18:03 20/08/2014 GMT+7
Điều lệ năm 1980

ĐIỀU LỆ HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM

(Được nhất trí thông qua Đại hội lần thứ VI của Hội ngày 12-4-1980)

Hội Luật gia Việt Nam là đoàn thể của những người Việt Nam làm công tác pháp luật (nghiên cứu, giảng dạy, thực hành pháp luật). Hội là:

Thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế.

Hội có thể tham gia các tổ chức quốc tế khác, nếu hoạt động của các tổ chức đó không trái với mục đích, nhiệm vụ của Hội.

 

I- MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA HỘI.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đoàn kết, tổ chức và vận động các Luật gia Việt Nam góp phần thực hiện đường lối cách mạng đối nội và đối ngoại của Đảng trong lĩnh vực pháp lý, Hội có nhiệm vụ:

- Nâng cao ý thức và kiến thức pháp lý xã hội chủ nghĩa trong cán bộ và trong nhân dân, góp phần bảo đảm quyền làm chủ xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền pháp lý xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ chính trị pháp lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

- Tăng cường quan hệ hợp tác với Luật gia nước ngoài đặc biệt là với Luật gia các nước Lào và Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhằm góp phần phát triển những nguyên tắc pháp lý quốc tế tiến bộ bảo vệ quyền dân tộc cơ bản, bảo vệ quyền con người, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bành trướng bá quyền, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa  phân biệt chủng tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện được những mục đích và nhiệm vụ trên, Hội tiến hành những công tác sau đây:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân.

- Tổ chức bồi dưỡng về khoa học pháp lý, chế độ chính sách pháp luật cho cán bộ và hội viên, giới thiệu các tư liệu pháp lý.

- Tổ chức những cuộc thảo luận các dự án pháp luật theo yêu cầu của Nhà nước.

- Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề pháp luật.

- Xuất bản sách báo pháp lý.

- Tham gia các họat động chính trị pháp lý theo yêu cầu của Nhà nước và của Mặt trận Tổ quốc.

- Hợp tác trên lĩnh vực pháp lý với các tổ chức Luật gia các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước Lào và Campuchia và các nước khác, trao đổi các phái đoàn, với các nước đó, tham gia các hoạt động quốc tế, nhằm tranh thủ sự đồng tình của các nước đối với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta và thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Hội.

II- HỘI VIÊN

Tất cả những người làm công tác pháp luật (nghiên cứu, giảng dạy, thực hành pháp luật) hoặc đã kinh qua công tác pháp luật, tán thành điều lệ của Hội  và tự nguyện hoạt động cho Hội đều có thể gia nhập Hội.

Đơn xin gia nhập tỉnh Hội, thành Hội do Ban Thường trực tỉnh Hội, thành Hội xét và quyết định chấp nhận, ở các cơ quan Trung ương do Ban Thường vụ Trung ương hội xét và quyết định. Tỉnh Hội, thành Hội sau khi quyết định chấp nhận đơn sẽ báo cho Ban Thường vụ Trung ương biết. Khi có thuyên chuyển đi nơi khác thì báo cho Ban Chấp hành nơi đến để cho tiếp tục sinh hoạt, đồng thời báo cho Ban Thường vụ Trung ương biết.

Việc công nhận là hội viên tính từ ngày có quyết định chấp nhận của tỉnh Hội, thành Hội hoặc Ban Thường vụ Trung ương.

Hội viên xin ra Hội sẽ báo cho Ban Thường trực tỉnh Hội, thành Hội hoặc Ban Thường vụ Trung ương nơi sinh hoạt biết. Việc xin ra tính từ ngày báo cho Hội biết.

Hội viên có những quyền sau đây:

1- Ứng cử, đề cử và bầu cử vào cơ quan lãnh đạo của Hội ở Trung ương cũng như ở địa phương.

2- Thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội trong các hội nghị của Hội.

3- Được cấp những tài liệu cần thiết.

4- Đưa những kiến nghị hoặc ý kiến phê bình đối với hoạt động của Hội.

5- Tham gia các hoạt động của Hội, dự các cuộc sinh hoạt các buổi bồi dưỡng nghiệp vụ do Hội tổ chức v.v…

6- Được nhận thẻ hội viên.

Hội viên có những nghĩa vụ sau:

1- Chấp hành điều lệ, nội quy và nghị quyết của Hội.

2- Thực hiện tốt các công tác Hội giao cho, tham dự đều đặn các cuộc sinh hoạt của Hội.

3- Gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chính sách và pháp luật của nhà nước, tích cực hoạt động cho Hội.

4- Tuyên truyền phổ biến pháp luật Nhà nước trong nhân dân theo sự phân công của Hội hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

5- Đóng hội phí đều đặn.

III- TỔ CHỨC CỦA HỘI

Tổ chức của Hội gồm có:

- Ở trung ương: Trung ương Hội.

- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: tỉnh Hội, thành Hội.

- Ở cấp huyện và cấp tương đương, ở các cơ quan trung ương: Tổ hội viên.

A- Trung ương Hội.

Ở Trung ương, các cơ quan lãnh đạo gồm có:

- Đại hội toàn quốc  

- Ban chấp hành trung ương

- Ban Thường vụ trung ương.

1- Đại hội toàn quốc:

Đại hội toàn quốc là cơ quan cao nhất của Hội.

Đại hội do Ban chấp hành trung ương triệu tập 5 năm 1 lần và có thể họp bất thường. Đại hội gồm các đại biểu do các tỉnh Hội, thành Hội và các tổ hội viên của các cơ quan trung ương bầu ra theo tỷ lệ do Ban Thường vụ trung ương quyết định. Nơi nào có hội viên nhưng chưa thành tổ chức thì Ban Thường vụ trung ương có thể tạm thời chỉ định đại biểu đi dự Đại hội.

Đại hội quyết định theo đa số đại biểu có mặt, trừ trường hợp sửa đổi điều lệ nói dưới đây. Số đại biểu có mặt phải quá nửa tổng số đại biểu của Hội.

Đại hội toàn quốc có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

- Thông qua báo cáo công tác của Ban chấp hành trung ương.

- Quyết định đường lối, phương hướng nhiệm vụ công tác và tổ chức cho nhiệm kỳ tới.

- Quyết định sửa đổi điều lệ của Hội nếu cần và thông qua Điều lệ sửa đổi.

- Bầu Ban chấp hành trung ương mới.

2- Ban chấp hành Trung ương:

Ban Chấp hành trung ương gồm từ  35 đến 41 ủy viên.

Ban họp 6 tháng 1 lần do Thường vụ trung ương triệu tập, khi cần thì được triệu tập bất thường. Ban quyết định theo đa số thành viên có mặt. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương là 5 năm.

Ban chấp hành Trung ương có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

- Thông qua chủ trương thực hiện những Nghị quyết của Đại hội, thông qua chương trình công tác hàng năm và 6 tháng của Hội.

-  Bầu Ban Thường vụ trung ương.

- Thông qua báo cáo công tác của Ban Thường vụ trung ương.

- Quyết định triệu tập Đại hội toàn quốc theo đề nghị của Ban Thường vụ trung ương.

3- Ban Thường vụ trung ương:

Ban Thường vụ trung ương gồm:

- Một Chủ tịch

- Một Phó Chủ tịch

- Một Tổng thư ký

- Và một số ủy viên.

Ban Thường vụ họp ít nhất 1 tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. Phải có mặt của đa số thành viên Ban Thường vụ thì quyết định mới có giá trị. Nhiệm kì của Ban thường vụ trung ương theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương.

Ban Thường vụ trung ương có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:

- Quyết định các biện pháp, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết và chủ trương của Đại hội toàn quốc và của Ban chấp hành, cụ thể hóa và thực hiện chương trình công tác đã được Ban chấp hành trung ương thông qua.

- Quyết định việc thành lập và bãi bỏ các tỉnh Hội, thành Hội, các Tổ hội viên các cơ quan trung ương, các Ban chuyên trách và các nhóm chuyên đề, giúp đỡ và chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đó.

- Quyết định công tác xuất bản sách báo của Hội.

- Tổ chức các cuộc sinh hoạt và các hoạt động khác của Hội ở Trung ương.

- Tổ chức và chỉ đạo công tác đối ngoại.

- Quyết định hội phí.    

- Tổ chức và lãnh đạo Văn phòng trong công tác quản lý văn kiện và tư liệu, biên chế và cán bộ, tài sản và tài vụ của Hội.

Các Ban chuyên trách và các nhóm chuyên đề giúp Ban Thường vụ trung ương thực hiện những nhiệm vụ của mình trên các mặt công tác nghiên cứu, tuyên truyền, đối ngoại, tổ chức v.v…

B- Tỉnh Hội, thành Hội, Tổ hội viên.

Việc thành lập các tỉnh Hội và thành Hội do Ban Thường vụ trung ương quyết định với sự đồng ý của cấp ủy và chính quyền địa phương.

Việc thành lập các tổ hội viên ở các cơ quan Trung ương do Ban thường vụ trung ương quyết định với sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan: các tổ này trực thuộc Trung ương Hội.

Việc thành lập các tổ hội viên ở huyện và ở các cấp tương đương do Ban Thường trực tỉnh Hội và thành Hội quyết định với sự đồng ý của các cấp ủy và chính quyền địa phương; các tổ này trực thuộc tỉnh Hội, thành Hội.

Đại hội tỉnh Hội, thành Hội họp 4 năm 1 lần và có thể họp bất thường. Đại hội gồm toàn thể hội viên hoặc đại biểu hội viên bầu theo tỷ lệ do Ban thường trực tỉnh Hội, thành Hội quyết định. Đại hội bầu ra Ban chấp hành tỉnh Hội, thành Hội. Số thành viên của Ban chấp hành tối đa là 15 người. Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên thư ký do Ban bầu ra, họp thành Ban Thường trực của tỉnh Hội, thành Hội, nhiệm kỳ của các Ban này là 4 năm.

Đại hội tỉnh Hội, thành Hội quy định chi tiết tổ chức của tỉnh Hội, thành Hội. Nó cũng quy định phương hướng hoạt động của tỉnh Hội, thành Hội trong khuôn khổ, phương hướng hoạt động Đại hội toàn quốc đã đề ra. Tỉnh Hội, thành Hội và các Tổ hội viên các cơ quan trung ương báo cáo hoạt động với Ban Thường vụ trung ương 6 tháng một lần.

Tổ hội viên là đơn vị cơ sở của Hội. Cơ quan lãnh đạo của tổ gồm Tổ trưởng và một số tổ phó do Hội nghị tổ bầu ra 2 năm 1 lần. Hoạt động của Tổ hội viên, quyền hạn nhiệm vụ của tổ trưởng và tổ phó do cơ quan thành lập tổ quy định.

IV- KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT.

Tỉnh Hội, thành Hội, tổ hội viên, hội viên có thành tích xuất sắc có thể được khen thưởng.

Tỉnh Hội, thành Hội do Ban chấp hành trung ương tặng giấy khen hoặc đề nghị Mặt trận Tổ quốc trung ương hoặc Nhà nước thưởng tùy theo trường hợp.

Tổ hội viên, hội viên ở tỉnh, thành do Ban Thường trực tỉnh Hội, thành Hội tặng giấy khen. Ở Trung ương do Ban Thường vụ trung ương tặng giấy khen.

Hội viên mất tư cách hoặc gây tổn hại cho uy tín, quyền lợi của Hội, tùy theo mức độ sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc đưa ra khỏi Hội có kỳ hạn, hoặc không kỳ hạn. Người bị xét kỷ luật có quyền tự bào chữa trước cơ quan xét định kỷ luật. Kỷ luật ở trung ương do Ban Thường vụ trung ương quyết định. Ở tỉnh, thành do Ban thường trực tỉnh Hội, thành Hội quyết định. Quyết định này phải được 2/3 tổng số thành viên của Ban tán thành.

Các khiếu nại về kỷ luật ở trung ương do Ban chấp hành trung ương giải quyết, ở tỉnh, thành do Ban chấp hành tỉnh Hội, thành Hội giải quyết.

V- TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Quỹ của Hội gồm:

- Các Hội phí do hội viên đóng góp.

- Tiền trợ cấp của Nhà Nước.

- Các tăng phẩm của tư nhân và của các tổ chức trong nước và nước ngoài mà Hội được phép giữ lại theo chế độ hiện hành.

- Các thu nhập do hoạt động của Hội.

- Ở trung ương, hội phí sẽ nộp vào Văn phòng trung ương Hội; ở tỉnh Hội, thành Hội, hội phí sẽ được nộp cho Văn phòng tỉnh Hội, thành Hội. Ban Thường vụ trung ương Hội, Ban Thường trực tỉnh Hội, thành Hội có thể trích một số hội phí cấp cho các tổ hội viên trực thuộc để chi phí vào cuộc sinh hoạt của tổ.

- Hằng năm quỹ và tài sản của Hội phải được kiểm kê. Tình hình quỹ và tài sản ở trung ương phải được Ban thường vụ trung ương báo cáo cho Ban chấp hành Trung ương và Đại hội toàn quốc; ở tỉnh Hội, thành Hội phải được Ban thường trực tỉnh Hội, thành Hội báo cáo cho Ban chấp hành và Đại hội tỉnh Hội, thành Hội trong mỗi kỳ họp.

VI- TRỤ SỞ.

Trụ sở của Hội Luật gia Việt Nam đặt tại thủ đô Hà Nội.

VII- SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ.

Chỉ có Đại hội toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ. Việc sửa đổi điều lệ chỉ có hiệu lực nếu quá nửa tổng số đại biểu hội viên đến dự họp và 2/3 đại biểu dự họp tán thành.

 
   

 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD