15:46 25/07/2016 GMT+7
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49
(Theo Chinhphu.vn) - Ngày 24/7, tại Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) đã diễn ra với sự tham dự của 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.

 

Các đại biểu dự phiên họp toàn thể AMM 49 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TTXVN


Với chủ đề "Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động", các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận năm nội dung chính, gồm: các biện pháp củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức; hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Các Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, là nền tảng để ASEAN khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm và tiếng nói trong việc xử lý các vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, nâng cao hình ảnh và uy tín của Cộng đồng ASEAN.

Về triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển trên cả 3 trụ cột, trong đó có việc xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi. Về Kế hoạch Tổng thể Chính trị-An ninh ASEAN 2025, nhiều tiến triển tích cực đã đạt được, với 140 trong tổng số 290 dòng hành động đang được triển khai, đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó có nhiều dòng hành động thực chất như khởi động xây dựng quy trình chuẩn về hỗ trợ lãnh sự dành cho công dân ASEAN ở nước thứ 3, thành lập Trung tâm Quân y ASEAN, tổ chức các cuộc diễn tập về cứu trợ thiên tai, an ninh biển, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

Về kinh tế, Hội nghị hoan nghênh các kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016-2025 đã được xây dựng ở hầu hết các kênh chuyên ngành như đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, khoa học công nghệ, nông-lâm nghiệp....

Về văn hóa-xã hội, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của trụ cột này trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng bản sắc ASEAN; đánh giá cao những kết quả tích cực, trong đó có thông qua và triển khai các Chiến lược Hành động giai đoạn mới về lao động, giáo dục, môi trường, y tế, quản lý thiên tai; xây dựng Hướng dẫn của ASEAN về Trách nhiệm xã hội công ty đối với lao động, vận hành Viện Kinh tế xanh ASEAN...

Các nước cam kết tiếp tục quyết tâm và nỗ lực triển khai đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn 2025 và các kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, dựa trên luật lệ và lấy người dân làm trung tâm. Các Bộ trưởng đánh giá cao việc gắn kết triển khai Tầm nhìn 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững, coi đây là ưu tiên quan trọng, nhất trí sẽ xem xét xác định các lĩnh vực ưu tiên và xây dựng lộ trình để thúc đẩy các thành tố tương đồng trong hai văn kiện chiến lược này. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức phiên họp đặc biệt về Phát triển Bền vững dịp họp Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở New York tháng 9 tới.

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng trong việc thúc đẩy phát triển đồng đều và bao trùm, hỗ trợ các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) hội nhập hiệu quả hơn; theo đó, cam kết sẽ triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch công tác sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 3 sau khi các văn kiện này được Cấp cao ASEAN thông qua vào tháng 9 tới.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN, nhất là trong việc phân định rõ ràng chức năng, vai trò giữa các cơ quan, tăng cường điều phối trên các vấn đề liên ngành; theo đó, giao các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN và Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR) nghiên cứu khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN nhằm bảo đảm ASEAN đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của giai đoạn mới.

Bàn về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các Bộ trưởng hoan nghênh các tiến triển trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, ghi nhận đã có 86 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3, nhất trí ASEAN cần tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hợp tác với các dối tác, cùng đóng góp xây dựng cho hợp tác chung ở khu vực, xử lý các thách thức đặt ra cũng như hỗ trợ ASEAN triển khai Tầm nhìn 2025, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các Bộ trưởng nhất trí trao Quy chế đối tác theo lĩnh vực cho Thụy Sĩ và Đối tác phát triển cho Đức. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu vực phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+.

Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như Bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông, các thách thức đang nổi lên như khủng bố, buôn bán người, di cư, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, biến đổi khí hậu, thiên tai. Trước những ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của các thách thức an ninh đối với hòa bình, ổn định khu vực, các nước cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Nhân dịp này, các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm TAC, tiếp tục đề cao giá trị, tầm quan trọng cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước và chấp thuận đề nghị tham gia TAC của Chile, Iran, Morocco và Ai Cập.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực; tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Nhiều Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; Biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Một số vấn đề liên quan đến Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng được trao đổi. Các Bộ trưởng cũng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã được nhấn mạnh, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại phiên toàn thể AMM 49. Ảnh: TTXVN


Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN, khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên phối hợp chặt chẽ với Lào hoàn thành tốt trọng trách này. Phó Thủ tướng chia sẻ về tầm quan trọng của việc bảo đảm đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; đề cao ý thức cộng đồng và kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN; đề nghị tăng cường trao đổi và phối hợp lập trường chung ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế.

Về triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết chủ động tham gia và đóng góp hiệu quả; đề nghị tiến hành đánh giá chất lượng cũng như các khó khăn trong triển khai các dòng hành động để kịp thời có giải pháp hoặc điều chỉnh phù hợp. Về triển khai Kế hoạch tổng thể chính trị-an ninh ASEAN 2025, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung tăng cường năng lực xử lý các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, vận hành các cơ chế “cảnh báo sớm” và “phản ứng nhanh”, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao phòng ngừa và xây dựng lòng tin, xây dựng các quy tắc và chuẩn mực ứng xử, nhằm ngăn ngừa và quản lý nguy cơ xung đột tiềm tàng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao tiến triển trong xây dựng Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 3 về thu hẹp khoảng cách phát triển và Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025, coi đây là những nội dung quan trọng hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng; khẳng định Việt Nam, với vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách IAI năm 2017, sẽ thúc đẩy triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn mới nhằm nâng cao năng lực cho các nước CLMV trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Về kết nối, Phó Thủ tướng cho rằng nên tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng bền vững, sáng tạo số, tạo thuận lợi cho di chuyển của lao động và đề nghị các cơ quan liên quan của ASEAN cần tiếp tục nỗ lực sớm hoàn tất văn kiện về thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư.

Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, Phó Thủ tướng đề cao tầm quan trọng của quan hệ với các đối tác theo khuôn khổ ASEAN+1, đề nghị đưa hợp tác đi vào thực chất thông qua việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận; kêu gọi các đối tác hỗ trợ ASEAN thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức đang nổi lên. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm trong việc định hình một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, đa tiến trình, đa lĩnh vực và dựa trên luật lệ.

Trong trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chính, nhưng cũng có không ít các thách thức phức tạp với hệ lụy khó lường như chiến tranh và xung đột ở Trung Đông và châu Phi, khủng bố, di cư, biến đổi khí hậu, bất ổn ở Nam Á, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý kịp thời vấn đề biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, đề nghị sớm xây dựng các biện pháp cụ thể và lộ trình triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý Thiên tai và Tuyên bố Một ASEAN, Một Ứng phó chung, tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên về xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo, quản lý và bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển, rừng và nguồn nước sông Mekong.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng nhiều mặt của Biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực; chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hệ lụy đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để các nước giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc năm 1982; khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN kiên trì lập trường chung đã có; kêu gọi các nước thực hiện kiềm chế, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC và đề cập tới các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, đóng góp vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

* Ngày mai (25/7), theo chương trình, sẽ diễn ra 10 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các bên Đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Liên minh châu Âu - EU và Canada).

Tuấn Minh (theo BNG)

Nguyễn Công Việt



  • Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 và Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội với cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động Ngày 10/12/2024, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ, cấp ủy chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã phổ biến, quán triệt những kết quả cơ bản trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18; chủ trương, phương hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18.
  • Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng ĐChiều ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Đảng Khối cơ quan Trung ương” năm 2024. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Đỗ Việt Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nhữ Quang Cảnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành đảng bộ, các đồng chí là Bí thư chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ và cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
  • Cụm thi đua số 2 Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024Sáng 03/12/2024 Cụm thi đua Đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền trung (Cụm số 2) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Xương Giang, thành phố Bắc Giang
  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỔI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNGHiện nay tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã gây nhức nhối lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội, đang trở thành nỗi quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.
Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD