11:19 16/09/2020 GMT+7
Cần xã hội hóa hơn nữa toàn bộ quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân
Hiện nay Quốc Hội đang tiến hành sửa đổi luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ lúc phát sinh đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân đang là vấn đề phức tạp, gây bức xúc và là vấn đề nóng, gây khá nhiều hệ lụy được toàn xã hội quan tâm, trước hết phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường hoàn chỉnh và triển khai thực thi nghiêm túc sẽ góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, ý thức công dân Việt Nam văn minh, xây dựng hình ảnh, Đất nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

 

 

Cũng như các vấn đề khác, trên nguyên tắc quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân là việc phát sinh từ chính người dân, do dân, cần phải làm thế nào để người dân hiểu ra và thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì vậy trong xây dựng các quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung này cần nghiên cứu thể chế hóa mối quan hệ giữa công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực tế của người dân, bảo đảm: việc gì có tính chất cụ thể, người dân làm được, tổ chức trực tiếp của người dân có thể làm được và làm tốt thì giao cho dân, cho tổ chức trực tiếp của họ, việc gì cần có sự phối hợp thì phối hợp. Các việc thuộc về quản lý nhà nước có quy mô chung, khó thì nhà nước làm, để từ đó xây dựng ý thức pháp luật, ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, bền vững. Điều này rất phù hợp với nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền: “dân làm chủ, lấy dân làm gốc”. Vấn đề chúng tôi muốn đề cập là trong tất cả các công đoạn của hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân nói riêng, cần cân nhắc giao một số việc cho người dân theo hướng xã hội hóa để gắn trách nhiệm của người dân, gắn trách nhiệm hoạt động thực tế của thiết chế khối phố, thôn bản, MTTQVN cấp cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư, cá nhân người dân trong suốt quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

  Nghiên cứu các chế  định liên quan đến nội dung này trong dự thảo Luật Bảo vệ môi (sửa đổi) trường thấy nhiều nội dung trong thực tiễn cuộc sống cơ bản đã được luật hóa. Trong dự thảo luật quy định nội dung mới phù hợp với thực tiễn hơn, xác định rõ hơn vai trò của cá nhân, hộ gia đình, MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư trong toàn bộ quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Dự thảo Luật quy định về nội dung này trong Mục 2 Chương VI được  người dân, dư luận quan tâm. Các quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người như hiện nay. Để đạt hiệu quả sẽ phải có một thời gian, một lộ trình nhất định để các quy định này được áp dụng và vận hành ổn định với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn  xã hội.

  Nhìn từ thực tiễn, ngược dòng thời gian chúng ta thấy trước đây (những thập niên 80 trở về trước) ở nông thôn làm gì có việc thu gom rác thải sinh hoạt tập trung đồng nghĩa với việc không có hiện tượng thải chất thải rắn sinh hoạt như bây giờ. Thời cuộc thay đổi, không chỉ ở thành phố mà nông thôn bây giờ rác thải rất nhiều, vứt ra khá tùy tiện, cứ đóng một khoản tiền nhất định thì tha hồ vứt rác, ý thức người dân trong bảo vệ môi trường kém dần đi làm cho núi rác cứ ngày một to lên, việc xử lý tốn kém, phức tạp hơn.

 Bên cạnh việc đã có quy định xã hội hóa trách nhiệm người dân trong việc trả phí thu gom, vận chuyển... trong dự thảo luật chưa quy định xã hội hóa trách nhiệm của các thiết chế cơ sở dưới phường, xã (là cơ sở như khối, xóm, các tổ chức MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc cấp xã, phường), chính họ là người trực tiếp quản lý người dân, nằm trong nhân dân, cùng với nhân dân, họ phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục, đến tận từng người dân, từng hộ gia đình và qua từng vụ việc cụ thể, hướng dẫn nhân dân, nhưng chưa tạo được cơ chế, chưa quy định theo hướng vừa giao trách nhiệm vừa từng bước xã hội hóa, tăng cường quản lý nhà nước để vận hành trực tiếp, không tốn kém nhiều mà đạt hiệu quả.

Điều chúng tôi quan tâm là những nội dung quy định tại Mục 2 Chương VI. Những quy định ở đây đã cơ bản thể hiện một phần xã hội hóa trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, gắn trách nhiệm người dân với việc thải chất thải. Tuy nhiên mới chỉ gắn trách nhiệm người dân vào cuộc không thôi là chưa đủ, cần xác định rõ hơn vai trò của MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư trong toàn bộ quá trình quản lý này. Bởi chính họ là tổ chức của dân, sát dân, cùng dân và quản lý trực tiếp hàng ngày. Chúng ta phải làm thế nào có cơ chế pháp lý để họ vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ. Muốn vậy phải có quy định theo hướng xã hội hóa: giao việc, phân khai ngân sách (trên thực tế hiện nay việc thu tiền bảo vệ môi trường đã do tổ dân phố, khối xóm thu rồi).

 Tại Khoản 7, Điều 76 Dự thảo quy định thì trách nhiệm, vai trò của MTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư chỉ mới là hướng dẫn, vận động, giám sát... là chưa đủ.

 Các công đoạn từ phân loại, tập kết, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt... là một quá trình. Chúng tôi đề nghị QH nghiên cứu xem xét có các công đoạn nào phù hợp với hoạt động của người dân và tổ chức của họ (như MTTQVN, các tổ chức chính trị xã hội hai cấp: cơ sở khối, xóm và phường xã) và quy định trong đạo luật này theo hướng giao cho họ; chính họ phải cùng người dân vào cuộc thì mới đảm bảo sâu, sát, cụ thể và đặc biệt là hiệu quả và chính hoạt động này sẽ làm các tổ chức đó vào việc thực sự, không phải chỉ là “nói suông, làm chay” khi họ được giao việc. Vấn đề mấu chốt là từ chính nguồn thu của dân, trở lại phục vụ dân, giải quyết các hậu quả chất thải rắn từ dân, cùng dân. Trong các công đoạn từ phân loại, tập kết, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ...Chúng tôi đề nghị nên chăng cần nghiên cứu để giao các việc hoặc một phần việc gồm tập kết, thu gom, lưu giữ, cho các thiết chế cơ sở Khối, xóm, xã đảm nhận toàn bộ hoặc một phần trong sự giám sát quản lý của cấp có thẩm quyền?

 Từ lý luận, thực tiễn và nghiên cứu quy định của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, chúng tôi đề nghị cần bổ sung vào Mục 2 Chương IV tại các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật 2 nội dung sau đây:

Thứ nhất: Cần quy định trách nhiệm, vai trò của thiết chế cơ sở: MTTQVN cấp cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư là định kỳ ít nhất 3 tháng một lần phải trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân ở cơ sở (đồng nghĩa với việc phải phân khai ngân sách cho hoạt động này - hiện nay đã có cơ chế hỗ trợ cho cơ sở hoạt động (Nghệ An quy định 23 triệu đồng/năm cho khối xóm nhưng không quy định nhiệm vụ, việc cụ thể nay cần xem đây chính là một việc cụ thể). Như vậy khác với tiền lệ là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật xưa nay chủ yếu do cấp xã, thành phố, tỉnh đảm nhận thì nên giao cho Khối, xóm có trách nhiệm trực tiếp tuyên truyền theo định kỳ hàng quý, có như vậy mới hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân được trực tiếp hơn, cụ thế, nhiều hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải được coi trọng và đi trước một bước.

Thứ hai: Ngoài việc quy định trong dự thảo luật, trách nhiệm, vai trò của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ dân phố, cộng đồng dân cư được giao nhiệm vụ hướng dẫn, vận động, giám sát.... dự thảo luật Bảo vệ môi trường cần bổ sung quy định các thành phần này phải trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ngay từ cơ sở. Chính sự vào cuộc trực tiếp của các thành phần này là cụ thể nhất (giao việc, trả tiền ví dụ như giao việc thu tiền phí rác thải của người dân, giao việc hoặc một phần việc thu gom, lưu giữ... chất thải rắn sinh hoạt) cần nghiên cứu bổ sung quy định để các thành phần này tham gia vào quá trình quản lý thì mới giám sát có hiệu quả. Đây chính là việc làm tiết kiệm, là cách xã hội hóa thiết thực nhất phát huy vai trò tổ chức cơ sở trong vận động người dân vào cuộc, xây dựng môi trường sống sạch, lối sống văn hóa, văn minh, mặt khác có nguồn thu cụ thể có hoạt động cụ thể, để xây dựng các tổ chức cơ sở khối phổ, xóm bản...vững mạnh./.

Hoàng Liên, Phó Chủ tịch HLG tỉnh Nghệ An

Góp ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD