09:24 26/07/2016 GMT+7
Hội thảo quốc tế: "Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982"
Ngày 23/7/2016, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982” với sự chủ trì của GS,TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; GS,TS Mai Hồng Quỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia VN phát biểu tại Hội thảo


Dự Hội thảo còn có nhiều  học giả, nhà khoa học đến từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Bỉ , Philippines, Liên bang Nga và hơn 250 đại biểu khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế cũng như đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình. Hội thảo tập trung thảo luận về 3 chủ đề chính đó là:Các quy định về giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982;Giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982; Ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philipines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.


Các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo


Hai diễn giả  GS.TS Donal Rothwell và GS.TS Carl Thayer, đến từ Australia đã làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến hệ thống, vai trò của các biện pháp và phương thức tài phán khác để giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Cùng với các tham luận của TS.Ngô Hữu Phước (Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh), GS.TS.Erick Frankx (Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ, thành viên Tòa trọng tài thường trực PCA), PGS.TS Jay Batongbacal (Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Quốc gia Philippines) và GS.TS Gregory Rose (Đại học Wollongong, Australia), các học giả và đại biểu tham dự đều cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines là một phán quyết có tính chất lịch sử, có giá trị pháp lý quan trọng và đóng góp to lớn cho sự phát triển của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia khu vực và thế giới trong việc lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết tranh chấp.

Các tham luận của GS.TS Hideo Yamagata (Đại học Nagoya, Nhật Bản), TS.Pavel Gudev (Viện nghiên cứu Primakov, Liên bang Nga), TS.Nguyễn Ngọc Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược) và TS.Trần Thăng Long (Phó trưởng Bộ môn Anh văn pháp lý, giảng viên Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh), đã phân tích, làm sáng tỏ những ảnh hưởng, tác động của vụ Philippines kiện Trung Quốc mà Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã tuyên bố phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016 trên các bình diện chính trị, pháp lý và quan hệ quốc tế.

Các học giả và đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận về những ảnh hưởng, tác động của phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Theo đó, phán quyết này là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia trong khu vực điều chỉnh quan điểm, yêu sách và cách thức tiếp cận rõ ràng hơn về mặt pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia có tranh chấp biển trong khu vực nghiên cứu, áp dụng để giải quyết tranh chấp hòa bình các tranh chấp biển trong tương lai.

Đặc biệt, phán quyết này là cơ hội để Việt Nam cùng với các quốc gia trong khu vực biển Đông có thêm cơ sở pháp lý và động lực để bác bỏ các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền trái pháp luật quốc tế trên biển Đông của Trung Quốc. Đồng thời, mở ra cơ hội mới cho các quốc gia trong khu vực hợp tác để quản trị biển Đông một cách hòa bình, ổn định và phát triển.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo


Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS, TS Lê Minh Tâm, nhấn mạnh: Hội thảo đã kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết, đồng thuận trong việc tìm kiếm giải pháp hợp tác cùng với Trung Quốc để xây dựng khu vực Đông Nam châu Á hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Hội thảo cũng đã nhận được sự đồng thuận với quyết định thành lập  “Trung tâm nghiên cứu Luật biển” của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Hội Luật gia Việt Nam nhằm thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh giảng dạy, nghiên cứu và tuyên truyền về Luật biển quốc tế cũng như Luật biển Việt Nam. Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc thành lập và triển khai hoạt động của Trung tâm nghiên cứu Luật biển trong thời gian tới.

Tổng hợp Đàm Thanh Tuấn

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD