về các quy định về các cơ quan tư pháp ở trong Hiến pháp của các nước. Thời điểm này, HLG là cơ quan đầu tiên tổ chức Hội thảo quốc tế bàn về Hiến pháp sửa đổi. Niềm vui lớn nhất là các đại biểu được mời đều đến dự đầy đủ, nhiệt tình. Các hội thảo sau đó, đại biểu đều đến dự kín hội trường. Báo cáo góp ý của Hội Luật gia Việt Nam đã được gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp TW, Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp Mặt trận Tổ quốc và được các đồng chí đánh giá cao.

Năm 2013, HLGVN được Thủ tướng giao chủ trì tổng kết 13 nội dung của Bộ luật Dân sự. Ban đã tích cực tham mưu và phối hợp với văn phòng và các đơn vị liên quan tổ chức 02 cuộc hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật gia đang công tác tại các tỉnh/thành Hội và chi hội trực thuộc TW Hội. Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005 của HLG VN đã được Bộ Tư pháp và các Ban, ngành hữu quan ghi nhận và đánh giá tốt.

Trong công tác phổ biến pháp luật, bên cạnh việc hợp tác với các cơ quan ngôn luận của TW Hội như Báo và các Tạp chí, Ban thường xuyên tổ chức các chuyến đi đến các tỉnh, thành trong cả nước để tuyên truyền. Trong các chuyến công tác ấy, không chỉ riêng giới chuyên gia, những người làm luật mà ngay cả những người lao động chân tay như cô bán hàng nước hay anh chạy xe ôm cũng rất quan tâm và đam mê tìm hiểu luật pháp. Chính họ là những người ở lại sau cùng trong các buổi tuyên truyền. Tất cả những điều đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn với những người làm công tác nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật.

Ông Huệ tâm sự: Mong mỏi của người dân, sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Hội, … là áp lực nhưng cũng là động lực để Ban cố gắng hơn nữa trong công tác thời gian tới. Trước mắt, Ban đã đề ra nhiệm vụ công tác sẽ tập trung thực hiện là tiếp tục tham mưu, giúp lãnh đạo Hội tiếp tục hoàn thành việc soạn thảo Luật Trưng cầu ý dân trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10. Đối với Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý", Ban cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các giai đoạn tiếp theo để báo cáo lãnh đạo Hội trình Thủ tướng. Đây là chủ trương lớn chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực mà trước hết là giúp người dân tiếp cận pháp luật được tốt hơn.

Thu Thủy - Văn Don (thực hiện)   

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD