14:18 11/06/2016 GMT+7
Góp ý kiến về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Sáng ngày 10/6/2016, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo.

 

hình ảnh minh họa

 

Nhiều chuyên gia pháp lý đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, tổ chức ở trung ương có liên quan đến dự. Đây là dự thảo 2, ngày 25/5/2016. Theo Tờ trình Chính phủ của Bộ Tư pháp, dự thảo luật này có 8 chương, 51 điều, giảm 01 điều so với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành; quy định về phạm điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc hoạt động, chính sách của nhà nước về trợ giúp pháp lý, nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý, người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp páp lý, phạm vi, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý…

Khai mạc buổi tọa đàm, Thạc sỹ Dương Đình Khuyến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam đã nêu rõ mục đích của buổi tọa đàm là nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật này để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Đồng chủ trì tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam đã nêu lên những vấn đề cần có ý kiến đóng góp của các đại biểu, như chính sách xã hội hóa của nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý…

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã phát triển ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Luật sư, Tiến sĩ Trần Huy Liệu, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập dự thảo luật này nhận xét về Tờ trình của Bộ Tư pháp, cho rằng, việc lý giải các nguyên nhân dẫn đến sự cần thiết sửa đổi luật chưa chính xác, từ đó định hướng việc sửa đổi luật thể hiện trong dự thảo có nhiều vấn đề không phù hợp. Về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 dự thảo, tiến sĩ Trần Huy Liệu nhận thấy, quy định này chỉ điều chỉnh quan hệ trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực nhà nước mà không điều chỉnh quan hệ trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực xã hội. Đây là bước thụt lùi so với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và có thể dẫn đến việc loại bỏ 297 tổ chức hành nghề luật sư, 61 trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia các cấp và tổ chức xã hội đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật đang thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình cho người được trợ giúp pháp lý từ năm 2007 đến nay và không phù hợp với chính sách xã hội hóa của nhà nước ta về trợ giúp pháp lý, nhằm thu hút mọi nguồn lực xã hội cùng nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý.

Do vậy, Tiến sĩ Trần Huy Liệu đề xuất: Luật Trợ giúp pháp lý không chỉ điều chỉnh quan hệ trợ giúp pháp lý do nhà nước thực hiện mà phải điều chỉnh cả quan hệ trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực xã hội.

Tiến sĩ Trần Huy Liệu đề nghị bỏ Điều 9 quy định phạm vi được trợ giúp pháp lý trong chương II (người được trợ giúp pháp lý), vì Điều 8 quy định người được trợ giúp pháp lý nhưng Điều 9 lại thu hẹp hình thức, lĩnh vực được trợ giúp pháp lý của một số đối tượng là người được trợ giúp pháp lý. Đây là những đối tượng đã được xác định là người được trợ giúp pháp lý và được ghi nhận trong các luật khác đã được Quốc hội các khóa XI, XII thông qua và đã được áp dụng trong thực tiễn 10 năm qua. TS. Trần Huy Liệu đề nghị bỏ Điều 15 và 16 của dự thảo, quy định về lựa chọn tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý giữa cơ quan giám sát trợ giúp pháp lý và tổ chức tham gia trợ gúp pháp lý.

Theo GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng Biên tập Tạp chí pháp luật và phát triển, dự thảo luật này chưa nên đưa ra lấy ý kiến đóng ghóp vì cách tiếp cận sai nguyên lý cơ bản của trợ giúp pháp lý, sai chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý. Cách dự thảo cho thấy, cơ quan nhà nước muốn ôm việc, hành chính hóa công tác này, tạo ra cơ chế xin cho. Một số ý kiến cho rằng, chủ thể xây dựng luật chưa rõ, cho nên dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Một số ý kiến đồng tình với GS.TS. Lê Hồng Hạnh, nhấn mạnh, hành chính hóa công tác này sẽ làm phình bộ máy nhà nước và biên chế, đi ngược lại tiến trình cải cách hành chính ở nước ta. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một chương về xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý.

 

Sau khi Hội nghị kết thúc, ngày 15 tháng 6 năm 2016, Hội Luật gia Việt Nam đã có ý kiến góp ý dự thảo luật Trợ giúp pháp lý gửi Bộ Tư pháp với nội dung như sau:

1. Về sự cần thiết

Hội Luật gia Việt Nam nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo chính sách Trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác Trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.

2. Về quan điểm chỉ đạo

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đã nêu rõ:

- Đẩy mạnh xã hội hoá một số dịch vụ công;

- Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bổ trợ tư pháp, thực hiện xã hội hoá mạnh mẽ các hoạt động bổ trợ tư pháp;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp luật đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhân dân phù hợp với pháp luật. Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách theo hướng xã hội hoá

Chính vì vậy, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung thêm quan điểm về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 48 nói trên. Bên cạnh đó, mặc dù chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý nhưng phải xác định rõ trợ giúp pháp lý là một loại hình dịch vụ công, được xác định là trách nhiệm của nhà nước, Nhà nước ban hành pháp luật, xây dựng các cơ chế, biện pháp để cung cấp các dịch vụ pháp lý và quản lý công tác này do vậy, quan điểm chỉ đạo cần tiếp tục kế thừa chủ trương “Nhà nước tiếp tục giữ vai trò nòng cốt” như  Luật Trợ giúp pháp lý 2006 đã quy định, đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để huy động các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện trợ giúp pháp lý, thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ hoạt động TGPL.

3. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Việc sử dụng cụm từ do Nhà nước bảo đảm chưa thể hiện rõ ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý, đồng thời đã loại bỏ các tổ chức hành nghề luật sư cũng như các trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cũng như các cá nhân là luật sư, tư vấn viên pháp luật đang thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật.

Chính vì vậy, để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với quan điểm thể chế hóa chủ trương, chính sách xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý của Đảng và nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ cụm từ do Nhà nước bảo đảm” được đề cập ở đoạn cuối Điều 1, khoản 1 Điều 2 và Điều 3 dự thảo Luật.

4. Về đối tượng áp dụng (Điều 2)

Điều 2 khoản 2 quy định theo hướng tổ chức, cá nhân được lựa chọn Luật này để áp dụng là chưa hợp lý và không đảm bảo tính khả thi bởi trên thực tế sẽ không có tổ chức hay cá nhân nào tự lựa chọn ràng buộc mình vào quy định của pháp luật nếu pháp luật chuyên ngành không quy định. Do đó, đề nghị bỏ khoản này.

5. Về khái niệm trợ giúp pháp lý (Điều 3)

Điều 3 dự thảo Luật quy định theo cách liệt kê các hình thức khoog làm rõ được nội dung và bản chất của trợ giúp pháp lý. Về thực chất trợ giúp pháp lý là một loại hình dịch vụ pháp lý, sự khác biệt (tính chất) của nó là miễn phí và phục vụ một số đối tượng xác định. Vì vậy, trợ giúp pháp lý mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và tính kinh tế rõ nét, do đó, đề nghị Ban soạn thảo viết lại Điều 3 theo hướng kế thừa và phát triển quy định của luật trợ giúp pháp lý năm 2006.

6. Về chính sách trợ giúp pháp lý (Điều 5)

Các quy định tại điều 5 dự thảo chưa thể hiện rõ nội dung mang tính bản chất của chính sách trợ giúp pháp lý là xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, thu hút và huy động nguồn lực xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cùng với nhà nước. Do đó, việc sửa đổi luật Trợ giúp pháp lý cần có sự kế thừa các chính sách trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2006, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách, cơ chế hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

7. Về người được trợ giúp pháp lý

Việc xác định đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cần được xây dựng dựa trên 02 tiêu chí sau:

- Thứ nhất, phải xuất phát từ bản chất của dịch vụ trợ giúp pháp lý là đảm bảo cho những người nghèo có quyền được tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí;

- Thứ hai, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về các chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam và phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc sửa đổi lại Điều này theo hướng kế thừa các quy định của Luật trợ giúp pháp lý 2006 và có bổ sung thêm một số đối tượng để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí trên và phù hợp với các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành.

8. Về phạm vi được trợ giúp pháp lý (Điều 9)

Dự thảo quy định các đối tượng khác nhau thì được hưởng dịch vụ pháp lý khác nhau, điều này làm hạn chế đối tượng là người được trợ giúp pháp lý, thu hẹp hình thức, lĩnh vực được trợ giúp pháp lý của một số đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý từ trước đến nay dẫn đến mâu thuẫn, không đồng bộ với các quy định về quyền được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý được quy định ở các Luật được Quốc hội thông qua. Do đó, đề nghị nên bỏ điều này.

9. Về mô hình tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (chương III)

Hội Luật gia Việt Nam đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý, theo đó, Nhà nước có hệ thống trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí trực thuộc cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý/sở tư pháp, đồng thời các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức hành nghề luật sư thực hiện tư vấn, giải đáp pháp luật miễn phí cho các thành viên của mình và đối tượng được trợ giúp pháp lý.

10. Về lựa chọn tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (điều 15) và hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý giữa cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Điều 16)

Dưới góc độ khoa học pháp lý và khoa học quản lý thì cơ quan quản lý nhà nước là chủ thể quản lý nhà nước, không phải là tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, còn tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là đối tượng bị quản lý nhà nước, vì vậy nếu cơ quan quản lý nhà nước được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý với tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý đồng nghĩa với việc biến cơ quan quản lý nhà nước thành tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hạ thấp địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, đề nghị cân nhắc bỏ 2 điều này

11. Về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

Với lập luận như tại điểm 10, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thay cụm từ “ký hợp đồng với cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý” bằng cụm từ “đăng ký tham gia việc thực hiện trợ giúp pháp lý tại Sở Tư pháp”.

12. Về người thực hiện trợ giúp pháp lý (Điều 18)

Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay về trợ giúp pháp lý, đồng thời thực hiện xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, Ban soạn thảo nên cân nhắc kế thừa quy định người thực hiện trợ giúp pháp lý tại Điều 20 Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, đồng thời có sửa đổi bổ sung theo hướng mở rộng hơn nữa về chủ thể có quyền thực hiện trợ giúp pháp lý để đảm bảo phù hợp với điều kiện hiện nay. Cụ thể như sau:

Điều 18. Người thực hiện trợ giúp pháp lý

1. Người thực hiện trợ giúp pháp lý là Trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý.

2. Người tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (luật sư, tư vấn viên pháp luật, chuyên gia pháp luật có bằng cử nhân luật trở lên);

b) Luật sư;

c) Tư vấn viên pháp luật làm việc trong tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức hành nghề luật khác.

13. Điều 50: Hội Luật gia Việt Nam cho rằng việc quy định Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi bổ sung quy định mới cho Luật Luật sư là không phù hợp. Do đó, đề nghị cân nhắc bỏ điều này.

 

Vũ Thế Lân.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD