12:48 29/08/2023 GMT+7
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Trọng tài thương mại
Hội Luật gia Việt Nam hiện nay đang tích cực tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

 

Sáng ngày 25/8, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại (TTTM).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, sau 12 năm thi hành Luật TTTM, đã thu được nhiều kết quả tích cực, hệ thống tổ chức trọng tài thương mại được xây dựng, phát triển rất rộng rãi. Đặc biệt, đội ngũ trọng tài viên hiện nay rất đông đảo, kỳ vọng vào giải quyết hiệu quả các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

“Luật TTTM năm 2010 có nhiều điểm mới và tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hoạt động trọng tài. Luật có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp, tòa án trong việc bớt những vụ việc giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn.

 

TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.


Tuy nhiên, việc thực hiện Luật này đã được 12 năm, nhưng cũng còn một số tồn tại trong quy luật phát triển. Do đó, cần thiết phải đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung một số vấn đề Luật này nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và đảm bảo cơ sở pháp lý của hoạt động TTTM”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Vì vậy, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật TTTM.

Trên cơ sở đó, đánh giá, đề xuất bổ sung, hoàn thiện để hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương tăng cường, mở rộng hoạt động trọng tài cũng như thương lượng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, từ nhiệm vụ này, Hội đã thành lập ban biên tập, xây dựng kế hoạch xây dựng báo cáo, tổ chức nhiều hoạt động thu thập, nghiên cứu tài liệu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm… chú trọng đến các trọng tài viên, trung tâm trọng tài, các cơ quan trong khối tư pháp, tòa án, kiểm sát… trên cơ sở đó đã xây dựng dự thảo báo cáo kết quả rà soát Luật này.

Từ việc xây dựng thành công Báo cáo nghiên cứu, rà soát, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM.

Về lộ trình thực hiện, việc xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2023 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trước đó, dự thảo hồ sơ cũng sẽ được gửi để lấy ý kiến của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. 

Đến nay, sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành Dự thảo hồ sơ.

 

Toàn cảnh hội thảo.


Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng của hồ sơ trước khi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan và trình cấp có thẩm quyền, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý nhằm tranh thủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các cơ quan hữu quan và các chủ thể có liên quan đến điều chỉnh của Luật.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đề nghị các đại biểu, chuyên gia, các trọng tài viên tại hội thảo tham gia có những ý kiến để rà soát, đề xuất các vấn đề trong việc hoàn thiện Dự thảo hồ sơ, làm cơ sở để Hội Luật gia hoàn thiện các thủ tục, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

 

Nguồn nguoiduatin.vn

 

Hình ảnh một số đại biểu phát biểu tại hội thảo:

 

GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Hội Luật gia Việt Nam.

 

GS. Chu Hồng Thanh.

 

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật.

 

 

Vũ Thị Hằng, Phó Trưởng Ban Thư ký kiêm Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế VIAC.


 

Luật sư, Trọng tài viên, Nguyễn Mạnh Dũng.

 

 

Nguyễn Thị Tú Anh đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp.

 

Nguyễn Quang Dũng đại diện Ban Nội chính Trung ương.


Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD