14:41 21/05/2015 GMT+7
Luật Trưng cầu ý dân sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII
Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung vào việc xây dựng pháp luật để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có nội dung thảo luận về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân; đồng thời thực hiện công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được sự ủy quyền của Thủ tướng chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Trong 31 ngày làm việc, Quốc hội dự kiến thông qua 11 luật, một nghị quyết, cho ý kiến về 4 bộ luật sửa đổi, 11 dự án luật. Trong đó, Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án Luật trưng cầu ý dân do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo.

Đây là lần đầu Quốc hội thảo luận về Luật trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hóa các điều khoản được ghi trong Hiến pháp năm 2013, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, tạo điều kiện để nhân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Để triển khai xây dựng Dự án Luật, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, ban hành kế hoạch xây dựng dự án Luật Trưng cầu ý dân; tổ chức 05 cuộc họp Ban soạn thảo; tổ chức 08 cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tổ chức khảo sát ý kiến về một số vấn đề về trưng cầu ý dân tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức khảo sát kinh nghiệm thực tế tại Thái Lan; tổ chức nghiên cứu tổng quan về pháp luật trưng cầu ý dân ở các nước trên thế giới; tổ chức nghiên cứu về các quy định của pháp luật hiện hành về trưng cầu ý dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tập hợp các tài liệu nghiên cứu về luật trưng cầu ý dân trong và ngoài nước, kết quả nghiên cứu luật Trưng cầu ý dân giai đoạn 2004-2006; biên dịch luật Trưng cầu ý dân của 11 quốc gia trên thế giới gồm: Nga, Estonia, Slovakia, Ireland, Latvia, Bangladesh, Myanmar, Philippine, Úc, Thái Lan, Montenegro; các tài liệu tham khảo về trưng cầu ý dân của Nhật Bản, Hàn quốc và Thái Lan; tổ chức nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan như Luật Bầu cử, Luật Tổ chức Quốc hội .v.v..

Đàm Thanh Tuấn

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD