11:00 29/07/2014 GMT+7
Hội Luật gia Việt Nam góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Ảnh có tính chất minh họa.

Ngày 11 tháng 7 năm 2014, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi). Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội, Đồng chí Chu Hồng Thanh, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến giáo dục pháp luật. Tham dự Hội thảo có một số đồng chí trong Tổ biên tập dự thảo Bộ Luật Dân sự, một số nhà khoa học đến từ Hội Luật gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, UBTW MTTQ VN và các Văn phòng Luật khác.

Hội thảo đánh giá Dự thảo Bộ luật dân sự đã được chuẩn bị công phu, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và Cương lĩnh xây dựng Đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự trong Hiến pháp 2013. Dự thảo cũng đã cơ bản đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dân sự còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, bảo vệ các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của nước ta.

Tuy nhiên còn một số vấn đề cần trú trọng trong Dự thảo, đó là:

1. Về hộ gia đình

Qua một thời gian áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2005 về hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự đã làm nảy sinh quá nhiều bất cập, trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định nào giải thích hay định nghĩa thế nào là hộ gia đình – với tư cách là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về hộ gia đình.

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã không chính thức ghi nhận hộ gia đình là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự sẽ làm giảm đi những khó khăn cho các cơ quan công chứng, tòa án khi phải xác định hộ gia đình là gì, bao gồm các thành viên nào.

Điều 237 dự thảo ghi nhận sở hữu chung của hộ gia đình là sở hữu chung theo phần sẽ tạo ra cơ chế phù hợp cho các chủ thể khi xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự sẽ dẫn đến một số hệ lụy như: phải rà soát, sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về hộ gia đình; nhiều quan hệ pháp luật hiện hành do hộ gia đình thực hiện vẫn đang được pháp luật thừa nhận và bảo vệ cũng như nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ pháp lý liên quan đến hộ gia đình sẽ tiếp tục xử lý như thế nào, theo lộ trình nào cho hợp lý để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của hộ gia đình cũng như các thành viên của hộ gia đình trong các giao dịch đã thực hiện, đồng thời vẫn cần bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự.

Do vậy, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, đối với hộ gia đình thì cần phải có phương án trước mắt và lâu dài: về trước mắt, cần hoàn thiện các điểm còn bất cập của quy định về Hộ gia đình tại Bộ luật dân sự năm 2005 và chỉ nên giới hạn các giao dịch của Hộ gia đình liên quan đến tài sản chung là quyền sử dụng đất; về lâu dài thì không nên ghi nhận đây là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì đặc tính thiếu ổn định và bền vững của Hộ gia đình cũng như khó xây dựng các quy định để điều chỉnh các quan hệ nội bộ giữa các thành viên trong gia đình.

2. Về tổ hợp tác 

Các quy định về tổ hợp tác trong Bộ luật dân sự 2005 còn mập mờ, chưa cụ thể về thời điểm thành lập, cơ chế công khai tổ viên, người đại diện và tài sản của tổ hợp tác, trách nhiệm dân sự khi tổ hợp tác tham gia giao dịch hoặc thực hiện các nghĩa vụ ngoài hợp đồng…

Do đó, nhiều ý kiến nhất trí quan điểm của Ban soạn thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là cần loại bỏ việc ghi nhận tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bởi ý nghĩa của chúng mang lại không nhiều và không thiết thực. Nếu đáp ứng được các điều kiện của pháp nhân thì các thể nhân sẽ hoạt động kinh doanh dưới hình thức pháp nhân, còn nếu không đủ điều kiện thì chỉ cần áp dụng các quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh đã đủ điều chỉnh loại quan hệ này mà không cần thiết phải coi đó là một chủ thể độc lập của quan hệ pháp luật dân sự.

3. Về hình thức sở hữu

Các ý kiến nhất trí phương án 1 dự thảo đưa ra 4 hình thức sở hữu trong dự thảo Bộ luật dân sự là: sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân, sở hữu chung.

Quy định như trên đảm bảo phù hợp với các chế độ sở hữu được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị dự thảo Bộ luật dân sự cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để có thể xác định được quyền của người dân đối với các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhất là tài sản về đất đai.

4. Về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm về hình thức

Điều 132 Dự thảo quy định theo hướng: trong trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà hình thức này không được tuân theo nhưng các chủ thể đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp chủ thể chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án cho phép một hoặc các bên thực hiện quy định về hình thức của hành vi pháp lý trong một thời hạn hợp lý, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hành vi đó vô hiệu.

Nhiều ý kiến nhất trí với phương án nêu trên của dự thảo. Tuy nhiên, cũng có những luật gia cho rằng Chương V dự thảo Bộ luật nên giữ nguyên khái niệm “giao dịch dân sự” như quy định hiện hành, không nên thay thế khái niệm “hành vi pháp lý” sẽ phù hợp hơn cả về khái niệm và thực tiễn áp dụng pháp luật.

5. Về người quản lý di sản

Điểm b, khoản 1 Điều 624 dự thảo qui định: Người quản lý di sản “Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế”. Điều 666 dự thảo cũng qui định về “chi phí cho người bảo quản di sản” là nội dung ưu tiên thanh toán thứ 9. Đây là cơ sở pháp lý để khi giải quyết tranh chấp, Toà án trích từ khối di sản một khoản tiền hoặc một vật trả công (thù lao) cho người quản lý di sản. Tuy nhiên, nếu người quản lý di sản và những người thừa kế không thoả thuận được việc trả thù lao, thì vấn đề này được giải quyết như thế nào lại không được BLDS dự liệu.

Do vậy, có những ý kiến đề nghị sửa lại điểm b khoản 1 Điều 624 BLDS (sửa đổi)  “Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế hoặc theo qui định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, trong thời gian quản lý di sản, có những loại di sản cần phải có biện pháp bảo quản riêng mà người quản lý di sản bỏ tiền để sửa chữa, bảo quản di sản thì có quyền yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết đó, vì vậy cần bổ sung vào Khoản 1 Điều 623 BLDS (sửa đổi) quy định người quản lý di sản  “Được yêu cầu người thừa kế thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản di sản”.

6. Về người thành niên

Ý kiến hội thảo đề nghị bỏ khoản 3, Điều 11 dự thảo Bộ luật để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, bởi lẽ Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua đã quy định tuổi kết hôn của nữ là từ đủ 18 tuổi, của nam là từ đủ 20 tuổi.

Sau khi kết thúc hội thảo Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu để gửi Ban soạn thảo và tổ biên tập Bộ luật dân sự (sửa đổi) theo quy định./.

  • Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 và Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội với cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động Ngày 10/12/2024, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ, cấp ủy chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã phổ biến, quán triệt những kết quả cơ bản trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18; chủ trương, phương hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18.
  • Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng ĐChiều ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Đảng Khối cơ quan Trung ương” năm 2024. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Đỗ Việt Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nhữ Quang Cảnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành đảng bộ, các đồng chí là Bí thư chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ và cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
  • Cụm thi đua số 2 Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024Sáng 03/12/2024 Cụm thi đua Đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền trung (Cụm số 2) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Xương Giang, thành phố Bắc Giang
  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỔI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNGHiện nay tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã gây nhức nhối lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội, đang trở thành nỗi quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.
Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD