23:09 14/12/2016 GMT+7
Hội thảo “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 – 2016”.
Vừa qua tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 – 2016: Kết quả, bài học kinh nghiệm và kiến nghị”.

 

Toàn cảnh Hội thảo


Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Đề án; Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam. Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu là Lãnh đạo Văn phòng Trung ương Hội, các Ban chuyên môn và một số đơn vị trực thuộcTrung ương hội; đại diện Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Bắc.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Đề án


Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quyền cho biết: Đề án nói trên được triển khai trong phạm vi toàn quốc với các nhiệm vụ, đó là:

1. Nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện một số quy định pháp luật hiện hành tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường xã hội hóa hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL).

 

2. Xây dựng mô hình tổ chức hoạt động PBGDPL và TGPL của Hội Luật gia tại cơ sở, ở một số tổ chức xã hội và doanh nghiệp gắn với đặc thù về chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của từng chủ thể để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra trong toàn hệ thống.

 

3. Đánh giá tình hình thực hiện TGPL của các trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để nhân rộng hệ thống này ra tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

4. Nâng cao năng lực cho các cấp Hội, các tổ chức xã hội trong các hoạt động PBGDPL và TGPL.

 

5. Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động phối hợp của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác để thúc đẩy các hoạt động PBGDPL và TGPL.

 

Mục đích của Hội thảo là nhằm đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết ba năm triển khai thực hiện Đề án để đánh giá những kết quả đã đạt được, nêu ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng chính phủ các giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL trong giai đoạn tới.

 

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam

 

Tại Hội thảo, đồng chí Lê Minh Tâm đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2016, nêu lên những kết quả đã đạt được, đồng thời  chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án. Từ đó đưa ra 8 kiến nghị và đề xuất một số giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Sau khi nghe Báo cáo, nhiều đại biểu đã trình bày tham luận làm rõ hơn các vấn đề của đề án như: Tham luận “Thực tiễn việc huy động các nguồn lực xã hội hóa vào công tác PBGDPL và TGPL, nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi để huy động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho công tác PBGDPL và TGPL” của đồng chí Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến giáo dục pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam; Tham luận “Xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động PBGDPL và TGPL của Hội Luật gia tại cơ sở” của đồng chí Võ Việt Hà, Phó trưởng Ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam trình bày; Tham luận: “ Công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị -  xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác để thúc đẩy các hoạt động PBGDPL và TGPL” của đồng chí Dương Đình Khuyến, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam.

 

Đồng chí Dương Đình Khuyến, Phó Tổng thư ký,

Trưởng ban Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng

và phổ biến giáo dục pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam

 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Triệu Viết Hanh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lào Cai cho rằng: Qua quá trình thực hiện Đề án còn có một số hạn chế tồn tại đó là công tác lồng gép các chương trình PBGDPL và TGPL chưa được tập trung, còn tản mạn. Công tác vận động kinh phí còn hạn chế gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đặc biệt là cơ sở vật chất cho các Trung tâm tư vấn pháp luật quá thiếu thốn. Đồng chí kiến nghị: Cần tăng cường công tác hợp tác đối ngoại để vận động nguồn tài trợ nước ngoài, nguồn ngân sách của Chính phủ để hỗ trợ cho các trung tâm tư vấn pháp luật của địa phương hoạt động thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện đề án một cách đồng đều, nhân rộng các mô hình điểm để các địa phương học tập thực hiện Đề án có hiệu quả. Về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, cần tổng hợp báo cáo đầy đủ trình Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn tới.

 

Đồng chí Triệu Viết Hanh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lào Cai


Sau một ngày làm việc với nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp và kiến nghị vào Báo cáo tổng kết quá trình thực hiện Đề án giai đoạn 2013 – 2016, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án đã tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo để trình Thủ tướng chính phủ, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL trong giai đoạn 2017-2021.

Trước đó, ngày 24 tháng 11 năm 2016, tại Ninh Thuận, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức Hội thảo với nội dung nói trên để tiếp thu những ý kiến đóng góp của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đàm Thanh Tuấn

 Hội thảo tại Ninh Thuận: Công tác xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Vừa mang tính thời sự cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD