09:33 22/12/2015 GMT+7
Công bố Luật Trưng cầu ý dân
Sáng ngày 18/12/2015 tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo giới thiệu Lệnh của Chủ tịch nước số 28/2015/L-CTN ngày 08/12/2015 về việc công bố Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa 13thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.

 

Đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đọc lệnh về việc công bố Luật. Ảnh: Lê Quân


Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã giới thiệu với các nhà báo về sự cần thiết ban hành, bố cục và một số nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân. Đồng chí cho biết, ban hành Luật trưng cầu ý dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ban hành Luật trưng cầu ý dân phản ánh nhu cầu khách quan, cần thiết trong giai đoạn hiện nay, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân góp phần tạo ra cơ sở pháp lý đồng bộ và những điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

Đồng chí Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân. Ảnh: Lê Quân


Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng về các lĩnh vực với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Luật Trưng cầu ý dân có 8 chương, 52 Điều, trong đó chương I quy định về những quy định chung; chương II quy định về đề nghị trưng cầu ý dân và quyết định việc trưng cầu ý dân; chương III quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong tổ chức trưng cầu ý dân; chương IV quy định về danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân; chương V quy định về thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân; chương VI quy định về trình tự, thủ tục bỏ phiếu trưng cầu ý dân, quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân; chương VII quy định về kết quả trưng cầu ý dân và chương VIII quy định về xử lý vi phạm pháp luật về trưng cầu ý dân và điều khoản thi hành.

Tại cuộc họp báo, đồng chí Lê Minh Tâm đã trả lời các câu hỏi nhà báo nêu lên.

Luật Trưng cầu ý dân có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016

Lê Quân

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD