16:38 11/08/2014 GMT+7
Bài phát biểu của đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ IX ngày 12 – 12 – 1998

GIỚI LUẬT GIA VIỆT NAM PHÁT HUY TRÍ TUỆ, ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CÙNG VỚI TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN TRONG SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG VẺ VANG CỦA DÂN TỘC

(Bài phát biểu của đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị,

Chủ tịch nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ IX ngày 12 – 12 – 1998)

Hôm nay, vui mừng đến dự Đại hội lần thứ IX Hội Luật gia Việt Nam, thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng Đại hội và từ diễn đàn này xin gửi đến các hội viên của Hội, đến toàn thể luật gia Việt Nam trong cả nước lời chào nhiệt thành với những tình cảm tốt đẹp nhất.

Lịch sử giới luật gia Việt Nam gắn liền với lịch sử của đất nước của dân tộc Việt Nam. Từ những ngày đầu của Cách mạng tháng 8 năm 1945, đông đảo luật gia của chúng ta đã hăng hái cùng nhân dân cả nước tiến bước dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới vừa qua, nhiều thế hệ luật gia Việt Nam trong đó có các luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, vượt qua nhiều thử thách, phát huy trí tuệ góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Tháng 4 năm 1955, Hội Luật gia Việt Nam chính thức được thành lập. Từ đó đến nay trải qua 8 lần Đại hội, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có 13.000 hội viên thuộc nhiều thế hệ, gồm những luật gia lão thành có nhiều kinh nghiệm quý báu và luật gia trẻ đầy triển vọng, đã hoặc đang công tác tại hầu khắp các cơ quan nhà nước thuộc các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, trên hầu khắp các lĩnh vực, như pháp luật, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta, nhiều luật gia, trí thức đã hoặc đang giữ những cương vị trọng yếu trong hệ thống tổ chức nhà nước, trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vai trò của Hội Luật gia Việt Nam là rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thời kỳ có tính cấp bách phải nhanh chóng nâng cao dân trí về pháp luật để mỗi người dân có đủ điều kiện thực hiện quyền dân chủ của mình.

Trong thời gian qua, Hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tự nguyện hoạt động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền pháp lý và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên nhiều lĩnh vực, Hội đã hoạt động có hiệu quả, tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng của Đảng, các dự án pháp luật của Nhà nước, nhiều dự thảo nghị định của Chính phủ; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, tư vấn pháp luật cho nhân dân đặc biệt là tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo; tham gia hòa giải ở cơ sở, tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; mở rộng giao lưu với các tổ chức và luật gia nước ngoài…

Cống hiến đó của Hội Luật gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc quyết định tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh thành tích của Hội trong thời gian qua.

Trong mấy năm qua, trong bối cảnh đày khó khăn và thử thách, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, sự ổn định chính trị và xã hội được duy trì và củng cố, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.

Bên cạnh đó, trong quản lý đất nước, chúng ta còn tồn tại một số vấn đề bất cập, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm khiến nhân dân và dư luận xã hội lo lắng và không đồng tình. Đó là tình hình tội phạm và những tệ nạn xã hội vẫn phát triển phức tạp; nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, lạm dụng chức quyền xâm phạm quyền dân chủ của dân, nhiều khiếu nại, tố cáo của dân không được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng pháp luật, nên đã dẫn đến những vụ khiếu kiện đông người, những “điểm nóng”. Tai hại hơn là ngay cả trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, không ít những trường hợp có những sai phạm nghiêm trọng về nghiệp vụ hoặc về phẩm chất đạo đức. Việc bắt tạm giữ, tạm giam, công tác điều tra, truy tố còn có những vi phạm; một số vụ án xét xử chưa thật chuẩn xác, chưa thật công minh, chưa theo đúng quy định của pháp luật gây bất bình trong nhân dân; hiện tượng một số luật gia, người am hiểu pháp luật nhất, đáng ra phải gương mẫu trong việc thực hiện pháp luật lại có những vi phạm các quy định của pháp luật… Đó là những hiện tượng không thể chấp nhận được, là nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định chính trị mà các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng để chống phá chế độ, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Nhiệm vụ của toàn dân ta, của Đảng ta, của Nhà nước ta bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có vai trò quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam), là phải kiên quyết khắc phục bằng được tình hình để tiếp tục giữ vững ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển, góp phần xây dựng thành công “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” như Nghị quyết lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã chỉ rõ.

Để quản lý nhà nước bằng pháp luật, Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng ban hành được nhiều luật và pháp lệnh, nhưng còn chưa đồng bộ, không ít văn bản pháp luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế và xã hội trong thời kỳ đổi mới nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn cần sửa đổi. Điều đáng lưu ý là nhiều luật và pháp lệnh sau khi ban hành, việc hướng dẫn thực hiện còn rất chậm. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và ngay trong cán bộ còn làm được ít nên pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống, đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân của việc kỷ cương, phép nước không được tôn trọng, vi phạm và tội phạm phát triển.

Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu lực và hiệu quả, quản lý về kinh tế, xã hội có nhiều mặt sơ hở. Các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án là lực lượng nòng cốt trong việc đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội chưa được xây dựng và củng cố ngang tầm với nhiệm vụ. Chúng ta đang đứng trước yêu cầu bức bách là phải thực hiện có kết quả những yêu cầu cải cách hành chính nói chung và cải cách tư pháp nói riêng đã được đề cập nhiều lần trong các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội.

Trong chế độ ta, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ Nhà nước thông qua hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Do vậy trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội là cộng tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để xây dựng chính quyền, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đi đôi với việc xây dựng, củng cố chính quyền các cấp, Nhà nước phải tạo lập được môi trường pháp lý rõ ràng, ban hành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với đường lối đổi mới, tạo điều kiện cho mọi công dân sống và làm việc theo pháp luật, thục hiện quyền làm chủ của mình. Nhà nước phải tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội, kiểm tra giám sát việc thi hành pháp luật. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật đồng thời coi trọng việc giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa, giữ vững bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh nói trên, Hội Luật gia Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.

Là tổ chức chính trị - xã hội của những người trí thức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội có nhiệm vụ tích cực tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý, xác lập kỷ cương xã hội, đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Để làm tốt nhiệm vụ này, Hội cần tiếp tục mở rộng đội ngũ của mình ở khắp mọi miền của đất nước, không chỉ ở đô thị mà ở mọi địa bàn có điều kiện. Hội cần tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí trong đội ngũ hội viên; kiên trì chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tích cực thực hiện những nhiệm vụ chính trị - xã hội do cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đề ra. Hội cần mở rộng hợp tác với luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện cho luật gia sống ở nước ngoài có cơ hội cống hiến cho Tổ quốc.

Hội cần tận lực phát huy trí tuệ của những luật gia cao tuổi nhiệt tình phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cần coi trọng việc thu hút các luật gia trẻ, góp phần xây dựng đội ngũ luật gia Việt Nam thế kỷ 21. Các hội viên đương chức trong các tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước cần kết hợp tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình với nhiệm vụ hội viên để phát huy hiệu quả hoạt động của Hội.

Hội viên của Hội cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp; giữ gìn phẩm chất trung thực, liêm khiết, trong sáng của luật gia; gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của Nhà nước. Phẩm chất, nhiệt tình, năng lực của đội ngũ hội viên là yếu tố quyết định việc nâng cao hiệu quả hoạt động và uy tín của Hội trong xã hội.

Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ khóa IX của Hội, tôi xin nhấn mạnh Hội cần đặc biệt coi trọng việc tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật là một trong những nội dung chủ yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết của Kỳ họp lần thứ 4 vừa qua của Quốc hội khóa X đã thông qua Chương trình xây dựng pháp luật từ nay đến hết nhiệm kỳ của Quốc hội (năm 2002) phải xây dựng và thông qua 41 dự án luật và 44 dự án pháp lệnh trong đó có 3 bộ luật là Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự; các Luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Giám sát của Quốc hội, Luật Thanh tra, Luật Hải quan, Luật Thi hành án, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều luật và pháp lệnh khác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nặng nề nói trên, tôi đề nghị Hội cần động viên và tổ chức cho các hội viên của Hội và các luật gia nói chung phát huy khả năng và trí tuệ của mình tham gia ngay trong quá trình dự thảo các dự án luật và pháp lệnh. Trung ương Hội cũng có thể căn cứ vào khả năng của mình chủ động đề nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ giao cho Hội chủ trì dự thảo một số dự án luật hoặc pháp lệnh. Ngoài việc tham gia xây dựng pháp luật, Hội cần làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nâng cao dân trí về pháp luật, đồng thời cùng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận giám sát việc thi hành pháp luật trong nhân dân, trước hết trong các cơ quan nhà nước, các cấp, đấu tranh chống và ngăn ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Các Chi hội Hội Luật gia cần tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật trước nhất là tư vấn phổ thông, tư vấn miễn phí cho người nghèo, tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hội cần tiếp tục mở rộng hợp tác với luật gia, tổ chức luật gia các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức luật gia quốc tế; giới thiệu đường lối, chính sách pháp luật nước ta với nước ngoài; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là những luận điệu xuyên tạc vấn đề tôn giáo, nhân quyền để kích động những phần tử xấu phá hoại chính sách đoàn kết, phá hoại chế độ ta; chống những hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia của ta, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.

Trong mọi hoạt động, Hội cần có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tư pháp.

Hội cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở; đa dạng hóa hình thức hoạt động phù hợp với điều kiện của Hội và hoàn cảnh của hội viên, tạo điều kiện cho đông đảo hội viên hoạt động một cách thiết thực; coi trọng việc tổng kết, rút kinh nghiệm; xác định những mô hình hoạt động thích hợp, có hiệu quả.

Hội cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của hội viên, nhất là lợi ích tinh thần của hội viên; chú trọng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cần thiết cho các cấp Hội Luật gia ở địa phương thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho.

Chúng ta sắp kết thúc năm 1998. Trước ngưỡng cửa thế kỷ 21, trong không khí vui mừng, phấn khởi, tin tưởng, tôi mong rằng Đại hội Luật gia Việt Nam lần này từ thực tiễn rút ra được những bài học bổ ích, đạt được những thành tích mới, cao hơn trong nhiệm kỳ tới.

Nhân dịp năm 1999 sắp tới, tôi thân ái chúc các đồng chí đại biểu dự Đại hội, chúc toàn thể hội viên Hội Luật gia, các luật gia của chúng ta sức khỏe dồi dào, hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD