16:54 30/11/2022 GMT+7
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Liên bang Nga đề xuất những cơ chế hợp tác mới để thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông
Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11 năm 2022, đoàn đại biểu của Hội Luật gia Việt Nam do ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo quốc tế về Biển Đông tại thủ đô Moskva Liên bang Nga, thăm và làm việc việc với Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Ủy ban Đối ngoại Thành phố Xanh Pê-téc-bua.

 

Toàn cảnh Hội thảo

  Hội thảo năm nay có chủ đề “Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế” do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) phối hợp với Quỹ quốc tế Con đường hoà bình và Trung tâm Luật hòa bình của Liên bang Nga tổ chức. Đây là lần thứ ba IADL tổ chức hội thảo về chủ đề này tại Liên bang Nga.

 

  Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh với Chủ tịch Quỹ quốc tế Con đường hòa bình     

 

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia giàu kinh nghiệm về luật quốc tế cũng như về vấn đề Biển Đông đến từ các nước Nga, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và các đại biểu từ các cơ quan, tổ chức pháp luật, cơ sở nghiên cứu của Liên bang Nga.

Tại hội thảo các chuyên gia đã cập nhật, phân tích và đánh giá về những diễn biến mới nhất ở Biển Đông bao gồm các động thái pháp lý, đối ngoại và thực địa tại Biển Đông trong giai đoạn 2019-2022, sự điều chỉnh chính sách của các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua, cũng như những sự kiện và thay đổi trong môi trường quốc tế có liên quan. Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã nêu ra những đề xuất kiến nghị về những quan điểm, cơ chế hợp tác mới nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán và các giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. 

        Trong bối cảnh việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông chưa đạt được kết quả mong đợi, đồng thời các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đã và đang chủ trương thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, những đề xuất về các cơ chế hợp tác quốc tế mới nhằm khắc phục hạn chế của những cơ chế hiện tại để thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp về Biển Đông một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế được nêu ra đã thể hiện sự thành công của Hội thảo, ví dụ như: thiết lập cơ chế hợp tác tiểu đa phương, theo đó 3 nước trong khu vực ASEAN hợp tác, hình thành cơ chế phối hợp tuần tra chung trên các vùng biển tại Biển Đông, điều tra chung về tác động đối với môi trường từ việc cải tạo các cấu trúc tại các quần đảo Biển Đông, thành lập lực lượng cảnh sát biển chung để bảo đảm an ninh, hòa bình đối với các hoạt động kinh tế trên Biển Đông…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

 

        Luật sư Edre Olalia, Chủ tịch IADL và GS. TS. Umnova Irina Anatolievna, Chủ tịch Quỹ quốc tế Con đường Hòa bình kiêm Giám đốc Trung tâm luật hòa bình của Liên bang Nga đồng chủ trì Hội thảo đánh giá cao các sáng kiến, đề xuất mà các chuyên gia và đại biểu đã đưa ra, những góp ý đó sẽ là một trong những tiền đề để góp phần mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực Biển Đông.

        Kết luận Hội thảo, Chủ tịch IADL khẳng định trong nhiều năm IADL đã kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục giám sát để đảm bảo khu vực này hướng tới hòa bình và an ninh. IADL tái khẳng định và đề nghị các bên liên quan tôn trọng và hoàn toàn tuân thủ Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) cũng như sớm xây dựng và thực hiện COC mang tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

        Chủ tịch IADL cũng khuyến nghị tất cả các chuyên gia tham dự Hội thảo, khi quay trở lại quốc gia mình, cần báo cáo kết quả của Hội thảo với Chính phủ để xem xét, nghiên cứu về những đề xuất phù hợp và khả thi. Đồng thời IADL cũng sẽ đăng kết quả của hội thảo trên trang thông tin điện tử và bản tin của mình để mở rộng tác động của Hội thảo.

Lê Quang

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD