17:15 13/08/2014 GMT+7
Hội Luật gia TP Đà Nẵng ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Trước hành động hung hăng, ngang ngược, gây hấn, xâm phạm trái phép chủ quyền, tấn công lại các lực lượng chấp pháp Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm tuyên bố ứng xử biển đông DOC, và Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; Hội Luật gia Thành phố Đà Nẵng đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc về những hành động trên:

Tàu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, xịt vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam

 

Dưới đây là toàn văn bản tuyên bố:

Ngày 02/5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan nước sâu HD 981 ở khu vực thuộc lô dầu khí 143 tại tọa độ 15'29 độ vĩ bắc, 111'12 độ kinh đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đáng chú ý là Trung Quốc đã huy động 80 tàu các loại, trong đó có nhiều tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám và các tàu vận tải, tàu cá hoạt động. Khi các tàu Việt Nam ra kiểm tra, thực thi pháp luật, ngăn chặn xâm phạm trái phép của dàn khoan HD 981, các tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay đã có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam, dùng vòi rồng công suất lớn phụt vào tàu Việt Nam, làm hư hỏng tài sản, gây thương tích cho các thủy thủ, cụ thể tàu Hải Cảnh 44103 của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam 2012. Dù tàu của Việt Nam tăng tốc vòng tránh, nhưng vẫn bị đâm thủng một đoạn đuôi tàu (rộng khoảng 1m2), làm hư hỏng một số trang thiết bị khác. Ngoài việc đâm vào các tàu cảnh sát biển thì nhiều tàu khác của Trung Quốc cũng chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích cho một số thủy thủ Việt Nam. Đặc biệt, vào ngày 07/5, tàu Hải cảnh 3411 của Trung Quốc tiếp tục có hành động đâm vào tàu Cảnh sát Biển Việt Nam (CSB 8003), đồng thời sử dụng máy bay số hiệu 8321 uy hiếp tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa. Hành động này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trước sự kiện nêu trên; Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tuyên bố:

Khu vực giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiên trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là thành viên. Hành động này đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa nình và ổn định” nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn ở khu vực Biển Đông. Việc làm này không phù hợp theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy cũng như các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam, thể hiện sự bất chấp, ngang ngược và coi thường luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới công nhận.        

Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng cực lực lên án, phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp, rút hết giàn khoan HD 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, theo đó không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có“sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”. Yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đã được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam có đầy đủ tất cả tư liệu, bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối. Đối với hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc, đây là thời cơ rất lớn để mỗi người dân Việt Nam thể hiện lòng yêu nước đối với chủ quyền quốc gia, cũng như sự ủng hộ đối với Đảng, Nhà nước có các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên trì, kiên định, kiên quyết, không sợ, tranh thủ tận dụng sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng quốc tế, công ước quốc tế dựa vào các quy định luật pháp quốc tế về biển đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải theo luật pháp quốc tế.

Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng kêu gọi giới luật gia, luật sư đang sinh sống và làm việc tại thành phố cũng như giới luật gia, luật sư trên toàn quốc có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt bảo vệ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đồng thời, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng ủng hộ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đồng thời đẩy mạnh công tác đàm phán, phân định biển với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác trên biển theo tinh thần Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),  giữ gìn hòa bình và ổn định trên biển, cố găng thu hẹp bất đồng, tìm kiến giải pháp ổn định lâu dài mà các bên chấp nhận được thông qua việc phối hợp với các nước trong khu vực ASEAN đẩy nhanh tiến trình đàm phán, xây dựng và hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ký kết với Trung Quốc. Đối với trong nước, chúng ta đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng trên biển, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về chủ quyền biển, đảo quốc gia. Mặt khác, cần đề cao cảnh giác trước âm mưu của các thế lực cơ hội, cực đoan, thù địch lợi dụng vấn đề bất đồng về chủ quyền lãnh thổ để kích động, chia rẽ quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng; công kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta./.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD