16:46 16/01/2017 GMT+7
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam – TS. Nguyễn Văn Quyền: Đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao
Năm 2016, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây cũng là năm các cấp Hội Luật gia Việt Nam đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội Luật gia Việt Nam đã đề ra. Nhân dịp năm mới Đinh Dậu, phóng viên (P.V) báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn TS. Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

-P.V: Thưa Chủ tịch, năm 2016 vừa qua đi, Chủ tịch đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động của Hội? Điều gì Chủ tịch thấy ấn tượng nhất?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Như chúng ta đã biết, năm 2016 là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây cũng là năm thứ hai, các cấp Hội Luật gia Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Hội. Trong bối cảnh đó, bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động, đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra cho năm 2016. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác và đến nay, có thể nói đã đạt được những kết quả rất khả quan. Trước hết là trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, Thường trực Trung ương Hội đã chỉ đạo Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật tổ chức 23 cuộc tọa đàm góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhìn chung, các văn bản góp ý kiến của Hội đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan khác đánh giá cao.

Ở địa phương, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia góp ý kiến vào nhiều dự thảo Luật quan trọng như: Luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, luật Điều ước quốc tế, luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, luật Tiếp cận thông tin, luật Báo chí (sửa đổi) và góp ý kiến vào dự thảo luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), luật về Hội… Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở đều đạt những kết quả đáng ghi nhận. Hội Luật gia Việt Nam cũng tích cực tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật và hòa giải ở cơ sở, mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên. Đặc biệt trong năm 2016, các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan bầu cử và tham gia các tổ chức bầu cử ở địa phương. Nhiều hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Nếu hỏi tôi điều gì thấy ấn tượng nhất thì tôi có thể kể đến 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Hội năm 2016 và một trong số ấy là thành công của việc thực hiện Đề án 1133.

-P.V: Vâng, xin Chủ tịch có thể nói rõ hơn về kết quả của việc thực hiện Đề án này?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Ngày 15/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1133/QĐ-TTg, trong đó giao Hội Luật gia Việt Nam chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2013-2016”. Đây là một Đề án mới và khó. Do đó, ngay sau khi Đề án được ban hành, Hội Luật gia Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Đề án, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Có thể nói, xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL là một chủ trương nhất quán của Đảng ta xuất phát từ nhu cầu khách quan của đời sống xã hội trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Vì vậy, chủ trương này cần được nhận thức thống nhất, đầy đủ và trở thành trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trước mắt cũng như lâu dài.

Qua 3 năm triển khai thực hiện cho thấy, nhận thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan và Hội Luật gia các cấp về vai trò, ý nghĩa của việc xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL đã được nâng lên rõ rệt. Việc triển khai Đề án ở Trung ương cũng như ở địa phương đã được thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng. Việc nghiên cứu đề xuất để hoàn thiện các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường xã hội hóa hoạt động PBGDPL và TGPL đã được Hội Luật gia Việt Nam tổ chức một cách bài bản. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cũng bộc lộ một số hạn chế như: công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa đồng đều ở một số địa phương; công tác chỉ đạo còn chưa kịp thời; công tác hướng dẫn thực hiện Đề án của một số tỉnh, thành Hội chưa thật sát sao; chế độ thông tin, báo cáo chưa thật sự nghiêm túc; việc thực hiện một số nhiệm vụ của Đề án chưa đạt kết quả như mong muốn... Hy vọng những hạn chế này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới. Hội Luật gia Việt Nam đã tổng kết và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Đề án và đề nghị Thủ tướng giao cho Hội tiếp tục triển khai Đề án đến năm 2021, gắn với việc thực hiện Luật PBGDPL, Luật TGPL và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL.

-P.V: Là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại diện của giới luật gia Việt Nam, Chủ tịch quan tâm những vấn đề gì nhất trên diễn đàn Quốc hội?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Vì vậy, tôi cũng như các đại biểu Quốc hội khác phải tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, đó là hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, với tư cách là đại diện của giới luật gia Việt Nam, tôi đặc biệt quan tâm và sẽ dành nhiều tâm huyết cho công tác lập pháp.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tôi sẽ phải chú ý lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trong quá trình thi hành pháp luật để có những ý kiến xác đáng tham gia vào việc xây dựng các dự thảo luật, pháp lệnh và các nghị quyết của Quốc hội với chất lượng cao, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

-P.V:Thưa Chủ tịch, năm vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp gì trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông? Chủ tịch đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của những cuộc hội thảo quốc tế mà Hội Luật gia Việt Nam tham gia với vấn đề hòa bình trên Biển Đông hiện nay?

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Phát huy uy tín trên vũ đài pháp lý trong khu vực và trên thế giới, năm 2016, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai nhiều hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Chẳng hạn như: Hội đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng điều hành lần thứ 38 của Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA) tại TP.HCM. Đây là tiền đề để Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ của ALA trong thời gian tiếp theo và đã đặt được nền tảng để ALA lưu tâm đến vấn đề Biển Đông; hoặc phối hợp với trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982” tại TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hội đã cử lãnh đạo tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế khác mà nội dung, chủ đề có liên quan đến vấn đề Biển Đông và có ý kiến phát biểu được ghi nhận, đánh giá cao.

Đáng chú ý là Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ VIII với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” vào trung tuần tháng 11 năm 2016 do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông đồng tổ chức. Tôi đã tham dự và chủ trì phiên khai mạc Hội thảo. Hội thảo đã thảo luận sâu nhiều khía cạnh ở Biển Đông, góp phần đạt được những nhận thức chung về những diễn biến trong khu vực, các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp Biển Đông; triển vọng về các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp trong khu vực. Đáng chú ý là, phiên thảo luận của hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển của các nước trong khu vực đã đem đến những ý tưởng và luận điểm mới. Bên cạnh các phiên làm việc chính, Hội thảo cũng dành riêng một phiên thảo luận đặc biệt cho nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình các lãnh đạo trẻ trình bày ý tưởng thúc đẩy hợp tác trong khu vực để chuẩn bị thế hệ kế cận tiếp nối và phát triển những ý tưởng hợp tác ở Biển Đông.

Có thể nói, các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến vấn đề Biển Đông mà Hội Luật gia Việt Nam tham gia có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng ta làm cho các học giả, các luật gia quốc tế hiểu rõ hơn về những cơ sở pháp lý của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông. Từ đó có tiếng nói ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

- P.V Trân trọng cảm ơn Chủ tịch và kính chúc Chủ tịch sang năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển, hoạt động hiệu quả trong giai đoạn mới.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD