HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG CHẶNG ĐƯỜNG 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM
***
Lịch sử hình thành và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bởi “liền sau khi giải phóng Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã sớm động viên luật gia Việt Nam tập hợp nhau lại tổ chức Hội Luật gia để cùng góp sức, góp tài phục vụ cách mạng”[1]. Mục tiêu hoạt động đối ngoại trên vũ đài pháp lý quốc tế chính là cơ sở để Đảng và Nhà nước thành lập Hội Luật gia Việt Nam và cũng chính là sứ mệnh được Đảng và Nhà nước giao cho Hội, như cố Bộ trưởng Bộ tư pháp, Phó Chủ tịch Hội Vũ Đình Hoè đã phát biểu “Hội ta thành lập trong hoàn cảnh lịch sử 1955 là nhằm nói lên tiếng nói của giới chuyên môn pháp lý góp phần vào công cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, buộc đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam, rồi sau khi chúng phản bội chữ ký thì Hội góp phần nêu cao và phát triển cơ sở pháp lý quốc tế của cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ và bọn tay sai”[2]. Và do vậy ngay từ khi thành lập, Hội đã “xác định rõ mục tiêu của Hội là phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước”[3].
Để thực hiện mục tiêu đó, Hội Luật gia Việt Nam đã luôn luôn nỗ lực và làm hết khả năng của mình trên lĩnh vực đối ngoại. Trong những thành tựu to lớn và đáng tự hào mà Hội Luật gia Việt Nam đạt được trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Đánh giá về những thành tựu của Hội, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Luật gia Việt Nam, Đồng chí Đỗ Mười Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam phát biểu “Trải qua thử thách của mấy thập kỷ chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đội ngũ luật gia chúng ta đã tỏ rõ bản lĩnh và năng lực của mình đối với công việc của đất nước cũng như trên trường quốc tế, góp phần làm sáng tỏ về mặt pháp lý cũng như chính nghĩa sáng ngời của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do của dân tộc Việt Nam, chẳng những tranh thủ được sự đồng tình và sự ủng hộ rộng rãi của thế giới mà còn có những đóng góp cho sự phát triển của luật pháp quốc tế, nhất là việc khẳng định các quyền dân tộc cơ bản, hòn đá tảng của công pháp quốc tế hiện đại…”[4]
1. Hoạt động đối ngoại giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1974 (từ nhiệm kỳ Đại hội I đến hết nhiệm kỳ Đại hội IV)
Bản Điều lệ đầu tiên của Hội được thông qua tại Hội nghị thành lập Hội Luật gia Việt Nam được tổ chức ngày 29/3/1955[5], xác định mục đích của Hội là “Đoàn kết các Luật gia Việt Nam để góp phần vào công cuộc xây dựng nền pháp lý Việt Nam và cùng toàn dân đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Trao đổi tài liệu và kinh nghiệm pháp lý với luật gia nước ngoài cùng nhau bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền lợi dân tộc, xây dựng một đời sống hoà bình, hạnh phúc, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thế giới”.
Với mục đích đó, “trong thời kỳ đầu, hoạt động của Hội chủ yếu hướng vào đối ngoại, vận động các luật gia tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới tố cáo, lên án Đế quốc Mỹ xâm lược, gây tội ác với nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”[6].
a. Đấu tranh thắng lợi trên mặt trận pháp lý, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Đất nước, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc đấu tranh pháp lý bắt đầu ngay sau khi Hội được thành lập, mở đầu là cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954[7]. Nhiều luật gia trong đó có Luật sư Phan Anh - người đã tham gia phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, đã nghiên cứu, viết sách, viết báo, giải thích một cách đúng đắn Hiệp định Giơ-ne-vơ, chống sự xuyên tạc của bọn thực dân và Nguỵ quyền tay sai và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định. Ngoài việc viết sách, viết báo giải thích, phổ biến rộng rãi Hiệp định, nhiều hội viên đã vạch trần trên các diễn đàn quốc tế những thủ đoạn xảo quyệt của Đế quốc Mỹ nhằm phá hoại Hiệp định như: thay chân Thực dân Pháp ở miền Nam, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, lôi kéo một số nước thành lập khối phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), đưa miền Nam Việt Nam vào khu vực bảo hộ của khối SEATO…
Khi Mỹ Nguỵ phá hoại cuộc Tổng tuyển cử cả nước đã được thoả thuận tổ chức vào năm 1956, cùng với nhân dân cả nước Hội đã kịch liệt lên án những hành vi đó trên các diễn đàn pháp lý quốc tế, đặc biệt trong những hội nghị quốc tế do Hội Luật gia dân chủ quốc tế và nhiều tổ chức trên thế giới tổ chức để ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta. Tiếng nói của Hội có một tiếng vang lớn trên thế giới, nhiều nhà hoạt động chính trị của nhiều nước đã tỏ rõ thái độ đồng tình, ủng hộ lập trường của nhân dân ta [8].
Trong những năm Mỹ can thiệp sâu vào Việt Nam, đưa lực lượng vũ trang vào miền Nam, tiến hành đồng thời cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, leo thang chiến tranh và gây ra vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam thì cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý ngày càng quyết liệt. Để biện minh cho những hành động của mình, Mỹ đã đưa ra các luận điệu trái ngược với pháp luật quốc tế, trái với Hiệp định Giơ-ne-vơ như: Quân đội Mỹ vào miền Nam Việt Nam là theo yêu cầu của chính quyền Ngô Đình Diệm; Quân đội Mỹ vào Việt Nam là để bảo vệ thế giới tự do; Miền Bắc xâm lược miền Nam nên Mỹ vào miền Nam Việt Nam để bảo vệ, giúp đỡ, chống lại kẻ xâm lược.
Vào thời điểm đó không phải nhân dân các nước đã hiểu rõ ngay tình hình Việt Nam. Các luật gia Việt Nam đã đưa ra những tư liệu làm sáng tỏ tình hình ở Việt Nam cũng như các lập luận phản bác các luận điệu phi pháp lý của Mỹ. Mục tiêu của cuộc đấu tranh pháp lý lúc đó là phải làm rõ hai vấn đề cơ bản có liên quan chặt chẽ với nhau, nhất là quan niệm về các quyền dân tộc, cụ thể là: (1) Cuộc chiến tranh của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược; Mỹ là kẻ xâm lược, phạm tội xâm lược; (2) Là nạn nhân của sự xâm lược, nhân dân Việt Nam có quyền đứng lên chống xâm lược để tự vệ, bảo vệ những quyền dân tộc căn bản, những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình.
Năm 1968 các luật gia Việt Nam đã viết cuốn sách “Những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp gồm 3 phần (Phần I là bản cáo trạng về các tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam với tất cả những sự kiện, những bằng chứng, nhân chứng, những văn kiện; Phần II nói về những tội ác chống loài người mà Mỹ đã phạm ở Việt Nam, trong đó bao gồm cả những tội ác về dùng chất độc hoá học ở miền Nam Việt Nam và những tội ác chiến tranh theo nghĩa hẹp của Mỹ ở Việt Nam; Phần 3 nói về Quyết định của Toà án quốc tế Xờ-tốc-khôm năm 1967, quan điểm của các luật gia dân chủ về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam)[9] để phổ biến ra nước ngoài. Cuốn sách này được đánh giá là “thực sự là một công trình khoa học về hình sự quốc tế”[10].
Kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ đó là dư luận trong giới luật gia tiến bộ ngày càng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và nhận thấy rõ Mỹ là kẻ xâm lược. Tại Hội nghị năm 1961 Hội luật gia dân chủ quốc tế đã ra tuyên bố kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ VIII năm 1964 Hội luật gia dân chủ quốc tế đã tán thành lập trường đúng đắn của Việt Nam và lên án Mỹ. Hội nghị Ban thường vụ Hội luật gia dân chủ quốc tế tháng 3 năm 1965 đã ra Tuyên bố “trịnh trọng gửi lời kêu gọi đến tất cả nhân dân các nước trên thế giới, trước tình hình đế quốc Mỹ tăng cường xâm lược vũ trang ở Việt Nam, gieo rắc chồng chất những đau thương tang tóc đối với nhân dân Việt Nam và tạo ra một nguy cơ cho nền hoà bình ở Đông Nam Á và toàn thế giới… Chính phủ Mỹ không những đã vi phạm những nguyên tắc chung của công pháp quốc tế mà còn phản bội cả những điều mình đã cam kết về vấn đề Việt Nam khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết”[11]. Đồng thời cuộc đấu tranh pháp lý đó cũng đã “góp phần thức tỉnh lương tri loài người, lương tri của nhân dân Mỹ về thực chất của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, về tính hợp pháp, chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và có tác dụng thúc đẩy phòng trào chống chiến tranh xâm lược trên thế giới, nhất là ở Mỹ”[12]. Tính đến tháng 5 năm 1965 đã có 13 quốc gia, 2 tổ chức quốc tế, 70 đoàn đại biểu nhân dân Á-Phi tại Đại hội đoàn kết nhân dân Á-Phi lần thứ IV và 119 đảng phái, đoàn thể của 53 nước khắp 5 châu lên tiếng ủng hộ lập trường 4 điểm của Việt Nam[13]. Tiếp sau đó nhiều hội nghị quốc tế đều lên án đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam như: Hội nghị quốc tế Béc-tơ-răng Ru-xen (Bertrand Russel) 1967; Hội nghị Ban thường trực Hội luật gia dân chủ quốc tế họp ở Ma-mai-a Ru-ma-ni tháng 9 năm 1967; Hội nghị Hội luật gia dân chủ quốc tế về Việt Nam họp ở Gơ-rơ-nốp Pháp tháng 7 năm 1968; Đại hội lần thứ IX Hội luật gia dân chủ quốc tế họp ở Hen-xin-ki Phần Lan tháng 7 năm 1970; Hội nghị Hội luật gia dân chủ quốc tế về Việt Nam họp ở An-giê-ri tháng 2 năm 1971. Ngay tại Mỹ, các luật gia và nhân sĩ tiến bộ Mỹ cũng ngày càng đồng tình với luật gia Việt Nam là đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược.[14] Tại Hội nghị Gơ-rơ-nốp, Giáo sư luật người Mỹ Falk đã phát biểu “Đây là lần đầu tiên mà luật gia Mỹ đứng lên phản đối và đấu tranh chống chính sách của chính phủ hợp pháp của nước Mỹ”[15]
Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết[16], trước yêu cầu và ý nghĩa của việc giải thích Hiệp định, các luật gia Việt Nam đã sử dụng những kiến thức, quan điểm đúng đắn, khoa học để viết một tác phẩm bằng 3 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp) làm công cụ để đấu tranh đòi thi hành đúng đắn Hiệp định, và phổ biến cho toàn thế giới hiểu rõ nội dung của Hiệp định Pa-ri. Ngoài cuốn sách này, các luật gia Việt Nam còn viết nhiều bài đăng trên báo chí, nói trên đài tố cáo và lên án những thủ đoạn của Mỹ phá hoại Hiệp định Pa-ri, đặc biệt là nội dung của Điều 21, theo đó Chính phủ Mỹ phải bồi thường những thiệt hại do họ đã gây ra ở Việt Nam và góp phần vào việc xây dựng lại đất nước Việt Nam[17]. Các luật gia Việt Nam đã phân tích kỹ vấn đề trách nhiệm của quốc gia tiến hành chiến tranh xâm lược. Với những sự kiện đanh thép và các lý lẽ pháp lý đúng đắn, vững chắc, các luật gia Việt Nam đã đi đến khẳng định: Mỹ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của nhiều luật gia Mỹ[18].
b. Góp phần phát triển luật pháp quốc tế
Dưới góc độ khoa học pháp lý, từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, thông qua cuộc đấu tranh pháp lý phục vụ sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Đất nước, thống nhất Tổ quốc, các luật gia Việt Nam đã góp phần phát triển luật pháp quốc tế. Sự đóng góp đó đã được các luật gia trên thế giới thừa nhận và đánh giá cao. Luật sư Joe Noocman - Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6 năm 1978 đã phát biểu “… cũng như Cách mạng Tháng 10 Nga trước đây, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là khởi nguồn cho những quy định pháp luật quốc tế và các luật gia Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào việc bảo vệ các quyền cơ bản của các dân tộc, điều mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế có thể lấy làm tự hào …”[19], “…các đại biểu Việt Nam trong các hội nghị do Hội Luật gia dân chủ quốc tế tổ chức và trong các cuộc họp thường lệ của Hội, đã có cống hiến vào sự nghiệp quý giá là bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, sự nghiệp mà chúng tôi rất tự hào. Tôi có thể khẳng định rằng con đường mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế đang đi trong lĩnh vực này là do các bạn vạch ra”[20].
- Các luật gia Việt Nam đã góp phần quan trọng để làm rõ một số nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc về các quyền cơ bản của dân tộc. Thực tiễn của cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã giúp các luật gia Việt Nam đưa ra quan niệm về nội dung của các quyền dân tộc cơ bản đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Những thuật ngữ này đã được nhiều hội nghị quốc tế của giới luật gia thừa nhận như: Hội nghị Ban thường trực Hội luật gia dân chủ quốc tế họp ở Ma-mai-a Ru-ma-ni tháng 9 năm 1967; Hội nghị Hội luật gia dân chủ quốc tế về Việt Nam họp ở Grơ-nốp Pháp tháng 7 năm 1968; Đặc biệt Đại hội lần thứ IX Hội luật gia dân chủ quốc tế họp ở Hen-xin-ki Phần Lan tháng 7 năm 1970 đã tuyên bố “Sự tôn trọng và bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, trên lý thuyết cũng như trong thực tiễn, là hòn đá tảng của luật pháp hiện đại”.
- Trong cuộc đấu tranh pháp lý, các luật gia Việt Nam cũng đã tố cáo một cách toàn diện và liên tục, cung cấp các tài liệu, chứng cứ cụ thể để chứng minh các tội ác chưa từng có trong lịch sử và được các luật gia tiến bộ trên thế giới thừa nhận về các tội danh mới trong hình sự quốc tế: tội ác xâm lược thực dân mới, tội ác diệt chủng, tội ác diệt sinh thái. Hội nghị luật gia thế giới về Việt Nam họp ở Gơ-rơ-nốp tháng 7/1968 đã tuyên bố rằng “một cuộc chiến tranh như vậy là cuộc chiến tranh xâm lược, một tội ác chống lại độc lập và sự sống còn của nhân dân Việt Nam và là một cuộc áp bức kiểu thực dân mới”. Tại Đại hội lần thứ IX (họp tại Hen-xin-ki tháng 7/1970), Hội Luật gia dân chủ quốc tế đã lên án “chính sách Việt Nam hoá chiến tranh chỉ là một biểu hiện mới của sự xâm lược thực dân mới của Mỹ” [21]. Bản án Toà án quốc tế Béc-tơ-răng Rút-xen tại phiên toà ngày 2/5/1967 ở Thuỵ Điển và ngày 20/11/1967 ở Đan Mạch đã lên án Mỹ phạm tội ác xâm lược, tội ác chống hoà bình, tội ác chống các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, tội ác diệt chủng [22]. Hội nghị lần thứ nhất của Uỷ ban quốc tế điều tra tội ác của Mỹ ở Đông Dương họp ở Xờ-tốc-khôm tháng 10 năm 1970 đã kết luận “do tính chất và quy mô của chúng, những tội ác của đế quốc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở Đông Dương trong một thời gian dài là tội ác diệt chủng, một tội ác quốc tế”. Hội nghị quốc tế các nhà khoa học về chiến tranh hoá học ở Việt Nam họp tháng 12/1970 đã ra nghị quyết nêu rõ “mức độ lớn về tổn thất nhân mạng, về sự tàn phá các mặt đối với thiên nhiên cho phép kết luận rằng người ta đang đứng trước tội ác diệt chủng, kèm theo tội ác diệt sinh. Ngoài ra các luật gia và các nhà tri thức Cu-ba từ kết quả nghiên cứu của ba cuộc hội thảo về tội ác diệt chủng của Mỹ ở Việt Nam, nhất là trong cuộc hội thảo lần thứ 3 tổ chức vào tháng 5 năm 1972, đã đưa ra hai tội danh khác nữa là tội ác diệt xã hội và tội ác phi nhân hoá [23].
- Cũng trong quá trình đấu tranh pháp lý này, các luật gia Việt Nam cũng đã đưa ra những cơ sở vững chắc, những tiêu chuẩn của một chủ thể luật pháp quốc tế, đó là: Ý chí của nhân dân; Quyền kiểm soát thực tế lãnh thổ, hiệu lực thực tế đối với nhân dân. Quan điểm này ngày càng được các luật gia tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Do đó từng bước Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chính phủ, các tổ chức quốc tế công nhận ngày càng nhiều và được kết nạp vào làm thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, được nhiều nước, tổ chức quốc tế đặt quan hệ - nghĩa là được thừa nhận là một chủ thể của luật pháp quốc tế [24]. Việc thừa nhận này là một bước phát triển quan trọng về tiêu chí xác định chủ thể của quan hệ pháp luật quốc tế.
2. Hoạt động đối ngoại giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1993 (từ nhiệm kỳ Đại hội V đến hết nhiệm kỳ Đại hội VII)
Trong bối cảnh đất nước thống nhất, nhưng lại phải đương đầu với việc giới cầm quyền Trung Quốc cấu kết với đế quốc Mỹ và bọn phản động quốc tế điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã cùng với toàn dân đấu tranh, kịp thời vạch trần thái độ thù địch của họ với nhân dân ta, lên án toàn bộ chiến lược phản động theo chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của họ, chống lại âm mưu của Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn bôi nhọ Việt Nam hòng hạ uy tín quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề nhân đạo, nhân quyền, góp phần làm cho nhân dân thế giới thấy rõ chính sách đối nội và đối ngoại đúng đắn của Nhà nước ta trong vấn đề Cam-pu-chia, vấn đề biên giới Việt-Trung, vấn đề cải tạo những người thuộc Nguỵ quân, Nguỵ quyền Sài Gòn cũ. Tháng 12 năm 1979 Hội Luật gia Việt Nam đã được Chính phủ giao tiếp đón Đoàn điều tra của Tổ chức ân xá quốc tế vào Việt Nam để xem xét tại chỗ vấn đề cải tạo những người thuộc Nguỵ quân, Nguỵ quyền Sài Gòn cũ. Các cuộc đi thăm một số trại cải tạo tại miền Bắc và miền Nam, các cuộc thảo luận giữa Hội và đoàn được tiếp tục bằng những cuộc tiếp xúc diễn ra tại Luân-đôn tháng 9 năm 1980 và trao đổi thư từ sau đó đã làm sáng tỏ: không có sự báo thù đối với những người đã cộng tác với địch trong chiến tranh[25]. Trong quan hệ với luật gia Cam-pu-chia, tháng 8 năm 1979 Hội đã tích cực tham gia giúp Cam-pu-chia tổ chức Toà án nhân dân cách mạng tại Pờ-nông-pênh để xét xử tội ác diệt chủng Pôn-pốt với sự tham dự của nhiều luật gia tiêu biểu của các nước. Các đại biểu của Hội đã tham gia với tư cách là quan sát viên tại phiên toà này. Tháng 1 năm 1984 Hội đã cử đoàn sang Cam-pu chia để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các luật gia nước bạn, kinh nghiệm thành lập hội và mở rộng hoạt động quốc tế.
Trong giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tham gia các hội nghị quốc tế và trình bày tham luận thể hiện quan điểm về các vấn đề quốc tế quan trọng như: chống chế độ phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa apartheid, chống chạy đua vũ trang, thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới, một trật tự dân chủ quốc tế mới, thiết lập các khu vực không hạt nhân để góp phần đấu tranh chung cùng các luật gia tiến bộ trên thế giới. Hội đã tham gia các hội nghị: Hội nghị Hen-xin-ki tháng 10 năm 1978 về Hợp tác quốc tế và giải trừ quân bị; Hội nghị Lu-an-đa tháng 2 năm 1981 chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và cử đại diện tham gia Uỷ ban điều tra của 19 nước; Hội nghị quốc tế Niu-Đê-li tháng 10 năm 1982: Ấn Độ Dương - khu vực hoà bình; Hội nghị quốc tế An-giê tháng 12 năm 1982: Địa Trung Hải - khu vực hoà bình; Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế lần thứ XI năm 1980: Trật tự kinh tế quốc tế mới; Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế lần thứ XII tháng 10 năm 1984: quyền được hưởng hoà bình và an ninh, quyền được phát triển, quyền các dân tộc và quyền con người, xây dựng một nền dân chủ quốc tế mới [26]. Ngoài ra Hội cũng tham gia vào các vấn đề có tính chuyên môn như quyền của phụ nữ[27] hoặc vấn đề người di tản (tị nạn) [28].
Trong giai đoạn này chủ đề được Hội Luật gia dân chủ quốc tế rất quan tâm và đưa ra thảo luận tại các kỳ Đại hội: X (1975), XI (1980) và XII (1984) là trật tự kinh tế thế giới mới, trong đó có các vấn đề liên quan là quyền phát triển của các nước đang phát triển và nợ của các nước đang phát triển. Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và ý nghĩa cho cuộc đấu tranh về trật tự kinh tế thế giới mới tại các Đại hội của Hội luật gia dân chủ thế giới, đặc biệt là tại Đại hội XII (1984) đồng chí Phan Anh - Chủ tịch Hội đã được bầu làm Chủ tịch Tiểu ban II để điều khiển cuộc thảo luận về quyền phát triển của các nước đang phát triển, trong đó vấn đề nợ của các nước thuộc thế giới thứ 3 đã được xem xét dưới nhiều khía cạnh [29].
Cũng trong giai đoạn này với bản lĩnh của mình, các luật gia Việt Nam cũng đã góp phần phát triển luật nhân đạo quốc tế. Tại Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế lần thứ X tháng 4 năm 1975, các luật gia Việt Nam đã thuyết phục Đại hội chấp nhận và đưa vào Nghị quyết của đại hội 8 nguyên tắc được rút ra từ thực tiễn đấu tranh để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, trong đó có nguyên tắc: “Mọi dân tộc có quyền bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản và quyền dân tộc tự quyết của mình bằng mọi biện pháp đấu tranh, kể cả việc sử dụng bạo lực …”. Các luật gia Việt Nam cũng thuyết phục được các luật gia tiến bộ về việc cần phải sửa đổi khái niệm chiến sĩ du kích trong các Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949. Tại các hội nghị pháp luật nhân đạo quốc tế họp tại Giơ-ne-vơ các năm 1974, 1975, 1976, 1977, các luật gia Việt Nam đã đưa ra những ví dụ cụ thể chứng minh sự lạc hậu của 4 Công ước Giơ-ne-vơ năm 1949 và đề nghị những sửa đổi căn bản điều kiện về chiến sĩ du kích. Đề nghị của Việt Nam nhận được nhiều sự ủng hộ. Nghị định thư số I được thông qua ngày 10/6/1977, tại Đoạn 3 Điều 44 đã quy định rất mới về quy chế người du kích [30].
Trong việc hợp tác với tổ chức luật gia các nước, Hội đã đặc biệt chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với luật gia các nước Liên Xô, Lào, Cam-pu-chia và các nước XHCN khác. Hội đã đón tiếp một số đoàn luật gia Liên Xô và các nước Đông Âu, cử đoàn sang thăm Liên Xô và ký kết thoả thuận hợp tác với Hội Luật gia Liên Xô; đón đoàn luật gia Ấn Độ, cử đoàn đi tiếp xúc với các luật gia In-đô-nê-xia.
Ngày 14/4/1988 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 34-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam đưa ra yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Hội là “Hội hợp tác chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế, tổ chức luật gia của các nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức luật gia tiến bộ trên thế giới, tích cực đấu tranh vì một thế giới hoà bình, công bằng, tiến bộ”. Thực hiện chỉ đạo này, Hội tiếp tục thắt chặt tình hữu nghị và trao đổi kinh nghiệm với tổ chức luật gia các nước Liên Xô, Lào, Cam-pu-chia và các nước XHCN khác. Đồng thời duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Hội Luật gia dân chủ quốc tế.
3. Hoạt động đối ngoại giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2004 (từ nhiệm kỳ Đại hội VIII đến hết nhiệm kỳ Đại hội lần thứ IX)
Ngày 19/4/1993 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 19-CT/TW về việc lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam đưa ra yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Hội là: “Hội cần mở rộng quan hệ và sự hợp tác với các tổ chức luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh nhằm tạo điều kiện môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Đặc biệt tại Đại hội lần thứ VIII của Hội (tháng 5 năm 1993), Đồng chí Đỗ Mười Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ “Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu các vấn đề pháp luật quốc tế, tham gia các diễn đàn quốc tế, đấu tranh bác bỏ luận điệu của những người vi phạm nhân quyền nhưng lại vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền; làm rõ bản chất tôn trọng tự do và quyền con người của Nhà ưnớc ta và chế độ ta; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận rộng rãi, tích cực đóng góp xây dựng một trật tự thế giới công bằng, tiến bộ, vì sự nghiệp hoà bình, hợp tác và phát triển”[31].
Ngày 18/8/2000 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 56/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã xác định nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại: “tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới, tích cực tham gia tuyên truyền, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, tạo môi trường thuận lợi phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn này hoạt động đối ngoại của Hội phát triển theo chiều sâu, theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức luật gia quốc tế và luật gia tiến bộ nước ngoài. Hội đã tích cực giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đường lối đổi mới của nước ta trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại tại các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế mà hội đăng cai tổ chức hoặc tham dự. Hội cũng mở rộng giao lưu với các tổ chức và cá nhân luật gia nước ngoài, chủ yếu với IADL và các tổ chức luật gia Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
Cụ thể các mặt hoạt động đối ngoại trong giai đoạn này là:
(i) Tăng cường quan hệ với IADL, gia nhập Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA) và tham gia các hoạt động của ALA, tham gia Trung tâm Luật khu vực Mê Công, bước đầu đặt quan hệ hợp tác với các tổ chức luật gia các nước
- Hội đã tham gia Đại hội lần thứ XV của IADL với chủ đề “Xây dựng một trật tự pháp luật quốc tế công bằng” được tổ chức tại Cu-Ba tháng 10 năm 2000. Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam đã trình bày tham luận về ba vấn đề: Chấm dứt sử dụng cấm vận như một vũ khí chính trị; Hậu quả của việc sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trách nhiệm của phía Mỹ; Thực hiện các nguyên tắc cơ bản của luật nhân quyền quốc tế”. Tại Đại hội này IADL đã thông qua Nghị quyết lên án các lực lượng vũ trang Mỹ rải chất độc da cam/đi-ô-xin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ Đại hội này, Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ các chủ trương của IADL về đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền nước lớn, xây dựng một trật tự pháp luật quốc tế công bằng. Tháng 10 năm 2001, trên cơ sở đề nghị của IADL, Hội Luật gia Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng IADL. Đây là lần đầu tiên Ban lãnh đạo và đại diện các tổ chức thành viên IADL đến họp tại Việt Nam. Tại Hội nghị này, Hội đồng IADL đã biểu dương quan hệ hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và IADL cũng như đánh giá cao thành công của các hội nghị pháp lý quốc tế do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
- Tháng 11 năm 1997 Hội Luật gia Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của ALA. Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2001 ALA tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở nhiều nước Đông Nam Á. Từ năm 2002, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tham dự các cuộc Hội nghị Hội đồng điều hành ALA hàng năm cũng như Đại hội ALA lần thứ VIII (tổ chức tại Xanh-ga-po tháng 12 năm 2003) và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội.
- Là thành viên sáng lập Trung tâm Luật khu vực Mê Công, Hội đã tích cực tham gia các hội thảo, tập huấn do Trung tâm tổ chức[32].
- Hội đã có quan hệ hợp tác với Hiệp hội luật sư Ca-na-đa, Hội Luật gia Henri Capitant của Pháp, Hội luật gia dân chủ Châu Âu, Hiệp hội luật sư Mỹ, Hiệp hội luật sư quốc tế. Việc hợp tác được thực hiện bằng các hình thức như: trao đổi các đoàn nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, tổ chức các cuộc hội thảo, lớp học ngắn hạn ở trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho Hội và một số hội viên nghiên cứu, khảo sát pháp luật các nước, pháp luật quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tham khảo để vận dụng vào điều kiện của nước ta, đồng thời cũng tạo điều kiện để luật gia nước ngoài tiếp cận với những đổi mới của pháp luật và tình hình xây dựng nhà nước pháp quyền tại nước ta.
(ii) Đăng cai, phối hợp với các tổ chức luật gia tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam
- Đăng cai tổ chức Hội nghị luật gia Châu Á - Thái Bình Dương lần III (COLAP III) và Hội nghị đoàn kết với nhân dân Pa-lét-tin.
Trong tháng 10 năm 2001, Hội đăng cai tổ chức COLAP III tại Hà Nội với chủ đề “Hoà bình, nhân quyền, phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh toàn cầu hoá”. Đây là lần đầu tiên Hội Luật gia Việt Nam được IADL và các tổ chức luật gia trong khu vực uỷ nhiệm đăng cai tổ chức một hội nghị có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng. Ban thường vụ IADL và nhiều luật gia nước ngoài tham dự hội nghị đã đánh giá COLAP III thực sự là một hình thức tập hợp rộng rãi các luật gia trong khu vực và ngoài khu vực để trao đổi ý kiến về các vấn đề bức xúc có liên quan đến hoà bình, nhân quyền và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá dưới góc độ pháp lý - chính trị, với tinh thần đoàn kết, cởi mở, tôn trọng ý kiến của nhau. Hội nghị COLAP III đã nhất trí thông qua “Lời kêu gọi Hà Nội, vì hoà bình và phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, đây là một văn kiện có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm lịch sử ở những năm đầu tiên của thế kỷ 21.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ IADL về việc động viên đông đảo luật gia các nước tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Pa-lét-tin chống chính quyền hiếu chiến I-xa-ren, kết hợp với việc tổ chức COLAP III Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đoàn kết với nhân dân Pa-lét-tin. Đông đảo luật gia Việt Nam, luật gia nước ngoài tham gia COLAP III và đại diện các cơ quan, tổ chức của Việt Nam đã tham dự Hội nghị này.
- Theo đề nghị của Ban điều hành Hội Luật gia Châu Á (LAW ASIA - LA) Hội Luật gia Việt Nam đã giúp LA tổ chức Hội nghị Ban điều hành LA tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2001. Đây là lần đầu tiên một tổ chức luật gia quốc tế mà Hội chưa phải là thành viên được tổ chức Hội nghị Ban điều hành tại Hà Nội. Hội Luật gia Việt Nam đã tham dự các cuộc toạ đàm giữa đại diện các thành viên LA và các hội luật gia trong khu vực Đông Nam Á chưa phải là thành viên LA nhằm mở rộng giao lưu giữa các tổ chức luật gia trong khu vực.
- Hợp tác với Hiệp hội Henri Capitant và Nhà pháp luật Việt - Pháp tổ chức thành công hội thảo quốc tế về chủ đề quyền sở hữu do Nhà pháp luật Việt - Pháp đăng cai tổ chức tháng 1 năm 2003.
(iii) Ra tuyên bố phản đối chiến tranh, bảo vệ hoà bình, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia
- Tuyên bố phản đối hành động của NATO và Mỹ tấn công, ném bom Nam Tư;
- Tháng 4 năm 2002: Tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của I-xa-ren đối với Pa-lét-tin;
- Ngày 12/9/2001: Tuyên bố kịch liệt phản đối Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật nhân quyền Việt Nam;
- Ngày 10/2//2003: Tuyên bố phản đối Hạ viện Bang Vi-gin-na của Mỹ thông quan dự luật cho phép treo cờ của Chính quyền Sài Gòn cũ tại các công sở, trường học của bang này;
- Ngày 17/3/2003: Tuyên bố phản đối Chính quyền Mỹ, Anh phát động chiến tranh tấn công I-rắc;
- Ngày 17/7/2003: Tuyên bố phản đối Hạ viện Mỹ thông qua một số điều khoản bổ sung Luật chi tiêu đối ngoại (HR 1950 ngày 15/7/2003) của Bộ ngoại giao Mỹ xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền.
(iv) Phát hành tạp chí pháp luật song ngữ Pháp-Anh (bắt đầu từ năm 1995) để cùng với các hình thức khác nói lên tiếng nói của giới luật gia Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các luận điệu xuyên tạc chế độ XHCN. Tạp chí cũng giúp các nhà kinh doanh nước ngoài tìm hiểu những đổi mới của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật kinh doanh, nhất là pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và pháp luật thương mại.
4. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế giai đoạn từ năm 2004 đến nay (từ nhiệm kỳ Đại hội lần thứ X đến nay)
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 56/CT-TW ngày 18/8/2000 của của Bộ Chính trị, quán triệt phương châm của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X về công tác đối ngoại nhân dân là “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” và đặc biệt là chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại các Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại nhân dân, chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2006 cuả Hội Luật gia Việt Nam ngày 05/3/2007 là: “Mở rộng hợp tác với các tổ chức luật gia, luật sư các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế khác”, “Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, trao đổi học tập kinh nghiệm thực tiễn để không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt cho hội viên trong điều kiện mới”, trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay với sự năng động, quyết tâm của lãnh đạo Hội Luật gia các cấp, sự nỗ lực và tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách của Hội và toàn thể hội viên, trên cơ sở nguyên tắc, định hướng được xác định trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt nam, lĩnh vực hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu và chiều rộng, đạt được những kết quả quan trọng, đưa lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Hội lên một bước phát triển mới, nâng cao vị thế của Hội trong khu vực và trên thế giới, góp phần vào những kết quả to lớn của công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước.
Những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay thể hiện qua các mặt hoạt động sau đây:
(i) Tham gia, chủ trì tổ chức các hoạt động và phát huy vai trò thành viên của các tổ chức nghề luật ở phạm vi khu vực và trên thế giới mà Hội Luật gia Việt Nam là thành viên
Với tư cách thành viên của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL) và Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia Việt Nam luôn tham dự đầy đủ Hội nghị thường niên, Đại hội toàn thể và có nhiều đóng góp cho sự sự phát triển của các hiệp hội này thông qua sự chủ động, tích cực tham gia thảo luận những vấn đề được đưa ra nghị sự tại các Hội nghị, Đại hội và các hoạt động khác trong khuôn khổ các hiệp hội và đã phát huy mạnh mẽ vai trò thành viên của các Hiệp hội này.
Tháng 6 năm 2009 Hội Luật gia Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại hội XVII của Hội Luật gia dân chủ quốc tế với chủ đề “Pháp luật và luật gia trong bối cảnh toàn cầu hoá: vì hoà bình, phát triển và sự độc lập của hoạt động tư pháp”. Với sự chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành Trung ương, hội nghị đã được tổ chức rất thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong giới luật gia các nước trên thế giới. Đại hội đã thông qua Tuyên bố Hà Nội.
Với sự đánh giá cao của IADL về vai trò của Hội Luật gia Việt Nam, Hội tiếp tục tranh thủ tối đa tư cách là thành viên viên IADL để vận động IADL ủng hộ các vấn đề có liên quan đến Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2009, khi Hội các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ để yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, IADL đã tiến hành các hoạt động ủng hộ Việt Nam trong vụ kiện này. Sau khi Tòa án tối cao Mỹ công bố quyết định từ chối đơn thỉnh cầu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đề nghị xem xét lại phán quyết phi lý của các Tòa án cấp dưới, tháng 5 năm 2009 IADL đã tổ chức Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế tại Pa-ri để ủng hộ Việt Nam trong việc đưa ra được những lập luận buộc phía các công ty Mỹ phải có trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả nặng nề và kéo dài do cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Năm 2013 Hội Luật gia Việt Nam đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra các cuộc họp IADL để tranh thủ sự ủng hộ của giới luật gia quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề này. Ngày 11 tháng 11 năm 2013, IADL đã ra tuyên bố kêu gọi các bên không tiến hành các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông; giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời lên án việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tại Đại hội IADL lần thứ 18 được tổ chức tại Bỉ vào tháng 4 năm 2014, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đưa vấn đề về trách nhiệm của Chính phủ Mỹ đối với các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/đi-ô-xin mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Và kết quả là IADL đã đồng ý sẽ ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam về vấn đề này. Ngày 11 tháng 6 năm 2014, trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, IADL đã ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe doạ đến an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông. Hội Luật gia Việt Nam đã tạo điều kiện để IADL công bố Tuyên bố tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ ALA, Hội Luật gia Việt Nam đã được giao chủ trì tổ chức một số hội nghị quan trọng như: Hội nghị Hội đồng điều hành ALA vào tháng 6/2006, và Đại hội đồng ALA lần thứ X với chủ đề “Hiến chương ASEAN - đưa ASEAN lên những tầm cao mới” vào tháng 10/2009. Tại Đại hội đồng ALA lần thứ X, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được bầu giữ chức vụ Chủ tịch và Tổng thư ký của Hiệp hội này trong nhiệm kỳ 2009-2012. Hội Luật gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò và trách nhiệm cao cả đó thông qua các hoạt động có đóng góp thiết thực nhằm nâng cao vai trò của ALA và được các nước thành viên ALA đánh giá cao. Hội đã triển khai nhiều hoạt động và đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như nâng cao vai trò của ALA trong quá trình xây dựng khối ASEAN thống nhất. Cụ thể là, trong tháng 10 năm 2010, tháng 6 năm 2011 Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổ công tác ALA tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận sâu về việc xây dựng các đề xuất liên quan đến việc thi hành Hiến chương ASEAN để trình Hội đồng điều hành ALA thông qua và triển khai thực hiện; tháng 12 năm 2010, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức chuyến đi công tác Mi-an-ma cho Chủ tịch và Tổng Thư ký ALA để vận động Mi-an-ma gia nhập ALA. Trong khuôn khổ các cuộc họp khác của ALA, Hội Luật gia Việt Nam cũng tích cực thảo luận và đóng góp cho các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi Hiến chương ASEAN và việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là vấn đề xúc tiến việc thành lập tại mỗi quốc gia thành viên ALA một thiết chế để hỗ trợ pháp lý cho công dân các quốc gia ALA khác khi họ có nhu cầu. Đồng thời Hội Luật gia Việt Nam cũng có đóng góp tích cực trong việc xây dựng trang thông tin điện tử của ALA, trong đó có phần đăng tải các văn bản pháp luật của các quốc gia ALA để giới luật gia các quốc gia này có thể tham khảo, cũng như trong việc thiết lập diễn đàn pháp lý cho giới luật gia trong khu vực trao đổi, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm.
(ii) Đăng cai, tham gia tổ chức, tham dự các hội nghị, diễn đàn pháp lý quốc tế
- Năm 2007 Hội đăng cai tổ chức Diễn đàn cấp cao Trung Quốc - ASEAN về hợp tác pháp luật và phát triển;
- Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tổ chức một số hội nghị quốc tế lớn khác tập hợp rộng rãi giới luật gia quốc tế tham gia trao đổi về những vấn đề quan trọng liên quan đến nhân quyền, hoà bình, chủ quyền quốc gia và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới có nhiều biến động như: phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức 5 cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề Biển Đông - Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, nhằm tranh thủ ý kiến của giới luật gia và học giả các nước về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; tháng 7/2014 Hội phối hợp với Trường đại học luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt Nam”.
- Hội cũng tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó có Hội nghị luật gia Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ IV (COLAP IV) được tổ chức tại Sê-un Hàn Quốc năm 2005; Diễn đàn cấp cao Trung Quốc - ASEAN về Đầu tư và Kinh doanh tại Nam Ninh Trung Quốc tháng 10/2008; Diễn đàn cấp cao Trung Quốc - ASEAN về hợp tác và phát triển pháp luật lần thứ IV tại Trùng Khánh Trung Quốc tháng 11/2010 …
(iii) Đại diện giới luật gia Việt Nam đưa các tuyên bố quan trọng trên diễn đàn quốc tế để bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam
Phát huy vai trò của tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc thiểu số, tôn giáo… để bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn và nhất quán của Đảng, pháp luật phù hợp với xu hướng quốc tế của Nhà nước trước các nhận định sai trái của các cơ quan, tổ chức nước ngoài cũng như để đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức Việt Nam trên diễn đàn pháp lý quốc tế.
Hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đấu tranh về phương diện pháp lý và hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong vụ kiện đòi các công ty hoá chất Mỹ bồi thường. Đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia các diễn đàn do Hội luật gia dân chủ quốc tế tổ chức với mục đích đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Ngày 11/7/2004 Hội ra Tuyên bố ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam kiện các công ty hoá chất Mỹ trước toà án nước này; kêu gọi sự công bằng, khách quan của các vị thẩm phán Mỹ trong quá trình thụ lý và xét xử vụ kiện.
Ngày 20/9/2004 Hội ra Tuyên bố phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo.
Ngày 06/03/2007 Hội ra Tuyên bố phản đối phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao Liên bang Nga về việc giữ nguyên bản án ngày 13/1/2006 của Tòa án thành phố Saint Peterburg kết luận những bị cáo sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn vô tội.
Ngày 14/6/2007 Hội tổ chức lễ mít tinh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhân dịp Toà phúc thẩm số 2 của Mỹ mở phiên tranh tụng tại Niu-oóc để xét xử vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ. Tại cuộc mít tinh này Hội Luật gia Việt Nam đã ra Tuyên bố phản đối phán quyết của thẩm phán Weinstein ở Toà sơ thẩm Mỹ đã bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và yêu cầu Toà phúc thẩm số 2 của Mỹ vì công lý và lẽ phải, buộc các công ty hoá chất Mỹ phải bồi thường thoả đáng cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.
Ngày 19/3/2009 Hội ra Tuyên bố phản đối việc Tòa án tối cao Mỹ bác đơn của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất nước này đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Ngày 18/4/2011 Hội ra Tuyên bố yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Li-bi-a.
Ngày 28/6/2012 Hội ra Tuyên bố phản đối Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế thăm dò, khai thác tại 09 lô dầu khí trên Biển Đông nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời phản đối việc Quốc vụ viện Trung Quốc cho thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa”, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 9/5/2014 trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 cũng như đưa số lượng lớn tàu hộ tống bao gồm cả tàu quân sự vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hội đã ra tuyên bố cực lực phản đối hành vi của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Tiếp sau đó, ngày 25/6/2014 Hội đã ra tuyên bố về việc tàu của Trung Quốc đâm hỏng tàu kiểm ngư KN-951 của Việt Nam đang làm nhiệm vụ thi hành pháp luật trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cũng trong thời kỳ này, lần đầu tiên Hội đã được cử đại diện thay mặt cho các tổ chức xã hội Việt Nam tham gia xây dựng và bảo vệ Báo cáo định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) lần thứ nhất trước Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc vào năm 2009 và góp phần vào kết quả thành công của bản Báo cáo.
(iv) Hợp tác song phương với hiệp hội nghề luật của các quốc gia khác
Trong giai đoạn này, Hội Luật gia Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác trên cơ sở các Thoả thuận hợp tác song phương với hiệp hội nghề luật của một số quốc gia như: Hội Luật học Trung Quốc, Đoàn Luật sư Seoul - Hàn Quốc; Hội Luật sư toàn Ấn Độ năm 2007; Hội Luật gia Bê-la-rút năm 2008; Hội Luật gia Liên bang Nga năm 2011; Liên hiệp Luật gia U-crai-na năm 2012. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ Thoả thuận hợp tác song phương được ký kết, Hội có điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin với hiệp hội nghề luật các nước bạn trong các lĩnh vực hoạt động tương đồng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tạo cơ hội để các hội viên của Hội thiết lập mối quan hệ nghề nghiệp với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hệ thống pháp luật, tư pháp của Việt Nam cũng như quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công cuộc cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam [33]. Trong khuôn khổ Thoả thuận hợp tác với Hội Luật học Trung Quốc, từ năm 2007 đến năm 2012, Hội đã cử cán bộ, hội viên tham gia các khoá tập huấn tại Trung tâm tập huấn pháp luật Trung Quốc - ASEAN đặt tại Trường đại học dân tộc Quảng Tây Trung Quốc.
(v) Hợp tác với các đối tác quốc tế để hỗ trợ cho các nhiệm vụ cụ thể của Hội thông qua việc thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác
Trong điều kiện nguồn lực hoạt động của các cấp hội còn rất hạn chế, Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động tìm kiếm các đối tác quốc tế để thực hiện các dự án, hoạt động với mục tiêu nâng cao năng lực của hội viên cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể được xác định trong Điều lệ Hội.
Hội đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án, hoạt động hợp tác phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của của Hội nhằm nâng cao năng lực hội viên và các cấp hội trong các lĩnh vực hoạt động: tham gia xây dựng pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia giải quyết khiếu nại; tham gia hoà giải cơ sở; nghiên cứu khoa học pháp lý, như: Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Đại sứ quán các nước Anh, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Mỹ; Viện Konrad Adenauer và Quỹ Rosa Luxemburg của Cộng hoà Liên bang Đức; Hội luật sư Mỹ; Hội luật sư Ca-na-đa; Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF); Quỹ phát triển phụ nữ Liên hiệp quốc (UNIFEM); Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam; Trung tâm Nhân quyền Na Uy; Cơ quan phát triển quốc tế Ốt-xtrây-lia (AusAID); Chương trình Đông Nam Á của Cơ quan phát triển quốc tế Ca-na-đa về phát triển nguồn nhân lực (SEARCH); Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển (SIDA); Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF); Quỹ châu Á; Tổ chức Action Aid Việt Nam.
Một số Tỉnh hội và đơn vị trực thuộc Trung ương Hội cũng có các dự án hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế để thực hiện các hoạt phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý, như Tỉnh hội Quảng Trị, Tỉnh hội Ninh Bình và Tỉnh hội Hà Tĩnh hợp tác với Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp; Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo hợp tác với Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch-Châu Á (ADDA) từ năm 2008; Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS hợp tác với Quỹ Ford, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp.
Với các dự án và hoạt động hợp tác quốc tế, lần đầu tiên Hội có điều kiện để khảo sát đánh giá toàn diện tổ chức và hoạt động của các cấp hội, trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược phát triển dài hạn của Hội [34]. Hội cũng có điều kiện để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhiều đối tượng gặp khó khăn trong xã hội như: người dân tộc thiểu số, người bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, người nghèo, người mới chấp hành xong án phạt tù, người sắp hoàn thành việc chấp hành án phạt tù.
Cũng trong khuôn khổ các dự án, hoạt động hợp tác quốc tế, Hội đã có điều kiện tổ chức nhiều khoá tập huấn tập trung vào mục tiêu nâng cao kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật, kỹ năng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, nâng cao kiến thức pháp luật trong đó có các văn bản pháp luật quốc tế, tổ chức các hội thảo đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật, thực hiện các nghiên cứu khảo sát, các nghiên cứu về thực tiễn thi hành pháp luật, tổ chức các chuyến đi học tập kinh nghiệm nước ngoài, cử cán bộ tham gia các khoá tập huấn về pháp luật tại nước ngoài, góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động của Hội, và do vậy các mặt hoạt động của Hội ngày càng được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh gia cao.
___________________________
Tài liệu tham khảo:
1. 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam
2. Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam
3. Kỷ yếu kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam
4. Hội Luật gia Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển (Kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập Hội)
5. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ VII
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ VIII
7. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ IX
8. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ X
9. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XI
10. Báo cáo hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế nhiệm kỳ 2009-2014, Tài liệu lưu trữ của Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế
11. Báo cáo tổng kết công tác đối ngoại của Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2000-2010, Tài liệu lưu trữ của Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế
[1] Hội Luật gia Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển, tr. 62
[2] Vũ Đình Hoè, Vài suy nghĩ về Hội Luật gia với chức năng là một tổ chức quần chúng, 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 50
[3] Bài phát biểu của GS Lưu Văn Đạt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam khoá VIII và IX (1993-2004), Hội Luật gia Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển, tr. 64
[4] Bài phát biểu của đồng chí Đỗ Mười Tổng Bí thư Đảng Cộng sả Việt Nam tại Đại hội lần thứ VIII Hội Luật gia Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, tr. 5.
[5] Ngay sau đó, ngày 4/4/1955 Bộ Nội vụ đã ra văn bản số 30-NV/DC/NĐ phê duyệt việc thành lập Hội.
[6] Kỷ yếu 45 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam, tr. 5
[7] Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết ngày 20/7/1954.
[8] 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr.14
[9] US War Crimes in Vietnam - Viện Luật học Việt Nam xuất bản năm 1968, 352 trang. Crimes de Guerre Américains en Vietnam - Viện Luật học Việt Nam xuất bản năm 1968, 365 trang
[10] GS Nguyễn Ngọc Minh, Luật gia góp phần xây dựng khoa học pháp lý Việt Nam, in trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 83.
[11] GS Nguyễn Ngọc Minh, sđd, tr. 79
[12] Hội Luật gia Việt Nam 50 năm xây dựng và phát triển, tr. 71
[13] Lập trường 4 điểm do Quốc hộ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố tại Kỳ họp thứ 2 Khoá III tháng 4 năm 1965 là:
“1. Xác nhận những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Theo đúng Hiệp định Giơ-ne-vơ, Chính phủ Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự và các loại vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Mỹ ra khỏi nước Việt Nam, triệt phá những căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam, xoá bỏ liên minh quân sự với chính quyền tay sai ở miền Nam, đồng thời đình chỉ chính sách can thiệp và xâm lược đối với miền Nam. Chính phủ Mỹ phải đình chỉ mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, hoàn toàn chấm dứt mọi hành động xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
2. Trong khi chờ đợi thực hiện hoà bình thống nhất nước Việt Nam, trong khi nước Việt Nam còn tạm thời chia làm hai miền, thì phải triệt để tôn trọng những điều khoản quân sự của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam như là: hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, quân đội và nhân viên quân sự của nước ngoài trên đất mình.
3. Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.
4. Việc thực hiện hoà bình thống nhất Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài.”
[14] Xem thêm: GS Nguyễn Ngọc Minh, sđd, tr. 81, 82.
[15] Luật sư Đỗ Xuân Đáng, Nguyên Phó tổng thư ký Hội – Người trí thức trên mặt trận pháp lý. In trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 69.
[16] Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký ngày 27 tháng 1 năm 1973
[17] Theo Điều 21 Hiệp định Pa-ri “Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam”. Theo Thư của Tổng thống Ri-sớt Ních-xơn gửi cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Mỹ phải bồi thường cho Việt Nam 3 tỷ 250 triệu đô la.
[18] Đoàn đại biểu Hội luật gia quốc gia Mỹ (National Lawyers Guild) gồm 5 luật gia trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1978 đã ra tuyên bố lên án Chính phủ Mỹ đã vi phạm Hiệp định Pa-ri và không chịu thi hành Điều 21 của Hiệp định, không chịu bồi thường và đóng góp vào việc xây dựng Việt Nam.
[19] Diễn văn của Đồng chí Phung Văn Tửu – Chủ tịch Hội Luật gia VIệt Nam tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội, tr. 12.
[20] GS Nguyễn Ngọc Minh, sđd, tr. 95.
[21] Nguyễn Văn Bạch – Bài viết Luật gia tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. In trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 169.
[22] Xem Nguyễn Thành Vĩnh – Bước trưởng thành của một luật gia. In trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 142, 143, 144.
[23] Nguyễn Văn Bạch, sđd, tr. 170, 171.
[24] GS Nguyễn Ngọc Minh, sđd, tr. 99. Tính đến tháng 5 năm 1965 đã có 22 chính phủ, 22 tổ chức quốc tế và khu vực, 119 đảng phái và đoàn thể quần chúng thuộc 92 nước lên tiếng đồng tình và ủng hộ.
[25] Thiếu tướng Nguyễn Thường Châu – Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội: 30 năm hoạt động của Hội, in trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 107; Hoàng Nguyên – Nguyên uỷ viên Ban chấp hành Hội, Nhìn lại một số hoạt động quốc tế của Hội từ sau giải phóng miền Nam, in trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 193
[26] GS Nguyễn Ngọc Minh, sđd, tr. 101.
[27] Hội gửi tham luận tới cuộc hội thảo tại Luân-đôn năm 1982 và cử đại diện tham dự hội nghị tại Pa-ri năm 1985.
[28] Đại diện của Hội tham dự các cuộc hội nghị do Cao uỷ nhân quyền của Liên hiệp quốc tổ chức tại Phi-lip-pin năm 1979 và tại I-ta-li-a năm 1980.
[29] Xem thêm: bài viết Hội Luật gia Việt Nam và cuộc đấu tranh cho một trật tự kinh tế thế giới mới tại các Đại hội Hội luật gia dân chủ quốc tế của GS Lưu Văn Đạt - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, in trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 204-207.
[30] Xem Nguyễn Văn Hưởng - Luật gia Việt Nam góp phần làm phát triển luật nhân đạo quốc tế, in trong cuốn 30 năm trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam, tr. 196-199
[31] Bài phát biểu của Đồng chí Đỗ Mười Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VIII Hội Luật gia Việt Nam, sđd, tr. 6.
[32] Hội đã tham gia các hội thảo về các chuyên đề: “Pháp luật về mua bán và vận chuyển hàng hóa quốc tế”, “Biên soạn giáo trình giảng dạy quốc tế về quyền con người”, “Quyền sở hữu trí tuệ”, “Luật thương mại và đầu tư”, “Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em”. Tham gia các lớp tập huấn về: Luật thương mại quốc tế; Luật tài chính, ngân hàng quốc tế; Nhãn hiệu thương mại và cạnh tranh không lành mạnh; Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
[33] Hàng năm Hội tổ chức đoàn đi thăm và làm việc, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động với Hội Luật học Trung Quốc, Đoàn Luật sư Sê-un Hàn Quốc và đón đoàn đại biểu luật gia nước bạn sang thăm Việt Nam và là việc với Hội. Năm 2009 Hội tổ chức chuyến thăm và làm việc tại Bê-la-rút. Năm 2011 Hội tổ chức chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga. Năm 2012 Hội tổ chức chuyến thăm và làm việc tại U-crai-na.
[34] Chiến lược Xây dựng và phát triển Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2010-2020 được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực Hội Luật gia Việt Nam do UNDP tài trợ.
-
Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2024-2029Sáng 27/8/2024, Hội Luật gia tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024-2029
-
Chi hội Luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp ý kiến vào Dự thảo các văn bản pháp luậtChiều ngày 21 - 8 - 2024, tại Hà Nội; Chi hội Luật gia Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 Hội Luật gia Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị, đoàn thể thuộc Học viện.
-
Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh Trà Vinh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029Sáng ngày 15/8/2024, tại Hội trường Tỉnh ủy Trà Vinh. Hội Luật gia tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029.
-
Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với các Mạnh Thường Quân tổ chức Chương trình “Trao sữa cho em, chấp cánh ước mơ Việt” ở Hoà BìnhChiều ngày 09/8/2024, Hội luật gia Việt Nam phối hợp với một số doanh nghiệp và nhóm thiện nguyện tổ chức Chương trình “Trao sữa cho em, chấp cánh ước mơ Việt” tại trường mầm non Sao Mai, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình.
- CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG TRÊN ĐẢO
- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG
- CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO VÀ TUYÊN BỐ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM VỀ BIỂN ĐÔNG.
- TƯ LIỆU CŨ VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
- LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
- Thông báo: Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn
- Quyết định về việc giải thể Viện pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu
- Xin ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại
- Thông báo danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức Cơ quan Trung ương HLGVN năm 2023
- Thông báo triệu tập thí sinh đủ điều kiện tham dự Vòng 2 kỳ thi tuyển viên chức Cơ quan Trung ương HLGVN năm 2023
- Thông báo kết quả thi Vòng 1 kỳ thi tuyển viên chức năm 2023
Loại | Mua | Bán |
---|---|---|
USD | ||
EUR | ||
AUD |