18:07 20/08/2014 GMT+7
Điều lệ năm 1993

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------

ĐIỀU LỆ HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM 1993

(Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII thông qua ngày 26/5/1993)

 

Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể thống nhất của những công dân Việt Nam đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cả nước.

Hội Luật gia Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội có quan hệ với các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước.

Hội tham gia các tổ chức quốc tế có hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.

I. TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH CỦA HỘI

Điều 1. Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia Việt Nam đã hoặc đang công tác hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức luật gia và luật gia các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng một trật tự thế giới mới công bằng, tiến bộ, vì sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển.

II. NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA HỘI VÀ HỘI VIÊN

Điều 2. Hội Luật gia Việt Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn:

- Tập hợp những người đã và đang làm công tác pháp luật vào Hội, xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp.

- Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hội viên, viên chức Nhà nước và nhân dân.

- Tham gia xây dựng pháp luật; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội về những vấn đề  xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

- Tham gia những hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ các trọng tâm công tác của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

- Phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của giới luật gia với lãnh đạo Nhà nước cùng với cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức kinh tế, xã hội; bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức pháp lý cho hội viên, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên.

- Thành lập các tổ chức tư vấn và dịch vụ pháp lý do Hội bảo trợ theo quy chế của Nhà nước và tham gia ý kiến với cơ quan Nhà nước trong việc giám sát hoặt động của các tổ chức luật sư; tư vấn và dịch vụ pháp lý.

- Xuất bản và phát hành sách, báo pháp luật đáp ứng yêu cầu hoạt động đối nội, đối ngoại của Hội.

- Tham gia các hoạt động quốc tế phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.

- Vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước.

Điều 3. Hội viên

Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội, trong lực lượng vũ trang nhân dân, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện và tích cực tham gia hoạt động cho Hội đều có thể xin vào Hội.

Điều 4. Người muốn vào Hội phải làm đơn và được Chi hội luật gia cơ sở đề nghị cấp tỉnh Hội xét, quyết định.

- Đơn xin vào Hội đối với luật gia công tác trong các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân trực thuộc Trung ương và những tỉnh, thành phố chưa có tổ chức Hội Luật gia do Ban Thường vụ Trung ương Hội xét, quyết định.

Hội viên được công nhận từ ngày ký quyết định kết nạp.

Điều 5. Hội viên có thể thay đổi nơi sinh hoạt Hội do chuyển nơi công tác hoặc chỗ ở, việc thay đổi do Hội nơi làm thủ tục giới thiệu đến nơi mới.

Điều 6. Hội viên muốn ra Hội gửi đơn cho Chi hội nơi hội viên sinh hoạt, Chi hội xét và đề nghị kèm theo đơn gửi đến cấp hội có thẩm quyền kết nạp hội viên xét, quyết định.

Điều 7. Hội viên có những quyền sau:

1. Ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội.

2. Thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Hội trong các vấn đề của Hội.

3. Tham gia các hoạt động của Hội.

4. Giám sát các hoạt động của Hội, đề xuât ý kiến về cải tiến mở rộng hoạt động của Hội.

5. Được cung cấp những thông tin cần thiết.

6. Yêu cầu Ban Chấp hành các cấp Hội, đề nghị các cơ quan Nhà nước bảo  vệ lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân của Hội bị xâm phạm.

Điều 8. Hội viên có những nhiệm vụ sau:

1. Chấp hành pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết, Quyết định của Hội.

2. Tham gia phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

3. Thực hiện các công tác được Hội giao.

4. Tham gia sinh hoạt tại một Chi hội và đóng hội phí

5. Giữ gìn uy tín của Hội, chỉ được lấy danh nghĩa hội viên và dùng thẻ hội viên khi hoạt động cho Hội.

III. TỔ CHƯC CỦA HỘI

Hội Luật gia Việt Nam có tổ chức từ Trung ương đến cơ sở.

A. Cơ quan lãnh đạo của Hội

Điều 9. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội. Đại hội đại biểu toàn quốc họp 5 năm 1 lần theo triệu tập của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Đại hội đại biểu toàn quốc có thể họp bất thường, việc triệu tập Đại hội phải được ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhất trí. Số đại biểu đi dự Đai hội đại biểu toàn quốc được bầu theo tỉ lệ do Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định. Đối với những địa phương chưa thành lập tổ chức Hội, nếu có yêu cầu thì việc cử đại biểu do Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định.

Đại hội được tiến hành khi có 2/3 số đại biểu chính thức có mặt.

Điều 10. Đại hội đại biểu toàn quốc có những quyền hạn và nhiệm vụ:

1. Thông qua báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Hội về tình hình nhiệm vụ của Hội.

2. Quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác và tổ chức của Hội.

3. Quyết định việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ của Hội.

4. Bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc phải được quá nửa tổng số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

Điều 11. Giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội.

Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc bầu. Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội quyết định.

Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.

Ban Chấp hành Trung ương họp thường kỳ 1 năm 1 lần theo triệu tập của Ban Thường vụ Trung ương Hội. Ban Chấp hành Trung ương có thể họp bất thường, nhưng phải được ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nhất trí hoặc 1/3 số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội yêu cầu triệu tập họp.

Điều 12. Ban Chấp hành Trung ương Hội có những quyền hạn và nhiệm vụ:

  1. Quyết định những chủ trương và biện pháp nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội; quyết định chương trình công tác năm của Hội.
  2. Bầu hoặc bãi miễn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội. Bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương giữa hai nhiệm kỳ Đại hội.
  3. Quy định nguyên tắc, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Hội, quyết định mức hội phí.
  4. Quyết định việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc.
  5. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội phải được quá nửa tổng số ủy viên có mặt biểu quyết, tán thành.

Điều 13. Ban Thường vụ Trung ương Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu để điều hành công việc của Hội giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương.

-        Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các ủy viên Thường vụ. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Trung ương Hội quyết định.

-        Ban Thường vụ họp mỗi quý một lần, khi cần có thể họp bất thường. Ban Thường vụ họp hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên Ban Thường vụ tham gia và quyết định của Ban Thường vụ phải được quá nửa tổng số thành viên có mặt biểu quyết tán thành.

-        Ban Thường vụ cử ra Ban Thường trực để điều hành công tác thường xuyên của Hội.

Điều 14. Ban Thường vụ Trung ương Hội có những quyền hạn và nhiệm vụ:

1. Quyết định các công tác nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Hội, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết, Quyết định đó.

2. Công nhận thành lập hoặc giải thể các tỉnh, thành Hội, các tổ chức Hội trực thuộc Trung ương Hội; quyết định thành lập hoặc giải thể các Ban, các tổ chức chuyên môn trực thuộc Trung ương Hội, cử Phó Tổng thư ký, phân công ủy viên Thường vụ phụ trách từng mặt công tác.

3. Hướng dẫn và kiểm tra hoạt động của các tỉnh, thành Hội, các cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội, chỉ đạo công tác của các Ban, các tổ chức chuyên môn trực thuộc Trung ương Hội.

4. Xét và quyết định việc kết nạp Hội viên theo quy định tại Điều 4.

5. Tổ chức và điều hành các hoạt động của Hội.

6. Quyết định và chỉ đạo công tác xuất bản sách, báo của Hội.

7. Giám sát việc thực hiện Quy chế của các tổ chức được Hội bảo trợ như: tổ chức Tư vấn, dịch vụ pháp lý, tổ chức kinh tế được thành lập theo các quy định của pháp luật.

8. Xét và quyết định việc khen thưởng và kỷ luật…

9. Giữ mối quan hệ với các luật gia Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng góp phần xây dựng đất nước.

Điều 15. Các Ban, tổ chức chuyên môn trực thuộc Trung ương Hội gồm có:

-   Văn phòng

-   Ban Tổ chức

-   Ban Kiểm tra

-   Ban Quan hệ quốc tế

-   Ban Nghiên cứu pháp luật

-        Ban Thông tin tuyên truyền (bao gồm xuất bản sách báo pháp luật, câu lạc bộ pháp lý…)

Ban Thường vụ Trung ương Hội luật gia có thể thành lập các Ban, các tổ chức chuyên môn khác.

Ban Thường vụ quy định chức năng, nhiệm vụ biên chế của Văn phòng và các Ban.

Mỗi ban do một Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách, có một số Ủy viên Ban Chấp hành Hội tham gia. Các Ban có thể mời hội viên hoặc cộng tác viên ngoài Hội tham gia.

B. Các tỉnh Hội, thành Hội (gọi chung là tỉnh Hội).

Điều 16. Tỉnh hội được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh Hội phải được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản và Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định công nhận.

Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật gia của tỉnh Hội họp 5 năm 1 lần theo triệu tập của Ban Chấp hành tỉnh Hội. Đại hội có thể họp bất thường nhưng việc triệu tập phải được ít nhất 2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội nhất trí.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Hội với nhiệm kỳ 5 năm. Số lượng ủy viên của Ban Chấp hành tỉnh Hội do Đại hội tỉnh Hội quyết định.

Ban chấp hành tỉnh Hội bầu và bãi miễn các Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Hội, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Hội giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội.

Ban Thường vụ tỉnh Hội gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký và 5 đến 6 Ủy viên Ban Thường vụ.

Ban Thường vụ tỉnh Hội quyết định thành lập hoặc giải thể huyện Hội, Chi hội cơ sở và các Ban chuyên môn trực thuộc tỉnh Hội.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh Hội có nhiệm vụ thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc, của Ban Chấp hành Trung ương Hội, của Ban Thường vụ Trung ương Hội và của Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật gia tỉnh Hội.

Ban Chấp hành tỉnh Hội họp thường kỳ 3 tháng 1 lần, Ban Thường vụ tỉnh Hội họp 1 tháng 1 lần. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có thể họp bất thường.

C. Các quận Hội, huyện Hội, các cấp Hội tương đương (gọi chung là huyện Hội)

Điều 17. Huyện Hội được thành lập ở các quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố, huyện Hội do Ban Thường vụ Trung ương Hội. Huyện hội chỉ thành lập ở các địa phương có điều kiện.

Đại hội huyện họp 2 năm rưỡi 1 lần theo triệu tập của Ban Chấp hành huyện Hội; Đại hội có thể họp bất thường.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành huyện Hội gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 1 đến 3 Ủy viên Ban Chấp hành; Ban Chấp hành huyện Hội họp 1 tháng 1 lần.

Ban Chấp hành huyện Hội có thể thành lập một số tổ công tác chuyên trách về một số vấn đề.

D. Tổ chức Hội ở cơ sở (gọi tắt là Chi hội)

Điều 18. Chi hội luật gia là cấp cơ sở của Hội Luật gia Việt Nam, được thành lập ở các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang có từ 5 luật gia trở lên. Đề nghị thành lập Chi hội phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý.

Chi hội được tổ chức như sau:

- Chi hội trực thuộc Trung ương Hội được thành lập trong các cơ quan Bộ hoặc cơ quan cấp tương đương.

- Chi hội trực thuộc tỉnh Hội được thành lập trong các Ban, Sở, Ngành hoặc các cơ quan cấp tương đương của tỉnh.

- Chi hội cơ sở cấp phường, xã, thị trấn hoặc cấp tương đương được thành lập ở nơi đã có huyện Hội.

Đại hội Chi hội họp 2 năm 1 lần và có thể họp bất thường. Đại hội bầu ra Chi hội trưởng, Chi hội phó, để điều hành công tác Chi hội. Nếu có trên 10 hội viên, Chi hội được bầu ra Ban Chấp hành Chi hội gồm: Chi hội trưởng, Chi hội phó và từ 1 đến 3 Ủy viên Ban Chấp hành.

E. Bầu cử, công nhận Ban Chấp hành các cấp

Điều 19. Việc bầu cử ở các cấp Hội được tiến hành theo nguyên tắc bỏ phiếu kín.

- Ban Chấp hành các cấp dưới phải được Ban Chấp hành cấp trên trực tiếp công nhận.

- Ban Chấp hành các cấp được quyền bổ sung một số Ủy viên Ban Chấp hành (nếu thiếu) nhưng số ủy viên bổ sung không được quá ¼ số Ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội bầu.

G. Chế độ báo cáo

Điều 20. Định kỳ hàng tháng, 6 tháng, 1 năm, các tổ chức Hội cấp dưới phải báo cáo công tác và chương trình công tác trong thời gian tới với Hội cấp trên trực tiếp.

IV. TÀI CHÍNH – TÀI SẢN CỦA HỘI

Điều 21.

a. Nguồn tài chính của Hội gồm có:

- Hội phí

- Tài trợ của Nhà nước

- Các khoản thu do hoạt động của Hội mang lại và các tổ chức được Hội bảo trợ đóng góp

- Các khoản tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước…

b. Tài sản của Hội gồm: nhà, phương tiện làm việc của Hội.

c. Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định nguyên tắc, chế độ quản lý, xử lý nguồn tài chính, tài sản của Hội.

Nguồn tài chính, tài sản của cấp nào do cấp đó quản lý.

V. KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT

Điều 22. Hội viên, cán bộ và các tổ chức Hội có thành tích xuất sắc được Hội khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khen thưởng.

Điều 23. Hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội thì tùy mức độ sai phạm sẽ bị thi hành một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ ra khỏi Hội.

- Việc thi hành kỷ luật đối với một số Ủy viên Ban Chấp hành cấp nào do Ban Chấp hành Hội cấp đó xét và đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội cấp trên trực tiếp quyết định.

- Việc thi hành kỷ luật đối với một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội xét và quyết định.

VI. TRỤ SỞ, CON DẤU, TÀI KHOẢN

Điều 24.

- Trụ sở của Hội Luật gia Việt Nam đặt tại Thủ đô Hà Nội.

- Hội Luật gia Việt Nam từ cấp huyện Hội trở lên có con dấu và tài khoản riêng.

Các Chi hội trong các cơ quan chuyên ngành, trực thuộc Trung ương Hội, trực thuộc tỉnh Hội, các Chi hội cơ sở cấp phường, xã không có con dấu và tài khoản riêng.

VII. SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ

Điều 25. Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội mới có quyền bổ sung, sửa đổi Điều lệ Hội. Việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ phải được ít nhất 2/3 số đại biểu tham dự Đại bội biểu quyết tán thành.

Bản Điều lệ này được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ VIII thông qua tại Hà Nội ngày 26 tháng 5 năm 1993.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD