11:06 28/03/2015 GMT+7
Hội thảo sơ kết triển khai thí điểm mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện về đất đai
Tăng cường đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất sẽ giúp người dân có khiếu nại bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đồng thời, giúp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm các khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Trong hai ngày 18 và 20 tháng 3 năm 2015, với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 02 Hội thảo sơ kết triển khai thí điểm “Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện về đất đai” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Dự Hội thảo tại Hà Nội vào ngày 18/3/2015 có các đại biểu đến từ hơn 20 tỉnh/thành Hội phía Bắc và một số đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Dự Hội thảo ngày 20/3/2015 tại thành phố Hồ Chí Minh có các đại biểu là đại diện các tỉnh/thành Hội phía Nam và một số đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại các Hội thảo này, các đại biểu đã được 3 tỉnh Hội: Hải Dương, Hà Tĩnh và Bình Thuận giới thiệu sơ bộ về kết quả áp dụng mô hình mới trong việc giải quyết các khiếu nại phát sinh từ thu hồi đất tại địa phương mình. Tỉnh Hội Hải Dương lựa chọn giải quyết 3 vụ việc; Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh Hội lựa chọn giải quyết 4 vụ việc. Theo báo cáo, về cơ bản các vụ việc được lựa chọn đã được các tỉnh Hội áp dụng “Mô hình” mới để giải quyết triệt để, hợp tình, hợp lý và nhận được sự đồng thuận cả từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương. Đặc biệt, ở Bình Thuận các vụ việc được lựa chọn đều là những vụ việc khiếu nại đông người, nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Hội Bình Thuận đã tiến hành thúc đẩy, đối thoại giải quyết xong cho 144/245 hộ dân và 6 tổ chức, còn 111 hộ dân đã có phương án giải quyết trong thời gian tới. Các vụ việc tại Hà Tĩnh, mặc dù là các vụ việc đơn lẻ, nhưng đều là những vụ việc phức tạp và kéo dài. Tuy nhiên, với những nỗ lực của mình, tỉnh Hội Hà Tĩnh đã dần dần tạo được niềm tin với người dân và chính quyền cho nên đã thực hiện đối thoại xong 02 vụ việc, còn 02 vụ việc sẽ được tỉnh Hội thực hiện xong trong thời gian tới. Ở Hải Dương, đã hoàn thành cả 3 vụ việc được lựa chọn, mặc dù kết quả chưa được như mong đợi.

Trên cơ sở báo cáo sơ bộ của các tỉnh, các ý kiến nhận xét, góp ý của các đại biểu, ý kiến nhận xét, đánh giá của chuyên gia pháp lý của dự án, đánh giá sơ bộ về việc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án, đồng chí Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam biểu dương những kết quả ban đầu mà các tỉnh Hội đã đạt được trong thời gian vừa qua. Đồng thời nhắc nhở các tỉnh cần sớm thực hiện xong các công việc còn lại của dự án để bảo đảm tiến độ của Dự án. Cùng với đó, các tỉnh Hội khác cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh đã thực hiện thí điểm mô hình mới này, nếu thấy hiệu quả và điều kiện cho phép có thể triển khai trên địa bàn tỉnh mình trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch cũng lưu ý các tỉnh nếu trong quá trình thực hiện việc tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai nói chung hay tổ chức đối thoại đa chủ thể nói riêng, có những quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc không còn phù hợp cần tập hợp và gửi về Trung ương Hội. Trên cơ sở đó, khi kết thúc dự án thí điểm, Trung ương Hội sẽ tập hợp và có đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

 

Lê Khắc Quang

Cán bộ truyền thông của Dự án

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD