Phần một
NỬA THẾ KỶ XÂY DỰNG, HOẠT ĐỘNG
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM
(1955 - 2005)
GS. LƯU VĂN ĐẠT
Nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký
Hội Luật gia Việt Nam khóa VIII và khóa IX(1993 - 2004)
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập năm 1955 (theo Nghị định số 130/NV/DC/NĐ ngày 04 tháng 4 năm 1955 của Bộ Nội vụ) sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), giải phóng miền Nam khỏi ách đô hộ của nước ngoài.
Nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong 50 năm, hoạt động của Hội không ngừng phát triển; tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh; đội ngũ hội viên ngày càng đông đảo, có mặt tại hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và ở hầu hết các địa phương.
Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam, chúng ta rất phấn khởi, tự hào về quá trình hình thành, xây dựng, phát triển Hội và về truyền thống tốt đẹp của Hội và đội ngũ hội viên.
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH,RA ĐỜI CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM (Dưới đây viết tắt là Hội)
1. Những nhân tố trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 liên quan đến việc hình thành, ra đời của Hội.
Lịch sử của Hội gắn bó chặt chẽ với lịch sử của đất nước, với lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam.
Quá trình hình thành, ra đời của Hội không tách rời những sự kiện quan trọng của đất nước và sự hình thành của đội ngũ luật gia của nước Việt Nam Độc lập – Tự do.
Đầu thế kỷ XX sau thất bại của phong trào “Cần Vương”, phong trào yêu nước chống lại sự thống trị của thực dân Pháp tiếp tục diễn ra với những hình thức mới. Nhiều sĩ phu yêu nước, tiêu biểu là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh hướng ra nước ngoài tìm con đường cứu nước[1]. Nhiều trí thức yêu nước, nhiều luật gia đã đấu tranh công khai, trực diện với bọn thống trị, chủ yếu bằng vũ khí luật pháp.
Trong bối cảnh lịch sử đó, nhiều sự kiện đã tác động mạnh mẽ đến tầng lớp học sinh, sinh viên, trí thức (trong đó, có nhiều sáng lập viên của Hội Luật gia Việt Nam). Nổi bật là:
a. Sự ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và hoạt động của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Pari (Pháp).
Ngày 05/6/1911, kế tiếp Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước và đã hoạt động nhiều năm tại Pháp, với cái tên Nguyễn Ái Quốc.
Rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng nhận thức rõ những hạn chế về đường lối cứu nước của các vị tiền bối nói trên, nên đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã không theo con đường đó[2].
Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc, các nước thắng trận họp Hội nghị hòa bình ở Vec-xây (Pháp). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị yêu sách 8 điểm nổi tiếng, trong đó, có 2 điểm mà các luật gia Việt Nam yêu nước rất tâm đắc:
+ “Cải cách nền pháp lý Đông Dương, cho người Việt Nam cũng được bảo đảm về mặt pháp lý như người Âu, bỏ hẳn Tòa án đặc biệt, công cụ để khủng bố những người Việt Nam lương thiện nhất” …
+ “Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật”[3].
Bản yêu sách này là phát pháo hiệu làm thức tỉnh nhân dân ta, những trí thức Việt Nam yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp[4]. Tác phẩm nổi tiếng của Người “Bản án chế độ thực dân Pháp” (phát hành vào những năm 20 của thế kỷ XX) đã có một tiếng vang rất lớn trong giới trí thức, sinh viên, học sinh Việt Nam lúc bấy giờ.
Bằng những lập luận đanh thép, những chứng cứ cụ thể, lời văn trong sáng, châm biếm, tác phẩm này đã lên án mạnh mẽ chế độ thực dân Pháp trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, vạch rõ chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc của sự áp bức, bóc lột nhân dân các nước thuộc địa.
“Bản án chế độ thực dân Pháp” đồng thời chỉ ra con đường đấu tranh cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Nói về tác động của “Bản án chế độ thực dân Pháp” đối với trí thức Việt Nam thời đó, Luật sư Đỗ Xuân Sảng, một sáng lập viên của Hội viết: “Cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thức tỉnh biết bao trí thức yêu nước và làm tỉnh ngộ cả những trí thức đang còn mơ hồ về sứ mệnh khai hóa thuộc địa và dân bản xứ mà thực dân Pháp đã đưa ra[5].
b. Cuộc đấu tranh công khai của các luật gia Việt Nam yêu nước hoạt động trong lòng địch, trên mặt trận pháp lý.
Trong cuộc đấu tranh chống bọn thống trị Pháp, với vũ khí pháp luật quốc tế và pháp luật của đối phương, nổi lên tên tuổi của luật sư Phan Văn Trường (1875 -1930) và Luật sư (LS) Nguyễn An Ninh (1900 – 1943).
Là người Việt Nam đầu tiên có học vị Tiến sĩ luật tại Pháp, là luật sư tại Tòa Thượng thẩm Pari, luật sư Phan Văn Trường đã khước từ mọi danh lợi để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chống sự thống trị của Pháp, đòi quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam[6].
Ông thuộc thế hệ người Việt Nam đầu tiên tiếp thu trào lưu cánh tả ở nước Pháp. Ông đã đăng “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” tại Nam Kỳ, mở Văn phòng luật sư để làm tư vấn pháp luật cho nhân dân, biên soạn các sách phổ biến pháp luật để giúp nhân dân am hiểu pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của họ.
Trong thời kỳ Hồ Chủ tịch đang hoạt động tại Pháp (1919 - 1923), Ông là cộng tác viên gần gũi của Bác, đã hỗ trợ đắc lực Bác trong việc diễn giải bằng tiếng Pháp chính kiến của Bác.
Trong quá trình đấu tranh ở Pháp và ở Nam Kỳ, mặc dầu nhiều lần bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam và kết án tù, Ông vẫn dũng cảm, bền bỉ đấu tranh chống thực dân Pháp, đòi dân chủ cho nhân dân.
Cũng vào thời gian này, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa tại Pháp, tiếp tục chí hướng của luật sư Phan Văn Trường, luật sư Nguyễn An Ninh đã công khai đấu tranh trên mặt trận pháp lý chống thực dân Pháp. Theo nhận xét của Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh: Nguyễn An Ninh là “nhà yêu nước vĩ đại, là nhà trí thức tầm cỡ, đi vào quần chúng lao động lao khổ, vận động họ chống lại đế quốc và tay sai”[7].
Luật sư Nguyễn An Ninh đã cổ vũ mạnh mẽ cho tư tưởng, nguyên lý của cách mạng năm 1789 ở Pháp, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, đã đăng trong tờ báo ông làm chủ bút toàn văn bản yêu sách của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị hòa bình ở Vec-xây. Quan điểm đấu tranh của ông rất rõ ràng: “Tự do là cái mà ta phải giành lấy mới được. Không ai đem lại tự do cho ta đâu – mà để giành tự do từ tay của một thế lực có tổ chức, ta phải đối đầu với nó bằng một sức mạnh có tổ chức của ta”[8]. Ông đã sử dụng mọi khả năng hợp pháp, dựa vào tư tưởng Cách mạng dân chủ tư sản của Pháp để vận động công khai cho phong trào dân chủ ở Nam Kỳ, đòi nhà cầm quyền Pháp phải tôn trọng những quyền tự nhiên bất khả xâm phạm của con người và của công dân. Bằng hoạt động sáng tạo, khôn khéo, Ông đã lấy gậy của thực dân Pháp đánh thực dân Pháp. Luật sư Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt nhiều lần, bị đầy ra Côn Đảo và qua đời tại đó.
Tấm gương sáng chói của các Luật gia Việt Nam yêu nước đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ luật gia Việt Nam, đến truyền thống của Hội và đội ngũ hội viên.
Kế thừa truyền thống yêu nước, các luật gia Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám đã đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận pháp ý, chủ yếu tại các Tòa án của thực dân Pháp, để bảo vệ công lý, bảo vệ những nhà cách mạng Việt Nam bị kẻ thù đưa ra Tòa án kết án. Trên mặt trận này, trước Cách mạng tháng Tám, nổi lên tên tuổi của các LS Nguyễn Hữu Thọ, LS Trịnh Đình Thảo, LS Phan Anh, LS Phạm Văn Bạch, LS Trần Công Tường, LS Nguyễn Văn Hưởng, LS Vũ Trọng Khánh và một số luật sư khác.
2. Hình thành đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ Cách mạng trong những năm đầu dựng nước và trong kháng chiến chống Pháp xâm lược (1945 – 1954)
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu một thời đại lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước của mình, thời đại Hồ Chí Minh. Nhà nước mới đòi hỏi phải tổ chức một bộ máy nhà nước mới, gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, xây dựng một hệ thống pháp luật mới đáp ứng yêu cầu của một nước Việt Nam độc lập, tự do. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng một đội ngũ luật gia phục vụ Cách mạng, phục vụ đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh các nhà hoạt động chính trị được phân công xây dựng chính quyền mới, một số luật gia đã hoạt động trong chế độ cũ, cùng với đông đảo các sinh viên Trường Đại học Luật Đông Dương và một số luật gia được đào tạo tại các Trường Đại học Pháp bước vào sự nghiệp xây dựng chính quyền mới.
Trong những năm đầu dựng nước (1945 - 1946), đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước được hình thành, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền mới từ Trung ương đến cơ sở.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp mở rộng ra cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, toàn dân Việt Nam đã đứng dậy kháng chiến kiên quyết bảo vệ những thành quả của Cách mạng tháng Tám. Không quản hy sinh, gian khổ, nhiều luật gia Việt Nam đã hăng hái bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.
Một số luật gia có vinh dự được Hồ Chủ tịch giao những trọng trách trong Chính phủ như các luật sư Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiển, Vũ Đình Hòe[9].
Được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đội ngũ luật gia Việt Nam phục vụ đất nước từng bước trưởng thành. Tại Đại hội lần thứ VIII Hội Luật gia Việt Nam (1993), Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét: “ Nhớ lại những ngày đầu của chế độ Dân chủ Cộng hòa non trẻ, trong những điều kiện cực kỳ phức tạp, hiểm nghèo, đội ngũ đông đảo các luật gia thuộc thế hệ đầu tiên đã từ bỏ cuộc sống yên ấm của mình để cùng nhân dân cả nước tiến bước dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đi vào cuộc đấu tranh đầy phong ba bão táp, hăng hái tham gia xây dựng chính quyền nhân dân ngay lúc còn trứng nước”[10].
3. Bối cảnh ra đời của Hội Luật gia Việt Nam
a. Tình hình trong nước
Sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (7/5/1954), Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Camphuchia.
Năm 1954, lực lượng cách mạng chưa đủ mạnh để giải phóng cả nước. Nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam còn bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống trị. Theo thỏa thuận giữa các bên tại Hội nghị Giơnevơ, nhân dân Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước, quân đội Pháp phải rút về nước.
Do đó, trong 2 năm 1955 – 1956, nhân dân cả nước có nhiệm vụ đấu tranh để thực hiện Hiệp định Giơnevơ, hòa bình thống nhất đất nước.
b. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về tập hợp luật gia trong một tổ chức luật gia.
Về vấn đề này, đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại:
“Liền sau khi giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Đảng và Nhà nước đã sớm động viên luật gia Việt Nam tập hợp nhau lại tổ chức Hội Luật gia để cùng nhau góp sức, góp tài phục vụ cách mạng”[11].
c. Hội nghị thành lập Hội: Ngày 29/3/1955, Hội nghị thành lập Hội được tổ chức tại Hà Nội.
Năm 1985, GS. Nguyễn Ngọc Minh, một sáng lập viên của Hội, nhớ lại: “Tôi còn nhớ cách đây 30 năm, trong một phòng tầng 1 của trụ sở Công ty Đường sắt Việt Nam (thuộc Pháp trước đây) ngày nay là trụ sở Tổng công đoàn Việt Nam, được sự khuyến khích của Đảng lãnh đạo, một số luật gia đã đứng ra tổ chức Hội – Hội nghị thành lập hôm đó tập hợp khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau.
…Điều mà mọi người lúc ấy nghĩ là đoàn kết, tập hợp anh chị luật gia lại để cùng nhau phục vụ đất nước – Hội luật gia phải là một công cụ đấu tranh trên mặt trận pháp lý”[12].
Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 24 ủy viên, trong đó:
Chủ tịch Hội: LS. Phan Anh
3 Phó Chủ tịch: Luật gia Vũ Đình Hòe, Thẩm phán Nguyễn Huy Mẫn, LS Phạm Văn Bạch
Tổng thư ký: LS Trần Công Tường
Hội nghị đã thông qua Điều lệ, trong đó Điều 1 ghi:
“ Hội Luật gia Việt Nam có mục đích:
Đoàn kết các luật gia Việt Nam để …cùng toàn dân đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.
Trao đổi tài liệu và kinh nghiệm pháp lý với luật gia nước ngoài, cùng nhau bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền lợi dân tộc, xây dựng một đời sống hòa bình, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thế giới”.
Có thể khẳng định ngay từ đầu thành lập, Hội đã:
Được Đảng lãnh đạo;
Tập hợp những luật gia ưu tú, yêu nước, tiêu biểu của cả nước;
Xác định rõ mục tiêu của Hội là phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước;
Mang tính đấu tranh;
Quán triệt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chủ tịch.
Có thể nói truyền thống tốt đẹp của Hội bắt nguồn từ Đại hội thành lập Hội.
II. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI TỪ ĐẠI HỘI I ĐẾN ĐẠI HỘI IV (1955 - 1980)
A/ Bối cảnh đất nước
Trong thời kỳ 1955 – 1980, nhiều sự kiện quan trọng đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hội.
Nổi bật là các sự kiện sau đây:
1. Đế quốc Mỹ tăng cường phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp hòa bình thông nhất đất nước (1954 – 1959).
Từ 7/1954 đến năm 1959, đế quốc Mỹ lấn dần, rồi gạt hẳn thực dân Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai với một hệ thống “cố vấn Mỹ” dày đặc, dùng viện trợ quân sự và kinh tế để can thiệp sâu vào miền Nam, trực tiếp xây dựng, trang bị, chỉ huy ngụy quân miền Nam Việt Nam.
Theo lệnh Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện một chế độ độc tài cực kỳ tàn bạo.
Nhận rõ mưu đồ của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn là ngăn cản cuộc Tổng tuyển cử của 2 miền Nam và Bắc, phá hoại sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước, trong thời kỳ này, nhân dân miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân cả nước, đã dấy lên phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi và rộng lớn, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống “trưng cầu ý dân”, chống bầu cử “Quốc hội” bù nhìn, đòi cải thiện dân sinh, tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh chống khủng bố, chống “tố cộng diệt cộng”, chống cướp đất, đuổi nhà diễn ra quyết liệt khắp ở miền Nam[13].
2. Phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam, chống “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1960 - 1964).
Từ đầu năm 1959, thực hiện chủ trương của những nhà lãnh đạo cách mạnh ở miền Nam với những nội dung khởi nghĩa giảnh chính quyền về tay nhân dân, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, nhiều vùng ở miền Nam lần lượt được giải phóng. Ủy ban nhân dân tự quản được thành lập ở các vùng tự do. Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMN Việt Nam) được thành lập.
Ngày 16/2/1962, Đại hội MTDTGPMN Việt Nam ra tuyên bố:
“Nhiệm vụ chung của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi ở niềm Nam … tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc” … Đại hội đã bầu ra Ủy ban Trung ương MTDTGPMN Việt Nam do LS. Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Dưới sự lãnh đạo của MTDTGPMN Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ, vùng giải phóng được mở rộng, chính quyền nhân dân cách mạng được xây dựng.
3. Toàn dân đoàn kết chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc (1965 - 1973)
Trước nguy cơ thất bại của cuộc “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đưa lực lượng vũ trang vào miền Nam, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ở cả hai miền Nam và Bắc.
Năm 1965, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa III nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch khẳng định:
“Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sĩ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội các nước chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng”.
Sau những thắng lợi có ý nghĩa quyết định của cả 2 miền trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, pháp lý, Chính phủ Mỹ buộc phải họp Hội nghị 4 bên Pari, ký “ Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27/01/1973 tại Pari. Theo Hiệp định Pari, Mỹ phải rút hết quân đội Mỹ và các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; chấm dứt sự dính líu quân sự và sự can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam.
4- Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975), miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam khóa VI thành công rực rỡ. Tại kỳ họp đầu tiên tháng 6/1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất đã long trọng tuyên bố hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
B/ Phương hướng hoạt động của Hội thời kỳ 1955-1980.
1. Trong thời kỳ 1955-1980, Hội đã tiến hành 5 Đại hội
- Đại hội I ( Hội nghị thành lập): Ngày 29/3/1955
- Đại hội II: Ngày 26/3/1957
- Đại hội III: Ngày 26/3/1960
- Đại hội IV: Ngày 11/3/1962
- Đại hội V: Ngày 01/7/1974
( Do Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, việc tổ chức Đại hội V đáng lẽ theo Điều lệ phải tiền hành vào năm 1964, nhưng đến năm 1974 tức là 10 năm sau mới thực hiện được).
2. Xuất phát từ bối cảnh lịch sử nêu trên, Điều lệ của Hội được bổ sung sửa đổi 2 lần năm 1957 (tại Đại hội II) và năm 1974 ( tại Đại hội V).
Căn cứ vào các văn kiện của các Đại hội nêu trên, về phương thức hoạt động của Hội, có thể chia làm 2 giai đoạn nhỏ:
a.Từ Đại hội I (1995) đến Đại hội V (1974). Phương hướng hoạt động của Hội về cơ bản không thay đổi, nhằm thực hiện mục đích: Cùng toàn dân đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, cùng với luật gia nước ngoài bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền dân tộc, xây dựng một đời sống hòa bình, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thể giới.
Trong thời kỳ này, hoạt động của Hội chủ yếu là đấu tranh trên mặt trận pháp lý phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc.
b.Từ Đại hội V( 1974) đến Đại hội VI (1980). Trong thời gian này, Tổ quốc đã thống nhất, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đường lối Cách mạng XHCN Việt Nam được xác định[14].
Trong tình hình mới, Điều lệ (sửa đổi) , được Đại hội V của Hội Luật gia Việt Nam (1974) thông qua. Tại Phần I- Mục đích, được bổ sung một điểm quan trọng sau đây:
“ Cùng toàn dân thực hiện những nhiệm vụ mà công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc yêu cầu, chủ yếu là trên lĩnh vực pháp lý, góp phần tích cực vào việc tăng cường pháp chế XHCN, vào việc nâng cao ý thức tôn trọng vào bảo vệ pháp luật trong cán bộ và nhân dân, vào việc xây dựng nền pháp lý Việt Nam”.
Sự chuyển hướng hoạt động của Hội phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam bắt đầu từ năm 1974.
C/ Thành tựu chủ yếu của Hội.
1.Thành tựu cơ bản của Hội, cống hiến chủ yếu của hội viên thời kỳ 1955-1980 là đấu tranh thắng lợi trên mặt giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất Tổ quốc.
a) Cuộc đấu tranh này bắt đầu ngay sau khi thành lập Hội (1955), mở đầu bằng cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Đó là một nhiệm vụ quan trọng Đảng và Nhà nước giao cho Hội.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt -Phó Chủ tịch Hội khóa III và khóa IV, Chủ tịch danh dự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IV kể lại: Đàm phán để buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ đã là một vấn đề khó khăn, phức tạp. Trong luật gia của ta, có một số đồng chí đã tham gia phái đoàn của Chính phủ ta ở Giơnevơ[15]. Nhiều đồng chí khác đã nghiên cứu, viết sách, viết báo, giải thích một cách đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, chống những xuyên tạc của bọn thực dân và Ngụy quyền tay sai và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định.
Như vậy là cùng với nhân dân cả nước,ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội luật gia đã góp phần đấu tranh trên mặt trận pháp lý[16].
Theo Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương: Chính phủ Pháp phải chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia; rút quân ra khỏi Đông Dương. Nhân dân Việt Nam thực hiện tổng tuyển cử tự do vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước, giới tuyến quân sự đối với Việt Nam chỉ là tạm thời và hoàn toàn không thể coi là ranh giới lãnh thổ[17]. Mưu đồ của Mỹ phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ bộc lộ tại Hội nghị Giơnevơ. Trong khi tại Hội nghị Giơnevơ, đại diện của Chính phủ Mỹ ra tuyên bố công nhận các văn kiện của Hội nghị, cam kết không đe dọa dùng vũ lực, không dùng vũ lực vi phạm Hiệp định, thì tại Mỹ, Tổng thống Mỹ lại tuyên bố Chính phủ Mỹ không ký Hiệp định nên Chính phủ Mỹ không bị ràng buộc, qua đó, bộc lộ ý đồ của Chính phủ Mỹ trắng trợn phủ nhận tuyên bố của đại diện của họ.
Nhiều hội viên, ngoài việc viết sách, viết báo giải thích, phổ biến rộng rãi Hiệp định, đã vạch trần trên các diễn đàn trong nước và quốc tế những thủ đoạn xảo quyệt của đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định như: thay chân thực dân Pháp ở miền Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, lôi kéo một số nước thành lập khối phòng thủ Đông Nam Á (SEATO); đưa miền Nam Việt Nam vào khu vực bảo hộ của khối SEATO…
Khi Mỹ Ngụy phá hoại cuộc tổng tuyển cử cả nước đã được thỏa thuận vào năm 1956, mọi quan hệ giữa 2 miền hoàn toàn bị cắt đứt, giới tuyến tạm thời dọc sông Bến Hải hầu như trở thành giới tuyến giữa 2 nước, Hội đã vạch rõ hành động đó vi phạm nghiêm trọng, thô bạo những điều khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ , đã phủ nhận chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ghi trong “ Tuyên bố cuối cùng” của Hội nghị Giơnevơ .
Cùng với nhân dân cả nước, Hội đã kịch liệt lên án những vi phạm đó trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt trong những Hội nghị quốc tế do Hội luật gia dân chủ quốc tế (AIJD)[18] và nhiều tổ chức trên thế giới tổ chức để ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta. Tiếng nói của Hội có một tiếng vang lớn trên thế giới. Nhiều luật gia, nhiều nhà hoạt động chính trị nhiều nước đã tỏ rõ thái độ đồng tình, ủng hộ lập trường của nhân dân ta[19].
b) Cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý ngày càng quyết liệt trong những năm Mỹ can thiệp sâu vào Việt Nam, đưa lực lượng vũ trang vào miền Nam, tiến hành đồng thời các cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý xoay quanh hai vấn đề cơ bản có liên quan chặt chẽ với nhau:
Một là: Cuộc chiến tranh của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược; Mỹ là kẻ xâm lược, phạm tội xâm lược.
Hai là: Là nạn nhân của sự xâm lược, nhân dân Việt Nam có quyền đứng lên chống bọn xâm lược để tự vệ, bảo vệ những quyền dân tộc căn bản, những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình.
Những vấn đề nói trên tưởng như hiển nhiên, không phải bàn luận nhưng lại là những vấn đề mà vào thời điểm đó cần làm rõ, nhất là quan niệm về những quyền dân tộc cơ bản.
Làm rõ những vấn đề nói trên góp phần thức tỉnh lương tri loài người, lương tri của nhân dân Mỹ về thực chất cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, về tính hợp pháp, chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và có tác dụng thúc đẩy phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế giới, nhất là ở Mỹ[20].
Làm sáng tỏ sự thật, phân rõ phải trái, vạch đúng tội trạng của đế quốc Mỹ chống nhân dân Việt Nam là một vấn đề không đơn giản. Một mặt, các luật gia Việt Nam phải đưa ra những tư liệu làm sáng tỏ tình hình ở Việt Nam, theo tinh thần bức thư Hồ Chủ tịch gửi nhân dân Mỹ ngày 23 tháng 12 năm 1966, trong đó đã nêu rõ: “ai là kẻ gây đau thương tang tóc cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ? Chính là bọn cầm quyền nước Mỹ. Nhân dân Mỹ đã hiểu sự thật ấy”. Mặt khác, các luật gia Việt Nam phải phản bác những luận điệu phi pháp lý như:
- Quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền Ngô Đình Diệm.
- Quân đội Mỹ vào Việt Nam để bảo vệ thế giới tự do.
Đặc biệt, Mỹ đưa ra một luận điệu cực kỳ phi lý, hoàn toàn trái với pháp luật quốc tế, trái với Hiệp định Giơnevơ năm 1954: “Miền Bắc xâm lược miền Nam”, Mỹ phải vào miền Nam Việt Nam để bảo vệ, giúp đỡ chống lại kẻ xâm lược.
Qua cuộc đấu tranh kiên quyết, bền bỉ của Hội và các luật gia Việt Nam, trên các diễn đàn quốc tế[21], được sự cổ vũ mạnh mẽ của Hội Luật gia dân chủ quốc tê (AIJD) và các tổ chức thành viên của AIJD, của các luật gia nhiều nước, trong đó có luật gia Mỹ, Hội ngày càng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nhà hoạt động chính trị trên thế giới đối với lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, lên án đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, bác bỏ các luận điệu phi lý của Mỹ.
Tại Hội nghị Gơrơnốp (1968) GS. Luật học Mỹ Falt nêu rõ: “Đây là lần đầu tiên mà luật gia Mỹ đứng lên phản đối và đấu tranh chống chính sách của Chính phủ hợp pháp của nước Mỹ”.
Về lập luận của chính quyền Mỹ “Miền Bắc xâm lược miền Nam”, “quân đội miền Bắc là quân đội nước ngoài”, Thượng nghị sĩ Mỹ Mooc sơ khẳng định: Chỉ có một quân đội nước ngoài duy nhất ở miền Nam là quân đội Mỹ”, ông Ô-xen-chi-xy, một nhân vật Mỹ cũng khẳng định “ Mỹ là kẻ xâm lược duy nhất ở Việt Nam bằng vũ lực”.
Năm 1968, Hội phát hành cuốn “Những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Cuốn sách này là một công trình khoa học về hình sự quốc tế, một đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý trong cuộc kháng chiến chống Mỹ[22].
Vào thời điểm này (1968), cuộc đấu tranh pháp lý tuy đã thu được thắng lợi quyết định, nhưng vẫn phải tiếp tục cho đến khi Hiệp định Pari được ký kết.
c. Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam:
- Giải thích, phổ biến rộng rãi Hiệp định Pari:
Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 là một văn kiện khá phức tạp[23]. Do phía Việt Nam có Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa (CMLTCH) miền Nam Việt Nam,về phía Mỹ, có Chính phủ Mỹ, Chính quyền Sài Gòn nên Hiệp định Pari gồm 1 Hiệp định và 4 Nghị định thư ký giữa: đại diện Chính phủ ta (Việt Nam DCCH) và đại diện Chính phủ Mỹ và 1 Hiệp định và 4 Nghị định thư (cùng với nội dung) ký giữa 4 bên: Việt Nam DCCH, Chính phủ CMLTCH miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. Với văn kiện nói trên, Chính phủ Mỹ buộc phải cam kết với Chính phủ CMLTCH miền Nam Việt Nam về những nội dung Hiệp định Chính phủ Mỹ ký với Chính phủ Việt Nam DCCH.
Ngoài ra, để quốc tế hóa việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, bảo đảm việc tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam, còn có Định ước quốc tế ký ngày 2/3/1973 giữa 12 bên: Việt Nam DCCH, Chính phủ CMLTCD miền Nam Việt Nam, Chính phủ Mỹ, Chính quyền Sài Gòn, Liên Xô, Trung Quốc, Hungari, Ba Lan, Pháp, Anh, Canada, Inđônêxia,…
Do tính phức tạp của Hiệp định Pari, việc giải thích, phân tích, phổ biến rộng rãi nội dung Hiệp định có một ý nghĩa rất quan trọng.
Một số hội viên đã biên soạn một tài liệu bằng ba thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh) giúp cho các cơ quan Nhà nước Việt Nam đấu tranh đòi thi hành đầy đủ Hiệp định Pari. Đồng thời, qua tác phẩm này, nhân dân thế giới, nhân dân Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng Hiệp định Pari.
Ngoài tác phẩm nói trên, nhiều hội viên đã viết những bài tố cáo, lên án Mỹ phá hoại Hiệp định Pari về Việt Nam, không thực hiện Điều 21 Hiệp định về bồi thường thiệt hại gây ra ở Việt Nam.
Phối hợp với các bác sỹ, các nhà hóa học, xã hội học, Hội đã tổ chức những Hội thảo khoa học phân tích hậu quả nghiêm trọng, lâu dài của việc Mỹ sử dụng hơn một triệu tấn bom, đạn ở Việt Nam và hàng chục triệu lít chất hóa học, nhất là chất độc da cam/dioxin ở miền Nam Việt Nam và coi đó là yếu tố cấu thành tội diệt chủng, tội hủy diệt môi sinh,…
Hội Luật gia Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bằng những sự kiện cụ thể, lập luận chặt chẽ, Hội khẳng định: Mỹ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Kết luận đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của luật gia nhiều nước từ những năm 20 thế kỷ XX[24], trong đó có luật gia nước Mỹ, với nội dung: “Trong thời đại chúng ta, trách nhiệm của các nhà nước là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế”[25].
d. Gắn với cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý, góp phần phát triển pháp luật quốc tế hiện đại. Cụ thể là:
- Góp phần hoàn chỉnh khái niệm các quyền dân tộc cơ bản:
Đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế đã thựa nhận quyền dân tộc tự quyết, phạm trù độc lập, chủ quyền.
Từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các luật gia Việt Nam đã góp phần hoàn chính quan niệm về các quyền dân tộc cơ bản với 4 nội dung: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Phạm trù pháp lý mới do Việt Nam đề nghị được pháp luật quốc tế công nhận và các quyền dân tộc cơ bản với nội dung trên đây được coi là hòn đá tảng trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.
- Góp phần làm rõ nội dung tội ác xâm lược, khẳng định tính hợp pháp của cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc thuộc địa. Sau Đại chiến thế giới thứ 2, Tòa án quốc tế Nu-răng-Be, mặc dù đã tuyên bố tội xâm lược là tội ác quốc tế lớn nhất nhưng chưa đưa ra định nghĩa pháp lý về chiến tranh xâm lược. Từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân Việt Nam, năm 1974, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua định nghĩa về “chiến tranh xâm lược”, nguyên tắc “Phạm tội ác xâm lược phải chịu trách nhiệm quốc tế”.
Trước đó, năm 1965, Liên hợp quốc cũng đã thừa nhận tại Nghị quyết ngày 20-12-1965 về tính hợp pháp của cuộc đấu tranh vũ trang của các nước thuộc địa để giành độc lập.
Đóng góp của các luật gia Việt Nam vào sự phát triển pháp luật quốc tế hiện đại đã được Đại hội IX AIJD năm 1970 xác nhận như sau:
“ Kinh nghiệm của Việt Nam chứng minh sự lên án chủ nghĩa đế quốc và việc thừa nhận tính chân chính và tính hợp pháp của các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau như là sự gắn bó giữa các quyền cơ bản của dân tộc và các quyền cơ bản của con người”[26].
2. Góp phần hoàn chỉnh khái niệm chủ thể pháp luật quốc tế.
Trước những năm 60 của thế kỷ XX, pháp luật quốc tế chỉ coi quốc gia là chủ thể pháp luật quốc tế, chưa thừa nhận các tổ chức giải phóng dân tộc, các tổ chức cách mạng đấu tranh giành độc lập là chủ thể pháp luật quốc tế. Các luật gia Việt Nam đã đưa ra cơ sở tiêu chuẩn của một chủ thể pháp luật quốc tế mới với nội dung sau đây: Ý chí của nhân dân là cơ sở cơ bản; quyền kiểm soát thực tế lãnh thổ, hiệu lực quản lý đối với nhân dân là tiêu chuẩn cần và đủ.
Với lập luận nói trên, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có đủ điều kiện để được coi là chủ thể pháp luật quốc tế.
Quan điểm của Việt Nam được các luật gia tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Với tư cách là một chủ thể pháp luật quốc tế, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được Chính phủ nhiều nước công nhận, nhiều tổ chức chính trị quốc tế kết nạp.
Tóm lại, trong thời kỳ này (1955 - 1980) hoạt động của Hội đã thu được nhiều kết quả quan trọng, đạt được những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc.
Tại Đại hội VIII của Hội (1993), đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá sự đóng góp của của Hội thời kỳ 1955-1980 như sau: “ Trải qua thử thách của mấy thập kỷ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đội ngũ luật gia chúng ta đã tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình đối với công việc của đất nước cũng như trên trường quốc tế, góp phần làm sáng tỏ về mặt pháp lý chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, chẳng những tranh thủ được sự đồng tình và sự ủng hộ rộng rãi của thế giới mà mà còn có những đóng góp cho sự phats triển của pháp luật quốc tế, nhất là việc khẳng định các quyền dân tộc cơ bản, hòn đá tảng của công pháp quốc tế hiện đại”[27].
LS Joe Norơmăng, Chủ tịch AIJD ( tại buổi lễ được Nhà nước ta tặng Huân chương Hữu nghị) khẳng định:
“Những đại biểu Việt Nam ở các Hội nghị quốc tế do Hội luật gia dân chủ quốc tế tổ chức… đã có công xứng đáng bảo vệ và xây dựng các quyền dân tộc cơ bản, một sự nghiệp mà chúng ta (AIJD) có thể lấy làm tự hào”.
Tôi có thể tuyên bố rằng con đường Hội luật gia Dân chủ quốc tế đã đi theo trong lĩnh vực này chính là do các đồng chí (HLGVN) vạch ra”[28].
III. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI TỪ ĐẠI HỘI VI ĐẾN NAY
A. Bối cảnh chung.
1. Sau khi thống nhất đất nước về mặt Nhà nước (6/1976), cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
a. Những năm đầu chuyển sang kỷ nguyên mới (1976-1986) là một chặng đường đầy khó khăn, thử thách: Thiết lập chính quyền nhân dân trong cả nước, bảo vệ Tổ quốc trong 2 cuộc chiến tranh biên giới, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và Lào, nền kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn…[29]
b.Năm 1986, để đưa Cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để nền kinh tế - xã hội, xác định những nhiệm vụ quan trọng , trong đó có phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, hiệu lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước…[30]
c. Năm 1996, tổng kết 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội VIII của Đảng khẳng định:
- Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng có một số mặt chưa vững chắc;
- Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đời sống nhân dân được cải thiện; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hội nhập kinh tế quốc tế đạt kết quả tốt.
Những thành tựu quan trọng đó đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế[31].
d. Năm 2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta đã tổng kết 15 năm đổi mới, phát triển đường lối kinh tế với nội dung “ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp”, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI với mục đích: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển ( vào năm 2010), nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[32].
2. Trong thời kỳ này, hệ thống chính trị nước ta gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ[33] được xác lập trong phạm vi cả nước, được thể chế hóa tại Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và những văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước (Quốc hội, chính quyền các cấp, cơ quan tư pháp), của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội.
Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được thành lập, củng cố và từng bước hoàn thiện[34].
Tại Đại hội IX, Đảng ta xác định “ Xây dựng Nhà nước pháp qyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng là một nhiệm vụ quan trọng của cả nước thời kỳ đổi mới”[35].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất sớm, trong bài “Việt Nam yêu cầu ca” với tư tưởng “phải có thần linh pháp quyền”[36]. Với tư tưởng “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”, với cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đề là công bộc của dân (Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh và làng, ngày 17-10-1945), Hồ Chủ tịch đã đặt nền tảng vững chắc cho Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân[37].
Tư tưởng của Hồ Chủ tịch đã được thể chế hóa tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001):
“ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”
3. Trong thời kỳ này, sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội được tăng cường; nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã được ban hành, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của Hội, đó là:
- Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 14-4-1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 19-4-1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam.
- Chỉ thị số 44-CT/TƯ ngày 20-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân;
- Chỉ thị số 56-CT/TƯ ngày 18-8-2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam;
- Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;
- Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 9-4-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.
B. Phương hướng hoạt động của Hội (1980 - 2005)
1. Trong thời kỳ 1980-2005, Hội tiến hành 5 Đại hội:
- Đại hội VI tổ chức năm 1980 (11-12/4/1980;
- Đại hội VII tổ chức năm 1987 ( 20-21/12/1987);
- Đại hội VIII tổ chức năm 1993 (25-26/5/1993);
- Đại hội IX tổ chức năm 1998 (11-12/12/1998)
- Đại hội X tổ chức năm 2004 (12-13/3/2004);
Điều lệ được sửa đổi 4 lần (các năm 1980, 1987,1993,2004).
Bám sát các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phấn đấu Đảng và Nhà nước đề ra trong từng giai đoạn, quán triệt đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ nền kinh tế - xã hội, quán triệt chủ trương phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, các Đại hội của hội đã vạch ra phương hướng hoạt động trong từng giai đoạn, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội theo hướng: Tích cực mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển các hoạt động trong nước, hướng về cơ sở, phục vụ sự nghiệp xây dựng chính quyền nhân dân, đồng thời tiếp tục coi trọng các hoạt động quốc tế góp phần thực hiện đường lối và các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
C. Những thành tựu chủ yếu.
Trong thời kỳ 1980-2005, tổ chức Hội đã mở rộng ra cả nước. Các cấp Hội, từ Trung ương đến cơ sở đã đa dạng hóa các mặt hoạt động, thu được nhiều kết quả đáng tự hào, khích lệ.
1. Tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật.
a. Đại hội VI Hội Luật gia Việt Nam (năm 1980) chủ trương: “ Trong nhiệm kỳ khóa VI, cần tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp mới, các pháp luật về tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ tài sản XHCN, bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự xã hội, chống các hiện tượng tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng”[38].
Để đảm bảo thực hiện chủ trương nói trên, Đại hội VI đã sửa đổi Điều lệ như sau: “ Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam đoàn kết, tổ chức và vận động các luật gia Việt Nam góp phần thực hiện đường lối cách mạng đối nội và đối ngoại trong lĩnh vực pháp lý.
Hội có nhiệm vụ:
Nâng cao ý thức và kiến thức pháp lý XHCN trong cán bộ và trong nhân dân, góp phần bảo đảm quyền làm chủ XHCN của nhân dân lao động, tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng nền pháp lý XHCN Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của dân tộc là xây dựng đât nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội”[39].
b. Đại hội VIII Hội luật gia Việt Nam (năm 1993) đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong hoạt động tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TƯ ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chỉ thị số 19-CT/TƯ nêu rõ: “ Hoạt động của Hội có vị trí quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền”.
Hội có nhiệm vụ huy động giới luật gia tích cực tham gia nhiệm vụ chuẩn bị các dự án pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc đổi mới, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Đổng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã phát biểu ý kiến chỉ đạo như sau:
“ Tại kỳ họp của Quốc hội khóa VIII thông qua Hiến pháp 1992, … tôi đã có dịp nhấn mạnh vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, coi đó là một trong những nhiệm vụ trung tâm của hệ thống chính trị của chúng ta. Đó là Nhà nước thể hiện bản chất thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước có một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh để quản lý mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, bảo đảm quyền con người, tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người làm chủ đất nước”.
… “ Hội cần phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất trung thực, liêm khiết; công minh trong bảo vệ pháp luật, gương mẫu trong thực hiện pháp luật, bảo đảm sự trong sạch trong đội ngũ. Cùng với việc tham gia nghiên cứu các vấn đề pháp lý, chuẩn bị các dự án pháp luật, Hội cần góp phần vào việc phổ biến pháp luật, giáo dục nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ và nhân dân, tích cực tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm, trước hết là chống tham nhũng và buôn lậu”[40].
c. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, trong nhiệm kỳ khóa VIII (1993-1998), khóa IX (1998-2003), các cấp Hội đã mở rộng địa bàn hoạt động đến nhiều quận, huyện, phường, xã, hướng về cơ sở, đưa pháp luật đến người dân, và đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tập trung vào 4 lĩnh vực sau đây:
- Tham gia xây dựng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:
Các cấp Hội đã tập hợp đông đảo luật gia thuộc nhiều thế hệ, có kiến thức, có kinh nghiệm, đương chức và đã nghỉ hưu dành nhiều công sức tham gia ý kiến vào các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước. Đối với những dự thảo văn kiện của Đảng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp, diện tham gia ý kiến được mở rộng đến các chi hội trực thuộc Trung ương Hội, các Chi hội luật gia cơ sở. Hội đã tích cực tham gia ý kiến vào các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có liên quan đến vấn đề nhà nước, dân chủ, pháp luật, như báo cáo tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3, khóa VIII, với chủ đề “ Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các cấp Hội luật gia đã thảo luận rộng rãi và góp nhiều ý kiến vào dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.
Các cấp Hội đã tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật như tính chất của Nhà nước Việt Nam, khái niệm nhà nước của dân, do dân, vì dân, quan hệ giữa cơ quan công quyền, cán bộ, công chức với nhân dân theo tư tưởng của Hồ Chủ tịch, quản lý nhà nước và quản lý nghề nghiệp đối với luật sư…
Một số ý kiến đóng góp của Hội được các cơ quan của Đảng và Nhà nước chấp nhận:
+ Về tham gia góp ý kiến xây dựng các luật, pháp lệnh, ngoài các dự án pháp luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến toàn thể nhân dân như dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự ( sửa đổi), dự thảo Luật đất đai ( sửa đổi), Bộ Luật tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự…, việc góp ý kiến vào các dự thảo nghị định của Chính phủ chủ yếu mới được thực hiện ở các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội ở Trung ương.
Đáp ứng yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các Ban soạn thảo luật, pháp lệnh, Trung ương Hội đã tham gia ý kiến vào nhiều dự án pháp luật thuộ các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và một số dự thảo nghị định của Chính phủ[41].
Trong thời gian 1993-2004, Trung ương Hội đã tập trung tổ chức nghiên cứu tương đối sâu các dự án pháp luật sau đây:
+ Các dự án pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Giao thông đường bộ.v.v…
+ Các dự án pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân).
+ Các dự án pháp luật liên quan đến nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các luật thuế, Pháp lệnh về các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hóa với nước ngoài…
Đặc biệt các dự án pháp luật có liên quan đến giới luật gia như: Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân ( sửa đổi), Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh Luật sư, Nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật được Trung ương Hội đặc biệt quan tâm, tham gia ý kiến nhiều lần với các Ban soạn thảo các dự án đó.
Hình thức tham gia góp ý kiến được đa dang hóa như: trực tiếp tham gia ý kiến với Ban soạn thảo dự án, góp ý kiến bằng văn bản; phát biểu ý kiến trên các Báo của Hội, các Báo và phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương, tại các cuộc hội thảo khoa học, tại Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các Ủy ban của Quốc hội.
Trong quá trình tham gia xây dựng pháp luật, các cấp Hội đã kiên trì quan điểm xã hội hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, Hội đã kiên trì bảo vệ chủ trương xóa bỏ cơ chế xin – cho,…
Một thành tựu đáng khích lệ của Hội trong lĩnh vực xây dựng pháp luật là đã hoàn thành Pháp lệnh Trọng tài thương mại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/2/2003, góp phần hoàn thiện pháp luật kinh doanh của nước ta.
Tuy nhiên, do còn những hạn chế trong công tác tham gia xây dựng các dự án luật nên các Hội địa phương mới chỉ có điều kiện góp ý kiến vào các dự án luật mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến toàn thể nhân dân, một số dự án luật theo yêu cầu của chính quyền địa phương và đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương và một số văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương.
- Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học pháp lý, tổ chức các hội thảo khoa học về xây dựng, thực thi pháp luật.’
Kế thừa truyền thống thời kỳ 1955 – 1980 về nghiên cứu các vấn đề pháp lý phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước, thực hiện mục tiêu ghi trong Điêu lệ: “ góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý”; trong thời kỳ 1980 – 2005, nhiều cấp Hội đã quan tâm đến hoạt động nghiên cứu về những chủ đề thiết thực, có ý nghĩa thực tiễn; trên cơ sở gắn công tác nghiên cứu các vấn đề pháp luật với việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật của thời kỳ đổi mới.
Hoạt động nghiên cứu của các cấp Hội tiếp tục phát triển, mở rộng, nhất là trong các khóa VIII và IX và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Phối hợp với Trung tâm luật khu vực Mêkông, năm 1999, Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu và đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề: “Chống buôn bán phụ nữa và trẻ em ở Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á”, có sự tham gia của nhiều đại biểu và chuyên gia các nước khu vực sông Mêkông. Cuộc hội thảo này được các đại biểu tham gia Hội thảo đánh giá cao và có tiếng vang trong khu vực Mêkông.
Phối hợp với các cơ quan hữu quan thuộc Bộ Thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa-Thông tin và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), thực hiện ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội, Chi hội luật gia Công ty sở hữu trí tuệ (INVENCO) đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo về chủ đề “Quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả”, một chủ đề rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường và nhạy cảm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều đáng ghi nhận là nhiều cấp Hội, trong đó có những Chi hội luật gia cơ sở, đã thu được nhiều kết quả trong hoạt động này.
Thành hội luật gia Hà Nội, đã tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, từ chủ đề “Hương ước, lệ làng”, “Văn hóa pháp lý với việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới ở Hà Nội” đến chủ đề: “ Xây dựng mô hình tư vấn pháp luật, hòa giải, giải quyết khiếu nại và tố cáo ở cơ sở”, “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn ở thủ đô”.
Các tỉnh hội luật gia Quảng Ninh, Tiền Giang đã tổ chức nghiên cứu một số đề tài khoa học thiết thực như: “ Chăm sóc trẻ em có hàn cảnh đặc biệt”, “Phòng chống ma túy”, “Bài trừ mê tín, dị đoan ở cơ sở”, “Pháp luật với thực trạng xã hội về đất đai”,…
Các cấp Hội đã chuyển mạnh hoạt động nghiên cứu sang hướng: góp phần xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
- Tham gia có hiệu quả việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống.
Chủ trương tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được Hội đưa ra từ những năm 70 thế kỷ XX, tại Đại hội V, dưới hình thức “Vận động và tập hợp hội viên để làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật” khi có yêu cầu phục vụ những đợt tuyên truyền tập trung do chính quyền đề ra[42]. Sau khi thống nhất đất nước, xuất phát từ yêu cầu “ Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật”, Hội đã nhận thức ngày càng sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí về pháp luật, tham gia thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống.
Đại hội VI của Hội (1980) xác định tuyên truyền, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ và nhân dân là “một lĩnh vực mà Hội có trách nhiệm góp phần quan trọng, trách nhiệm xuất phát từ chức năng của Hội”[43].
Tuy nhiên, phải đến Đại hội VIII (1993), Hội mới có nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao dân trí về pháp luật. Đại hội xác định trong lĩnh vực này, hoạt động của Hội gồm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật. Với nội dung trên, đại bàn hoạt động của Hội được mở rộng ra cả nước, phương thức hoạt động của Hội hướng về cơ sở, gần dân, sát dân[44].
Về tầm quan trọng của hoạt động này, Đại hội xác định như sau: “Cùng với việc tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hội viên, cán bộ công chức và nhân dân, đưa pháp luật vào đời sống được xác định là hoạt động quan trọng hàng đầu của Hội, nhất là đối với cấp hội cơ sở”[45].
Thực hiện chủ trương nêu trên, các cấp Hội đã đạt được những thành tích xuất xắc:
- Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các cấp Hội, chủ yếu là các Hội địa phương, nhất là Chi hội luật gia xã, phường, thị trấn đã tập trung công sức đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư.
Thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 01/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 03/QĐ-TTg ngày 07/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, 45 các cấp Hội đã cử đại diện tham gia Hội đồng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với yêu cầu, điều kiện từng địa phương.
Bằng những hình thức đa dang, phong phú, hấp dẫn tùy thuộc vào đối tượng và điều kiện của từng cấp Hội như tuyên truyền miệng, sinh hoạt câu lạc bộ, tọa đàm, giải đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn tuyên truyền pháp luật với hoạt động văn nghệ, hoạt động của các tổ chức xã hội, các cấp Hội đã góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao dân trí về pháp luật.
Nhiều cấp Hội đã phát huy được tác dụng trong việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác ca khúc pháp luật. Đó là một hình thức tuyên truyền hấp dẫn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật bao gồm các tầng lớp nhân dân ở các khu vực dân cư, cán bộ công chức cơ quan nhà nước. Nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhiều cấp Hội đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, phát hành tạp chí, báo, bản tin[46].
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cấp Hội ngày càng phát triển, mở rộng ra cả nước, giành được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều cấp Hội địa phương đã có những đóng góp quan trọng[47].
Trong thời kỳ 1980 – 2005, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được coi là hoạt động nổi trội nhất của Hội. Với những cố gắng lớn, nhiều cấp Hội đã đảm bảo vai trò nòng cốt trong công tác này[48].
Tuy nhiên, hoạt động của Hội trong lĩnh vực này còn những hạn chế, bất cập. Đối chiếu với mục tiêu nâng cao dân trí về pháp luật, kết quả đạt được còn khiêm tốn nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số. Điều đó đòi hỏi các cấp Hội phải phấn đấu vươn lên tầm cao mới.
- Về tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, giám sát việc thực thi pháp luật:
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hòa giải ở cơ sở chủ yếu do các cập Hội địa phương, các Chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn thực hiện đã góp phần đưa pháp luật vào đời sống, nâng cao dân trí về pháp luật.
Về tư vấn pháp luật:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18/5/1995 “Mở rộng tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng yêu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức và ứng xử theo pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày”, hoạt động tư vấn pháp luật phổ thông ( miễn phí) do Hội đảm nhiệm không ngừng mở rộng tại các địa phương đã phát triển Chi hội luật gia xã, phường, thị trấn.
Thông qua hình thức tư vấn này, các Chi hội xã, phường, thị trấn và hội viên có điều kiện giúp cho các đối tượng được tư vấn ứng xử, hành động, giải quyết các vụ, việc nảy sinh trong đời sống xã hội theo các quy định của pháp luật.
Tư vấn pháp luật phổ thông (miễn phí) tại các khu dân cư là một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chiều sâu, liên quan đến những tình huống cụ thể, được cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hoan nghênh, ủng hộ, đánh giá cao.
Bên cạnh hình thức tư vấn pháp luật phổ thông, từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, Trung ương Hội và một số Tỉnh, Thành hội đã thành lập một số Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật có thu nhưng chỉ để cân đối các khoản chi, không nhằm mục đích kinh doanh[49].
Đối tượng tư vấn của các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật trực thuộc các cấp Hội bao gồm nhân dân ở đô thị, nông thôn, cán bộ, công chức, nhà doanh nghiệp.
Nhìn chung, địa bàn hoạt động của các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật còn hạn hẹp, tác dụng còn hạn chế.
Ngoài việc tư vấn cho các tầng lớp nhân dân, một số cấp Hội đã tư vấn cho chính quyền cùng cấp nhằm giúp chính quyền xử lý những vấn đề bức xúc ở địa phương có những khía cạnh như: giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, ách tắc giao thông, khiếu nại, tố cáo.
Nhìn chung, tư vấn pháp luật là một hoạt động có hiệu quả, phù hợp với khả năng, điều kiện hoạt động của Hội.
Về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách:
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách là một vấn đề xã hội bức xúc ở nước ta, trong điều kiện nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Nhận thức rõ trách nhiêm của Hội trong lĩnh vực này, các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước, đồng thời trực tiếp trợ giúp pháp lý cho các đối tượng nói trên thông qua các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật.
Về tham gia hòa giải ở cơ sở:
Thực hiện pháp lệnh ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhiều cấp Hội địa phương, chủ yếu là các Chi hội cơ sở xã, phường, thị trấn đã tích cực vận động hội viên sinh hoạt tại các khu dân cư tham gia các tổ hòa giải ở thôn, xóm, bản ấp, tổ dân phố.
Hoạt động hòa giải đã huy tác dụng giúp các bên tranh chấp giải quyết ngay từ đầu những tranh chấp nhỏ phát sinh ở khu dân cư, xử lý các vướng mắc trong quan hệ dân sự…, góp phần bảo đảm đoàn kết trong nội bộ nhân dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế các vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Qua việc tham gia hòa giải ở cơ sở, các câp Hội địa phương đã góp phần vào việc thực thi pháp luật ở cơ sở, theo phương châm hướng về cơ sở.
Về tham gia giám sát việc thi hành pháp luật:
Đối với Hội và các thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giám sát việc thi hành pháp luật trong nhân dân và cơ quan nhà nước đã được ghi trong Hiến pháp[50] và mang tính xã hội, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền trong sạch, vưng mạnh.
Các cấp Hội đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động này, nhưng tác dụng của Hội trong thời kỳ 1980-2005 còn hạn chế, chủ yếu do Hội chưa tìm được phương thức giám sát có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của một tổ chức Hội, và do chưa có quy định về cơ chế giám sát của nhân dân đối với việc thực thi pháp luật.
d, Tham gia xây dựng bộ máy nhà nước:
Trong lĩnh vực này, hoạt động của Hội tập trung vào 2 việc quan trọng:
- Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
- Tuyển chọn thẩm phán và kiểm sát viên các cấp.
Về việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:
Là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong thời kỳ 1980 – 2005, các cấp Hội đã thực hiện đầy đủ kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đã đóng góp vào thành công của các cuộc bầu cử.
Các cấp Hội đã tham gia giải thích pháp luật bầu cử, tuyên truyền, vận động nhân dân tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ bầu cử. Các cuộc bầu cử thực sự là những cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cả nước. Trong thời kỳ 1980 – 2005, nhiều ứng cử viên được các cấp Hội đề cử đã trúng cử Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương.
Về việc tham gia các Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên:
Thực hiện pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, các cấp Hội đã cử đại biểu tham gia các Hội đồng tuyển chọn thẩm phán tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp và Hội đồng tuyển chọn kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần xây dựng đội ngũ của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát cả nước.
2. Mở rộng hoạt động quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức luật gia nước ngoài và tổ chức luật gia quốc tế, tiếp tục đấu tranh bảo vệ lợi ích của đất nước, đấu tranh vì nền hòa bình bền vững, độc lập dân tộc, một trật tự quốc tế công bằng.
a. Trong thời kỳ 1980 – 2004, sau khi thống nhất đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở[51] và chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, hoạt động quốc tế của Hội được mở rộng về địa bàn, phong phú, đa dạng về nội dung, với nhiều cấp Hội tham gia.
b. Phương hướng hoạt động quốc tế trong thời kỳ này gồ các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân luật gia trong khu vực và trên thế giới;
- Tích cực tham gia tuyên truyền, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia[52].
- Góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. (Chỉ thị số 56/CT-TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị).
c. Trong điều kiện nước ta không ngừng mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Hội tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng sau đây:
- Tăng cường quan hệ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (AIJD)
Trong thời kỳ 1980 – 2005, Hội tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với AIJD, tổ chức luật gia quốc tế đã tận tình giúp đỡ nhân dân và luật gia Việt Nam trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý chống chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc tăng cường quan hệ hợp tác với AIJD đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế xã hội, chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước.
Qua sự hợp tác với AIJD, Hội đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, một trật tự quốc tế công bằng, chống chủ nghĩa bá quyền, chống các thế lực hiếu chiến quốc tế.
Từ năm 1980, Hội đã tích cực tham gia các Đại hội do AIJD tổ chức (5 năm một lần), hầu hết các Hội nghị Ban Thường vụ AIJD (đại diện của Hội được Đại hội đồng AIJD liên tục bầu vào chức cụ Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Ban Thường vụ AIJD)[53].
Hội đã góp phần củng cố AIJD sau khi Liên Xô tan rã, chế độ XHCN tại các nước Đông Âu không còn tồn tại.
Tại Đại hội và Đại hội đồng XV tổ chức tại La Havana (Cuba) tháng 10/2000, các đại biểu của Hội đã tham luận về một chủ đề bức xúc: “Hậu quả của việc các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ sử dụng chất độc da cam/điôxin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trong thập kỳ 60 và 70 của thế kỷ XX và trách nhiệm của phía Hoa Kỳ trong việc bồi thường các thiệt hại gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường ở miền Nam”.
Đại hội XV đã đưa ra định hướng hoạt động trong thế kỷ XXI, với nội dung: “ Xây dựng một trật tự pháp luật quốc tế công bằng”; một định hướng phù hợp với phương hướng hoạt động của Hội. Đại hội AIJD cũng đã thông qua Nghị quyết lên án các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ rải chất độc da cam/đioxin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và đòi chính quyền Hoa Kỳ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam/đioxin ở Việt Nam.
Tiếp theo Đại hội XV, năm 2001, Hội đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng AIJD, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
- Mở rộng hợp tác với các tổ chức luật gia trong khu vực và trên thế giới:
Trong thời kỳ 1980 – 2005, Hội tiếp tục mở rộng,tăng cường hợp tác với nhiều tổ chức luật gia có uy tín trong khu vực và trên thế giới như:
+Trung tâm luật khu vực Mêkông – (Mêkông Region Law Center - MRLC): Trung tâm luật khu vực Mêkông do 4 nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan thành lập năm 1995. Nhiều cấp Hội và hội viên ở Trung ương và địa phương đã tham gia các hội thảo, lớp tập huấn do Trung tâm tổ chức. Đồng thời theo kế hoạch của Trung tâm, Trung ương Hội đã đăng cai tổ chức một số hội thảo về các chủ đề pháp luật kinh doanh, pháp luật thương mại quốc tế như: “Pháp luật về mua bán và vận chuyển hàng hóa quốc tế”, “Quyền sở hữu trí tuệ”, “Luật Thương mại và Đầu tư”.
+ Hiệp hội luật gia Đông Nam Á (ASEAN LAW ASSOCIATION - ALA)
Năm 1997, Hội Luật gia Việt Nam được Hiệp hội luật gia Đông Nam Á (ALA) kết nạp là thành viên chính thức. Hội đã tham gia Đại hội ALA lần thứ 8 năm 2002, các Hội nghị Hội đồng điều hành của ALA và đã góp phần vào sự thành công của các Hội nghị này.
+ Hội Luật gia Châu Á (Law Asia - LA)
LA có trụ sở tại Úc, là một tổ chức nghề nghiệp, thành viên của LA là các luật sư.
Với sự giúp đỡ của Trung ương Hội, năm 2001, LA đã tổ chức tại Hà Nội Hội nghị Ban Điều hành và một cuộc tọa đàm gồm đại diện các thành viên LA và đại diện các Hội luật gia các nước Đông Nam Á chưa tham gia LA (trong đó có Hội Luật gia Việt Nam).
Nhân dịp này, Hội đã gặp gỡ, giao lưu với nhiều tổ chức luật gia Châu Á, giới thiệu chính sách, pháp luật Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm về công tác xây dựng pháp luật và có thêm thông tin về tình hình thực thi pháp luật ở một số nước Châu Á.
+ Hiệp hội luật sư Châu Á – (ASIA Bar Association)
Đáp ứng lời mời của Hiệp hội luật sư Châu Á, (trụ sở tại Nhật Bản), Hội đã nhiều lần tham gia Đại hội của Hiệp hội.
Qua các Đại hội này, Hội có thêm thông tin bổ ích về tình hinh hành nghề luật sư tại Châu Á.
+ Hội Luật gia Henri Capitant (Association Henri Capitant des amis de le culture juridique francaise).
Hội Luật gia Henri Capitant là một tổ chức luật gia có uy tín ở Pháp (trụ sở tại Pari); số hội viên không đông nhưng có nhiều giáo sư luật học nổi tiếng, nhiều chuyên gia pháp luật đầu ngành ở Pháp tham gia. Hội có nhiều chi nhánh tại các nước trên thế giới, có nhiều công trình khoa học có giá trị về các chủ đề pháp luật và đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học ở nhiều nước.
Quan hệ hợp tác giữa Hội luật gia Henri Capitant và Hội luật gia Việt Nam bắt đầu từ những năm 80 thế kỷ XX và ngày càng chặt chẽ.
Năm 2003, phối hợp với Hội Luật gia Henri Capitant, Hội Luật gia Việt Nam và Nhà pháp luật Việt – Pháp đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về chủ đề “ Quyền sở hữu”. Hội thảo đã tập hợp 300 luật gia, luật sư thuộc 15 nước. Nhiều luật gia Việt Nam sinh hoạt tại cấp Hội ở Trung ương và địa phương đã tham gia tại hội thảo.
Ngoài các tổ chức luật gia quốc tế nói trên, trong thời kỳ 1980 – 2005, Hội có quan hệ với:
- Hiệp hội luật gia dân chủ Châu Âu (trụ sở tại Pháp);
- Hiệp hội luật sư Thái Bình Dương (Inter – Pacific Bar Association);
- Hiệp hội luật sư quốc tế (Internation Bar association);
Hội có quan hệ chặt chẽ với nhiều luật gia các nước như Hội luật gia Nhật Bản, Hội luật gia Ấn Độ, Hội luật gia Singapore, Hội luật gia Thái Lan, Hội luật gia dân chủ Pháp, Hội luật gia dân chủ Liên Xô (trước đây), Hội luật sư Hoa Kỳ (ABA)…
Đặc biệt, Hội đã hợp tác với Hội luật sư Canada (CBA) tổ chức nhiều hội thảo về các chủ đề pháp luật và tạo điều kiện cho nhiều hội viên của Hội tham quan, trao đổi kinh nghiệm với bạn tại Canada.
Hội đã duy trì quan hệ hữu nghị với Hội luật gia Cuba, Hội Luật gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Năm 2001, Hội chủ động nối lại quan hệ với Hội Luật gia Trung Quốc (China Law Society) sau nhiều năm quan hệ giữa 2 bên bị gián đoạn. Hai Hội đã trao đổi phái đoàn đi thăm và làm việc tại Việt Nam và Trung Quốc.
c. Hội tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam, như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và có quan hệ chặt chẽ với Nhà Pháp luật Việt – Pháp.
Hội và một số cấp Hội đã gặp gỡ, trao đổi , ý kiến với các luật gia nước ngoài đến thăm Việt Nam. Qua các cuộc gặp gỡ này, các luật gia nước ngoài đã hiểu rõ hơn hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
3. Tham gia tổ chức, chủ trì các Hội nghị luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất (Colap 1), lần thứ 2 (Colap 2); tổ chức thành công Hội nghị luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3 (Colap 3).
a. Theo sáng kiến của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (AIJD), năm 1988, Hội luật gia Ấn Độ, Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia đoàn kết quốc tế Nhật Bản (Jalisa), Hội luật gia Palestine cùng chủ trì Hội luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất (Colap 1) tại New Delhi từ 13 đến 15 tháng 2 (Hội Luật gia Ấn Độ đăng cai) với chủ đề: “Lý luận pháp luật về hòa bình, phát triển và nhân quyền”.
Năm 1991, từ 26 đến 28 tháng 9, Hội luật gia đoàn kết quốc tế Nhật Bản (Jalisa) đăng cai tổ chức Hội nghị Hội luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 2. Jalisa, Hội luật gia Ấn Độ, Hội luật gia Việt Nam, Hội luật gia Palestine cùng chủ trì Colap 2 tổ chức tại Tokyo và Osaka với chủ đề: “ Hòa bình, môi trường và nhân quyền khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
b. Năm 2001, theo gợi ý của AIJD và đề nghị của Hội luật gia nhiều nước Châu Á, Hội luật gia Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 3 (Colap 3) tại Hà Nội trong 2 ngày 19 và 20 tháng 10, với chủ đề: “Hòa bình, nhân quyền và phát triển Châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh toàn cầu hóa”.
Tham dự Hội nghị có trên 100 luật gia nước ngoài, chủ yếu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Về phía Việt Nam, có 180 luật gia sinh hoạt tại 45 Tỉnh, Thành hội, Chi hội trực thuộc Trung ương Hội và khách mời, đại diện nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng ở Trung ương và Hà Nội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm đã tham gia Hội nghị và có một bài phát biểu quan trọng giới thiệu đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, quan điểm của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến chủ đề Hội nghị. Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình đã gặp cac Trưởng đoàn luật gia các nước tham gia Colap 3.
Hội nghị nhất trí thông qua “Lơi kêu gọi Hà Nội vì hòa bình và phát triển”, một văn kiện có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm bước vào thế kỷ XXI. Hội nghị là một dịp tốt để các cấp Hội giới thiệu với đông đảo luật gia nước ngoài đường lô, chính sách của Đảng, hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện cho các hội viên sinh hoạt tại nhiều cấp hội tham gia một hội nghị quốc tế tầm khu vực, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, hành nghề pháp luật với luật gia các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời các luật gia nước ngoài tham gia Hội nghị cũng đã hiểu rõ hơn đường lối, chính sách, pháp luật đổi mới của nước ta. Thành công của Colap 3 được Hội đồng AIJD và nhiều tổ chức nước ngoài tham gia Hội nghị đánh giá cao.
4. Đấu tranh trên mặt trận pháp lý bảo vệ lợi ích của đất nước, vì hòa bình, độc lập dân tộc và một trật tự quốc tế công bằng.
Kế thừa truyền thống quý báu về đấu tranh trên mặt trận pháp lý phục vụ đất nước thời kỳ 1955-1980, trong thời kỳ 1980-2005, Hội tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các luận điệu xuyên tạc chế độ và Nhà nước ta về nhân quyền,về tự do tôn giáo, chống các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia.[54]
Phối hợp với AIJD và các tổ chức thành viên AIJD, Hội tiếp tục góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong các cuộc đấu tranh này, Hội đã vạch trần, lên án mưu đồ đen tối của các thế lực phản động, hiếu chiến[55].
Hội đã tổ chức nhiều hội nghị ủng hộ nhân dân Palestine, đáng chú ý là Hội nghị đoàn kết với nhân dân Palestine, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine chống chính quyền hiếu chiến Israel tổ chức sau Colap 3 năm 2001, với sự tham gia của đông đảo luật gia Việt Nam, luật gia nước ngoài và đại diện nhiều cơ quan, tổ chức Việt Nam, đại diện một số Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ AIJD và Hội luật gia Dân chủ Mỹ, Trung ương Hội đã tích cực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/ đioxin Việt Nam tiến hành vụ kiện dân sự tại Tòa án Hoa Kỳ, đòi các Công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất và cung cấp chất độc da cam/ đioxin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam phải bồi thường những thiệt hại gây ra cho con người và môi trường Việt Nam.
Tóm lại, nhìn lại chặng đường 1980-2005, chúng ta rất phần khởi về những thành tựu quan trọng mà các cấp Hội đã đạt được trong thời kỳ đổi mới toàn diện nội dung và phương thức hoạt động theo phương hướng đổi mới đề ra tại Đại hội VI (1980) và Đại hội VII (1993).
Nhận thức sâu sắc Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là: “trụ cột của hệ thống chính trị”[56], tham gia xây dựng Nhà nước, “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động trong nước phục vụ công tác xấy dựng chính quyền các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng thời, Hội vẫn rất coi trọng hoạt động quốc tế. Trung ương Hội và một số cấp Hội đã tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế theo đường lối đối ngoại của Đảng, tiếp tục đấu tranh phục vụ lợi ích của đất nước trên mặt trận pháp lý bằng những hình thức mới.
Về kết quả hoạt động mà Hội đạt được trong nhiệm kỳ IX (1999-2004), tại Đại hội X Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận xét như sau:
“Tôi rất phấn khởi trước những thành tích mà Hội luật gia Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua… Các cấp Hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IX.
… Đi đôi với việc tham gia xây dựng pháp luật, các cấp Hội đã tích cực tha gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với những hình thức phong phú, đa dạng, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Các cấp Hội đã coi trọng công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
… Thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các tổ chức và cá nhân luật gia thế giới và khu vực, tích cực giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta, những thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới, phê phán những luận điệu vu cáo nước ta vi phạm nhân quyền, dân chủ, đàn áp tôn giáo, dân tộc. Những việc làm đó đã góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẽn lãnh thổ, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”
IV. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG TỔ CHỨC, PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN
A. Thời kỳ 1955-1980.
1. Mục đích hoạt động của Hội thời kỳ 1955-1980 chủ yếu là nghiên cứu các vấn đề pháp lý và đấu tranh trên mặt trận pháp lý, phục vụ sự nghiệp độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Nhằm mục đích đó, theo Điều lệ năm 1955 ( mục 4), tổ chức Hội gồm: Đại hội đồng, Ban Chấp hành, Thư ký vụ, Văn phòng và các Tiểu ban nghiên cứu và liên lạc quốc tế.
Các hoạt động của Hội trong hai năm đầu thành lập Hội chủ yếu là hoạt động quốc tế, đấu tranh trên mặt trận quốc tế, nên chủ yếu tập trung ở Trung ương, do bộ máy của Trung ương Hội đảm nhiệm, chưa mở rộng ra các ngành, các địa phương.
- Đại hội II ( 1957) bước đầu mở rộng tổ chức ra các địa phương. Điều lệ của Hội được sửa đổi như sau: Điều 4 mục IV ( tổ chức): “ Tùy điều kiện và yêu cầu, có thể thành lập Chi nhánh Hội ở địa phương”;
- Đại hội V (1974) tiếp tục mở rộng tổ chức Hội ra các ngành: “ Tổ chức Hội gồm có Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thư ký, các Ban chuyên trách, các Chi hội và Tổ hội viên”;
“ Tùy theo yêu cầu và điều kiện có thể thành lập Chi hội hoặc Tổ hội viên ở địa phương và ở các ngành”
3. Trong thời kỳ 1955-1974, do chưa mở rộng tổ chức, phát triển hội viên, nên đến năm 1974, tổ chức của Hội mới phát triển ra một số ít địa phương, trong đó có Tp. Hà Nội và Tp. Hải Phòng.
Về đội ngũ hội viên, năm 1955, số hội viên là 270 người. Năm 1960, số hội viên tăng lên 333 người (gồm 216 hội viên công tác tại các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Hà Nội và 117 hội viên công tác tại một số địa phương miền Bắc. Năm 1962 ( năm họp Đại hội IV), số hội viên về cơ bản chưa tăng nhiều, khoảng 400 người, công tác tại 95 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương miền Bắc[57].
Đại hội V (1974), có gần 300 hội viên tham dự, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về phát triển tổ chức, kết nạp hội viên. Đại hội đề ra chủ trương: “Để hoạt động trong nước phát triển tốt, Hội cần phải phát triển hội viên, tổ chức các cơ quan của Hội ở địa phương, tăng cường mối liên hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương và các hội viên”.
B. Thời kỳ 1980-2005
1. Trong thời kỳ này, Hội chuyển hướng hoạt động, phát triển, đẩy mạnh các hoạt động trong nước, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, tránh hình thức; có chất lượng, hiệu quả; vận dụng các hình thức dân vận.
Thực hiện chủ trương này, tại Đại hội VI (1980), Điều lệ của Hội ( mục III- Tổ chức Hội) được sửa đổi như sau:
“ Tổ chức của Hội gồm có:
- Ở Trung ương: Trung ương Hội;
- Ở Tỉnh, Thành pố trực thuộc Trung ương: Tỉnh hội, Thành hội;
- Ở Huyện và cấp tương đương, ở các cơ quan Trung ương – Tổ hội viên”
Sau năm 1980, tổ chức Hội được mở rộng ra nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh Quảng Ninh, Hà Sơn Bình ( nay là tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình), Hà Nam Ninh ( nay là 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình) v.v…, nhiều ngành như ngành Tư pháp, Tòa án, Kiểm sát, Ngoại giao, Ngoại thương, Ngân hàng, Lao động, Giao thông vận tải v.v…, một số trường Đại học và Viện nghiên cứu pháp luật.
Đại hội VIII (1993) hoàn thiện hệ thống tổ chức theo hướng phát triển mạnh mẽ, tổ chức ra cả nước theo mô hình 4 cấp:
- Trung ương Hội;
-Tỉnh hội, Thành hội;
- Huyện hội, Quận hội;
- Chi hội cơ sở.
Thực hiện chủ trương nói trên, Điều lệ ( sửa đổi) năm 1993 ( mục III – Tổ chức Hội), được sửa đổi như sau:
“ Hội luật gia Việt Nam có tổ chức từ Trung ương đến cơ sở gồm:
- Đại hội đại biểu toàn quốc (cơ quan lãnh đạo của Hội);
- Ban Chấp hành Trung ương Hội;
- Ban Thường vụ Trung ương Hội;
- Các Tỉnh hội, Thành hội ( gọi chung là Tỉnh hội);
- Các Quận hội, Huyện hội, các cấp Hội tương đương ( gọi chung là Huyện hội);
- Tổ chức Hội ở cơ sở ( gọi tắt là Chi hội) gồm Chi hội cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương Hội, trực thuộc Tỉnh hội và Chi hội cấp phường, xã, thị trấn”
Chỉ thị số 56-CT/TƯ của Bộ Chính trị ngày 18/8/2000 và Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển, mở rộng tổ chức Hội: Tại Chỉ thị số 56-CT/TƯ, Bộ Chính trị chỉ đạo: “ Vận động đông đảo những người đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, những người hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia tổ chức Hội. Tỉnh chưa có tổ chức Hội, Đảng đoàn Trung ương Hội luật gia Việt Nam phối hợp với cấp ủy địa phương vận động thành lập Hội và triển khai hoạt động”.
Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan nganh bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quan tâm đến việc mở rộng tổ chức Hội luật gia Việt Nam:
“ Ở những nơi có đủ điều kiện mà chưa thành lập tổ chức Hội luật gia, cần hỗ trợ cho việc thành lập tổ chức Hội luật gia và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội”[58].
c, Năm 2004,tại Đại hội X, Điều lệ ( sửa đổi) khẳng định hệ thống tổ chức Hội đã hình thành. Tại Điều 8 (Tổ chức của Hội luật gia):
“ Hội luật gia Việt Nam được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở bao gồm:
- Trung ương Hội;
- Tình hội, Thành hội trực thuộc Trung ương Hội (sau đây gọi chung là Hội luật gia cấp tỉnh);
- Quận hội, Huyện hội, Thành hội, Thị hội ( sau đây gọi chung là Hội luật gia cấp huyện) trực thuộc Hội luật gia cấp tỉnh
- Chi hội luật gia cơ sở”.
Với việc sửa đổi Điều lệ năm 1993 và việc thực hiện các Chỉ thị số 56/CT_TƯ và Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg, từ năm 1993, tổ chức của Hội mở rộng ra cả nước.
Quán triệt Chỉ thị số 56/CT-TƯ và Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan Nhà nước ơ Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội mở rộng tổ chức tại nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cơ quan Nhà nước.
Tại nhiều địa phương, tổ chức Hội đã phát triển đến các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Hải Dương, Tỉnh Quảng Ninh v.v. và một số cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện[59].
Đầu năm 2005 đã thiết lập được:
- 63 Hội luật gia cấp tỉnh[60];
- 44 Chi hội luật gia trực thuộc Trung ương Hội[61];
Một số cấp Hội đã bảo đảm được vai trò nòng cốt tại Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Cùng với việc mở rộng tổ chức, việc phá triển hội viên được nhiều cấp Hội quan tâm.
Số lượng hội viên tăng với nhịp độ khá nhanh: Từ 800 năm 1980 tăng lên 5.200 hội viên năm 1993, 13.000 năm 1998, 30.500 đầu năm 2005, 80% hội viên là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và có trình độ đại học và trên đại học. Đó chính là tiền lực trí tuệ dồi dào của Hội luật gia Việt Nam.
Có thể nói, xây dựng tổ chức, phát triển hội viên là thành tựu quan trọng hàng đầu của các cấp Hội chủ yếu trong thời kỳ 1980-2005. Đây là yếu tố quyết định kết quả hoạt động của các cấp Hội trong thời kỳ này.
KẾT LUẬN
Quá trình phát triển của Hội luật gia Việt Nam trong nửa thế kỷ (4-4-1955/ 4-4-2005) diễn ra trong thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân Việt Nam đã viết những trang sử vàng trói lọi, với những chiến công hiển hách, những thắng lợi to lớn về kinh tế, xã hội, những thành tựu quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nối tiếp các sáng lập viên của Hội, những hội viên tiếp theo tiếp tục hoạt động dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng và Bác Hồ. Truyền thống tốt đẹp “ yêu nước, đoàn kết. tất cả vì lợi ích của đất nước” tiếp tục được phát huy.
Mặc dầu còn không ít khó khăn, thiếu sót và bất cập cần được khắc phục, các cấp Hội đã có điều kiện vững vàng tiến lên phía trước, với những thành tựu mới, những thắng lợi mới.
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội, chúng ta vui mừng ôn lại những nhận xét tốt đẹp của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của Hội và đội ngũ hội viên trong các chặng đường lịch sử của đất nước.
Tại Đại hội VIII Hội luật gia Việt Nam (1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định:
“ Trong cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập tự do của dân tộc, các thế hệ luật gia Việt Nam đã cung toàn dân vượt qua nhiều gian khổ, chịu đựng hi sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất quang vinh và nặng nề.
… Từ khi tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội,… hưởng ứng đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, các luật gia Việt Nam đã đoàn kết, có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục góp phần tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng chính quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Tại Đại hội IX Hội luật gia Việt Nam (1998) Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhận xét:
“ Trong cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới, nhiều thế hệ luật gia Việt Nam… đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh vượt qua nhiều thử thách, phát huy trí tuệ, góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.
Trên nhiều lĩnh vực, Hội đã hoạt động có hiệu quả”.
Tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội luật gia Việt Nam (2000), đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu: “ Mặc dầu còn phải khắc phục không ít khó khăn…, Hội đã có những thành tích đáng khích lệ và đã có những đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội, quán triệt đường lối đổi mới mà Đảng phát động, Hội luật gia Việt Nam đã tích cực tham gia phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đổi mới hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, phần đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
… Hội luật gia Việt Nam xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhân dân”.
Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao cống hiến của các cấ Hội và đội ngũ hội viên, đã tặng những phần thưởng cao quý cho các cấp Hội và hội viên:
- Huân chương Độc lập hạng Nhất cho toàn Hội ( 1996);
- Huân chương Lao động hạng Nhì (1998) và hạng Nhất (2004) cho Thành hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh;
- Huân chương Lao động hạng Ba (1997) và hạng Nhì (2002) cho Thành hội luật gia Hà Nội;
- Huân chương Lao động hạng Ba (1998) cho Tỉnh hội luật gia Quảng Ninh;
- Huân chương Lao động hạng Ba (2004) cho Tỉnh hội luật gia Tiền Giang;
- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2002) cho Tình hội luật gia Hải Dương;
- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ ( năm 2003) cho Tỉnh hội luật gia Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nhiều sáng lập viên của Hội được tặng thưởng Huân chương:
Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, LS. Phan Anh được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, LS. Vũ Trọng Khánh được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Luật gia Vũ Đình Hòe được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp và Trung ương Hội cũng đã tặng thưởng bằng khen, Huy chương Đại đoàn kết dân tộc cho nhiều cấp Hội và hội viên.
[1]. Giáo trình lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; 2004, tr.22-27.
[2] Giáo trình lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; 2004, tr.22-27
[3] Hồ Chí Minh, Tuyển tập; Tập I, NXB Sự thật, Hà Nội; 1980, tr.223
[4] Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tóm tắt lịch sử và sự nghiệp), NXB Sự thật, Hà Nội; 1970, tr.18
[5] LS. Đỗ Xuân Sảng, “Người trí thức trên mặt trận pháp lý” trong cuốn “30 năm trưởng thành của Hộ Luật gia Việt Nam” (Dưới đây gọi là sách đã dẫn). Hội Luật gia Việt Nam xuất bản, Hà Nội 1985, tr.65
[6] Trần Thái Bình: Phan Văn Trường – một nhân vật lịch sử chưa được biết mấy, Tạp chí Xưa và nay số 6/1995.
[7] Trích theo bài biết của Nguyễn Phan Quang: Nguyễn An Ninh nói về truyền thống dân tộc – Tạp chí Xưa và nay số 6 – tháng 6/1990.
[8] Trần Văn Giầu: Nguyễn An Ninh, Thác là thể phác, còn là tinh anh – Tạp chí Xưa và nay số tháng 9/2000.
[9] Vũ Đình Hòe: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, NXB. Văn hóa – thông tin, Hà Nội 2001.
[10] Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười tại Đại hội VIII Hội Luật gia Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ VIII, Hà Nội 1993.
[11] Hoàng Quốc Việt: Đoàn kết – Đoàn kết – Đại đoàn kết – Thành công – Thành công – Đại thành công. Sách đã dân, tr.32
[12] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, Sách đã dân, tr.73
[13] Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng: 45 năm hoạt động của Đảng lao động Việt Nam; NXB Sự thật, Hà Nội 1975, tr.105.
[14] Lê Mậu Hãn- Các Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000, tr.84.
[15] Trong đó có Luật sư Phan Anh
[16] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, Sách đã dẫn tr.32,33
[17] Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định Giơnevơ
[18] Hội Luật gia Việt Nam được kết nạp vào AIJD và là thành viên chính thức AIJD năm 1955
[19] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, Sách đã dẫn tr.14
[20] LS. Phạm Văn Bạch, (Phó Chủ tịch Hội các khóa I, II, III, IV, V, nguyên Chủ tihcj Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam): Luật gia tiến bộ trên thế giới đối với cuộc khãng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam với sự phát triển của luật quốc tế hiện đại- trong cuốn “30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam”; Sách đã dẫn, tr.162.
[21] Hội đã cử đại biểu tham dự các Hội nghị quốc tế liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có những Hội nghị sau đây:
- Đại hội AIJD lần thứ VIII tại Budapét - Hunggari (1964)
- Đại hội đoàn kết nhân dân Á – Phi lần thứ IV (1965);
- Hội nghị quốc tế Béc tơ răng Ru xen (Bertrand Roussel) còn gọi là toàn án quốc tế Bertrand Roussel (1967)
- Hội nghị AIJD, họp tại Ma mai ca – Rumania (1967)
- Hội nghị AIJD về Việt Nam, họp tại Gơ rô nốp – Pháp (1968)
- Đại hội AIJD lần thứ IX, họp tại Hen xanh xki – Phần Lan (1970)
- Hội nghị AIJD về Việt Nam lần thứ 20 họp tại Angieri (1971)
[22] Cuốn sách gồm 3 phần:
- Phần I. Bản cáo trạng về các tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam;
- Phần II. Những tội ác chống loài người Mỹ đã phạm ở Việt Nam;
- Phần III. Quyết định (phán quyết) của Tòa án quốc tế Béctơ răng Ru xen (1967)
[23] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam - Sách đã dẫn, tr.84
[24] Đinh Gia Trinh: Trách nhiệm của Hoa Kỳ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; Tạp chí Luật học; số đặc biệt về Hiệp định Pari 1973.
[25] C.Eagleton: Trách nhiệm của các nhà nước trong pháp luật quốc tế - New York 1928.
[26] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam - Sách đã dẫn, tr. 97.
[27] Hội Luật gai Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
[28] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam - Sách đã dẫn, tr. 20
[29] Viện sử học, Việt Nam 1975 – 1990, NXB. Sự thật, Hà Nội tr.31
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI
[31] Năm 1995, nước ta gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là thành viên chính thức, tham gia Tổ chức mậu dịch tự do Đông Nam Á (AFTA).
[32] Đảng cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2001, tr.89
[33] Phạm Văn Đồng – “ Hồ Chí Minh với cơ chế nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng lãnh đạo”, Hồ Chí Minh – Quá khứ, hiện tại và tương lai, Tập II, NXB Sự thật, Hà Nội. 1991, tr. 44.
[34] Lê Hữu Nghĩa, Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí cộng sản số 15, tháng 8 năm 2004.
[35] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sách đã dẫn, tr. 131
[36] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2000, tr. 438
[37] Nguyễn Xuân Tế, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật.
[38] Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội tại Đại hội VI
[39] Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội tại Đại hội VI
[40] Hội Luật gia Việt Nam – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
[41] Riêng trong nhiệm kỳ kháo IX (1998 - 2004) Ban nghiên cứu pháp luật Trung ương Hội đã góp ý kiến vào 40 dự án luật, 50 dự án pháp lệnh và một số dự thảo nghị định của Chính phủ.
[42] Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V.
[43] Hội Luật gia Việt Nam, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội tại Đại hội VI.
[44] Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
[45] Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
[46] Trung ương Hội phát hành 2 Tạp chí: Tạp chí Pháp lý, Tạp chí pháp luật song ngữ Anh – Pháp; Báo Đời sống và Pháp luật; nhiều tỉnh hội, thành Hội (Hà Nội, Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Hải Dương,…) phát hành bản tin.
[47] Hội Luật gia Việt Nam có đội ngũ báo cáo viên pháp luật đông đảo, đã giới thiệu pháp luật cho hàng chục vạn người. Các tỉnh, thành hội đã tổ chức hoặc tham gia nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật thành công.
[48] Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Đại hội IX: “Ngoài việc tham gia xây dựng pháp luật, Hội còn làm nòng cốt trong việc tuyen truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nâng cao dân trí về pháp luật”. Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.
[49] Trung tâm tư vấn pháp luật Thăng Long trực thuộc Trung ương Hội là một tổ chức tư vấn pháp luật đầu tiên được thành lập ở nước ta năm 1988 sau Đại hội VI của Đảng (1986).
Ngoài 3 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội, Thành hội Hà Nội và thành hội Tp Hồ Chí Minh có 6 văn phòng tư vấn; Thành hội Đà Nẵng và các tỉnh hội Cao Bằng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, Cà Mau đều đã thành lập tổ chức tư vấn pháp luật.
[50] Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 (Điều 8) ghi: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận … tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước”.
- Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Trần Đức Lương tại Đại hội IX của Hội: “ Hội cần … cùng với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên khác của Mặt trận giám sát việc thi hành pháp luật trong nhân dân, trước hết trong các cơ quan nhà nước các cấp, đấu tranh và ngăn ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm” (Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX).
[51] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tr.120.
[52] Để có điều kiện giới thiệu ra nước ngoài đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ năm 1995, Trung ương Hội đã phát hành Tạp chí pháp luật song ngữ (Anh – Pháp).
[53] Sau khi Hội được AIJD kết nạp là thành viên chính thức (1955) LS Phan Anh, Chủ tịch Hội, liên tục được bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch AIJD cho đến lúc mất (1990). Từ năm 1993, GS Lưu Văn Đạt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội được bầu vào chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ AIJD.
[54] Cùng với nhân dân cả nước, Hội đã phản đối những hành động sai trái của cơ quan lập pháp liên bang và bang Hoa Kỳ đối với nhân dân Việt Nam và ra nhiều tuyên bố:
- Tuyên bố phản đối Hạ viện Hoa Kỳ thông qua cái gọi là “ Đạo luật Nhân quyền Việt Nam”;
- Tuyên bó phản đối Hạ viện Bang Virginia ( Hoa Kỳ) thông qua dự luật cho phép treo cờ của chính quyền ngụy Sài Gòn tại công sở của Bang.
- Tuyên bố phản đối Hạ viện Hoa Kỳ thông qua một số điều khoản bổ sung dự luật chi tiêu đối ngoại Hoa Kỳ HR 1950 ngày 17/7/2007, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
[55] Từ đầu thế kỷ XXI, Hội đã ra nhiều tuyên bố bảo vệ hòa bình, lên án các thế lực hiếu chiến:
- Tuyên bố phản đối hành động của NATO và Hoa Kỳ tiến công, ném bom Nam Tư, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thành viên của Liên Hợp Quốc;
- Tuyên bố lên án hành động xâm lược quân sự của Israel đối với Palestine;
- Tuyên bố lên án Hoa Kỳ và Anh phát động chiến tranh xâm lược Irăc.
[56] Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa VIII (1997), đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười phát biểu: “ Từ khi giành chính quyền, Đảng ta luôn coi việc xây dựng, tăng cường, kiện toàn nhà nước là một nhiệm vụ hàng đầu, làm cho nhà nước ta thực sự là trụ cột của hệ thống chính trị, là một công cụ chủ yếu, vững mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, tr.6
[57] Hội luật gia Việt Nam - thông tin nội bộ số 1 (tháng 12-1973)
[58] Một số Hội cấp tỉnh như Tỉnh hội Hải Dương, Thành hội Hà Nội,… đã tích cực giúp cấp ủy và chính quyền cùng cấp tổ chức phổ biến sâu rộng hai văn bản quan trọng này, trên cơ sở đó, có nhiều thuận lợi trong công tác xây dựng tổ chức, phát triển hoạt động của Hội.
[59] Đầu năm 2005, Thành hội Hà Nội phát triển tổ chức tại 14 quận, huyện ( 100% quận, huyện của thành phố) thành lập 150 Chi hội luật gia cơ sở, trong đó có 100 Chi hội luật gia phường, xã, thì trấn ( chiếm 43,8% số phường, xã, thị trấn của thành phố), 14 Chi hội luật gia cơ quan cấp thành phố ( trong đó có 100% cơ quan thuộc khối Nội chính thành phố).
Thành hội Tp. Hồ Chí Minh đã phát triển tổ chức tại 24 quận, huyện (100% quận,huyện của thành phố), 152 Chi hội luật gia phường, xã, 14 Chi hội cơ quan cấp thành phố.
Tỉnh hội Quảng Ninh đã phát triển tổ chức tại 7 huyện và thành phố ( trực thuộc tỉnh), 3 thị xã, thành lập 24 Chi hội luật gia cơ quan cấp tỉnh, 69 Chi hội luật gia cơ quan cấp huyện và Chi hội luật gia cơ sở phường, xã.
[60] Phụ lục kèm theo.
[61] Phụ lục kèm theo.
-
Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 và Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội với cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động Ngày 10/12/2024, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề quý IV/2024 về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, các đồng chí trong Ban Chấp hành đảng bộ, cấp ủy chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Long, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã phổ biến, quán triệt những kết quả cơ bản trong 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18; chủ trương, phương hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 18.
-
Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng ĐChiều ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9, 07/11/2024 và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tuyên giáo”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Đảng Khối cơ quan Trung ương” năm 2024. Tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Đỗ Việt Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nhữ Quang Cảnh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; đồng chí Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành đảng bộ, các đồng chí là Bí thư chi bộ và lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cùng toàn thể đảng viên thuộc Đảng bộ và cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
-
Cụm thi đua số 2 Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024Sáng 03/12/2024 Cụm thi đua Đồng bằng Bắc bộ và Bắc miền trung (Cụm số 2) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Xương Giang, thành phố Bắc Giang
-
HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỔI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNGHiện nay tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã gây nhức nhối lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội, đang trở thành nỗi quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.
- CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG TRÊN ĐẢO
- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG
- CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO VÀ TUYÊN BỐ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM VỀ BIỂN ĐÔNG.
- TƯ LIỆU CŨ VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
- LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
- Mời báo giá dịch vụ tổ chức hội nghị
- Mời báo giá dịch vụ xuất bản, in ấn
- Lấy ý kiến Nhân dân về việc xét khen thưởng
- Thông báo: Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn
- Quyết định về việc giải thể Viện pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu
- Xin ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại
Loại | Mua | Bán |
---|---|---|
USD | ||
EUR | ||
AUD |