08:40 13/01/2020 GMT+7
Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động tạo nên sức mạnh mới”
Nhân dịp Tết Canh Tý 2020, tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật về kết quả hoạt động của hội năm 2019 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

 

Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trao đổi với PV

 

Thưa chủ tịch, năm 2019 vừa qua, hội Luật gia Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, Chủ tịch đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được, trong đó kết quả nào là nổi bật nhất?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2019 là năm cuối cùng các cấp hội và toàn thể hội viên hội Luật gia Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đã đề ra cho cả nhiệm kỳ 2014-2019.

Do vậy, ngay từ đầu năm, Ban chấp hành, Ban thường vụ Trung ương hội đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2019. Trên cơ sở đó, các cấp hội đã đồng loạt tổ chức quán triệt, triển khai mạnh mẽ các hoạt động với nhiều hình thức phong phú trên tất cả các lĩnh vực công tác:Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; Tư vấn giải quyết khiếu nại và hoà giải ở cơ sở; Tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật; Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; Công tác tổ chức cán bộ và hội viên…

Đến nay, có thể khẳng định rằng, tất cả các nhiệm vụ đề ra đều đã được thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả tích cực. Ví dụ, trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm góp ý kiến cho 28 dự thảo văn bản, trong đó 19 dự thảo luật, 4 dự thảo văn bản dưới luật và hàng nghìn dự thảo văn bản của địa phương. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đã tổ chức được gần 100.000 cuộc cho hàng triệu lượt người tham gia, nhất là trong khuôn khổ thực hiện Đề án “xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2017-2021.

Đặc biệt là, trong năm 2019, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức  thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024, đánh dấu chặng đường phát triển mới của hội trong tiến trình phát triển của đất nước. Có thể nói, đây là kết quả nổi bật nhất trong hoạt động của hội năm 2019 vừa qua.

Xin chủ tịch đánh giá rõ hơn về thành công của đại hội XIII và tầm quan trọng của Đại hội đối với tổ chức và hoạt động của hội trong những năm tới?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Như chúng ta đã biết, được sự đồng ý của Ban Bí thư trung ương Đảng, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 tại Hà Nội trong hai ngày 12 và 13/9/2019 để đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ XII và bàn, quyết định mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ nhiệm kỳ XIII.

 

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc HLG Việt Nam khoá XIII

 

Thành công lớn nhất của đại hội là đã thảo luận và thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ khoá XII, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, toàn thể các cấp hội và hội viên hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2014 - 2019 được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đề ra, chủ động xây dựng và thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch công tác, trong đó có nhiều nội dung, nhiều mặt hoạt động có bước phát triển mới. Chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của hội tiếp tục được đẩy mạnh; nội dung, hình thức và phương pháp tham gia ngày càng phong phú, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở tiếp tục được củng cố và đạt nhiều kết quả tích cực; nội dung, phương thức hoạt động đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội và người dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Các hoạt động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính của các cấp hội tiếp tục được thực hiện tốt.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của hội Luật gia Việt Nam được mở rộng và có bước phát triển mới. Hội đã chủ động đề xuất các sáng kiến tổ chức nhiều hoạt động ở trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, củng cố và nâng cao uy tín của hội, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế và các nguồn lực cho các hoạt động của hội.

Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội tiếp tục được củng cố và phát triển một bước. Đội ngũ cán bộ làm công tác hội được tăng cường, năng lực, trình độ và kỹ năng công tác của cán bộ hội được nâng lên đáng kể. Công tác phát triển hội viên tiếp tục được thực hiện tốt.

Đại hội cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của hội Luật gia Việt Nam. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt các quan điểm, định hướng và nội dung các văn bản của Đảng, Nhà nước đối với hội Luật gia Việt Nam; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên; Đẩy mạnh công tác tổ chức, cán bộ và hội viên. Phối hợp với các cơ quan có liên quan sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với các chủ trương của Đảng; Chủ động triển khai toàn diện các mặt hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ của hội, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá, hoàn thành tốt Đề án “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”;  Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp hội.

Phát huy vai trò của hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)…

Tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hội Luật gia Việt Nam với hội Luật gia Dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội Luật gia các nước Asean (ALA), Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác mà hội đã có mối quan hệ; chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trên thế giới…

Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (04/4/1955 – 04/4/2020) và Đại hội thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam lần thứ III.

Một trong những thành công quan trọng khác đó là, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương hội Luật gia khoá XIII (nhiệm kỳ 2019-2024) với 114 luật gia, bầu Ban kiểm tra Trung ương hội khoá XIII gồm 7 luật gia và Thông qua Điều lệ hội Luật gia Việt Nam mới, trình Thủ tướng phê chuẩn.

Có thể nói, việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII rất có ý nghĩa, là bước chuyển tiếp đánh dấu một chặng đường phát triển mới của hội Luật gia Việt Nam trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Thành công của Đại hội cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, hội viên luật gia cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hội, tạo nên sức mạnh mới.

Được biết, trong năm 2019, hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức thành công Hội thảo khoa học về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”. Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của hội thảo này là gì?

 

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội thảo khoa học Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực”


TS. Nguyễn Văn Quyền: Với tư cách là một cơ quan đồng tổ chức hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông, hội Luật gia Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong việc quy tụ các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thảo luận về các vấn đề có tầm quan trọng đối với hòa bình và phát triển như: An ninh biển; luật pháp quốc tế; kinh tế biển và sinh thái biển.

Có thể nói, trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò và tiếng nói của giới luật gia càng quan trọng trong việc củng cố, duy trì tính tôn nghiêm của môi trường luật pháp quốc tế.

Trong những thách thức đến từ các diễn biến trên Biển Đông, hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp cùng Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức nhiều cuộc Hội thảo về Biển Đông để làm cầu nối giữa các học giả, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Luật Biển. Hội thảo là cơ hội để các luật gia trong nước và quốc tế, có được cơ hội gặp gỡ, trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn và trí tuệ để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.

Thưa Chủ tịch, năm 2020 đã đến. Vậy, những nhiệm vụ trọng tâm nào đang đặt ra cho các cấp hội?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2020, hội Luật gia Việt Nam xác định tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác của hội Luật gia Việt Nam. Trọng tâm là: Tổ chức thực hiện tốt thông báo kết luận số 50 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Trước hết là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hoạt động để thực hiện Nghị quyết đại hội Đại biểu toàn quốc hội Luật gia lần thứ XIII và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp hội và hội viên về vị trí, vai trò và trách nhiệm của hội Luật gia Việt Nam trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức các hội thảo, toạ đàm góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật.

Đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải ở cơ sở; triển khai tốt việc thực hiện Đề án “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”, theo quyết định 705 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống hội và đến các tầng lớp nhân dân. Tích cực tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính; giám sát, phản biện xã hội; giám sát việc thi hành pháp luật.

Trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hiệp hội Luật gia châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Luật các nước Asean và các hoạt động đối ngoại khác… Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương và giải pháp lớn về công tác tổ chức, cán bộ, hội viên đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng đoàn, ban Thường vụ, ban Chấp hành TƯ hội.

Với tinh thần và khí thế mới, tôi mong rằng, toàn thể cán bộ, hội viên, hội luật gia Việt Nam, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII hội Luật gia Việt Nam, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD