12:17 11/07/2016 GMT+7
Hội nghị Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng tại Biển Đông.
Hội nghị Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) lần thứ 6 do Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) tổ chức tại Nepal với chủ đề “Thách thức đối với các quyền hòa bình, dân chủ, phát triển kinh tế và quyền con người” đã nhận được sự quan tâm của giới luật gia các nước trong khu vực. Với sự tham gia của hơn 170 đại biểu là luật gia, luật sư của 20 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) và các khách mời quốc tế, Hội nghị đã đề cập các vấn đề cụ thể gồm: Hòa bình trong khu vực và toàn cầu; Nhân quyền; Quyền kinh tế và phát triển; Tăng cường dân chủ.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo, cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Việc cải tạo đất của Trung Quốc đã biến 7 bãi đá, gồm Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Ga Ven và Xu Bi, thành đảo nhân tạo, phá vỡ nguyên trạng, hủy hoại nhiều rạn san hô nói riêng, hệ sinh thái biển nói chung.

Theo các đại biểu thì việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở các bãi đá nêu trên có thể cải thiện năng lực triển khai nhanh tàu chiến, máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong thời gian tới. Trong thời gian vừa qua, các tàu hải quân và hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở biển Đông phải trở lại các căn cứ duyên hải Trung Quốc để được tái trang bị, nạp thêm nhiên liệu, để thủy thủ đoàn lên bờ nghỉ ngơi. Với các cơ sở mới ở Biển Đông này, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng chúng như là một địa điểm tích trữ nhiên liệu, thiết bị cho các tàu hải quân, hải cảnh của Trung Quốc thay vì phải trở về duyên hải Trung Quốc. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi và bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đã và đang có những động thái triển khai các vũ khí, quân sự hóa tại các đảo mà Trung Quốc đã cải tạo ở Biển Đông.

Với tính chất diễn biến phức tạp tại Biển Đông trong thời gian qua, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất xây dựng tuyên bố chung của Hội nghị và đưa một số nội dung liên quan đến Biển Đông vào nội dung Tuyên bố nói trên.

Trân trọng giới thiệu đến quý độc giả trích đoạn Tuyên bố của Hội nghị Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 tại Kathmandu, Nepal như sau:

- Hội nghị nhắc nhở các nước có tranh chấp lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần tuân thủ nguyên tắc quốc tế về nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời áp dụng các biện pháp hòa bình như đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của từng quốc gia để giải quyết các tranh chấp quốc tế; không làm tổn hại đến hoà bình, an ninh và công lý quốc tế.

- Hội nghị kêu gọi các bên liên quan tranh chấp trên Biển Đông áp dụng các cơ chế của Liên hợp quốc, đặc biệt là Công ước về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đàm phán, đối thoại, tôn trọng chủ quyền và quyền tự quyết của nhau.

Phạm Xuân Anh 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD