11:36 26/08/2022 GMT+7
Đảng đoàn Quốc hội ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị
Ngày 12/8/2022 đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã ký ban hành: Kế hoạch số 862-KH/ĐĐQH15 triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Trong Chỉ thị này, Bộ Chính trị đã giao: “Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, phát huy Hội Luật gia Việt Nam tham gia tích cực, hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật”.

 

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ nói trên, Đảng đoàn Quốc hội đề ra mục đích, yêu cầu như sau:

 

1. Bảo đảm triển khai thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Chỉ thị số 14-CT/TW.

 

2. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội.

 

3. Gắn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được xác định trong Chỉ thị số 14-CT/TW với các nhiệm vụ lập pháp và thời hạn thực hiện được xác định tại Kế hoạch số 81-/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV của Đảng đoàn Quốc hội (sau đây gọi là Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15), các Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội.

 

4. Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội phải được quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc; các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần bám sát nội dung và yêu cầu công việc được giao trong Kế hoạch; phải phân công rõ trách nhiệm và xác định cụ thể thời gian thực hiện; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

 

Về nội dung, tiến độ và phân công thực hiện, kế hoạch xác định cụ thể là:


1. Nghiên cứu, rà soát và đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có quy định liên quan đến việc phát huy Hội Luật gia Việt Nam tham gia trong công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật

1.1. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trọng tâm là nghiên cứu, rà soát Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm rà soát các quy định có liên quan, bảo đảm phát huy vai trò và tạo điều kiện để Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

1.2. Trường hợp qua nghiên cứu, rà soát các luật, nghị quyết nêu trên có nội dung liên quan đến việc phát huy Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác nghiên cứu, đề xuất, phản biện, kiến nghị hoàn thiện pháp luật mà cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản thì cơ quan được giao chủ trì có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

 

2. Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

2.1. Hội Luật gia Việt Nam tổ chức nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài Thương mại theo đúng yêu cầu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, bảo đảm hoàn thành trong năm 2022.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc nghiên cứu, rà soát văn bản nêu trên.

2.2. Trường hợp qua nghiên cứu, rà soát cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại thì Hội Luật gia Việt Nam lập đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và các cơ quan có liên quan thẩm tra đề nghị xây dựng Luật khi có đề nghị chính thức của Hội Luật gia Việt Nam.

 

3. Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong tham gia công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết

3.1. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết có nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam và trong các trường hợp cần thiết khác cần chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của Hội Luật gia Việt Nam.

3.2. Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu, tham gia ý kiến trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

 

4. Phát huy vai trò của Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc lấy ý kiến về dự án luật tại địa phương

Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến về các dự án luật tại địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia góp ý kiến.

 

5. Phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác giám sát thi hành pháp luật

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thường xuyên phối hợp, phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác giám sát thi hành pháp luật.

 

Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nói trên, kế hoạch này phân công như sau:

1. Căn cứ vào Kế hoạch này, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có liên quan xác định các nhiệm vụ cụ thể, tiến độ chi tiết, chủ động phân công, tổ chức triển khai thực hiện đúng yêu cầu.

 

2. Đề nghị Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam quan tâm chỉ đạo cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

 

3. Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm cơ quan đầu mối căn cứ vào nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch này theo dõi việc thực hiện; kịp thời báo cáo Đảng đoàn Quốc hội các vấn đề phát sinh để xem xét quyết định.

 

4. Văn phòng Quốc hội tham mưu, phục vụ và bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất để các cơ quan của Quốc hội thưc hiện Kế hoạch này. Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội phối hợp cùng Thường trực Ủy ban pháp luật theo dõi quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch./.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD