14:57 18/09/2015 GMT+7
Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - tác động đa chiều.
Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2015, tại trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN đã tổ chức Hội thảo: “công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - tác động đa chiều” với sự chủ trì của GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN. Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học pháp lý và hoạt động thực tế cùng đại diện một số Bộ, Ban, ngành và Trường Đại học ở Hà Nội…

TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc. 


Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nêu rõ: “Quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung” là một vấn đề rất mới. Vì vậy, đồng chí hy vọng trong cuộc hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, từ hoạt động thực tiễn sẽ đưa ra những nhận xét, đóng góp ý kiến xác đáng, hiểu đúng vấn đề, trên cơ sở đó để có những kiến nghị phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

GS.TS. Lê Minh Tâm và GS.TS Lê Hồng Hạnh chủ trì hội thảo.


Các ý kiến tham luận và thảo luận tại hội thảo cho rằng, quyền im lặng được quy định trong pháp luật nhiều nước thuộc các hệ thống khác nhau nên có những nội dung khác nhau, tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, truyền thống pháp luật ở mỗi quốc gia, nhưng vẫn có những nội dung cơ bản sau:

- Nghi phạm có quyền không khai báo để buộc tội mình.

- Nghi phạm có quyền có luật sư để hỗ trợ pháp lý nói chung, hỗ trợ khi khai báo nói riêng.

- Nghi phạm có quyền có luật sư chứng kiến khi lấy lời khai.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương

và GS.TSKH. Đào Trí Úc, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội tham dự và trình bày tham luận.


Tuy nhiên, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội, người bị tạm giữ. Bị can, bị cáo có quyền khai báo sau khi được giải thích về quyền im lặng. Việc nhận tội của bị can, bị cáo luôn được xem là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt trong quyết định hình phạt đối với bị cáo.

LS. Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày tham luận.


Các ý kiến phát biểu đều đề xuất ở Việt Nam đã đến lúc cần quy định trong luật về quyền im lặng trong một phạm vi hợp lý, khả thi, ít nhất cần thể hiện được những nội dung sau:

Thứ nhất: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo để buộc tội mình trong mọi giai đoạn tố tụng và họ phải được giải thích về quyền đó, Không được coi việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không khai báo là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Thứ hai: người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền có luật sư bào chữa; trong những trường hợp luật định (như là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần…) được bảo đảm có luật sư để giúp đỡ khai báo.

Thứ ba: khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có luật sư thì việc lấy lời khai, hỏi cung phải có mặt luật sư.

Thứ tư: Lời khai nhận tội của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vi phạm các quy định trên không có giá trị chứng minh./.

Văn Tạ. 

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD