14:24 01/09/2017 GMT+7
Góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường
Ngày 31/8/2017 tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường. GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, chủ trì buổi tọa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm


Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo cùng một số chuyên viên Văn phòng và các Ban chuyên môn trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; các chuyên gia: đến từ Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội.

Luật thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010 ( có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2012), qua 5 năm thực hiện đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu khi ban hành. Bên cạnh đó còn bộc lộ một số hạn chế nhất định và cần thiết phải được nghiên cứ sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; Tiếp cận chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm chính sách công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế.

Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; hoàn thiện chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Về yêu cầu khi sửa đổi, bổ sung luật thuế bảo vệ môi trường, các ý kiến thống nhất với 3 nguyên tắc đó là: Người gây ô nhiễm phải nộp thuế; Thuế bảo vệ môi trường phải cụ thể và thực tế; Mức thuế tương ứng với khả năng gây hại cho môi trường và mức độ chịu đựng của dân cư - những người thực tế chịu thuế. Trong đó đặc biệt là nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải nộp thuế” vì áp dụng nguyên tắc này trong luật thuế bảo vệ môi trường thực sự phù hợp với mục đích bảo vệ môi trường mà sắc thuế này mong muốn đạt được cũng như phù hợp với quan điểm của hầu hết các quốc gia trên thế giới nhằm định hướng hành vi cho con người trong cách ứng xử với môi trường thân thiện và bảo đảm công bằng đối với những người không gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát triển cũng tập trung thảo luận về đối tượng chịu thuế theo quy định tại dự thảo (8 loại hàng hóa). Các ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường như: Ô tô, ắc quy, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất tẩy rửa, …. Đối với mặt hàng là túi nilon, đại biểu đề nghị đánh thuế đối với tất cả sản phẩm nilon được làm từ màng nhựa đơn polyetylen. Có thể có ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ phát sinh tình trạng thuế thuế trùng thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, theo một số ý kiến, một giá trị hàng hóa chịu đồng thời nhiều loại thuế khác nhau là tất yếu và hoàn toàn bảo đảm được nguyên tắc đánh thuế mà các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang áp dụng.

Về biên độ khung mức thuế, các đại biểu cho rằng, quy định như trong dự thảo là rộng và khó áp dụng. Do đó đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc và quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Các nội dung góp ý cụ thể sẽ được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp và gửi đến Ban soạn thảo theo quy định.

Đàm Thanh Tuấn

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD