07:50 24/09/2016 GMT+7
Hội Luật Gia Việt Nam kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Đề án: “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016”
Ngày 23/9/2016, Đoàn công tác của Hội Luật gia Việt Nam do GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện Đề án: “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 – 2016” tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Phan Ngọc Thọ Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Hồ Văn Hải Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính tỉnh; đồng chí Trần Ngọc Cư, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, và đại diện các sở, ban, ngành có liên quan. Theo báo cáo của Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế, qua 3 năm thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Báo cáo trước hội nghị, ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Thừa Thiên - Huế cho biết, mô hình giáo dục pháp luật phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh là tuyên truyền miệng kết hợp hình ảnh trực quan, phát tờ gấp pháp luật theo nội dung phổ biến, tuyên truyền, thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ cho nhân dân. Bên cạnh đó, Hội Luật gia các huyện, thị xã và thành phố Huế đã có kế hoạch cộng tác với Đài truyền thanh huyện, thị xã, viết hàng chục tin, bài liên quan nhiều đến cuộc sống và trách nhiệm của nhân dân từ 1 đến 2 lần trong 1tuần.

Ba năm qua, Hội Luật gia tỉnh kết hợp với các cơ quan, đơn vị và các cấp hội trong tỉnh đã thực hiện hàng chục đợt tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, công chức, nhân dân các xã thuộc 9 huyện, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa và vùng đầm phá ven biển. Hội Luật gia tỉnh đã tổ chức 16 đợt tuyên truyền PBGDPL  tại 7 phường, xã dân vạn đò thành phố Huế định cư, các thôn định cư vùng đầm phá ven biển Phú Vang và tổ chức 12 đợt tuyên truyền PBGDPL  cho khoảng 500 lượt phạm nhân thuộc trại giam Thiên Thai, Bình Điền.

Cùng với đó, các chi Hội Luật gia Tòa án nhân dân, VKSND các huyện, thị xã và thành phố Huế cũng đã thông qua hàng chục phiên tòa lưu động tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân các nội dung cơ bản của Hiến pháp, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Giao thông đường bộ… Chi hội Luật gia VKSND Tỉnh còn thành lập CLB truyền thông Pháp luật với hơn 50 luật gia của VSKND Tỉnh tham gia nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kĩ năng, bản lĩnh nghề nghiệp cho hội viên để từ đó họ sẽ tham gia các tổ hòa giải, tuyên truyền viên ở phường, xã và tổ dân phố thôn, làng.

 

Đồng chí Hồ Văn Hải, Trưởng Ban Nội chính tỉnh phát biểu

 

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, đây là một đề án mới và khó trong việc triển khai, thực hiện nhưng lại rất cần thiết đối với xã hội hiện nay. Đề án này nhận được sự quan tâm của các ban, ngành tại địa phương. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL và TGPL cần được tiến hành xã hội hóa mạnh hơn nữa, vì chỉ có xã hội hóa thì pháp luật mới được chuyển tải vào cuộc sống một cách bền vững nhất. Các ý kiến phát biểu cũng đề nghị Chính phủ cần cho tiếp tục thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2016 – 2020.

Tuy nhiên, Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, kết quả thực hiện đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ tại Thừa Thiên Huế là chưa cao và chưa đồng đều. Nguyên nhân là có nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện đề án trên cả ba phương diện: Nhận thức, nguồn lực, tài chính và nội dung, hình thức, phương pháp triển khai đề án sâu rộng tới nhân dân.

 

Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu

 

Đồng chí Phan Ngọc Thọ phát biểu ý kiến, đánh giá cao kết quả thực hiện đề án của Hội luật gia tỉnh. Đặc biệt, Hội luật gia tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và công an các huyện tổ chức PBGDPL và TGPL cho các bị can đã kết thúc giai đoạn điều tra, các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù trước khi trở về tái hòa nhập cộng động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ có Hội Luật gia tỉnh là đơn vị duy nhất thực hiện tổ chức PBGDPL và TGPL miễn phí cho đối tượng đặc thù này. Đồng chí đề nghị, Hội cần xác định rõ đối tượng cụ thể để lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng, qua đó giúp người dân có thể hiểu hơn về pháp luật và được trợ giúp nhiều hơn nhờ pháp luật.

 

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HLGVN phát biểu

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, GS.TS. Lê Minh Tâm ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện đề án của Hội Luật gia tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Hội Luật gia tỉnh đã có nhiều cố gắng, sớm chủ động, thể hiện vai trò nòng cốt, linh hoạt, mạnh dạn sáng tạo trong việc triển khai thực hiện, nỗ lực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, các xã ven biển và hải đảo, người nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Tỉnh cũng đã tạo được sự phối hợp, hỗ trợ, động viên chia sẻ của các ban, ngành địa phương, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó pháp luật sẽ đi sâu vào với người dân, tạo tiền đề cho việc nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đồng chí cũng cho rằng, việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh này là chậm so với nhiều địa phương khác và đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn trong việc chỉ đạo thực hiện Đề án; tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực cho Hội Luật gia tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án./.

 

PHẠM TRƯỜNG

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD