16:36 11/08/2014 GMT+7
Bài phát biểu của Đồng chí Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội lần thứ X Hội Luật gia Việt Nam

HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM GÓP PHẦN XÂY DỰNG THÀNH CÔNG

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

 

(Bài phát biểu của Đồng chí Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị,

Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội lần thứ X Hội Luật gia Việt Nam)

          Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ X, khai mạc vào thời điểm cử tri cả nước đang hăng hái tham gia chuẩn bị tiến tới ngày bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp vào ngày 25 tháng 4 sắp tới; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hướng về ngày kỉ niệm lần thứ 50 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; Hội Luật gia chúng ta cũng có sự kiện trọng đại kỉ niệm 50 năm ngày thành lập, trong không khí đó, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội với các đồng chí. Trước tiên, tôi thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu đại diện cho các hội viên Hội luật gia khắp mọi miền của đất nước về dự Đại hội và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

          Tôi rất phấn khởi trước những thành tích mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện Chỉ thị số 56/CT-TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam” và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 9/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam”, các cấp Hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Hội.

          Tổ chức của Hội đã mở rộng ra cả nước theo mô hình bốn cấp từ Trung ương đến cơ sở, thu hút đông đảo luật gia tham gia. Các cấp Hội đã phát huy trí tuệ và kinh nghiệm nghề nghiệp của hội viên góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân với nhiều hình thức hoạt động thiết thực, cụ thể; đặc biệt là hoạt động tham gia xây dựng pháp luật. Trung ương Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho, chủ trì xây dựng dự án Pháp lệnh Trọng tài Thương mại, một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng góp phần thiết thực vào việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, phục vụ yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/2/2003, có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2003. Trung ương Hội và các cấp Hội ở địa phương đã góp nhiều ý kiến vào các dự án luật, dự án pháp lệnh của Quốc hội cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa X và nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, trong đó có những dự án luật rất quan trọng như dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước (như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân), Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), một số dự thảo nghị định của Chính phủ.

          Các Tỉnh hội, Thành hội ngoài việc tham gia ý kiến các dự án luật theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân, đã tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của chính quyền địa phương. Một số Tỉnh, Thành hội còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hoặc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh nghiên cứu xây dựng các đề tài khoa học phục vụ việc thi hành pháp luật ở địa phương, được chính quyền địa phương đánh giá cao và áp dụng vào đời sống xã hội.

          Đi đôi với việc tham gia xây dựng pháp luật, các cấp Hội đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với những hình thức phong phú, đa dạng, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Các cấp Hội đã coi trọng công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nhân dân, đặc biệt tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngoài ra các hội viên Hội luật gia còn tham gia tích cực vào công tác hòa giải ở cơ sở, tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp.

          Thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, Hội đã mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các tổ chức và cá nhân luật gia trên thế giới và khu vực, tích cực giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta, những thành tựu của Việt Nam trong quá trình đổi mới, phê phán những luận điệu vu cáo nước ta vi phạm nhân quyền, dân chủ, đàn áp tôn giáo, dân tộc. Những việc làm đó đã góp phần phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

          Với những kết quả hoạt động nói trên, Hội luật gia Việt Nam đã góp phần với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện những nhiệm vụ do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và thứ IX đề ra, nhất là nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

          Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh những thành tích của Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

          Vừa qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã họp Hội nghị lần thứ 9 kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa IX, ra Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Nghị quyết chỉ rõ: Từ sau Đại hội lần thứ IX của Đảng, tình hình chính trị thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, kinh tế khu vực và thế giới hồi phục chậm, dịch bệnh SARS … tác động tiêu cực nhất định đến nước ta. Trong nước, mặc dù công cuộc đổi mới đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, yếu kém. Trong bối cảnh đó, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, chúng ta đã giành được những thắng lợi quan trọng.

          Kinh tế tăng trưởng khá nhanh và toàn diện, năm sau cao hơn năm trước. Nền kinh tế nước ta vừa giữ vững độc lập, tự chủ, vừa chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực xã hội như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc người có công với nước, phát triển các sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm để phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết công bằng xã hội.

          Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được chăm lo, dân chủ trong xã hội được mở rộng. Lòng tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới, đối với chế độ, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và sự đồng thuận trong xã hội tiếp tục được củng cố. Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng tiếp tục được coi trọng và quan tâm chỉ đạo nên đã đạt một số kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

          Bên cạnh những thành tựu và tiến bộ, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội cũng còn một số yếu kém, khuyết điểm. Kinh tế tăng khá nhưng chưa đạt nhịp độ tăng trưởng mà Đại hội đề ra, chưa tương xứng với mức tăng đầu tư và tiềm năng của nền kinh tế. Chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển kinh tế còn thấp. Thất thoát, lãng phí trong quản lý kinh tế đặc biệt trong quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu ngân sách nhà nước còn rất nghiêm trọng. Chúng ta chưa tận dụng được lợi thế về ổn định chính trị - xã hội để thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư nước ngoài.

          Trong lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, chậm được giải quyết như thiếu việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là nhân dân ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện đáng kể, các gia đình nghèo còn khó khăn về chữa bệnh và học hành; chất lượng giáo dục thấp; tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS và tình trạng phạm tội chưa được ngăn chặn có hiệu quả, tai nạn giao thông còn nhiều. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc cải cách hành chính chưa tạo được chuyển biến cơ bản. Điều làm cho nhân dân còn nhiều bất bình, lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn rất nghiêm trọng; kỷ cương phép nước trong nhiều việc, nhiều lúc chưa nghiêm. Nghiêm trọng hơn là ngay trong đội ngũ cán bộ công chức của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng còn hiện tượng vi phạm pháp luật và sa sút về phẩm chất đạo đức, thậm chí cá biệt có những trường hợp phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, dẫn đến oan sai, gây bất bình trong nhân dân.

          Trước tình hình trên, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và toàn dân là phải kiên quyết đấu tranh khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trên đây, củng cố xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh để tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Để quản lý Nhà nước bằng pháp luật, sau gần 20 năm đổi mới, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều luật và pháp lệnh góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đất nước, nhưng cho đến nay hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, không ít luật, pháp lệnh sau khi ban hành phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, làm cho pháp luật chậm phát huy hiệu quả, thậm chí không đi vào cuộc sống, tạo ra tâm lý trông chờ thụ động ở cơ sở: chờ văn bản hướng dẫn, không chủ động tổ chức thực hiện ngay sau khi được ban hành.

          Không ít văn bản pháp luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, có nhiều văn bản chồng chéo mâu thuẫn. Có thể nói, hạ tầng cơ sở của chúng ta yếu kém như thế nào thì hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật của chúng ta cũng còn yếu kém như thế, có mặt còn yếu kém hơn. Chúng ta cần hiểu sâu sắc về mối quan hệ biện chứng này, để có quyết tâm đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần tác động tích cực của thượng tầng kiến trúc đối với hạ tầng cơ sở.

          Trong thời gian tới (từ nay đến 2010 và những năm tiếp theo) phải tập trung mọi nguồn lực, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, phấn đấu xây dựng một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, cao về chất lượng. Hệ thống pháp luật phải tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định, có tính khả thi cao, bảo đảm phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật là công cụ chủ yếu, mạnh mẽ để quản lý xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ, của công dân, đáp ứng yêu cầu của hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.

          Đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phải thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của pháp luật. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành pháp luật trong thói quen, lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức và mọi người dân. Thực thi nguyên tắc: cơ quan, công chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; Tổ chức, các nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, theo quy định tại Điều 16 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), tiến tới cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.

          Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước gọn nhẹ, trong sạch có hiệu lực và hiệu quả trong điều hành và quản lý nhà nước. Kiên quyết xử lý, loại trừ ra khỏi bộ máy nhà nước những phần tử thoái hóa, biến chất, tham nhũng, vi phạm pháp luật, xây dựng đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, có đạo đức trong sạch, tận tụy với công việc, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới.

          Đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị mà trọng tâm là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh. Tiến hành tập huấn cho cán bộ các cơ quan tư pháp, trọng tâm là những cán bộ tiến hành tố tụng, quán triệt những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới sửa đổi, bảo đảm công tác bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt là thực hành tranh tụng dân chủ tại phiên toàn đúng pháp luật, không làm oan người vô tội. Nghiêm chỉnh thực hiện cơ chế bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra theo Nghị quyết 388/NQ-UBTVQH ngày 17/3/2003 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội.

Trước tình hình nhiệm vụ nói trên, Hội Luật gia Việt Nam cần động viên toàn thể hội viên thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết của Đại hội, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý, xác lập kỷ cương xã hội.

Về phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ khóa X của Hội, tôi xin nhấn mạnh thêm một số điểm:

Hội cần huy động đông đảo luật gia phát huy trí tuệ, kinh nghiệm nghề nghiệp, nâng cao chất lượng tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội. Trước mắt, cần tham gia dự án Bộ luật Tố tụng Dân sự là Bộ luật lớn, rất quan trọng, có quan hệ đến mọi người dân mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua trong kỳ họp tới và một số dự án luật quan trọng khác thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội từ nay đến hết nhiệm kỳ như Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Thi hành án, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại (sửa đổi), Luật phá sản doanh nghiệp (sửa đổi) v.v…

Cùng với việc tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật, Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, Hội Luật gia cần huy động lực lượng hùng hậu của mình tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, coi đó là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của Hội Luật gia và là một trong những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước, được Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Các cấp Hội địa phương cần tổ chức nghiên cứu quán triệt Nghị định số 65/NĐ-CP ngày 16/6/2003 của Chính phủ về tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật, xây dựng, củng cố các trung tâm hoặc văn phòng tư vấn pháp luật theo quy định của Nghị định, chú ý cử Tư vấn viên đúng tiêu chuẩn, quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực và đạo đức của Tư vấn viên, phát huy hiệu quả hoạt động của tư vấn pháp luật trong việc nâng cao ý thức pháp luật, giúp công dân hình thành thói quen ứng xử theo phát luật trong các quan hệ đời sống hàng ngày. Mở rộng hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước, Hội cần tiếp tục mở rộng hợp tác, giao lưu với các tổ chức luật gia quốc tế và khu vực, giới thiệu chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ta, phối hợp đấu tranh chống lại các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, vu khống,can thiệt vào công cuộc nội bộ của nước ta; trao đổi tìm hiểu pháp luật quốc tế nâng cao kiến thức, góp phần phục vụ hội nhập và gia nhập tổ chức thương mại thế giới.

Để hoàn thành được nhiệm vụ của Hội, phát huy hiệu quả các mặt hoạt động của Hội, các cấp lãnh đạo của Hội cần thường xuyên quan tâm đến việc củng cố, xây dựng tổ chức Hội, đặc biệt là thông qua các kỳ Đại hội. Mỗi hội viên cần tiếp tục nâng cao ý thức tự nguyện tham gia các hoạt động của hội viên, tích cực học tập rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, các cấp hội cần quan tâm đến lợi ích hợp pháp của hội viên làm cho hội viên ngày càng gắn bó với hội.

Để phát huy hiệu quả của Hội Luật gia Việt Nam, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với Hội Luật gia các cấp theo tinh thần của Chỉ thị 56/CT-TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị; các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ Hội Luật gia hoạt động theo tinh thần của Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 9/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2004 – 2005, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ tổ chức lễ kỷ niệm những ngày lễ lớn. Đối với Hội Luật gia, có sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam, với không khí vui mừng, phấn khởi đó, tôi tin tưởng rằng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ X sẽ thành công tốt đẹp.

Tôi thân ái chúc các vị khách quý, chúc các đại biểu dự Đại hội và toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam dồi dào sức khỏe, đạt nhiều thắng lợi trong công tác, nhiều hạnh phúc trong cuộc sống.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD