11:32 17/08/2022 GMT+7
Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng tham gia nhiều nội dung có chất lượng trong Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 08/8/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tham dự Hội nghị có đại diện các sở, ban ngành của thành phố. Luật gia Trần Minh Khiết, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia thành phố được mời tham dự Hội nghị và đã có bài tham luận làm rõ nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn…

 

Toàn cảnh hội nghị


Phần Chương II của Dự thảo Luật, Hội Luật gia thành phố đề nghị cần bổ sung thông tin cho nhân dân theo hình thức Điểm 1d của Điều 10 là “công khai thông tin qua Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố để thông báo đến nhân dân” để tránh sự bất lợi trong việc thông tin rộng rãi về nội dung này. Tại Điểm 1 và Điểm 2 của Điều 14 Dự thảo Luật nên sửa đổi vì thực tiễn hiện nay Tổ dân phố không có Trưởng ban công tác Mặt trận (chỉ bố trí chức danh này ở khu dân cư với nhiều Tổ dân phố). Ở Điều 15, không nên dùng từ “cử tri” hoặc “cử tri đại diện hộ gia đình” trong các Điều 15, 16, 17 mà thay vào đó là “công dân”“công dân đại diện hộ gia đình” vì từ cử tri chỉ sử dụng trong các cuộc bầu cử chính thức do Nhà nước quy định như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, điều kiện công dân thực hiện quyền bầu và quyết định tại cộng đồng dân cư đã được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 15 là “đủ 18 tuổi trở liên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự” (thực tiễn tại các địa phương khi họp Tổ dân phố chỉ có công dân đại diện hộ gia đình kể cả khi bầu Tổ trưởng, Tổ phó và các chức danh khác trong cộng đồng dân cư). Đối với trường hợp văn bản của cộng đồng dân cư “có nội dung trái pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội” thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản này được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này. Như vậy, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản của cộng đồng dân cư thì mặc nhiên văn bản này vẫn phát sinh hiệu lực và sẽ có khả năng, nguy cơ xâm hại đến quyền và lợi ích của người dân. Do vậy, cần có quy định về việc “tạm đình chỉ” hoặc “đình chỉ” thi hành đối với phần nội dung văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung “không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội” trong khi chờ sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản của cộng đồng dân cư như quy định tại Khoản 3 Điều 20 và cần bổ sung “Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ thể có thẩm quyền tạm đình chỉ hoặc đình chỉ đối với văn bản có nội dung trên”.

 


Luật gia Trần Minh Khiết, Phó Chủ tịch Thường trực HLG thành phố Đà Nẵng


Tại Điều 21, tổ chức thi hành văn bản của cộng đồng dân cư, trong thực tiễn không có việc “Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức cùng cấp, Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố tổ chức thực hiện văn bản của cộng đồng dân cư” như tại Khoản 1 Điều 21 mà chỉ hướng dẫn để công dân thực hiện văn bản của cộng đồng dân cư (Đoạn 2 của Khoản 1b điều này).

Về những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định (Điều 22), tại Điểm 4 cần bổ sung cụm từ “khu dân cư” trước cụm từ “ghép cụm dân cư” vì thực tiễn tại các thành phố lớn của nước ta đều hình thành các khu dân cư thuộc các phường trên địa bàn thành phố.

Về các hình thức nhân dân tham gia ý kiến Điều 23 tại nội dung Điểm 2, đại diện Hội Luật gia thành phố cũng đề nghị thay từ “nhân dân” bằng cụm từ “đại diện hộ gia đình” vì trong thực tế các Hội nghị đối thoại với nhân dân tại cấp xã đều được tiến hành giữa “đại diện hộ gia đình” và Ủy ban nhân dân cấp xã. Tại Điểm 3 điều này cần ghi lại như sau: Phát biểu lấy ý kiến công dân (thay cho từ cử tri) hoặc công dân đại diện hộ gia đình (thay cho cụm từ cử tri đại diện hộ gia đình). Tại Khoản 5 Điều 23, Luật gia Trần Minh Khiết cho rằng Dự thảo quy định là chưa phù hợp. Bởi lẽ, các mạng xã hội zalo, Facebook là mạng xã hội của nước ngoài do cá nhân người nước ngoài làm chủ, máy chủ được đặt ở nước ngoài, không phải là mạng có thể tồn tại vĩnh viễn và không phải bất cứ nội dung gì của các mạng xã hội này mà cơ quản lý Nhà nước của Việt Nam chưa thể kiểm soát hết được. Do vậy, quy định này chưa mang tính khả thi trong gia đoạn hiện nay, cần được nghiên cứu kỹ hơn nữa trước khi đưa vào Luật này. Tại Điều 24 Điểm 1 cần bổ sung cụm từ “thông qua đại diện hộ gia đình” sau từ “nhân dân” trên địa bàn đối với các nội dung quy định tại Điều 22. Tại Điều 25 cần bổ sung cụm từ “thông qua đại diện hộ gia đình” sau từ “nhân dân” và Khoản 1 cũng bổ sung cụm từ “thông qua đại diện hộ gia đình” để mang tính khả thi cao khi áp dụng trong thực tiễn. Đối với Chương III thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, cần sửa lại nội dung Khoản 1 Điều 37 như sau: “Giải pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị”.

Tất cả ý kiến tham gia của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng đã được Tổ thư ký Hội nghị ghi chép đầy đủ để tổng hợp gửi lên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Sở Nội vụ thành phố đúng thời hạn quy định./.

 

Thủy Tiên (0982450058)

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD