15:57 22/07/2015 GMT+7
Chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền pháp lý cho người nghèo và tham gia xây dựng pháp luật.
Hơn 16.500 người nghèo, người yếu thế đã được trao quyền pháp lý. 06 kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật đã được gửi các cơ quan có thẩm quyền.

Trong khuôn khổ của Dự án “Bảo đảm quyền pháp lý của người nghèo thông qua hỗ trợ Hội luật gia Việt Nam” do Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) hỗ trợ, ngày 17/7/2015 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền pháp lý cho người nghèo và tham gia xây dựng pháp luật” .

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích giúp cho các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tỉnh/thành Hội luật gia trên toàn quốc và các tổ chức xã hội chia sẻ những bài học kinh nghiệm về trao quyền pháp lý trong 5 năm qua, đồng thời cùng nhau chia sẻ về thực tiễn tham gia vận động xây dựng pháp luật của các tổ chức xã hội và bàn bạc phương hướng hợp tác trong tương lai.

Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm phát triển cộng đồng và công tác xã hội, Trung tâm thông tin phi chính phủ, Trung tâm Hỗ trợ - giáo dục trẻ em thiệt thòi Hạ Long và lãnh đạo của 30 Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc các tỉnh,thành Hội luật gia.

Đánh giá về kết quả năm năm hoạt động trao quyền pháp lý cho người nghèo, đại diện Trung ương Hội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Ban đối ngoại và hợp tác quốc tế cho biết, trong năm năm qua đã có 72 đề xuất trao quyền pháp lý từ các Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tỉnh/thành Hội Luật gia và 09 đề xuất từ các tổ chức xã hội được gửi về Trung ương Hội. Trong đó, có 16 đề xuất của các Trung tâm và 03 đề xuất của các tổ chức xã hội đã được lựa chọn để hỗ trợ trong khuôn khổ dự án do UNDP tài trợ. Kết quả là đã có 16.565 người được hưởng lợi từ các sáng kiến trao quyền pháp lý, trong đó có 12.405 người dân tộc thiểu số và 06 báo cáo kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, đại diện 3 Trung tâm tư vấn pháp luật và 2 tổ chức xã hội đã được mời chia sẻ kết quả việc thực hiện trao quyền pháp lý của các tổ chức và những khó khăn, bài học kinh nghiệm mà các tổ chức đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua. Cụ thể, Trung tâm TVPL Bình Thuận chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền pháp lý cho những hộ dân có đất bị thu hồi, Trung tâm TVPL Thuận Hóa chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền pháp lý cho trẻ em khai sinh quá hạn và các trường hợp đăng ký kết hôn muộn, Trung tâm TVPL Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn pháp luật cho nông dân và người dân tộc thiểu số, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển vùng duyên hải chia sẻ kinh nghiệm trao quyền pháp lý cho ngư dân, Câu lạc bộ Lâm nghiệp Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền pháp lý cho người nghèo và người dân tộc thiểu số được giao, được thuê hoặc nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh và các kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.

Để tiếp tục khẳng định được vai trò của mình trong công tác tham gia vận động chính sách, pháp luật và huy động các tổ chức xã hội khác tham gia cùng, Hội thảo đã dành ½ ngày để giới thiệu với các đại biểu tham dự về thực tiễn, phương pháp tiếp cận, những khó khăn, bài học kinh nghiệm và kiến nghị khi tham gia vận động chính sách nói chung và huy động ý kiến của các chuyên gia, đại biểu cho dự thảo Luật về Hội. Với tư cách là chuyên gia được mời tham gia Hội thảo, TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện Nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển, đã cung cấp cho đại biểu tham dự cơ sở lý luận và thực tiễn tham gia vận động/xây dựng pháp luật ở nước ta, trong đó nhấn mạnh những khó khăn, thách thức và các kiến nghị để làm tốt công tác này trong thời gian tới. TS. Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm, Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách Oxfam chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tham gia vận động xây dựng pháp luật của các tổ chức xã hội. Thông qua chia sẻ của hai chuyên gia, các đại biểu tham dự đã thu được những bài học đầy đủ cả về lý luận cũng như thực tiễn tham gia xây dựng pháp luật của các tổ chức xã hội, để từ đó có thể nâng cao chất lượng tham gia xây dựng pháp luật của tổ chức mình trong thời gian tới. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn tham gia xây dựng pháp luật, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những đóng góp thiết thực vào dự thảo Luật về Hội đang được cơ quan chủ trì soạn thảo lấy ý kiến. Các ý kiến đóng góp của chuyên gia, đại biểu sẽ được Trung ương Hội tổng hợp và gửi Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật về Hội và các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.  

Sau 01 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật và trao quyền pháp lý đã thành công tốt đẹp. Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật và trao quyền pháp lý diễn ra trong bối cảnh Hội luật gia Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp đang tham gia tích cực vào việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và xây dựng các đạo luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, hoạt động trợ giúp pháp lý đang được xã hội hóa mạnh mẽ, vai trò của đội ngũ cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý ngoài nhà nước ngày càng được củng cố và nâng cao.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh “mặc dù mới chỉ triển khai thí điểm tại 16 địa phương trong 5 năm qua nhưng sáng kiến trao quyền pháp lý đã bước đầu khẳng định những thành công ban đầu. Hoạt động trao quyền pháp lý được triển khai trong những lĩnh vực ‘nóng” như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết khiếu nại về đất đai, đăng ký khai sinh cho trẻ em, bảo vệ môi trường… Đối tượng được trao quyền pháp lý là những người yếu thế trong xã hội như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em… Có thể nói đây là chính sách mang đậm tính nhân văn của hoạt động trao quyền pháp lý, góp phần vào thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, trong việc bảo đảm quyền được tiếp cận các dịch vụ pháp lý một cách công bằng của các đối tượng yếu thế trong xã hội. Với 16,565 lượt người được hưởng lợi từ hoạt động trao quyền pháp lý trong 5 năm qua, có thể thấy phương pháp tiếp cận mới này là cách tiếp cận hiệu quả, phù hợp nhu cầu của các đối tượng được TGPL và thực tiễn của Việt Nam”.

Để tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý và vận động chính sách, pháp luật, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Quyền đề nghị trong thời gian tới các Trung tâm thuộc các tỉnh/thành Hội cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, trên cơ sở kết quả từ hoạt động trao quyền pháp lý trong 5 năm qua, cần nhân rộng mô hình hoạt động trao quyền pháp lý tại các địa phương thông qua việc thu hút, huy động các nguồn lực tại chỗ, sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Thứ hai, các địa phương đã triển khai hoạt động trao quyền pháp lý cần tổng kết hoạt động này tại địa phương, xây dựng kế hoạch hành động, đề xuất cụ thể, khả thi để tìm kiếm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc triển khai các hoạt động tiếp theo.

Thứ ba, cần kết hợp hoạt động trao quyền pháp lý với việc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Thứ tư, phát huy vai trò, vị thế của Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là tổ chức hàng đầu trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý và trao quyền pháp lý, tiếp tục củng cố mạng lưới trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, xây dựng các kế hoạch, đề án trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức xã hội, nhận thức của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động này.

Thứ năm, gắn việc tham gia vận động chính sách và pháp luật, trợ giúp pháp lý với việc triển khai Hiến pháp mới và các đạo luật liên quan đến quyền con người; Xác định các văn bản luật, vấn đề pháp lý mới, nóng hổi và phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoat động của Hội để đề xuất xây dựng, chủ động tham gia, phản biện, giám sát việc thực hiện; tập hợp các kiến nghị, đề xuất gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Thứ sáu, tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho hoạt động trợ giúp pháp lý và vận động chính sách, pháp luật, đề xuất cơ chế tiếp cận nguồn kinh phí dành cho trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Thứ bảy, nghiên cứu, xây dựng các mô hình, cách tiếp cận trợ giúp pháp lý mới, phù hợp với từng địa phương, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các cách làm mới trong hệ thống trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam và các tổ chức xã hội nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này./.

Phạm Xuân Anh

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD