16:14 28/03/2015 GMT+7
Đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: “Hơn 46.000 Hội viên Luật gia đoàn kết thành một sức mạnh tập thể, viết tiếp những trang sử vẻ vang của Hội, phát huy trí tuệ tham
(Pháp lý) - Kể từ khi thành lập (tháng 4/1955) dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 12 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc, không ngừng trưởng thành về mọi mặt, uy tín và vị thế ngày càng được nâng cao. Từ chỗ chỉ có 40 Hội viên trong đầu năm 1955, đến nay tổ chức Hội đã phát triển lớn mạnh không ngừng với hơn 46.000 Hội viên Luật gia đang làm việc và cống hiến ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tháng Tư năm nay, giới Luật gia Việt Nam đón nhận một sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng: Kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội. Nhân dịp đặc biệt này, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã dành cho Tạp chí Pháp lý cuộc trò chuyện thân mật, chia sẻ về những trăn trở để phát huy trí tuệ của hơn 46.000 Hội viên tham gia cống hiến xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Nguyễn Văn Quyền. (Ảnh: Tạp chí Pháp luật và phát triển)

Phóng viên: Thưa Chủ tịch, những ngày tháng Tư năm nay, giới Luật gia VN vinh dự và tự hào đón nhận sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập HLGVN (4/4/1955- 4/4/2015), xin Chủ tịch chia sẻ với bạn đọc của Tạp chí Pháp lý những mốc son quan trọng trong quá trình phát triển tổ chức Hội và Hội viên của HLGVN?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nói về những dấu mốc quan trọng trong quá trình thành lập và phát triển tổ chức của Hội Luật gia Việt Nam thì phải kể đến một dấu mốc quan trọng đầu tiên, đó là thời điểm đầu năm 1955, được sự đồng ý của Đảng và Nhà nước về việc tập hợp đội ngũ Luật gia thành tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp để cùng nhau góp sức, góp tài phục vụ cách mạng, Hội nghị thành lập Hội Luật gia lần I đã được tổ chức thành công và đã tập hợp khoảng 40 Luật gia ở các ngành tham gia. Tài liệu về lịch sử Hội ghi nhận: đến cuối năm 1955, số Hội viên tăng lên khoảng 270 người, năm 1960 số Hội viên tăng lên 333 người, đến năm 1962 khoảng 400 người...

Những dấu mốc quan trọng khác của Hội còn thể hiện thông qua các kì Đại hội Đại biểu toàn quốc của HLGVN, được tổ chức trong từng giai đoạn lịch sử. Trong giai đoạn từ 1955 đến 1980, Hội đã tổ chức 5 kỳ Đại hội (I, II, III, IV, V), người được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội trong suốt 5 kỳ Đại hội này là Luật sư Phan Anh.

Giai đoạn 1980 đến 2004, Hội chuyển hướng hoạt động, đẩy mạnh phát triển các hoạt động trong nước, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả và vận dụng các hình thức dân vận. Trong giai đoạn này, Hội đã tổ chức bốn kỳ Đại hội (VI, VII, VIII, IX), số lượng Hội viên của Hội tăng lên hơn 28.400 người, trong đó 80% Hội viên có trình độ đại học và trên đại học, 80% Hội viên là cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và cán bộ đương chức. Tại Đại hội lần VI và nửa nhiệm kỳ đầu khóa VII,  Luật sư Phan Anh tiếp tục được bầu là Chủ tịch Hội, nửa sau nhiệm kỳ khóa VII (1990 – 1993), đồng chí Phan Hiền, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp được bầu làm Chủ tịch. Tại Đại hội VIII, Luật gia Phùng Văn Tửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội IX, Luật gia Phạm Hưng, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội.

Giai đoạn 2004 đến 2014, Hội tổ chức 3 kỳ Đại hội (X, XI, XII). Hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và phát triển. Tại Đại hội X và XI, Luật gia Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng Ban Nội chính Trung Ương, Trợ lý Chủ tịch nước được bầu làm Chủ tịch Hội. Đến Đại hội XII, đồng chí Nguyễn Văn Quyền - nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính TW, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được các Luật gia tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội khóa XII.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển về mặt tổ chức, đến nay tổ chức Hội đã có ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 408 huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh, 52 cơ quan ban ngành, tổ chức ở Trung ương trong đó 60 cấp hội tỉnh, 166 cấp hội huyện được công nhận cấp hội đặc thù... với tổng số Hội viên Luật gia là hơn 46.000 người.

Phóng viên: Đối với một tổ chức Hội thì Điều lệ Hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra điều kiện để Hội phát triển. Xin Chủ tịch điểm lại một số điểm sửa đổi, bổ sung về tổ chức Hội và Hội viên trong Điều lệ của Hội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HLGVN trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Ở mỗi giai đoạn lịch sử của nước nhà thì giới Luật gia có những hoạt động riêng mang màu sắc của Luật gia để đồng hành cùng đất nước. Như đã nói ở trên, từ khi thành lập đến nay, Hội đã trải qua 12 kỳ Đại hội và tại một số kì Đại hội, Điều lệ Hội được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh từng thời kỳ của đất nước. Điều này thể hiện quan điểm tiến bộ và tầm nhìn hợp thời cuộc của Ban Lãnh đạo Hội trong các nhiệm kì. Đặc biệt, trong mỗi giai đoạn, tuy phương thức tổ chức và hoạt động Hội có những điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, tôn chỉ của Hội.

Tại Đại hội I (1955), Điều lệ Hội được Đại hội thông qua và sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước phê duyệt. Giai đoạn này, điều lệ của Hội nhấn mạnh các hoạt động đấu tranh trên vũ đài chính trị - pháp lý quốc tế của HLGVN. Do vậy hoạt động chỉ tập trung ở Trung ương Hội, do bộ máy của Trung ương Hội đảm nhiệm, chưa mở rộng ra các ngành địa phương.

Tại Đại hội II (1957), Điều lệ Hội được bổ sung quy định: "Tùy điều kiện và yêu cầu có thể thành lập chi nhánh Hội ở địa phương". Trên cơ sở này, Hội bước đầu triển khai mở rộng tổ chức tại địa phương. Tại Đại hội V (1974), Điều lệ Hội được bổ sung quy định "tùy theo yêu cầu và điều kiện có thể thành lập Chi hội hoặc tổ hội viên ở địa phương và ở các ngành". Quy định đó đã tạo điều kiện cho công tác mở rộng tổ chức hội tại các ngành. Đồng thời xác định rõ mô hình tổ chức hội: "Tổ chức Hội gồm có Đại hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thư ký, các ban chuyên trách và các Chi hội và Tổ hội viên".

Tại Đại hội VI đến Đại hội X, Điều lệ Hội tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Hoạt động của Hội tập trung vào các hoạt động trong nước, Hội hoạt động thiết thực có chất lượng, hiệu quả, vận dụng các hình thức dân vận. Cơ cấu tổ chức của Hội hoàn thiện theo hướng, mô hình 4 cấp: Trung ương Hội, Tỉnh/Thành hội, Huyện/Quận hội, tổ chức hội ở cơ sở gồm Chi hội cơ quan, Tổ chức trực thuộc Trung ương Hội, trực thuộc Tỉnh hội và Chi hội phường, xã, thị trấn.

Trên nền tảng được xây đắp từ các Đại hội trước, Đại hội XII vẫn giữ nguyên Điều lệ Hội từ năm 2010 (thông qua tại Đại hội XI), thống nhất sử dụng một điều lệ cho các cấp Hội, đó là cơ sở pháp lý để kiện toàn tổ chức bộ máy, có tác dụng thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.

 

Phóng viên: Số lượng Hội viên của Hội phát triển nhanh, lớn mạnh không ngừng, xin Chủ tịch cho biết thời gian qua TW Hội đã có những giải pháp gì để phát triển tổ chức Hội và Hội viên?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Quán triệt Chỉ thị 56 - CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 19 - KL/TW của Ban Bí thư và các Chỉ thị 06/2001/CT-TTg và 08/2013/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương hội đã chỉ đạo tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức để đáp ứng yêu cầu mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của toàn Hội.

Để phát huy vai trò của cơ quan Trung ương Hội và các đơn vị trực thuộc, trong nhiệm kỳ, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo việc kiện toàn Văn phòng Trung ương Hội, các ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của mỗi đơn vị và đã ban hành quy chế, bảo đảm cho các hoạt động được triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Ở địa phương, cấp ủy và chính quyền ở nhiều tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm đến công tác luật gia. Biên chế cho Hội Luật gia ở nhiều địa phương cũng được tăng thêm so với nhiệm kỳ trước.

Trong công tác cán bộ Hội và phát triển Hội viên thì chất lượng của đội ngũ cán bộ Hội và Hội viên là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng hoạt động và sự phát triển của Hội. Trong nhiệm kỳ, công tác cán bộ Hội và phát triển Hội viên đã được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Đội ngũ cán bộ Hội được tăng thêm về số lượng và chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác hội được quan tâm hơn. Ở Trung ương Hội và nhiều Hội Luật gia các tỉnh, thành phố đã  thực hiện tốt chủ trương bố trí cán bộ kết hợp nhiều độ tuổi, bên cạnh những cán bộ cao tuổi, có uy tín và có kinh nghiệm hoạt động hội, có các cán bộ trẻ, năng động, được đào tạo cơ bản; bên cạnh một số cán bộ chuyên trách công tác hội có những cán bộ làm việc kiêm nhiệm.

 

Công tác phát triển Hội viên tiếp tục được thực hiện tốt, chú trọng cả về số lượng và chất lượng Hội viên. Hội đã tập hợp ngày càng nhiều Luật gia có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp đã và đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, những người hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia tổ chức Hội. Nhiều tổ chức Hội có số lượng Hội viên đông đảo, trong đó có nhiều Hội viên mới được kết nạp trong nhiệm kỳ XI như Hội Luật gia các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Tiền Giang; các Chi hội Luật gia trực thuộc như: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội...

Việc cấp, đổi thẻ Hội viên cũng được thực hiện kịp thời, đến nay đã có trên 36.285 trong số hơn 46.000 Hội viên trong toàn quốc được cấp đổi thẻ mới. Cùng với việc tăng cường về số lượng, các cấp hội cũng quan tâm đến bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng hội viên đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội.

Phóng viên: Tại Đại hội lần thứ XII của HLGVN (9/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nhấn mạnh một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mà HLGVN cần làm tốt trong nhiệm kì này là: "...Chủ động, sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động của Hội. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng đội ngũ Luật gia, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát huy trí tuệ và tài năng của Hội viên, tập hợp những Luật gia có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ của mình, đồng thời chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và thu hút các Luật gia trẻ tham gia các hoạt động của Hội...". Xin Chủ tịch cho biết tới đây, Lãnh đạo HLGVN sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức và chất lượng hội viên HLGVN đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa, tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền VN XHCN?

 Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Xác định công tác tổ chức Hội và bồi dưỡng Hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, Lãnh đạo HLGVN đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục phát triển hệ thống tổ chức Hội, đến năm 2015 các quận, huyện có đủ điều kiện đều có Hội Luật gia; phát huy nguồn nội lực để phát triển Hội; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ và Hội viên;

Lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp Hội, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội là những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm và nhiệt tình với công tác Hội; chú trọng công tác phát triển Hội viên mới, đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu Hội viên; nâng cao tinh thần trách nhiệm của Hội viên, duy trì tốt chế độ sinh hoạt và đóng hội phí.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Hội Luật gia cấp tỉnh tiếp tục đề nghị cấp ủy và chính quyền địa phương công nhận các  hội đặc thù cấp huyện có đủ điều kiện để tạo thuận lợi cho hoạt động.

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành TW Hội vừa mới tổ chức đầu năm 2015, đã quyết định chương trình công tác năm 2015. Ngoài việc thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ của năm 2015, Đảng đoàn và Ban Thường vụ TW Hội sẽ tập trung chỉ đạo sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 19 của Ban Bí thư, 2 năm thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ và thông qua Đề án nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các cấp Hội. Sau khi tiến hành những công việc trên, Đảng đoàn và Ban Thường vụ sẽ có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia.

Phóng viên: Hiện nay có nhiều Luật gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài.  HLGVN có chủ trương thế nào để thu hút họ  góp phần xây dựng đất nước?

 Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nhìn lại quá trình phát triển, HLGVN thừa nhận nhược điểm của mình là còn lúng túng trong việc vận động Luật gia Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đóng góp và xây dựng đất nước. Thời gian tới, Hội sẽ có kế hoạch và đề án cụ thể để tập hợp lực lượng này.

Phóng viên: Trước thềm sự kiện kỉ niệm 60 năm thành lập Hội, xin Chủ tịch chia sẻ cảm xúc và có đôi lời nhắn nhủ tới giới Luật gia cả nước ?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Khi được đặt lên vai trọng trách Chủ tịch Hội, tôi có những trăn trở riêng, làm sao để tổ chức Hội và hoạt động Hội ngày càng phát triển vững mạnh, tiếp nối truyền thống vẻ vang của HLGVN 60 năm qua. Tôi mong rằng các tổ chức Hội và toàn thể hơn 46.000 Hội viên Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục ra sức phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tu dưỡng, rèn luyện giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền VNXHCN, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Và đặc biệt là hơn 46.000 Hội viên chúng ta đoàn kết thành một sức mạnh tập thể, tận tụy cống hiến để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Hội – nơi qui tụ đội ngũ Luật gia uy tín và ưu tú, tất cả vì dân, vì công lý.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 

Phan Tĩnh (thực hiện)

  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỔI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNGHiện nay tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã gây nhức nhối lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội, đang trở thành nỗi quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.
  • HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MỞ RỘNG HỘI LUẬT GIA TỈNH QUẢNG NAM KHÓA III, NHIỆM KỲ 2019-2024Sáng ngày 12/11/2024, Hội Luật gia tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng khóa III, nhiệm kỳ 2019-2024.
  • Hội Luật gia tỉnh Lào Cai: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp Luật Việt Nam 9/11Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-HLG ngày 22/10/2024 của Hội Luật gia tỉnh Lào Cai về hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) trên địa bàn tỉnh năm 2024. Sáng 9/11/2024, tại Trường THCS Lê Quý Đôn, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Hội Luật gia thành phố Lào Cai tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức “phiên tòa giả định”. Dự hội nghị có đại diện Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh, Hội Luật gia thành phố, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật thành phố cùng hơn 700 học sinh trường THCS Lê Quý Đôn.
  • HỘI LUẬT GIA TỈNH BẮC GIANG PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT Thực hiện chương trình công tác năm 2024 và Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11. Ngày 01/11/2024, Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Hội Luật gia huyện Tân Yên và UBND xã Việt Lập tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật An ninh mạng và các điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 cho hơn 100 đại biểu là Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ; các tổ chức chính trị-xã hội xã Việt Lập; Đại diện Chỉ huy Công an xã, công an viên; Chỉ huy Trưởng BCH Quân sự, Văn phòng-Thống kê, Địa chính-Xây dựng, Tư pháp-Hộ tịch, Đội TTĐT xã; các Tuyên truyền viên pháp luật xã; Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, thành viên tổ hòa giải và Nhân dân trên địa bàn xã.
Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD