17:12 16/01/2017 GMT+7
10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM NĂM 2016

 

1. Tham gia tích cực vào cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

  1. Hội nghị Cử tri giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV được tổ chức tại Cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam


Năm 2016 là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, với vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp rộng lớn của giới luật gia cả nước, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp Hội Luật gia từ Trung ương Hội đến địa phương đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật có liên quan: Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đến toàn thể hội viên và các tầng lớp nhân dân.

 

Trung ương Hội và các cấp Hội đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào các Hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc chủ trì, tham gia giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, tham gia hoạt động giám sát thực hiện luật bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Đáng chú ý là, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử nói trên, nhiều hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Kết quả, có 55 luật gia trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trong đó có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền và 1283 luật gia trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

 

2.Công bố Báo cáo Chỉ số Công lý năm 2015

Hội thảo công bố Chỉ số Công lý tại Hà Nội


Chỉ số công lý là công cụ đo lường hiệu quả hoạt động tư pháp trong việc bảo đảm tiếp cận công lý, bình đẳng và bảo vệ quyền của người dân dựa trên phản hồi từ trải nghiệm và quan sát thực tiễn của người dân về hoạt động của hệ thống công quyền do Hội Luật gia Việt Nam đề xuất sáng kiến và được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ thực hiện. Chỉ số công lý được công bố lần đầu vào năm 2013 với quy mô khảo sát được triển khai trên 21 tỉnh, thành phố; sau đó quy mô được mở rộng trên phạm vi toàn quốc và kết quả khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá được tổng hợp,thể hiện trong Báo cáo Chỉ số Công lý năm 2015. Báo cáo Chỉ số Công lý 2015 kết quả quá trình hợp tác từ năm 2010 giữa Hội Luật gia Việt Nam (VLA) với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

 

Trong các ngày 16/6/2016, tại Hà Nội, 19/7/2016, tại Huế và ngày 21/7 tại Vũng Tàu, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Chỉ số Công lý 2015. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan tư pháp, lãnh đạo Hội Luật gia các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện của một số cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình. Tại Hội thảo, Báo cáo Chỉ số Công lý 2015 đã được công bố để các đại biểu thảo luận và góp ý kiến cho việc hoàn thiện Báo cáo. Trên cơ sở đó, Báo cáo Chỉ số công lý năm 2015 đã được gửi đến các cơ quan hữu quan và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Mục tiêu xây dựng Chỉ số Công lý là: Cung cấp dữ liệu đáng tin cậy, được tổng hợp từ ý kiến khách quan và độc lập của người dân thông qua những trải nghiệm và cảm nhận của họ, tới các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để phân tích, đánh giá và giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp trong bảo đảm tiếp cận công lý, bình đẳng và bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, nhất là những người yếu thế; tạo điều kiện cho việc phân tích và so sánh tương đối về hiệu quả quản lý và thi hành pháp luật hướng tới xây dựng một nền tư pháp vì dân ở các địa phương; và, cung cấp một công cụ đánh giá tiến độ và tác động của cải các tư pháp tới việc bảo đảm tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của người dân trên thực tế. Chỉ số công lý có cấu trúc gồm: 4 trục nội dung là: Tiếp cận công lý, Công bằng và bình đẳng, Thi hành pháp luật và Quyền cơ bản; 16 tổ hợp thành phần và 140 tập hợp các biến số (là kết quả phân tích thống kê được tính toán dựa trên các thông tin thu thập được từ phỏng vấn trực tiếp người dân), có thể xem chi tiết trên trang  http://chisocongly.vn/.

 

3. Thành lập Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam  


Các Trọng tài của Trung tâm Trọng tài thương mại Hội Luật gia Việt Nam và lãnh đạo Hội


Sáng ngày 21 tháng 4 năm 2016, tại Trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Thương mại luật gia Việt Nam (Tên viết tắt bằng tiếng Anh là VLCAC).Đây là một tổ chức phi chính phủ, độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuậnđược thành lập theo sáng kiến của Hội Luật gia Việt Nam và Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. VLCAC có 58 Trọng tài viên là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp, với mục tiêu xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tin cậy, khách quan, công bằng, thuận lợi và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.

 

Phát biểu tại Lễ ra mắt, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nêu rõ,thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại trên thế giới cho thấy, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên. Trước nhu cầu thực tiễn đó, việc thành lập VLCAC có ý nghĩa rất to lớn.

 

Sau buổi Lễ ra mắt, Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam đã tiến hành thông qua quy chế hoạt động của Ban Điều hành, Ban Thư ký; tổ chức một số lớp tập huấn nghiệp vụ cho các trọng tài viên và thư ký của Trung tâm; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động của VLCAC đi vào hoạt động có hiệu quả trong năm 2017 theo đúng tôn chỉ, mục đích, nội dung và nguyên tắc được quy định trong Điều lệ của VLCAC.

 

4. Tổ chức trao giải thưởng “Luật gia vì cộng đồng” lần thứ nhất, năm 2016

Đại diện các Luật gia được nhận giải thưởng “Luật gia vì cộng đồng”


Nhằm kịp thời ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những Luật gia có nhiều thành tích và cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp phát triển của Hội và cho cộng đồng, Đảng đoàn và Ban Thường vụ Trung ương Hội thống nhất chủ trương thành lập giải “Luật gia vì cộng đồng” để chọn lựa, công nhận và tôn vinh, động viên, khuyến khích những nhân tố Luật gia điển hình, tiên tiến có những đóng góp xứng đáng cho Hội và cộng đồng. Giải thưởng sẽ được thực hiện hàng năm, Báo Đời sống và Pháp luật được giao là cơ quan thường trực giải.

 

Tất cả hội viên của Hội luật gia Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn theo quy định đều có thể được bình chọn để trao giải. Việc xét giải thưởng được xem xét một cách toàn diện theo các tiêu chí cơ bản là: Luật gia có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt, luôn chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội luật gia Việt Nam; tích cực tham gia công tác Hội, có thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Hội luật gia Việt Nam; có sáng kiến và thành tích trong tổ chức và thực hiện các hoạt động cụ thể có tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc, hướng tới cộng đồng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội luật gia Việt Nam;có thành tích và đóng góp trong một quá trình, một năm công tác hoặc có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động của Hội, hướng tới cộng đồng.

 

Thực hiện chủ trương nói trên, trong năm 2016, Báo Đời sống & Pháp luật, Báo Điện tử Người Đưa tin phối hợp với Văn phòng và các Ban chuyên môn của Trung ương Hội tổ chức chương trình giải thưởng. Sau một năm thực hiện, Ban tổ chức đã nhận được 62 hồ sơ đề cử tham dự giải từ Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, chi hội trực thuộc Trung ương Hội. Qua phân tích hồ sơ dự giải thưởng và bình chọn, cho thấy có rất nhiều luật gia có nhiều thành tích và cống hiến xuất sắc, xứng đáng được trao giải, trong đó có những Luật gia đã có quá trình từ 15 đến 20 năm liên tục cống hiến cho Hội và cho cộng đồng, cũng có những luật gia tương đối trẻ, nhưng đã có những thành tích xuất sắc, có những thành tích đột xuất, kịp thời, dũng cảm phát hiện và đấu tranh chống tiêu cực,bảo vệ công lý, bảo vệ cộng đồng. Hội đồng xét thưởng đã làm việc dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm, bám sát các tiêu chuẩn đề ra, đồng thời có tính đến sự hài hoà dân giữa các thế hệ luật gia, giữa các vùng miền và về giới. Kết quả, Hội đồng đã chọn được 15 luật gia có đủ các tiêu chuẩn, có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp, cho sự phát triển của Hội và cho cộng đồng để trao giải “Luật gia vì cộng đồng” lần thứ nhất năm 2016.

 

Ngày 20/12/2016, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ trao giải “Luật gia vì cộng đồng” lần thứ nhất năm 2016 cho các Luật gia nói trên và phát động phong trào cho giải thưởng lần thứ hai năm 2017.

 

5. Tổng kết thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016”

Hội thảo Xã hội hóa công tác PBGDPL và TGPL giai đoạn 2013 – 2016 tại Lào Cai


Thực hiện Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam được giao chủ trì thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016”. Đây là Đề án mới, lần đầu tiên được triển khai nhằm xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn và tìm kiếm giải pháp đẩy mạnh thực hiện chủ trươngcủa Đảng và Nhà nước về xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/ 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Trợ giúp pháp lý. Tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý, cung cấp kịp thời, đầy đủ, có chất lượng dịch vụ công về PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho người dân trên cơ sở phát huy vai trò của luật gia và Hội Luật gia các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân khác nhằm đáp ứng nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân, góp phần tăng cường hiệu quả thực thi công vụ và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.

 

Sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện,các nhiệm vụ được củaĐề án đã được triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả,theo đúng tiến độ vàkế hoạch đề ra. Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần thiết thực vào việc hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn về xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL; nâng cao nhận thức của về xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL, về vai trò của các cơ quan nhà nước,các tổ chức xã hội, nhất là của các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong thực hiện xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL. Để mở rộng và nâng cao chất lượng xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL thì cần thiết phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực, thực hiện đa dạng hoá chủ thể thực hiện, đa dạng hoá dịch vụ, đối tượng phục vụ; có mô hình, phương thức tổ chức và hoạt động phù hợp; có chính sách ưu đãi, động viên, khuyến khíchvà tôn vinh những tổ chức và cá nhân tham gia tích cực và có nhiều đóng góp trong thực hiện xã hội hoá công tác PBGDPL và TGPL…

 

Từ kết quả thực hiện Đề án, Hội Luật gia Việt Nam đã xây dựng “Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016”.Báo cáo đã được công bố tại Hội thảo được tổ chức tại Ninh Thuận ngày 8/12/2016 và tại Lao Cai, ngày 24/11/2016 để các đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành Hội thảo luận, phân tích và góp ý kiến. Đến nay, Báo cáo đã hoàn thiện và đã được gửi đến Bộ Tư Pháp để tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ.  

 

6.Tham gia tích cực và có hiệu quả vào xây dựng chính sách, pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật 

Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) và dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi


Trong năm 2016, Hội luật gia Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Cùng với việc tiếp tục kiện toàn Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội đã chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, thu hút nhiều luật gia, chuyên gia có trình độ cao, có uy tín và kinh nghiệm để tham gia các hoạt động về xây dựng chính sách, pháp luật do Hội tổ chức. Các đại diện của Hội tiếp tục tham gia tích cực và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các ban soạn thảo, tổ biên tập của các dự án Luật và các văn bản pháp luật quan trọng.

 

Năm 2016, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức được 25 cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như: Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật về Hội; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Bồi thường nhà nước…Trong năm, các cấp hội cũng đã tổ chức được 458 hội nghị, đóng góp gần 8000 lượt ý kiến góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương. Chất lượng các văn bản góp ý do Hội Luật gia Việt Nam được các cơ quan chủ trì soạn thảo, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan khác đánh giá cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật.

 

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Hội Luật gia Việt Nam,thực hiện Công văn số 98/BTP-PBGDPL ngày 12/01/2016 của Bộ Tư pháp về việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Hội đã triển khai tốt việc tuyên truyền, phổ biến Luật trưng cầu ý dân, đạo luật do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì xây dựng; Biên tập và in cuốn Sổ tay hỏi đáp về Luật Trưng cầu ý dân; tổ chức 03 cuộc Tập huấn Luật Trưng cầu ý dân cho 63 tỉnh, thành Hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội để giới thiệu các nội dung quan trọng của Luật (do Tổ chức Action Aid Việt Nam Tài trợ). Đồng thời, Hội đã cử cán bộ giới thiệu nội dung cơ bản của  Luật trưng cầu ý dân tại Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức định kỳ vào tháng 7/2016 và các hội nghị khác.

 

7. Phối hợp Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “ Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Biển Đông (UNCLOS) 1982”

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề: “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982” tại TP Hồ Chí Minh.


Ngày 23 tháng 7 năm 2016, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Đại học Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông với chủ đề: Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982tại TP Hồ Chí Minh.

 

Hội thảo đã thu hút hơn 270 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Qua 3 phiên làm việc có12tham luận của các chuyên gia được trình bày và rất nhiều ý kiến của các học giả trong nước và quốc tế phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Các đại biểu đã đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ các khía cạnh pháp lý có liên quan theo ba chủ đề lớn: Một là,tổng quan về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS; Hai là,giải quyết tranh chấp bằng thủ tục trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS; Ba là,ảnh hưởng, tác động của vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

 

Qua hội thảo này, các đại biểu đã làm sáng tỏ vị trí pháp lý, bản chất, vai trò, thủ tục giải quyết tranh chấp; giá trị pháp lý và tác động về chính trị, của phán quyết trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 UNCLOS 1982. Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, sẽ không có một quốc gia nào tự ý đặt ra những luật lệ riêng cho mình. Việc xác lập chủ quyền và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế.Việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các thủ tục tài phán theo quy định của UNCLOS là biện pháp văn minh, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Khi các bên tranh chấp không thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình thì lựa chọn thủ tục tài phán để giải quyết là cần thiết, công bằng và khách quan.Thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 là một trong những biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS 1982 đang được nhiều quốc gia lựa chọn bởi tính linh hoạt và mềm dẻo của nó. Chính vì vậy, nghiên cứu các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp này là hết sức cần thiết đối với Việt Nam và các quốc gia khác trong bối cảnh quốc tế hiện nay.Trên cơ sở của việc phân tích những khía cạnh pháp lý, có so sánh các phương thức giải quyết khác nhau, từ một vụ việc có liên quan đến Philippines và Trung Quốc, chúng ta cũng có thể rút ra những cái gì đó cho Việt Nam có thể tham khảo.

 

8. Đăng cai tổ chức Hội nghị hội đồng điều hành ALA lần thứ 38

Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch ALA quốc gia Việt Nam tuyên thệ nhậm chức tại Hội nghị hội đồng điều hành ALA lần thứ 38


Ngày 02 tháng 4 năm 2016, Hội Luật gia Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng điều hành lần thứ 38 Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tham dự Hội nghị có 8/10 quốc gia thành viên ALA, gồm Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Lào, Phi-líp-pin, Sing-ga-po, Thái Lan và Việt Nam với tổng số 257 đại biểu tham dự, trong đó có 187 đại biểu quốc tế và 70 đại biểu trong nước. Hội nghị nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ, sự hợp tác gắn bó và sự hiểu biết lẫn nhau trong giới luật gia các nước ASEAN; thảo luận, tìm ra cách thức phù hợp thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho cộng đồng ASEAN, góp phần bảo đảm một khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác trong khu vực ASEAN.

 

Các nước thành viên ALA tham dự đều đánh giá cao ALA Việt Nam về công tác chuẩn bị cho Hội nghị, cũng như trân trọng sự đón tiếp trọng thị, chu đáo của nước chủ nhà dành cho các đoàn đại biểu. Đặc biệt, Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Tổng thư ký ALA đề nghị tặng thưởng Huy chương của ALA cho Hội về thành tích tổ chức Hội nghị.

 

9. Tham dự hội nghị COLAP VI tại Nê-pan, tham gia thành lập Hiệp hội Luật gia Châu Á Thái Bình Dương; tham dự kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), 50 năm thông qua 2 công ước về quyền con người

Các đại biểu tham dự Hội nghị COLAP VI


Trong năm 2016, với trách nhiệm của một thành viên tích cực và phát huy sự ủng hộ của IADL đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức đoàn tham dự hai sự kiện quan trọng do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) đăng cai tổ chức.

 

Tại Hội nghị luật gia Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 (COLAP 6) được tổ chức tại Nê-pan ngày 16-19/6/2016 với chủ đề bao trùm là “Thách thức đối với các quyền hòa bình, dân chủ, phát triển kinh tế và quyền con người”, Hội Luật gia đã trình bày tham luận về “Giải quyết tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình và việc áp dụng Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển”. Bài phát biểu của Hội được nhiều đại biểu đánh giá rất cao. Hội nghị COLAP 6 cũng đã thông qua việc thành lập Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương và Điều lệ của Hiệp hội. Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội. Đặc biệt, Hội nghị COLAP 6 đã thống nhất ra tuyên bố chung, trong đó có nội dung về Biển Đông do Hội Luật gia Việt Nam đề nghị.

 

Trong năm 2016, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã tham dự Hội nghị kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội thảo “Các công ước của Liên hiệp quốc về quyền con người được thông qua ngày 16/12/2016 - Ý nghĩa lịch sử; Tác động chính trị và pháp lý và Tương lai” nhân dịp 50 năm ngày Liên Hợp Quốc thông qua Công ướcquốc tế về quyền con người (Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) được tổ chức tại Bồ Đào Nha ngày 10-12/11/2016.Tại Hội nghị và Hội thảo nói trên, đại diện của Hội Luật gia Việt Nam đã trình bày hai bài tham luận với chủ đề:“Hội luật gia dân chủ quốc tế - Sứ mệnh, những mục tiêu cao cả và sự hỗ trợ của IADL đối với việt nam” “Các công ước quốc tế về quyền con người và việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”. Cũng tại Hội nghị này, các thành viên Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương đã thảo luận về nội dung Hội nghị về Biển Đông do IADL dự kiến tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 1 năm 2017, trong đó bao gồm nội dung Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc theo đề nghị của Hội Luật gia Việt Nam.

 

10. Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt

Đồng chí Vũ Thế Lân, Trưởng đoàn công tác tặng quà cho các hộ dân tại xã Đức Hóa


Trong tháng 10 năm 2016, mưa lũ đã làm cho nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung ngập chìm trong biển nước, gây thiệt hại rất nghiệm trọng về người và tài sản của người dân tại các tỉnh trong khu vực này. Phát huy truyền thống tốt đẹp: “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, ngày 20/10/2016, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH phát triển công nghệ CFTD tổ chức phát động chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào trong vùng lũ lụt, nhằm góp phần giúp đồng bào giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Sau ba ngày phát động, chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của tuyệt đại đa số cán bộ, chuyên viên, người lao động của cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; Cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo Đời Sống và pháp luật (trong đó có cơ quan đại diện tại miền Trung), Báo điện tử Người Đưa Tin cùng nhiều đơn vị khác là những đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; Cán bộ, nhân viên công ty CFTD. Tổng số tiền thu được là 160 triệu đồng, 100kg gạo, 50 thùng mỳ tôm và một số hiện vật khác. Ngay sau đó, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và công ty CFTD, Báo Đời sống và pháp luậtđã cử đoàn công tác do Luật gia Vũ Thế Lân, Ủy viên BCH, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội làm trưởng đoàn đến các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất ở các xã: Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa; Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Đức Hương, Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi suất quà 1000.000 đồng tiền mặt. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và đông đảo người dân ở những nơi đoàn đến đã bày tỏ xúc động trước việc làm nghĩa tình của Hội Luật gia Việt Nam và công ty CFTD./.

Giá vàng
LoạiMua Bán
USD
EUR
AUD