16:12 08/11/2018 GMT+7
Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại huyện Vĩnh Lộc
Trong khuôn khổ thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021, ngày 23/10/2018, tại huyện Vĩnh Lộc, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa phối hợp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho gần 200 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của huyện; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, công chức địa chính, xây dựng, tư pháp – hộ tịch xã, thị trấn; hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mầm non trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

 

Đ/c Nguyễn Văn Tâm, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc phát biểu


Đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Lộc, chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị. TS Dương Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa giới thiệu những điểm mới, những nội dung cơ bản của hai đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức cơ sở là Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.

BLDS năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, thay thế BLDS năm 2005, gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều (giảm 88 điều so với BLDS năm 2005). BLDS năm 2015 có nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự; xây dựng nền tảng pháp lý thống nhất, đồng bộ, ổn định cho hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam; bảo vệ quyền dân sự về nhân thân, tài sản của cá nhân, pháp nhân; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập quốc tế. So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới, trong đó có những điểm mới quan trọng như: Thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật dân sự; bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; cụ thể hóa quyền nhân thân (trong đó có quyền chuyển đổi giới tính) quy định tại Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; quy định riêng về quyền hưởng dụng; quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự; quy định về việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; quy định ưu tiên thanh toán trong thừa kế …

Luật TNBTCNN năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, gồm 9 chương, 78 điều, thay thế Luật TNBTCNN năm 2009. Việc sửa đổi Luật TNBTCNN nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TNBTCNN, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công cụ, hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 có nhiều điểm mới về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, về phạm vi TNBTCNN, về thiệt hại được bồi thường, về cơ chế giải quyết bồi thường, về thủ tục giải quyết bồi thường, về phục hồi danh dự, về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả, về trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm của các cơ quan nhà nuớc trong công tác bồi thường nhà nước./.

                                                                         HÀ SĨ THẮNG

                         (Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa)

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD