BÀI PHÁT BIỂU
Của đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị,
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương
tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW và sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ khóa XIII Hội Luật gia Việt Nam
(Hà Nội, sáng ngày 12/10/2022)
- Kính thưa đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam,
- Kính thưa các đồng chí chủ trì Hội nghị,
- Thưa các đồng chí,
Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự Hội nghị sơ kết công tác giữa nhiệm kỳ của Hội Luật gia Việt Nam và quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới”. Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, mà còn quán triệt, triển khai Chỉ thị rất quan trọng của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, quyết tâm xây dựng Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi gửi đến các đồng chí đại biểu và toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thưa các đồng chí,
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài. Nhưng, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực cố gắng, đổi mới, sáng tạo, tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các đồng chí đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị, nhất là chuẩn bị Báo cáo rất nghiêm túc, chất lượng tốt. Tại Hội nghị có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sát với tình hình thực tế. Tôi cơ bản tán thành nội dung Báo cáo và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Tôi xin nhấn mạnh và nói thêm một số vấn đề sau đây:
Một là, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được đẩy mạnh, chất lượng được nâng cao, góp phần tích cực vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Nhất là các đồng chí đã tham gia có hiệu quả công tác khảo sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật; tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý kiến phản biện đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Theo báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay các cấp hội đã tham gia ý kiến 64 dự thảo văn bản Luật; tổ chức gần 2.000 hội nghị, tọa đàm; tham gia rà soát, thẩm định hơn 23.700 văn bản; đóng góp hơn 32.500 ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương.
Hai là, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại và hòa giải cơ sở ngày càng hiệu quả, thực chất. Bằng các hoạt động sáng tạo, trách nhiệm, hướng về cơ sở, quan tâm các đối tượng chính sách, người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, các đối tượng là phạm nhân, người sắp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng,…công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của các cấp Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được khẳng định; nhiều tỉnh, thành Hội đã tư vấn giúp chính quyền giải quyết nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thành lập mới và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 128 trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; tư vấn và trợ giúp pháp luật hơn 396.000 vụ việc; tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại hơn 42.300 vụ việc và tham gia hòa giải thành hơn 90.200 vụ việc, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Ba là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước về công tác này. Nhất là, các đồng chí đã đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn pháp luật và hòa giải viên; các cấp Hội đã trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được hơn 33.000 cuộc, gần 2,3 triệu lượt người; phối hợp thực hiện 185.000 cuộc, gần 9,8 triệu lượt người và cấp phát gần 13,3 triệu tờ rơi, tờ gấp pháp luật.
Bốn là, tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát thực hiện pháp luật được tăng cường, góp phần PCTN, tiêu cực. Nhất là Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động xây dựng chuyên đề “Bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân đối với hoạt động tư pháp”, xây dựng Đề án về “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”; thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát tối cao và thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp hội ở địa phương đã tích cực tham gia công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát và phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm là, Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được quan tâm; tích cực tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Sáu là, công tác phát triển tổ chức Hội và hội viên tiếp tục thu được những kết quả tích cực. Trong nữa đầu nhiệm kỳ đã kết nạp 7.200 hội viên, (đạt 103% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ), thành lập mới 56 Hội luật gia quận, huyện, thị xã (đạt 56% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ); chất lượng, tiêu chuẩn hội viên ngày càng được nâng cao. Các mặt công tác khác của Hội Luật gia Việt Nam, như công tác nghiên cứu khoa học, công tác báo chí, xuất bản, thi đua, khen thưởng được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Vị thế, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng được khẳng định, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Thưa các đồng chí,
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội Luật gia chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như Báo cáo đã nêu. Nhất là công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội và hội viên chưa đáp ứng được yêu cầu, tổ chức hội ở cơ sở chưa chặt chẽ, thống nhất; một bộ phận hội viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, tính chủ động và tinh thần trách nhiệm chưa cao. Ở một số nơi phương thức hoạt động chậm được đổi mới, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Do vậy, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí nghiêm túc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế; tập trung thảo luận, phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Cạnh tranh giữa các nước lớn, tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt. Trong nước, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa có nhiều yếu tố thuận lợi rất cơ bản, nhưng 04 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuy có bước tiến dài, đột phá, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định, bền vững của nước ta.
Với tôn chỉ, mục đích là tập hợp, đoàn kết các luật gia, tự nguyện hoạt động nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền tự do dân chủ của Nhân dân, xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Bộ Chính trị, đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội đã đề ra, xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
Một là, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị. Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cùng các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Hội Luật gia Việt Nam cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, trước hết là cho Hội viên Hội Luật gia các cấp. Thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, chuyên môn, nghiệp vụ. Hội viên Hội Luật gia Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, gương mẫu. Hội luôn phải là đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, Điều lệ của Hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhất là, (1) Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức tốt việc đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật theo chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Trước mắt cần tập trung làm tốt việc tham gia ý kiến về xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tổng kết Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại; rà soát, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng, .. Tôi đề nghị Hội Luật gia phối hợp với Ban Nội chính Trung ương để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này; (2) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tham gia công tác tiếp dân, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, hòa giải ở cơ sở. Tăng cường phối hợp với Ủy Ban Trung ương MTTQVN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài ở địa phương; (3) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2027”; (4) Chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng hội thẩm nhân dân; tham gia tư vấn công tác đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng đối với các phạm nhân. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” để góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 6 khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia trong công tác đối ngoại nhân dân. Củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA); mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới. Tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ra nước ngoài, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; vận động luật gia là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý phục vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức các cấp hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, vận động, thu hút và phát triển hội viên; chú trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm để bố trí vào các vị trí chủ chốt của Hội. Rà soát, đánh giá nhu cầu để đề xuất thành lập tổ chức Hội Luật gia ở những bộ, ngành, địa phương có đủ điều kiện, phấn đấu các bộ, ngành ở Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố đều có tổ chức Hội Luật gia. Chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Năm là, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam cần phối hợp với Ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 14- CT/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ, hội viên các cấp. Xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động với lộ trình, bước đi cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.
Ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện để tổ chức Hội Luật gia được củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng cường giao nhiệm vụ cho các cấp hội, thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, khoán kinh phí theo quy định của pháp luật, nghiên cứu chuyển giao những dịch vụ công phù hợp với khả năng của Hội Luật gia; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt hơn nữa để Hội Luật gia Việt Nam thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thưa các đồng chí,
Phát huy truyền thống 67 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ luật gia tận tụy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nhất định Hội Luật gia Việt Nam sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Một lần nữa chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, có nhiều niềm vui mới, khí thế mới và thắng lợi mới!
Xin trân trọng cảm ơn!
- Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về vàng miếngTổng Bí thư yêu cầu xóa bỏ thế độc quyền Nhà nước về thương hiệu vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, nhưng có thể cấp phép cho nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia.
- Dấu ấn mạnh mẽ của Hội Luật gia tỉnh Vĩnh Long trong công tác góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013Hội Luật gia tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận tổng cộng 521 ý kiến góp ý, trong đó có 143 ý kiến từ các cấp Hội và 378 ý kiến từ cá nhân.
- Quốc vương Brunei mong muốn sang thăm Việt Nam trong năm 2025Ngày 27/5, nhân dịp thăm chính thức Malaysia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah.
- Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức LươngĐoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam do đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội dẫn đầu đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
- CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG TRÊN ĐẢO
- HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG
- CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO VÀ TUYÊN BỐ CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM VỀ BIỂN ĐÔNG.
- TƯ LIỆU CŨ VỀ HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
- LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỚI BIỂN ĐẢO VIỆT NAM
- Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến các cấp Hội Luật gia về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
- Mời báo giá dịch vụ xuất bản, in ấn
- Mời báo giá tổ chức hội nghị
- Mời báo giá dịch vụ tổ chức hội nghị
- Mời báo giá dịch vụ xuất bản, in ấn
- Lấy ý kiến Nhân dân về việc xét khen thưởng
Loại | Mua | Bán |
---|---|---|
USD | ||
EUR | ||
AUD |