20:34 01/09/2016 GMT+7
Chủ tịch Hội Luật gia: “Tránh tiêu cực trong tiếp nhận và thực hiện viện trợ phi Chính phủ nước ngoài”
Chiều 31/8/2016, tại trụ sở Hội Luật gia (HLG) Việt Nam (tầng 3, tòa tháp Ngôi Sao, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), HLG Việt Nam phối hợp với Trung tâm thông tin tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC) đã tổ chức hội thảo: “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội: Cơ chế quản lý viện trợ phi Chính phủ nước ngoài”.

 

Tham dự và chủ trì hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Văn Quyền -  Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HLG Việt Nam; Tiến sỹ Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; PGS.TS. Hồ Uy Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản lý NGO-IC cùng nhiều đại diện các tổ chức, ban ngành.

 

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Hồ Uy Liêm đánh giá, đây là hội thảo thực sự quan trọng đối với các tổ chức xã hội. “Nghị định 93/2009/NĐ-CP ra đời năm 2009 là rất quan trọng, có tác động tích cực, mạnh mẽ đến các tổ chức xã hội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, cần sửa đổi. Theo Nghị định 93 thì quy trình xây dựng, phê duyệt, thực hiện các dự án dự án có tài trợ của các tổ chức PCP nước ngoài khá quanh co, phức tạp. Có dự án mất 6 tháng để thẩm định. Mong rằng, tiếng nói của chúng ta sẽ đi đến những nơi cần phải đến để kiến nghị những nội dung cần sửa đổi của Nghị định 93, góp phần đưa hoạt động tiếp nhận và thực hiện viện trợ PCP nước ngoài có hiệu quả thiết thực”.

 

PGS.TS. Hồ Uy Liêm phát biểu


Tại hội thảo, luật sư, tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao - Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển - đã có bài phát biểu tâm huyết về cơ chế quản lý viện trợ PCP nước ngoài. Tuy nhiên, vị tiến sỹ không có cái nhìn tích cực về Nghị định 93, ông đưa ra nhiều vấn đề bất cập.

“Tôi đã tiếp cận dự thảo Nghị định 93 sửa đổi nhưng thấy nó rối như canh hẹ. Bản chất nội dung không có gì khác so với nghị định cũ nhưng có nhiều bất cập về thể chế, quy trình”, Luật sư, TS. Hoàng Ngọc Giao nhấn mạnh.

 

Luật sư, TS. Hoàng Ngọc Giao phát biểu


Ông Giao cũng cho rằng, việc soạn thảo các văn bản pháp quy liên quan đến viện trợ PCP Nhà nước nên giao cho bộ Nội vụ chứ không phải bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) như hiện nay. “Nhiều việc, sau khi bộ KH&ĐT thẩm định dự án, muốn được ra thực tế lại phải quay về sở KH&ĐT xin phép thẩm định gia hạn. Lúc đó, Sở KH&ĐT không có thông tin lại phải chạy sang Sở Nội vụ để lấy thông tin về tổ chức đó hoạt động như thế nào, tổ chức ra sao. Như thế sẽ rất phức tạp”, ông Giao đưa dẫn chứng.

Trên tinh thần xây dựng, ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững - cho rằng: “Nghị định 93 ra đời đã 7 năm, nhiều điểm đã hoàn thành sứ mệnh, đáp ứng sự phát triển trong thời gian qua. Nhưng so với sự phát triển chung từ quá trình hội nhập, những thay đổi bên trong của nền kinh tế nên cần thiết phải có sự điều chỉnh, sửa đổi”.

 

Ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững phát biểu


Ông Quyết nêu một số kiến nghị: “Bộ KH&ĐT ban hành rất nhiều mẫu nên khó khăn cho quá trình duyệt hồ sơ. Tôi đề nghị quy định một mẫu thống nhất cho phù hợp”. Nên đổi tên là “Quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại có yếu tố nước ngoài” và làm rõ thẩm quyền của một số hội, khi tiếp nhận hỗ trợ phải trình cơ quan nào phê duyệt….

Ông Lê Khắc Quang - Trưởng phòng các dự án quốc tế, Ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế, HLG Việt Nam - nhấn mạnh: “Nghị định sửa đổi cần có sự thống nhất với các văn bản khác, đặc biệt là Quy chế 272 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương”.

 

Ông Lê Khắc Quang - Trưởng phòng các dự án quốc tế, Ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế, HLG Việt Nam phát biểu


Ông Quang cũng chỉ rõ một số quy định trong Nghị định 93 không cụ thể gây khó khăn cho việc áp dụng như: Điều 15 về hồ sơ thẩm định, trong đó, “toàn bộ văn bản góp ý của các cơ quan liên quan về khoản viện trợ”; hay như Điều 34 sẽ dẫn đến cơ quan chủ quản và chủ khoản viện trợ đều có quyền thành lập ban quản lý dự án; quy định ban quản lý dự án phải làm thủ tục đăng ký cấp dấu riêng tại khoản 4, Điều 37, như vậy không tạo thuận lợi cho Ban quản lý dự án…

Tham gia phát biểu thảo luận, nhiều ý kiến sôi nổi, đa chiều góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 93.

TS. Thang Văn Phúc đưa quan điểm: “Không thể tự mình đóng khung trong một lối, chừng nào ta mở cửa thì sức sống của nền kinh tế xã hội và con người Việt Nam cũng sẽ lớn lên. Nếu chúng ta thiếu một hệ thống pháp luật chuẩn mực và đồng bộ thì tự chúng ta vẫn là nạn nhân của quá trình. Những người tử tế muốn làm tốt lại không làm được”.

 

TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu


“Nhà nước luôn khuyến khích và bảo đảm các viện trợ nước ngoài, nhất là viện trợ PCP. Như vậy, về tư tưởng, quy định, ngay cả trong các điều khoản rất cởi mở nhưng vì sao khi làm các vấn đề cụ thể lại nảy sinh nhiều bất cập? Chúng ta đang thiếu một cây gậy lớn – đó là luật về hội”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh và đồng quan điểm nên giao về cho bộ Nội vụ tiếp nhận các tổ chức PCP để đạt hiệu quả tối ưu.

“Thủ tướng luôn nhấn mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Do vậy, đừng làm mọi thứ rối rắm, chỉ nên có một cơ quan Nhà nước quản lý và chịu trách nhiệm, không để tình trạng nhiều Bộ cùng quản lý. Nếu chúng ta có cơ chế thuận lợi thì sẽ thu hút nhiều nguồn viện trợ nước ngoài hơn”, ông Phúc nói.

Chủ tịch HLG Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh: “Nhiều năm qua, Nghị định 93 đã tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức xã hội nhận và tổ chức thực hiện các khoản viện trợ PCP nước ngoài trong nhiệm kỳ gặp không ít khó khăn trong đàm phán ký kết với các tổ chức PCP. HLG cũng nằm trong xu thế chung đó. Do vậy, cần bàn luận thật kỹ, có sự thống nhất để có hướng xử lý các vấn đề. Chính phủ nhấn mạnh đến việc kiến tạo, phục vụ. Do vậy, cần giản tiện tối đa các thủ tục, công khai, rõ ràng, minh bạch, viện trợ đúng chỗ, tránh tiêu cực của câu chuyện xin viện trợ”.

 

Ông  Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HLG Việt Nam phát biểu


Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập: “Chúng tôi là “nạn nhân” của những quy định mang tính rắc rối nên bỏ nhiều dự án, nguồn vốn có thể mang lại những điều tốt đẹp cho người khuyết tật. Cần cụ thể, không nên đánh đồng dự án lớn với dự án nhỏ và có những quy định đơn giản hơn, phù hợp từng đối tượng để nhận thêm nhiều nguồn tài trợ”.

 

Bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc trung tâm Hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập phát biểu


Ông Phạm Quang Tú, (tổ chức oxfam) từng 15 năm làm ở PCP Việt Nam: “Cần thay đổi tư duy tiếp nhận viện trợ, đặc biệt là sở hữu các khoản viện trợ. Tuy nhiên, chúng ta luôn sẵn sàng từ bỏ những khoản viện trợ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, độc lập chủ quyền của Việt Nam. Mọi quy định phải dựa trên căn cứ của pháp luật”.

 

 

Ông Phạm Quang Tú (tổ chức oxfam) phát biểu


Ông Phạm Quang Sáng, hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước phải tạo ra cơ chế thuận lợi cho các tổ chức, vai trò chủ động của các đơn vị để thu hút nguồn tài trợ. Nên để bộ KH&ĐT tiếp tục quản lý, chúng ta có thể đóng góp xây dựng để thay đổi tích cực chứ cũng không nên chuyển giao cho bộ Nội vụ”.

 

Ông Phạm Quang Sáng - Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu


Bà Đỗ Thị Vân – Giám đốc NGO-IC: “Bất cập của Nghị định 93 đã có từ khi sinh ra bởi chủ yếu hướng tới các cơ quan của Nhà nước chứ không phải cho các tổ chức PCP. Bản thân các các đơn vị khi thuyết phục nhà tài trợ cũng gặp không ít khó khăn. Điều đó sẽ dễ dẫn đến sự nản lòng. Nên làm một nghị định khuyến khích huy động nguồn tài trợ không hoàn lại. Trong giai đoạn này cần khuyến khích nhanh không thì hết mất”.

Bà Đỗ Thị Vân – Giám đốc NGO-IC phát biểu


Ông Trương Văn Dũng – HLG TP. Hà Nội: “Trong khi chưa ra được luật về Hội nên sửa Nghị định 93, tách ra 2 đối tượng để điều chỉnh: Các tổ chức thuộc Nhà nước và các Hội. Cần trao mạnh quyền cho các hiệp hội, các tổ chức không thuộc Nhà nước”.

 

Ông Trương Văn Dũng – HLG TP. Hà Nội phát biểu


Ông Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng viện Pháp luật và kinh tế ASEAN, Tổng biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển: “ Không nên gây khó khăn cho các tổ chức xã hội khi nhận các nguồn viện trợ PCP nước ngoài, nhất là trong giai đoạn hội nhập như hiện nay”.

 

Ông Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng viện Pháp luật và kinh tế ASEAN HLG Việt Nam phát biểu


Bà Nguyễn Vân Yến – Trung tâm phát triển nông thôn bền vững: “Mẫu biểu báo cáo cần rút gọn và giảm lượng báo cáo đi sẽ tốt hơn cho các đơn vị”.

Ông Vũ Quốc Hùng – Phó vụ trưởng vụ đối ngoại nhân dân, ban Đối ngoại Trung ương: “Chúng ta ủng hộ những tổ chức có hoạt động phục vụ tốt cho cộng đồng. Những tổ chức có hoạt động có hại cho an ninh, chính trị, quốc phòng thì kiên quyết không ủng hộ”.

Ông Vũ Quốc Hùng – Phó vụ trưởng vụ đối ngoại nhân dân, ban Đối ngoại Trung ương phát biểu


Bà Dương Thị Nga – Trưởng ban hợp tác quốc tế và kỹ thuật Việt Nam: “Sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo có đại diện bộ KH&ĐT tham dự, tiếp tục đưa những khuyến nghị tới các cơ quan hữu quan”.

 

Bà Dương Thị Nga – Trưởng ban hợp tác quốc tế và kỹ thuật Việt Nam phát biểu


Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Hồ Uy Liêm khẳng định: “Cần sửa đổi Nghị định 93, giảm thiểu các thủ tục, khuyến khích tối đa tiếp nhận các viện trợ nhưng nghị định sửa đổi nên ngắn gọn, súc tích./.

Bài và ảnh: Dương Thu – Thành Long

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD