15:19 21/10/2022 GMT+7
Góp ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Sáng ngày 21/10/2022, tại Trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật phối hợp với Tạp chí Đời sống và pháp luật tổ chức hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật. Có gần 30 đại biểu thuộc các bộ, ngành liên quan và các ban, đơn vị thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã dự.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Huệ cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua. Sau hơn 9 năm thi hành đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số quy định của Luật Tài nguyên nước không còn phù hợp với yêu cầu thực tế và pháp luật có liên quan, cần phải bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước; quy hoạch tài nguyên nước; cấp giấy phép tài nguyên nước…Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 có sự giao thoa, chồng với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất…Đồng chí mong các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào những vấn đề còn nhiều vướng mắc để Hội Luật gia Việt Nam tập hợp một cách đầy đủ nhất gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để sửa Luật bảo đảm tính khả thi nhất.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Huệ phát biểu khai mạc


Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Đa số ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: Về tên gọi dự thảo luật là Luật Tài nguyên nước nhưng thực chất có phạm vi điều chỉnh rộng hơn rất nhiều, gần như là Luật các vấn đề về nước. Chính vì vênh lệch giữa tên Luật và nội dung Luật dẫn đến nội dung dự thảo 2 vừa thiếu lại vừa thừa và chứa đựng những chồng chéo, mâu thuẫn. Vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay còn chồng chéo, trùng lặp, có khi bỏ trống; lực lượng thực thi còn yếu, phân tán. Đặc biệt còn thiếu cơ chế, chính sách và còn nhiều bất cập để thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; thiếu nội dung quy định về tham gia quản lý các lưu vực sông quốc tế, nguồn nước liên quốc gia; cần nhìn nhận tài nguyên nước là một loại tài sản công; cần bãi bỏ khái niệm “dòng chảy tối thiểu” trong Luật tài nguyên nước; bổ sung bằng khái niệm “dòng chảy môi trường” và xác định nội dung của khái niệm "dòng chảy môi trường" tại Luật Tài nguyên nước…

Kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Huệ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và sẽ tổng hợp gửi đến các cơ quan có liên quan nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật này./.

Mai Vũ

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 

 

 

 

 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD