15:26 17/10/2019 GMT+7
Góp ý kiến vào Dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi)
Sáng ngày 16 tháng 10 năm 2019, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm góp ý kiến xây dựng Bộ Luật lao động (sửa đổi) với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Cùng dự có đại diện: Bộ Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Hà Nội, Công ty Luật Galaxy và các đơn vị, ban chuyên môn và Văn phòng Trung ương Hội.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Các ý kiến phát biểu tập trung vào một số vấn đề quan trọng, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo. Về đổi tượng áp dụng có ý kiến đồng tình như dự thảo, nên mở rộng đối tượng áp dụng đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động (Điều 2). Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị xem xét kỹ quy định này và cho rằng quy định như vậy là quá rộng, mặt khác trong dự thảo không thấy quy định nào đề cập đến nội dung này. Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107) Dự thảo đưa ra 2 phương án: PA1 quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng, 40 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ 200 giờ đến 300 giờ. PA2 nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ một năm và không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng. Đa số các đại biểu đều tán thành với PA1 do thời gian làm thêm giờ quy định như hiện nay là phù hợp, bảo đảm sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến lại rằng việc tăng thời gian làm thêm giờ sẽ giúp tăng thêm thu nhập cho người lao động và cần quy định chặt chẽ hơn về việc trả thù lao tương xứng; Về tuổi nghỉ hưu (Điều 169), có 2 phương án quy định cụ thể lộ trình và tuổi: PA1 quy định rõ lộ trình thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. PA2 quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 62, nữ là 60 nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Các đại biểu đều cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với tình thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và lộ trình cụ thể tăng tuổi nghỉ hưu do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm người lao động và doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (từ điều 117 đến 178) bổ sung thêm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống tổ chức của công đoàn Việt Nam. Đa số các đại biểu thống nhất với nội dung trong dự thảo và cho rằng,nội dung đó phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đồng thời đáp ứng các nhu cầu phát triển của thực tiễn quan hệ lao động Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về đối tượng này.

 

Đ/c Nguyễn Văn Quyền chủ trì 

 

Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề khác của dự thảo luật được các đại biểu cho ý kiến như: Về phụ lục của hợp đồng lao động có nên để mở theo hướng dân sự và không hạn chế bất cứ sửa đổi nào được quy định trong phụ lục. Về vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động, dự thảo để mở với người lao động (không cần lý do để chấm dứt hợp đồng), tuy nhiên lại để những điều khoản cứng nhắc với người sử dụng lao động...

Kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Quyền đánh giá cao các ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia, các đại biểu dự hội nghị. Hội Luật gia Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến tại Tọa đàm và có ý kiến đóng góp với các cơ quan có liên quan./.

Mai Vũ 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD