18:04 20/08/2014 GMT+7
Điều lệ năm 1987

ĐIỀU LỆ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

 

Điều 1: Hội Luật gia Việt Nam là đoàn thể của những công dân Việt Nam làm công tác pháp luật.

Hội Luật gia Việt Nam là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Hội Luật gia Việt Nam là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế(AIJD). Hội có thể tham gia các tổ chức quốc tế khác, nếu hoạt động của các tổ chức đó không trái với mục đích, nhiệm vụ Hội.

I/ MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA HỘI

Điều 2: Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tổ chức và vận động các luật gia Việt Nam pháp huy tinh thần làm chủ tập thể XHCN, ra sức phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần xây dựng nền pháp lý và khoa học pháp lý xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tăng cường hiệu lực pháp lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản V.N.

Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các luật gia Liên xô, Lào, Campuchia và luật gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với các luật gia tiến bộ trên thế giới đấu tranh kiên quyết chống chính sách hiếu chiến và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; góp phần phát triển nguyên tắc pháp lý tiến bộ, ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Điều 3:Để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của một đoàn thể nhân dân nói ở điều 2, Hội Luật gia Việt Nam tiến hành những công tác sau đây:

- Tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức làm chủ và ý thức pháp luật XHCN trong nhân dân và cán bộ; xây dựng pháp luật và giám sát việc thi hành pháp luật, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội về những vấn đề xây dựng và thi hành pháp luật.

- Bồi dưỡng kiến thức pháp lý, trình độ chuyên môn pháp luật cho hội viên.

- Tham gia những hoạt dộng chính trị pháp lý phục vụ các trọng tâm công tác của Đảng và của Nhà nước, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật.

- Hợp tác chặt chẽ với Hội Luật gia dân chủ quốc tế, với các tổ chức luật gia của Liên xô, Lào, Campuchia và các nước XHCN anh em khác, với các tổ chức luật gia tiến bộ trên thế giới, tham gia tích cực các hoạt động quốc tế đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng và tiến bộ.

- Xuất bản sách, báo pháp lý, đáp ứng những yêu cầu đối nội với đối ngoại.

II/ HỘI VIÊN

Điều 4: Công dân Việt Nam làm công tác pháp luật(nghiên cứu, giảng dạy, thực hành pháp luật) hoặc đã kinh qua công tác pháp luật, tán thành điều lệ của Hội và tự nguyện hoạt động cho Hội đều có thể xin gia nhập Hội.

Điều 5: Đơn xin gia nhập Hội do những cơ quan sau đây của Hội xét và quyết định:

- Ban thường vụ Trung ương xét và quyết định đơn của luật gia công tác ở các cơ quan hoặc các tổ chức xã hội ở trung ương, của luật gia công tác ở những địa phương chưa có tổ chức Hội, và của luật gia đã nghỉ công tác mà có trú quán ở những địa phương này.

- Thường vụ Ban chấp hành tỉnh hội, thành hội, hoặc cấp trung ương(dưới đây gọi tắt là tỉnh hội) xét và quyết định đơn của luật gia công tác ở địa phương mình hoặc đã nghỉ công tác mà có trú quán ở địa phương mình, sau đó báo cáo với Ban thường vụ Trung ương về việc kết nạp hội viên mới.

Việc kết nạp hội viên có hiệu lực kể từ ngày có quyết định kết nạp của các cơ quan trên đây.

Điều 6: Hội viên có thể xin thay đổi nơi sinh hoạt Hội vì lý do thuyên chuyển công tác hoặc thay đổi trú quán. Việc thay đổi nơi sinh hoạt do cơ quan Hội nơi đi giới thiệu về cơ quan Hội nơi đến.

Điều 7: Hội viên muốn ra Hội thì gửi đơn đến cơ quan Hội có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền cho ra Hội là cơ quan có thẩm quyền kết nạp hội viên. Việc ra Hội có hiệu lực kể từ ngày quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 8: Hội viên có những quyền sau đây:

1) Ứng cử, đề cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội ởtrung ương, địa phương và cơ sở.

2) Thảo luận và biểu quyết công vệc của Hội trong các Hội nghị của Hội.

3) Tham gia các hoạt động của Hội theo sự phân công của Hội; dự đều đặn các cuộc sinh hoạt của Hội.

4) Giám sát hoạt động của Hội, đề xuất những ý kiến về cải tiến, tăng cường, củng cố các hoạt động này.

5) Được cấp những tài liệu cần thiết theo khả năng của Hội.

6) Được nhận thẻ hội viên.

Điều 9: Hội viên có những nghĩa vụ sau đây:

1) Chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ, nội quy, các nghị quyết, quyết định của Hội.

2) Thực hiện tốt các công tác được Hội giao.

3) Gương mẫu trong đời sống, trong công tác, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

4) Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân và cán bộ theo sự phân công của Hội hoặc theo yêu cầu của chính quyền, Mặt trận tổ quốc địa phương.

5) Đóng Hội phí đều đặn.

III- TỔ CHỨC CỦA HỘI

A- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội

Điều 10: Đại hội đại biểu toàn quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc họp 5 năm một lần theo triệu tập của Ban chấp hành trung ương. Đại hội đại biểu toàn quốc có thể được triệu tập họp bất thường khi cần thiết. Đại biểu đi dự đại hội đại biểu toàn quốc được bầu theo tỷ lệ do Ban thường vụtrung ương ấn định. Ở nhiều nơi có ít hội viên chưa thành lập tổ chức riêng, đại biểu đi dự đại hội đại biểu toàn quốc do Ban thường vụ trung ương chỉ định.

Điều 11: Đại hội đại biểu toàn quốc có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1) Thông qua báo cáo công tác của Ban chấp hành TW.

2) Quyết định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ công tác của Hội. quyết định tổ chức của Hội.

3) Quyết định việc bổ sung, sửa đổi điều lệ của Hội.

4) Bầu Ban chấp hành trung ương mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc quyết định theo đa số các đại biểu có mặt; trong trường hợp sửa đổi điều lệ của Hội, thì phải theo quy định ở điều 24.

Điều 12: Ban chấp hành trung ương

Giữa hai kỳ Đại hội, Ban chấp hành trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội.

Ban chấp hành trung ương do đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra điều hành công tác của Hội.

Số lượng ủy viên Ban chấp hành trung ương do Đại hội đại biểu toàn quốc ấn định cho nhiệm kỳ mới.

Nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương là 5 năm.

Ban chấp hành trung ương họp thường kỳ 6 tháng một lần và có thể họp bất thường khi cần thiết. Ban chấp hành trung ương họp theo triệu tập của Ban thường vụ trung ương.

Điều 13: Ban chấp hành trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1) Quyết định những chủ trương nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, thông qua chương trình công tác năm, chương trình công tác 6 tháng của Hội, thông qua các báo cáo của Ban thường vụ trung ương

2) Bầu và bãi miễn Ban thường vụ trung ương.

3) Quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các Ban chuyên trách.

4) Bầu bổ sung vào Ban chấp hành trung ương Hội khi có những tỉnh hội mới được tổ chức giữa hai kỳ Đại hội.

5) Quyết định hội phí.

6) Quyết định việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc.

Ban chấp hành trung ương quyết định theo đa số các ủy viên.

Điều 14: Ban thường vụ trung ương

Ban thường vụ trung ương do Ban chấp hành trung ương bầu ra để điều hành công việc của Hội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành trung ương.

Ban thường vụ trung ương gồm có:

+ Chủ tịch

+ Phó chủ tịch

+ Tổng thư ký

+ Một số ủy viên

Số thành viên của Ban thường vụ trung ương không quá một phần ba số thành viên của Ban chấp hành trung ương.

Nhiệm kỳ của Ban thường vụ trung ương theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương. Ban thường vụ trung ương họp mỗi tháng một lần và khi cần thiết có thể họp bất thường. Ban thường vụ trung ương quyết định theo đa số các ủy viên.

Điều 15:Ban Thường vụ Trung ương có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1) Quyết định các kế hoạch công tác cụ thể nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc, các Nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành trung ương chỉ đạo việc thực hiện các kế hoạch công tác này.

2) Hướng dẫn công tác của các tỉnh hội, các chi hội trực thuộc trung ương và các chi hội ở các địa phương chưa thành lập tỉnh hội.

3) Tổ chức các Ban chuyên trách và chỉ đạo công tác của các Ban này.

4) Xét và quyết định việc kết nạp hội viên mới theo qui định ở điều 5, đoạn 2.

5) Quyết định và chỉ đạo công tác xuất bản sách báo.

6) Tổ chức và lãnh đạo Văn phòng làm các công tác hành chính quản trị.

Điều 16:Các Ban chuyên trách

Các Ban chuyên trách giúp Ban thường vụ trung ương tổ chức công tác của Hội trong những lĩnh vực tổ chức, tuyên huấn, nghiên cứu, đối ngoại vv...

Mỗi Ban chuyên trách do một ủy viên thường vụ làm trưởng ban, các thành viên khác của Ban chuyên trách có thể là ủy viên thường vụ, ủy viên chấp hành hoặc hội viên. Thành viên các Ban chuyên trách do Ban thường vụ trung ương chỉ định theo đề nghị của các trưởng ban chuyên trách.

B/ở các địa phương

Điều 17 - Các tỉnh hội

Tỉnh hội luật gia được thành lập ở các địa phương

Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu luật gia các tỉnh hội họp 4 năm một lần và có thể họp bất thường khi cần thiết, theo triệu tập của Ban chấp hành tỉnh Hội.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành tỉnh Hội với nhiệm kỳ 4 năm. Số lượng ủy viên của Ban chấp hành tỉnh hội do Đại hội tỉnh hội ấn định cho nhiệm kỳ mới. Ban chấp hành tỉnh Hội bầu và bãi miễn Ban thường vụ tỉnh hội.

Ban thường vụ tỉnh hội gồm chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và một số ủy viên do Ban chấp hành địa phương bầu; quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các Ban chuyên trách của tỉnh hội. Nhiệm kỳ của Ban thường vụ tỉnh hội theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành tỉnh hội.

Ban chấp hành, Ban thường vụ tỉnh hội có nhiệm vụ thực hiện ở địa phương mình các nghị quyết, quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc, của Ban chấp hành trung ương Hội, Ban thường vụ trung ương Hội, và các Đại hội toàn thể hay đại hội đại biểu của tỉnh.

C/ở cơ sở

Điều 18: Chi hội

Chi hội là cấp cơ sở của Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ở các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và ở các quận, huyện và đơn vị tương đương có từ 10 hội viên trở lên. Nếu ở một địa phương có nhiều chi hội thì trong cùng một thời gian mỗi luật gia chỉ sinh hoạt ở một chi hội.

Đại hội toàn thể chi hội 2 năm một lần và có thể họp bất thường khi cần thiết. Đại hội bầu ra Ban chấp hành chi hội, gồm chi hội trưởng, một chi hội phó và từ 1 đến 2 ủy viên để điều hành mọi công tác của chi hội. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành chi hội là 2 năm.

Ở các chi hội, tùy tình hình có thể thành lập các tổ luật gia, mỗi tổ gồm từ 3 hội viên trở lên và do một tổ trưởng được Ban chấp hành chi hội cử ra điều hành công tác.

D/ Bầu cử

Điều 19 - Bầu cử ở các cấp tổ chức của Hội đều được tiến hành theo phiếu kín.

IV/ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 20 - Qũy của Hội gồm có:

- Hội phí

-Các thu thập do hoạt động của Hội mang lại

- Tiền trợ cấp của Nhà nước

- Tặng phẩm của cá nhân, của các tổ chức trong nước hoặc nước ngoài mà Hội được giữ lại theo chế độ hiện hành.

V/ KHEN THƯỞNG-KỶ LUẬT

Điều 21 - Tỉnh hội, Thành hội, Chi hội, Tổ hội viên và hội viên có thành tích xuất sắc sẽ tùy trường hợp mà được tặng bằng khen, giấy khen của Hội, hoặc được đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Mặt trận tổ quốc Việt Nam hoặc của Nhà nước khen thưởng.

Điều 22 - Hội viên phạm sai lầm hoặc gây tổn hại đến uy tín, quyền lợi của Hội, tùy theo mức độ nhẹ, nặng mà có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc đưa ra khỏi Hội. Cơ quan Hội có thẩm quyền thi hành kỷ luật hội viên là cơ quan thẩm quyền kết nạp hội viên. Người bị thi hành kỷ luật có quyền tự bào chữa hay nhờ một hội viên khác bào chữa trước cơ quan xét kỷ luật. Các khiếu nại về kỷ luật do Ban thường vụ trung ương Hội giải quyết.

Việc thi hành kỷ luật đối với các ủy viên Ban chấp hành chi hội đương nhiệm trở lên do Ban chấp hành Trung ương Hội xét và quyết định.

VI. - TRỤ SỞ

Điều 23- Trụ sở của Hội Luật gia Việt Nam đặt tại thủ đô Hà Nội

VII. -SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ

Điều 24: Chỉ có Đại hội Đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi điều lệ của Hội, căn cứ vào đề nghị của Ban chấp hành trung ương. Đại hội đại biểu toàn quốc khi xét việc sửa đổi điều lệ phải được một nửa các đại biểu hội viên trở lên tham dự, những điểm sửa đổi điều lệ phải được 2/3 trở lên số đại biểu tham dự Đại hội biểu quyết tán thành mới có giá trị.

Bản điều lệ này đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Viêt Nam lần thứ VII thông qua tại Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 1987.

 

..…………//………………….

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD