16:17 29/11/2022 GMT+7
Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại
Ngày 29/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.

 

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

 

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại. Thực hiện nhiệm vụ trên, Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng xong Dự thảo và tổ chức Hội thảo góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo nói trên.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

Tham dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan, đơn vị: Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam; Trung tâm trọng tài quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm tư vấn pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm trọng tài Thương nhân Việt Nam; Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính FCCA; Tạp chí Đời sống và pháp luật; Công ty TNHH luật Việt Minh Á Châu và một số trọng tài viên tại các trung tâm trọng tài.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc Hội thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quyền cho biết, chủ trương khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải bằng trọng tài được ghi nhận trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đây là chủ trương rất quan trọng, nhằm mở rộng các hình thức giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua các hoạt động trọng tài. Khi thực hiện Nghị quyết 49, giới luật gia rất chú trọng vấn đề này, bởi giải quyết những tranh chấp thông qua tư pháp, tòa án rất quan trọng nhưng giải quyết bằng trọng tài, hòa giải thương lượng tạo ra cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp để hoạt động.

Qua rà soát cho thấy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có hiệu lực từ tháng 01/2011 có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp, tòa án trong việc giảm bớt những vụ việc giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn. Từ những kết quả đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đề nghị các đại biểu, các trọng tài viên tại hội thảo tham gia có những ý kiến để rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã trình bày Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (TTTM).

 

Đồng chí Nguyễn Văn Huệ trình bày Dự thảo báo cáo


Báo cáo chỉ rõ, ngay sau khi Luật TTTM có hiệu lực ngày 01/01/2011, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TTTM đã được Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ ban hành kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, Quốc hội cũng đã sửa đổi, bổ sung chế định về trọng tài thương mại trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Đầu tư 2014, Luật thương mại hợp nhất số 03/VBHN-VPQH, Luật Xây dựng 2014…

Trong hơn 10 năm qua, số lượng trung tâm trọng tài và trọng tài viên ở nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, phần nào đáp ứng tốt các yêu cầu của trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, tính đến 30/6/2022, cả nước đã có 42 Trung tâm trọng tài thương mại và 01 văn phòng đại diện của Ủy ban trọng tài thương mại Hàn Quốc. Toàn quốc đã có khoảng 700 trọng tài viên, trong đó có một số trọng tài viên là người nước ngoài. Về kết quả giải quyết, trong 10 năm (từ 2011-2020) các Trung tâm trọng tài đã giải quyết được 2900 vụ tranh chấp. Không những số lượng vụ việc trọng tài thụ lý tăng lên mà các lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đánh giá chung về kết quả thực hiện, dự thảo báo cáo nêu rõ Luật TTTM đã tiếp thu các nguyên tắc quan trọng của Luật Mẫu về trọng tài của UNCITRAL, tạo ra một khuôn khổ tương đối thuận lợi cho sự phát triển của phương thức trọng tài.

Trên cơ sở đánh giá hơn 10 năm thực thi Luật Trọng tài thương mại, Báo cáo nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại và pháp luật liên quan đảm bảo trọng tài thực sự là thiết chế hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại.

Bên cạnh đó, cần hướng đến xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định của Luật trọng tài thương mại, đặc biệt là việc hủy phán quyết trọng tài; Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành phán quyết trọng tài; Nâng cao năng lực của các Trung tâm trọng tài, đội ngũ trọng tài viên đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của trọng tài thương mại. Về lộ trình thực hiện, Hội Luật gia Việt Nam sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật TTTM trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31/12/2022. Xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

Việc xây dựng hồ sơ dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2023 và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 khóa XV (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại vào kỳ họp thứ 8 khóa XV (tháng 10/2024).

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ rõ song song với việc xây dựng hồ sơ dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại cũng cần nghiên cứu hoàn thiện quy định luật khác liên quan Luật Trọng tài thương mại như nghiên cứu, bổ sung quy định về giám đốc thẩm quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài trong Bộ luật Tố tụng dân sự; Sửa Luật thi hành án dân sự theo hướng bổ sung quy định về thủ tục thi hành phán quyết của TTTM; Hoàn thiện các văn bản dưới luật đảm bảo thi hành Luật Trọng tài thương mại.

Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo, các ý kiến cơ bản đồng ý với báo cáo nghiên cứu, rà soát luật Trọng tài Thương mại do Hội Luật gia Việt Nam xây dựng. Báo cáo rà soát đã phản ánh tương đối đầy đủ những kết quả cũng như những hạn chế, bất cập của Luật TTTM trong quá trình áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó các ý kiến cũng góp ý vào một số vấn đề còn bất cập, hạn chế như: Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên; việc hủy phán quyết của trọng tài; Hình thức tổ chức của Trọng tài ở Việt Nam: Điều kiện thành lập Trung tâm trọng tài; Trách nhiệm bồi thường của trọng tài viên trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phạm vi điều chỉnh của Luật TTTM chưa được quy định rõ ràng. Về tiêu chuẩn trọng tài viên cần chuẩn hóa trình độ của Trọng tài viên, tối thiểu là cử nhân luật và phải trải qua các lớp nghiệp vụ về Trọng tài. Do đó, tiêu chuẩn Trọng tài viên cần được quy định chặt chẽ,  chuẩn hoá hơn theo tiêu chuẩn được quy định tại điều 20 Luật TTTM…

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết sau một thời gian làm việc nghiêm túc, sôi nổi, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tích cực, đa chiều, liên quan đến nhiều vấn đề trong việc thực thi Luật TTTM trong hơn 10 năm qua; các đại biểu đã làm rõ thêm nhiều hạn chế, bất cập cũng như bổ sung thêm nhiều vấn đề và đề xuất hướng khắc phục. “Đây đều là những đóng góp hết sức giá trị bởi xuất phát từ hoạt động thực tiễn về mặt pháp lý, giải quyết trọng tài, tổ chức thi hành án, công nhận kết quả thi hành án của các cơ quan hữu quan, trung tâm trọng tài và trọng tài viên. Nhìn chung, tất cả các ý kiến đều đồng thuận cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại, tiến tới hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại và pháp luật liên quan trọng tài, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ban Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/12/2022 theo kế hoạch đề ra. 

 Mai Vũ tổng hợp

Một số hình ảnh tại Hội thảo: 

 

Ths. Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại Tp.HCM

 

Ông Huỳnh Đăng Hiếu - Phó Trưởng phòng Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

 

TS Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật

 

Ông Võ Quang Huy, Phó Viện Trưởng Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh

 

Bà Nguyễn Thị Kim Vinh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại tài chính (FCCA)

 

Luật sư Đặng Đình Thịnh, Ủy viên BCH TW Hội Luật gia Việt Nam, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài kinh tế miền Nam

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD