08:35 29/06/2015 GMT+7
Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ
(nguoiduatin.vn) Sáng 26/6, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm Góp ý dự án Luật Báo chí. Các chuyên gia pháp lý, tổng biên tập các tờ báo lớn đã trình bày nhiều ý kiến tham luận sâu sắc.

Tham dự buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; GS. TS Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam và nhiều cán bộ Hội. Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí và các chuyên gia pháp lý cũng tham dự buổi tọa đàm và phát biểu ý kiến.

Phải có chế tài với những trường hợp cố tình “né” báo chí

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, GS. TS Lê Minh Tâm nhấn mạnh: “Dự án Luật Báo chí là một dự án quan trọng, đang thu hút sự quan tâm không chỉ của giới nhà báo mà còn của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nội dung của dự thảo Luật đề cập đến phạm vi điều chỉnh rộng và phức tạp, có rất nhiều vấn đề mới nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ rất phong phú, phức tạp, trong đó có những quan hệ mới, phát sinh cần có sự nhận diện toàn diện, đúng đắn để có các quy định phù hợp. Cuộc tọa đàm này có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta góp ý kiến cho việc hoàn thiện dự thảo Luật trước khi chính thức trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét”.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 1

GS. TS Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

Nhà báo Vũ Thế Lân – Phó chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Trưởng ban Chính trị - Xã hội (báo Nhân Dân) bày tỏ ý kiến đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Báo chí hiện hành như nêu trong tờ trình của Bộ Thông tin & Truyền thông. Tuy nhiên, theo ông Lân, những lý do mà tờ trình nêu ra còn quá chung chung, chưa thực sự thuyết phục.

Theo đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Luật Báo chí mới. Bên cạnh việc cho ý kiến về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, loại hình hoạt động, chức danh người đứng đầu, Nhà báo Vũ Thế Lân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo quy định về trường hợp né tránh cung cấp thông tin cho báo chí.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 2

Nhà báo Vũ Thế Lân

Cũng theo ông Vũ Thế Lân, Điều 3 luật hiện hành có quy định bốn loại báo chí gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Dự thảo cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, trong những năm qua, trên mạng internet cũng đã xuất hiện các loại hình báo chí, thí dụ trang thông tin điện tử nhưng chưa được luật điều chỉnh. Ngay trong điều 1 của tờ trình (sự cần thiết ban hành), khi nêu những bất cập của luật hiện hành cũng đã khẳng định: Thực tiễn 15 năm qua... các loại hình báo chí phát triển nhanh chóng. Thế nhưng, dự thảo vẫn giữ nguyên bốn loại hình báo chí đã được quy định từ 26 năm về trước. Nên chăng, nghiên cứu, bổ sung thêm loại hình báo chí trên mạng internet.

Về quy định loại hình hoạt động của cơ quan báo chí, nhiều ý kiến cho rằng, để loại hình đơn vị sự nghiệp có thu sẽ phù hợp hơn. Không nên quan điểm báo chí là cơ quan kinh doanh có điều kiện. Bởi, nếu đặt ra việc này, sức mạnh của báo chí sẽ ảnh hưởng nhiều.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 3

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng biên tập Báo Đời sống & Pháp luật cho rằng, cơ quan báo chí chỉ nên hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. “Nếu xác định báo chí là loại hình kinh doanh có điều kiện thì nhiệm vụ chính trị của các tờ báo sẽ ra sao khi mà nhiệm vụ kinh tế lại đang được đưa lên hàng đầu ?”, lãnh đạo báo Đời sống & Pháp luật đặt câu hỏi.

Đặc biệt lưu ý về vấn đề trả lời trên báo chí, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh nêu quan điểm: “Cần quy định thời gian các cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời báo chí khi nhận được yêu cầu từ phía các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời phải có chế tài đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình “né” báo chí và cung cấp thông tin sai sự thật. Để giải quyết việc này, chúng ta đã xây dựng quy chế người phát ngôn, nhưng thực tế cho thấy các cơ quan chức năng từ chối trả lời các vụ việc, đặc biệt liên quan đến các vấn đề tiêu cực, tham nhũng, không phải là ít. Vì vậy, dự án luật Báo chí sửa đổi cũng nên quy định rõ vấn đề này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin nhanh chóng, trung thực, khách quan, hạn chế việc suy diễn chủ quan”.

Luật nào điều chỉnh “báo chí công dân”?

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập Báo Tiền phong đặt vấn đề: “Nhìn chung, dự thảo này cũng chỉ bao hàm và điều chỉnh được các cơ quan báo chí “chính thống”. Vậy “báo chí công dân” thì luật nào điều chỉnh? Nếu có một dự án luật riêng thì tốt, nếu không thì nên phát triển thêm chương điều chỉnh “báo chí công dân” trong dự án Luật này”.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 4

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập Báo Tiền phong.

Ngoài ra, ông Lê Xuân Sơn cũng cho rằng, tại Mục 7, Điều 36 quy định, có thể cấp thẻ nhà báo cho các cộng tác viên đài phát thanh và truyền hình tỉnh trực thuộc T.Ư. Điều này là tốt, nhưng đối với các loại hình báo in, báo điện tử trong thực tiễn cũng có nhiều cộng tác viên viết tin bài thường xuyên không kém các phóng viên chính thức. Nên chăng quy định có thể cấp thẻ cho một số cộng tác viên đặc biệt ở các báo này với điều kiện có những quy định ngặt nghèo về thống kê số lượng tin bài và đánh giá chất lượng tin bài đóng góp, được đa số cán bộ nhân viên cơ quan báo chí đề xuất bỏ phiếu thông qua?

Về chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc hay Tổng Biên tập, ông Sơn cho rằng, nên quy định rõ đối với loại cơ quan báo chí nào thì nguời đứng đầu được gọi là Tổng Giám đốc, với loại cơ quan nào thì gọi là Giám đốc. Trường hợp chức danh là Giám đốc (không có chữ tổng), nhưng trong cơ quan lại có nhiều ấn phẩm, tức nhiều cán bộ cấp dưới được gọi là Tổng Biên Tập, thì sẽ xảy ra tình huống về trách nhiệm và địa vị xã hội với công chúng.

Điều này ít nhất cũng không tạo điều kiện thuận lợi về mặt tinh thần, dư luận và vị thế cho giám đốc, đặc biệt là trong lễ tân, giao dịch. Đó là chưa nói đến chức danh “giám đốc” có bất lợi là nghe có nhiều chất thương mại, trong khi báo chí là cơ quan tuyên truyền.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 5

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Liên quan đến việc thay đổi tên gọi của người đứng đầu cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thành Phong - Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội cho rằng, chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí vẫn nên gọi là Tổng Biên tập như hiện nay. Nếu Tổng Biên tập hiện nay sẽ được gọi là Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng biên tập được gọi là Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc thì không phù hợp. Nó biến cơ quan báo chí trong nhận thức của người đọc là một tổng công ty hay một công ty, là kinh doanh thuần tuý. Vậy nên dứt khoát không dùng chức danh Tổng Giám đốc hay Giám đốc trong cơ quan báo chí.

Với các cơ quan hoạt động báo chí đặc thù như Đài Truyền hình Việt Nam hay Đài Tiếng nói Việt Nam… thì nên có chức danh là Tổng giám đốc. Còn tất cả các cơ quan khác thì mô hình vẫn giữ là Tổng Biên tập. Ngoài ra, theo ông Phong, cũng nên đưa vào luật hóa các chức danh dưới người đứng đầu báo như thư ký tòa soạn, tổng thư ký, giám đốc chương trình…. để tăng thẩm quyền của các chức danh.

Cần có những quy định cụ thể về việc nhà báo bị hành hung

Ông Liêu Chí Trung, Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam thì nêu quan điểm trong bản đóng góp ý kiến tại tọa đàm rằng, trong Luật sửa đổi lần này, hành vi cản trở, đe dọa, hành hung.. nhà báo xử lý như thế nào; hoạt động báo chí có được coi là thi hành công vụ hay không... vẫn chưa được nêu rõ.

Ông Trung nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển của xã hội, trước các nhu cầu thông tin ngày càng phong phú, đa dạng và với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đến nay nhiều loại hình báo chí ra đời và đóng vai trò vô cùng to lớn trong đời sống xã hội. Ban soạn thảo nên tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để Luật Báo chí sửa đổi lần này sẽ hoàn chỉnh hơn, tránh tình trạng luật ban hành vẫn phải chờ các văn bản dưới luật và thiếu tính thực tiễn, bao quát”.

   Góp ý dự án Luật Báo chí: Vẫn còn những vấn đề cần làm rõ - Ảnh 6

Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống.

Ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống cho rằng, trong Điều 17 của dự luật, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí có đề cập đến việc cơ quản chủ quản báo chí có quyền thanh tra, kiểm tra, hoạt động của cơ quan báo chí dưới quyền. Theo Luật Thanh tranh thì việc thanh tra là của các cơ quan có chức năng thanh tra và cơ quan chủ quản chắc chắn chỉ có chức năng kiểm tra các cơ quan trực thuộc. Như vậy, vấn đề này đưa vào luật là không rõ ràng và không áp dụng được thì ban soạn thảo không nên đưa vào trong luật. Điều này nên bỏ hoặc chuyển thành kiểm tra hoạt động cơ quan báo chí và kỷ luật theo quy định của pháp luật thay vì dùng từ “thanh tra” ở đây.

Ngoài ra, trong phần dự thảo về lãnh đạo cơ quan báo chí, theo ông Quang, phần này không làm rõ được chức danh, nhiệm vụ của Tổng Giám đốc, Giám đốc, Tổng Biên tập. “Người chịu trách nhiệm cuối cùng của một tờ báo đó là ai? Ông Tổng Giám đốc hay Tổng Biên tập, người chịu trách nhiệm ở đây theo quy định pháp luật chỉ có thể là 1 người, không thể có 2 người cùng chịu trách nhiệm về con dấu, về tài khoản và việc ký lên các văn bản của tờ báo”, ông Quang nhấn mạnh.

Còn liên quan đến việc một người chỉ được đảm nhiệm một chức danh đứng đầu hoặc chức danh tổng biên tập của một cơ quan báo chí thì cá nhân ông Quang cho rằng không nên quy định về điều này. “Bởi một người hoàn toàn có thể được nhiều nơi mời về làm Tổng Biên tập, quan trọng là người đó có đủ tin tưởng hay không, có đủ năng lực để tờ báo phát triển hay không và được cơ quan chủ quản của tờ báo đó chấp nhận hay không”, ông Quang nói.

Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 tới.

Nhóm Phóng viên

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD