15:30 18/11/2016 GMT+7
Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tại phiên thảo luận chiều ngày 11/11/2016 về dự án Luật trợ giúp pháp lý.
LTS: Chiều ngày 11/11/2016, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận về Dự án Luật Trợ giúp pháp lý, đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã phát biểu thảo luận về Dự án Luật này. Chúng tôi xin đăng nguyên văn nội dung của bài phát biểu nói trên.

 

 

Trước hết, tôi đánh giá cao việc chuẩn bị dự án luật và đồng tình với nhiều nội dung của tờ trình của Chính Phủ và báo cáo thẩm tra của UBPL.

 

Tôi xin phát biểu về 2 nội dung như sau:

 

1. Về đối tượng được trợ giúp pháp lý.(Điều 7)


Tôi nhất trí cần mở rộng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý như tờ trình của Chính phủ.

 

Tuy nhiên, nội dung của Điều 7 lại chưa thể hiện rõ chủ trương này, mà ngược lại còn thu hẹp đối tượng được trợ giúp. Chúng tôi đề nghị Luật Trợ giúp pháp lý cần luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý đã quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật người khuyết tật (Điểm d, khoản 1, điều 4), Luật phòng, chống mua bán người (khoản 1 điều 36), Luật Trẻ em (điều 30), Luật Người cao tuổi, Nghị định số 14- NĐ/CP năm 2013 của Chính phủ về người bị nhiễm chất độc hóa học, Thông tư liên tịch số 01 năm 2011 của VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, …

 

Với tinh thần đó, đề nghị bỏ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế” và cụm từ “bị buộc tội” trong các điểm b, c, đ, e và g khoản 1 của Điều 7, bởi đây là những “điều kiện” bổ sung không chỉ gây phiền hà cho người được trợ giúp pháp lý, mà còn thu hẹp khá nhiều đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý đã được Quốc hội quyết định trong các luật mới ban hành gần đây.

 


2. Về xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý.


Xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta để huy động đông đảo lực lượng xã hội hỗ trợ những đối tượng yếu thế khi có vấn đề liên quan đến pháp luật.

 

Thời gian qua, sau khi có Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Nghị định 77/2008/NĐ-CP năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đã được triển khai song song từ phía tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước và sự tham gia rộng rãi của các tổ chức chính trị- xã hội (trong đó có HLGVN). Với hơn 60 Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam và HLG các địa phương, trong đó có những trung tâm chuyên sâu (Trung tâm TVPL cho vị thành niên, Trung tâm TVPL cho người bị HIV, v v…)  hằng năm các trung tâm này đã tư vấn, trợ giúp pháp lý bình quân 60-70 nghìn vụ việc với hàng trăm nghìn đối tượng, góp phần nhất định trong việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng.

 

Chúng tôi đồng tình về những quy định của dự thảo luật đã tạo điều kiện để các tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội và HLG các cấp tham gia trong công tác này thông qua việc đăng ký và ký hợp đồng với cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Tuy nhiên, đúng như báo cáo thẩm tra của UBPL  cho rằng dự án luật vẫn chưa có đủ cơ chế để khuyến khích, mặt khác lại giảm mức độ xã hội hóa trợ giúp pháp lý so với luật hiện hành.

 

Do vậy, để thu hút rộng rãi các tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội và các chủ thể khác tham gia vào công tác này, xin đề nghị 4 vấn đề sau:

 

Thứ nhất, dự án luật cần tiếp tục kế thừa Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định cộng tác viên được tham gia trợ giúp pháp lý. Đây là lực lượng đông đảo, có điều kiện tham gia tích cực việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng (thời gian qua đã đóng góp không nhỏ trong công tác này); nếu chúng ta không thu hút lực lượng này tham gia thì đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm trợ giúp pháp lý sẽ quá tải.

 

Để bảo đảm chất lượng trợ giúp pháp lý như tờ trình của Chính phủ thì không giao cộng tác viên tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng mà chỉ nên giao họ thực hiện tư vấn pháp lý hoặc các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

 

Thứ hai, đề nghị bỏ Điểm 3, điều 17 quy định: “tư vấn viên pháp luật có 5 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm tại tổ chức thực hiện tư vấn pháp luật” mới được trợ giúp pháp lý. Quy định điều kiện như vậy là không thực tế, bởi đông đảo tư vấn viên pháp luật của các Trung tâm tư vấn pháp luật đều là những người vốn đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc làm công tác pháp luật nhiều năm, sau khi nghỉ hưu đã đăng ký làm tư vấn viên tại các trung tâm. Họ không chỉ là những chuyên gia giỏi về  lĩnh vực này mà còn rất tâm huyết muốn đóng góp thêm công sức cho xã hội. Do vậy, nếu phải qua 5 năm làm tư vấn mới được tham gia làm trợ giúp pháp lý là không khai thác và huy động đông đảo lực lượng này tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý.

 

Ba là, về các  hình thức trợ giúp pháp lý (khoản 2, điều 26) đề nghị cần tiếp tục kế thừa Điều 27 Luật năm 2006. Ngoài ba hình thức trợ giúp pháp lý như dự án luật đề cập, cần quy định “các hình thức trợ giúp pháp lý khác”, nhất là hình thức “trợ giúp pháp lý lưu động”, như ý kiến của Ủy ban pháp luật quốc hội. Nếu chúng ta mở rộng và phát triển các hình thức trợ giúp pháp lý nêu trên cũng sẽ góp phần hướng tới thực hiện tốt xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý.

 

Bốn là, về Trợ giúp viên pháp lý (điều 18): trợ giúp viên pháp lý là nhân vật trung tâm trong công tác trợ giúp pháp lý. Theo luật hiện hành và dự thảo luật thì Trợ giúp viên pháp lý là một chức danh công chức Nhà nước, chỉ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước mới có. Trong khi dự luật cho phép các Trung tâm Tư vấn của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý thông qua việc ký kết hợp đồng hoặc đăng ký thực hiện việc trợ giúp pháp lý, nhưng lại không cho phép các Trung tâm này có Trợ giúp viên pháp lý. Do vậy, xin đề nghị luật nên có quy định mở, cho phép các Trung tâm Tư vấn pháp luật của các tổ chức xã hội được thu hút đội ngũ trợ giúp viên pháp lý để chúng ta vừa có đội ngũ trợ giúp viên pháp lý nhà nước vừa có trợ giúp viên pháp lý tư, tham gia công tác này  Nếu chúng ta quy định mở như vậy sẽ là hướng đi đúng trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả (cũng như công chứng viên nhà nước và công chứng viên tư,…..).

 

Xin cảm ơn Quốc hội!

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD