16:57 07/03/2023 GMT+7
Góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Trong 2 ngày 28/2 và 01/3 năm 2023, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các đầu cầu ở Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Chủ trì Hội thảo


Chủ trì Hội thảo có TS Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV; Th.S Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Văn phòng Quốc hội, ĐBQH khóa XV; TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, ĐBQH khóa XV. Hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành ở Trung ương đã dự trực tiếp tại Hà Nội.

 

Toàn cảnh Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trong giai đoạn phát triển mới của đất nước là nội dung đang được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân dành sự quan tâm đặc biệt.

TS. Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai, đồng thời khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, cần thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, TS. Trần Công Phàn cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai có ý nghĩa rất quan trọng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị hết sức quan tâm, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từ người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV. Quốc hội dành tới 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật này. Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đã lần đầu thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Sau khi hoàn thiện Dự thảo, Quốc hội cũng tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật này nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật.

Gợi mở một số nội dung thảo luận, TS. Trần Công Phàn nêu rõ 10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất;….

Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. Đa số ý kiến đều đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai. Các ý kiến tập trung bàn về cấu trúc Luật Đất đai, các định nghĩa và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi); kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quản lý và sử dụng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và những vấn đề góp ý cần điều chỉnh trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi); Bàn về quyền của người dân và cộng đồng dân cư trong quản lý và sử dụng đất đai, những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 (sửa đổi); tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và những vấn đề cần bổ sung trong Luật Đất đai 2013 sửa đổi; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Trần Công Phàn đánh giá cao kết quả và ý nghĩa mà Hội thảo mang lại. Đồng chí cho biết, qua 2 Phiên hội thảo với không khí khẩn trương, sôi nổi đã có 24 bài phát biểu về mọi khía cạnh của Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng chí bày tỏ mong muốn các quy định của pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn tại Việt Nam và xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đồng chí nhấn mạnh, Ban Tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến góp ý để phản ánh tới các cơ quan chức năng, góp phần tích cực vào quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.

Mai Vũ

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


 

 

 

 

 


Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD