Chiến trường khốc liệt
Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng những ký ức về một thời "mưa bom, bão đạn" vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Trung úy Đặng Văn Phong (SN 1955), nguyên Trợ lý Tác chiến Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (nay thuộc Quân đoàn 34). Với ông, những tháng năm khói lửa ấy như chỉ mới diễn ra hôm qua…
Sinh ra trong một gia đình có 4 anh em tại huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh), tuổi thơ ông Phong gắn liền với những ngày tháng gian khó. Năm 17 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, ông được điều vào chiến trường miền Nam, trở thành chiến sĩ của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273, tham gia chiến đấu tại mặt trận B3 – Tây Nguyên.
Cựu chiến binh Đặng Văn Phong (người đầu tiên bên phải) và Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Đoàn Sinh Hưởng đến Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk trao tặng kỷ vật.
Ký ức đầu tiên khi bước vào vùng đất đỏ là cơn sốt rét ác tính suýt cướp đi mạng sống. Ông nhập viện trong tình trạng nguy kịch, cơ thể suy kiệt, thiếu máu trầm trọng. Cuộc sống khắc khổ giữa chiến trường, bom rơi đạn lạc, việc tìm được người đủ điều kiện cho máu là điều hiếm có.
Thế nhưng, phép màu đã đến khi một người phụ nữ ở chiến trường đã tình nguyện hiến máu cho ông Phong. Nhờ đó, ông thoát chết.
Vượt qua sinh tử, ông được điều về Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 và làm nhiệm vụ liên lạc cho các cán bộ đại đội.
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông tham gia công tác nghi binh suốt 2 tháng để chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột. Đến tháng 3/1975, đơn vị của ông hành quân vào thị xã Buôn Ma Thuột để tham gia trận đánh mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên.
Cựu chiến binh Đặng Văn Phong luôn nhớ về những kỷ niệm trong ngày toàn thắng.
Sau đó, đơn vị của ông được lệnh hành quân xuống Sài Gòn (Tp.HCM hiện nay) để tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc này, ông được điều động làm pháo thủ. Trên đường hành quân, ông bị kiết lỵ, cơ thể suy kiệt nhưng không một lời kêu than. Ông lý giải: "Được tham gia những trận đánh lớn là vinh dự của người lính. Dù biết sẽ đối diện với hiểm nguy, thậm chí hy sinh, nhưng ai cũng vui sướng, rạo rực chờ ngày ra trận".
"Khoảng 5h chiều ngày 29/4/1975, lực lượng của ta đã tiếp cận được cổng sân bay Tân Sơn Nhất. Thấy rất nhiều chiếc máy bay, các xe tăng tập trung vào bắn, nhưng mãi không thấy máy bay cháy. Sau đó, chúng tôi mới biết, đó là khu địch chứa máy bay hỏng", ông Phong nhớ lại.
Trong trận đánh sáng 30/4/1975 tại khu vực Lăng Cha Cả (nay thuộc quận Tân Bình, Tp.HCM), đơn vị của ông chịu nhiều tổn thất, nhiều xe tăng bị cháy, không ít đồng đội hy sinh.
Nói đến đây, ông nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc khi chiếc xe tăng 353 bị bắn cháy: "Anh Vi Ngọc Vinh, Trưởng xe 353, tử trận ngay trên tháp pháo. Pháo thủ Nguyễn Văn Lán gục mặt trên vô lăng. Lúc đó, mọi người liên tục gọi nhưng không thấy Lán trả lời nên ai cũng nghĩ đồng chí đã hy sinh".
3 ngày sau khi chiến tranh kết thúc, ông Phong cùng với đồng đội còn sống sót quay trở lại tìm kiếm và đưa thi thể đồng đội về an táng tại nghĩa trang Tân Xuân (huyện Hóc Môn, nay thuộc Tp.HCM). Thế nhưng, thi thể các liệt sĩ chỉ còn là những nắm tro tàn.
Hơn 2 tháng sau, đơn vị ông Phong bất ngờ nhận được tin từ Bệnh viện Vì Dân về việc một thương binh tên Nguyễn Văn Lán bị thương ở đầu, đang điều trị tại đây.
"Tối hôm đó, đơn vị của tôi đã tổ chức họp chi bộ để nắm bắt thông tin và đến bệnh viện thì mới biết Lán còn sống. Không ai lý giải được bằng cách nào anh ấy thoát khỏi chiếc xe tăng đang bốc cháy. Bằng cách nào anh ấy đã đến được bệnh viện cũng là một bí ẩn", ông Phong xúc động nói.
Những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 19/5/1975, ông Đặng Văn Phong vinh dự được kết nạp vào Đảng và tiếp tục học tập. Năm 1977, ông lại cùng đơn vị hành quân tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273. Ngay khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về theo học đại học và công tác tại một doanh nghiệp Nhà nước ở tỉnh Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu.
Thời gian trôi qua, ký ức chiến tranh vẫn luôn đau đáu trong lòng người lính già. Ông không nguôi nhớ về những đồng đội từng vào sinh ra tử bên mình nơi chiến trường. "Tôi có được ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của quân đội và những người đồng đội đã cùng chiến đấu trong những năm tháng ác liệt. Vì vậy, tôi nghĩ mình phải làm gì đó để đền đáp", ông chia sẻ.
Những người lính trẻ không giấu được niềm vui khi được gặp cựu chiến binh Đặng Văn Phong.
Nhiều năm nay, ông còn lặng lẽ rong ruổi từ Nam ra Bắc để tìm mộ các đồng đội đã hy sinh – những người đã lấy máu xương mình để vẽ nên dáng hình đất nước.
Trong số đó, có liệt sĩ Nguyễn Văn Thái (quê tỉnh Nam Hà cũ), hy sinh ngay sáng 30/4/1975, cách thời khắc Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi chỉ vài giờ đồng hồ.
Trong thời khắc việc binh gấp gáp, mộ liệt sĩ Thái cũng như những người hy sinh ngày 30/4/1975 chỉ được đánh dấu bằng một tấm bia ghi vội, tên tuổi, quê quán đều viết tắt. Mãi đến năm 2008, tình cờ phát hiện mộ của đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Phong nghẹn ngào khụy gối. Gạt nước mắt, ông chặt viên gạch bốn lỗ để làm nơi thắp nhang cho đồng đội của mình.
Đến tháng 6/2010, gia đình mới đủ điều kiện để đưa liệt sĩ Thái về quê. Khi xe từ Bắc vào Nam để đưa hài cốt anh trở về, ông Phong bất ngờ phải nhập viện tại Nghệ An, với kết luận một động mạch tim đã tắc hoàn toàn, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Ngay cả một nụ cười cũng có thể khiến ông đột tử. Nhưng, ông giấu bệnh, kiên quyết cùng gia đình đồng đội lên đường.
Mỗi khi được cựu chiến binh Đặng Văn Phong kể về những tháng năm hào hùng của dân tộc Việt Nam, các thế hệ trẻ không khỏi xúc động và bày tỏ sự cảm ơn trước những công lao to lớn của các thế hệ cha anh.
May mắn thay, sau khi đưa bạn về nhà, ông tình cờ gặp được bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai đang công tác tại Nghệ An. Chiều hôm đó, ông lên bàn mổ và vượt qua lằn ranh sinh tử trong gang tấc.
Nhưng những chuyến đi của ông Phong chưa dừng lại. Ông từng lặn lội khắp các tỉnh, thành trên cả nước để tìm tung tích gia đình của hàng chục liệt sĩ của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273. Đến nay, sau nhiều năm, ông đã tìm được gia đình, người thân cho các liệt sĩ này.
Lữ đoàn và những trận đánh lịch sử
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 được thành lập vào năm 1973 tại một khu rừng thuộc huyện 67, tỉnh Kon Tum (nay thuộc xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Sau khi thành lập, Lữ đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Mùa xuân năm 1975, lữ đoàn tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh với những trận đánh đi vào lịch sử.
Hơn 50 năm qua, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngoài ra, 5 đại đội, 2 kíp xe và 4 cá nhân cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Khánh Ngọc
- Mong ước cuối đời của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị CháuMẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu đã bao ngày đêm ngủ không tròn giấc vì thương nhớ 2 người con trai là liệt sĩ. Các anh hy sinh ở chiến trường miền Nam và Lào đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mong ước cuối đời của mẹ là tìm được phần mộ của 2 anh trước khi về với thiên cổ.
- Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên và Nhân dân tại một số xã trên điạ bàn tỉnhTriển khai Kế hoạch số 15/KH-HLGĐL ngày 10/4/2025 về việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, hội viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh năm 2025, trong các ngày 16, 18 và 21/4/2025, Hội Luật gia tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Hội Luật gia, Phòng Tư pháp các huyện: Krông Năng, Krông Ana, Ea Kar, Ủy ban nhân dân các xã: Ea Hồ, Ea Bông và Ea Sar tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn, thu hút hơn 300 cán bộ, hội viên và người dân tham dự.
- Hội Luật gia thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Hội Quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác Quý II năm 2025Thực hiện Chương trình công tác năm 2025, vừa qua, Hội Luật gia thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Hội Quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác Quý II năm 2025.
- Hội Luật gia tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật tại huyện Tủa ChùaThực hiện Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030”(Đề án 129); Kế hoạch số 1446/KH-UBND ngày 02/4/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện Đề án 129 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngày 17/4/2025 tại Hội trường HĐND và UBND huyện Tủa Chùa, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên đã phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật năm 2025 cho các đối tượng là Trưởng thôn, bản, tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn bản trên địa bàn huyện Tủa Chùa.
- CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG TRÊN ĐẢO
- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG
- CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO VÀ TUYÊN BỐ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM VỀ BIỂN ĐÔNG.
- TƯ LIỆU CŨ VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
- LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
- Mời báo giá dịch vụ xuất bản, in ấn
- Mời báo giá tổ chức hội nghị
- Mời báo giá dịch vụ tổ chức hội nghị
- Mời báo giá dịch vụ xuất bản, in ấn
- Lấy ý kiến Nhân dân về việc xét khen thưởng
- Thông báo: Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 30/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn
Loại | Mua | Bán |
---|---|---|
USD | ||
EUR | ||
AUD |